Ngày 9/10/24, TTO đưa tin “Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa công bố kết quả kiểm tra, rà soát điểm bài thi của thí sinh C.T.H., hội đồng thi Trường THPT Lê Hồng Phong”.
Kết quả kiểm tra, so sánh điểm bài thi của thí sinh C.T.H.: môn toán, điểm trên phiếu chấm là 4,5; điểm trên bài thi 4,5; điểm trên bảng điểm 8,0. Môn ngữ văn: điểm trên phiếu chấm 6,5; điểm trên bài thi 6,5; điểm trên bảng điểm 8,5. Môn tiếng Anh: điểm trên phiếu chấm 2,4; điểm trên bài thi 2,4; điểm trên bảng điểm 6,4.
Thành viên hồi phách, lên điểm tại hội đồng thi Trường trung học phổ thông (THPT) Lê Hồng Phong gồm cán bộ đọc điểm Ngô Thị Tuyết, cán bộ kiểm soát đọc Vũ Thị Thủy, cán bộ ghi điểm Ngô Thị Trang, cán bộ kiểm soát ghi Trần Thị Tư, đều là giáo viên Trường THPT Ngọc Lặc.
Làm việc với Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, ông Vũ Ngọc Liêm và các thành viên trong tổ hồi phách, lên điểm nhận trách nhiệm trong quá trình làm việc, do áp lực công việc, mất tập trung nên để xảy ra việc ghi nhầm điểm của thí sinh C.T.H.
Các thành viên khẳng định việc ghi nhầm điểm của thí sinh H. hoàn toàn không cố ý. Sự nhầm khó hiểu. Một, hai điểm còn nghe được. Nhầm, có thể lên hoặc xuống. Đằng này, toàn nhầm lên; từ thủ khoa thành trượt, chưa từng nghe. Xử lý nhẹ tênh, một người bị "khiển trách", bốn người "rút kinh nghiệm".
Ai giải quyết hậu quả những sang chấn tâm lý cho nạn nhân, gia đình, có khi cả dòng họ. Cứ cho là nhầm thật, chứ không phải tiêu cực, cũng không thể rút kinh nghiệm như đi chợ mua cá, mua rau. Xử lý kiểu này, sẽ còn nhầm dài dài. Đã có trường hợp nhầm người chưa tốt nghiệp phổ thông thành tiến sĩ tài năng mà báo chí từng phanh phui và có vẻ cũng đang rút kinh nghiệm?
Cùng ngày 09/10, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng về việc khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan thông tin báo chí nêu sinh viên phản ánh phải ăn cơm canh thừa, có "dị vật". Trước đó, mạng xã hội tràn ngập thông tin chất lượng bữa ăn sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các cơ quan và địa phương có liên quan khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cho học sinh, sinh viên; không để tái diễn trường hợp tương tự.
Thông tin từ Chuyển động 24h - VTV24 cho biết đường dây nóng chương trình liên tục nhận phản ảnh của nhiều sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội về chất lượng bữa ăn trong 2 tuần học giáo dục quốc phòng. Ngoài cơm và canh bị quay vòng, bữa trước ăn thừa dùng cho bữa sau, các sinh viên còn phát hiện nhiều dị vật bất thường trong thức ăn; trứng luộc bị "thối"; thức ăn có cả ruồi, phân chuột...; dù giá các bữa sáng là 15.000 đồng, bữa trưa và tối là 30.000 đồng/ phần.
PGS.TS Huỳnh Đăng Chính – Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết nhà trường đã tổ chức gặp gỡ sinh viên nắm bắt thông tin, đưa ra một số quyết định quan trọng, như rút kinh nghiệm tất cả các khâu liên quan; dứt khoát dừng đơn vị cung cấp dịch vụ suất ăn cho sinh viên học quốc phòng an ninh; giao phòng công tác sinh viên giám sát toàn bộ hoạt động liên quan đến bữa ăn của sinh viên, chủ động nắm bắt phản hồi của các em".
Ô là là, lại rút kinh nghiệm. Sao chỉ dừng mà không xử phạt vì vi phạm hợp đồng? Chuyện "nhỏ hơn con thỏ”, mà cũng gọi là quan trọng, phải đợi Phó Thủ tướng chỉ đạo. Có người đề nghị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng và Hiệu trưởng luôn, vừa tiết kiệm biên chế, ngân sách, vừa giải quyết công việc trực tiếp, nhanh gọn vì không phải qua các trung gian?
Ngày 11/10/24, dư luận và mạng xã hội lại dậy sóng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Luật Giáo dục với đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác. Bị chất vấn, Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục Vũ Minh Đức cho rằng đề xuất này nhằm tôn vinh và ghi nhận, chứ không phải hỗ trợ vì khó khăn.
Cùng nội dung truy vấn (TTO ngày 11/10); ông Đức lại biện minh “Phần lớn nhà giáo đang hưởng mức thu nhập rất thấp; từ 6,8 đến dưới 10 triệu đồng/tháng; dù lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Đặc thù nghề giáo nhiều áp lực, thời gian lao động căng thẳng, làm việc trong môi trường khắc nghiệt, thậm chí nguy hiểm; thiếu thốn, tổn thất tinh thần rất lớn...”
Nghe xong là muốn á khẩu, thấy ngay tư duy lợi ích cục bộ, luôn cho rằng chỉ ngành mình mới quan trọng, một kiểu “Ếch ngồi đáy giếng”. Suy nghĩ kiểu đó, nhiều nhà giáo chân chính cũng cảm thấy bị tổn thương; nói chi các ngành khác. Nếu ngành nào cũng nghĩ và muốn như vậy, đất nước sẽ đại loạn. Chẳng quốc gia nào có chính sách lạ lùng kiểu đó.
Ba sự kiện dậy sóng của ngành giáo dục chỉ trong hai ngày. Càng ngẫm nghĩ càng lo vì giáo dục là bộ máy cái của kinh tế đất nước. Có thể nói, mở báo và vào mạng, không ngày nào là không có vụ việc tiêu cực liên quan đến giáo dục.
Có người giải thích, đó là kiểu PR ngược trong showbiz. Không thể nổi tiếng vì tích cực, đành tạo dấu ấn bằng những việc làm tréo ngoe?
TRẦN TRUNG DÂN 26.10.2024
Báo cáo của Chính phủ cho hay nếu bổ sung chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên thì hằng năm ngân sách nhà nước phải cấp chi trả thêm 9.212,1 tỉ đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn
Đắc Vinh cho biết thường trực ủy ban này cơ bản đồng tình với quy định về chính
sách tiền lương, phụ cấp với nhà giáo. Tuy nhiên, có ý kiến trong cơ quan thẩm
tra đề nghị xác định rõ phạm vi, đối tượng thụ hưởng, đánh giá tác động kỹ lưỡng
và đầy đủ về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo,
nhất là chính sách miễn học phí cho con của nhà giáo.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.