Sáng dậy, mở điện thoại, đã thấy một người anh nhà báo gửi cho bài viết nói về “đề xuất cộng điểm thi lớp 10 cho con cán bộ cách mạng trước 1945” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đọc xong, tôi nhắn lại “Điên rồ. Vô vọng!”.
Vô vọng với Bộ Giáo dục! Người hoạt động cách mạng trước 1945, nếu còn sống thì ít nhất cũng phải 90 tuổi rồi (nếu họ hoạt động khi mới 10 tuổi). Một đề xuất hoang đường và phi thực tế như thế mà Bộ cũng nghĩ ra được, thì còn hy vọng gì nữa?
Khi bị dư luận phản ứng, thì Bộ biện minh rằng, con đây là tính cả con nuôi! Ừ, cứ cho là như thế đi, thì cái tư duy này vẫn không vì thế mà ít độc hại hơn. Vì sao? Vì nó thể hiện một não trạng rất tai hại trong tư duy giáo dục, cái tư duy mà tưởng rằng đã phải cáo chung từ lâu rồi.
Nếu những người hoạch định chính sách ở Bộ mà có đọc sách thì sẽ biết rằng, cách đây 23 năm, giáo sư Cao Xuân Hạo trong bài “Về tính hiếu học của người Việt xưa và nay” đăng trên Tạp chí Xưa và Nay, số 86 – 2001 (bài sau này được in lại trong cuốn “Tiếng Việt – Văn Việt – Người Việt” của ông) đã viết về sự sai lầm tai hại ở tầm quốc gia của chính sách “cộng điểm” và “ưu tiên” này. Đáng sợ thay, cho đến nay, những người luôn hô hào bốn chấm không và hiện đại hóa, lại vẫn sống trong cái đầm lầy tư tưởng ấy.
Cao Xuân Hạo viết:
“Đành rằng mọi công dân tương lai đều có quyền lợi và bổn phận ngang nhau trong giáo dục. Nhưng các tầng lớp lao động đã thiệt thòi quá nhiều trong dĩ vãng, (dĩ nhiên là do điều kiện kinh tế - quá nghèo để cho con đi học - chứ không phải do thành phần giai cấp) nên nhà nước không thể không có một chính sách ưu đãi để đền bù cho họ những nỗi thiệt thòi mà họ và con cái họ đã phải chịu trong quá khứ. Đó là một chủ trương hết sức công bằng mà chắc hẳn không có một ai phản đối. Nhưng ở đây ta thấy xuất hiện một sự ngộ nhận hết sức trầm trọng.
Đáng lẽ sự ưu tiên ưu đãi này phải nhằm dồn sức bồi dưỡng cho con em công nông học thật giỏi, giỏi hơn con em các tầng lớp “trên” hay ít nhất cũng giỏi bằng. Thì có nhiều người lại quan niệm rằng phải tìm cách tạo ra một sự bất bình đẳng trong cách đánh giá kết quả học tập của học sinh và sinh viên (HS & SV) đặc biệt là qua các kỳ thi. HS & SV công nông và con em cán bộ trung cao cấp, có công với chế độ, hay có quan hệ thân thiết với các cán bộ trung cao cấp thì được cộng thêm điểm trong học bạ và trong kết quả thi. Do đó có một số HS & SV thi đỗ mặc dầu không đạt yêu cầu tối thiểu và cũng do đó có một số HS & SV giỏi hơn bị loại.
Như vậy, nội dung của sự ngộ nhận này là ở cách quan niệm mục đích của giáo dục: theo quan niệm này. Được học không phải là được trang bị đủ hiểu biết để ra phục vụ đất nước, mà là để có một cái bằng - được quan niệm như một phẩm hàm đem lại một địa vị xã hội nhất định cho người học, một phần xôi thịt thưởng cho những kẻ may mắn được xếp vào một đẳng cấp nhất định, bất chấp năng lực ra sao. Năng lực phục vụ được gọi là “chuyên”, còn thành phần giai cấp được coi là một tiêu chuẩn của “đỏ”. Trên thực tế, “đỏ” là chính, “chuyên” là phụ, mặc dầu trên lý thuyết hai mặt được coi là cần thiết như nhau.
Với quan niệm đó, những HS & SV được “ưu tiên” chưa đủ tri thức nghề nghiệp được phát bằng tốt nghiệp và được đưa vào biên chế hay được chọn gửi đi học nước ngoài - hơn nữa, vì những ưu thế về lý lịch họ rất chóng được vào biên chế, được đề bạt và chẳng bao lâu đã trở thành cán bộ lãnh đạo. Những HS & SV “ưu tiên” khi du học được gửi gắm rất cẩn thận và nhờ mối tình hữu nghị anh em giữa các nước xã hội chủ nghĩa, họ thừa sức đỗ bằng phó tiến sĩ hay tiến sĩ, kể cả những người không hề viết một dòng nào trong bản luận văn mà họ đưa ra bảo vệ.
Với những hoạt động thương nghiệp mà họ tiến hành xung quanh căn cứ địa “Đôm 5” ở phố Ulyanova (đó là nhà trọ tập thể của nghiên cứu sinh nước ngoài kiêm kho chứa hàng của họ) họ thừa sức bỏ ra mấy ngàn rúp để thuê những bạn khác viết luận văn thay họ. Vả lại, ở các nước Đông Âu không thiếu gì những người chuyên viết hộ luận văn phó tiến sĩ. Tôi có quen hai vợ chồng tiến sĩ người Do Thái Nga sống bằng nghề viết thuê luận văn, chủ yếu là cho các nghiên cứu sinh châu Phi và Việt Nam”.
Và ông viết tiếp: “Đó mới chỉ là một bước đầu của quá trình xuống cấp nhanh chóng của công tác giáo dục và đào tạo. Những bước tiếp theo không kém phần ngoạn mục, đặc biệt là trong các ngành khoa học xã hội, nhất là văn học và ngôn ngữ, được coi như những ngành hoàn toàn không cần đến “chuyên”, chỉ cần “đỏ”, cần lập trường “tư tưởng”, mà người đã có tư tưởng tốt thì dù không học giờ nào cũng có thể làm được.
Nhưng đề tài chính của bài này chỉ có liên quan gián tiếp đến công việc giáo dục ở nhà trường. Một nền giáo dục kém cỏi sẽ không tác hại bao nhiêu đến lòng hiếu học nếu người có học và học sinh giỏi được xã hội quý trọng hay ít nhất cũng có được một tương lai sáng sủa khi tốt nghiệp. Đàng này cái tương lai chắc chắn nhất của người tốt nghiệp đại học là…thất nghiệp (trừ phi có những mối quan hệ xã hội đặc biệt). May ra, chỉ có sinh viên khoa Anh là không phải lo đến cái triển vọng này, vì có thế xin việc khá dễ ở các hãng nước ngoài.
Ngay như ở cái thời mà chính sách ngu dân của thực dân Pháp còn ngự trị, tương lai của người đi học còn sáng sủa hơn nhiều: dù chỉ có mảnh bằng “đíp-lôm”, người tốt nghiệp trung học sơ cấp cũng đã có một địa vị vững vàng trong xã hội và một đồng lương đủ nuôi vợ con và báo hiếu cha mẹ. Trong khi đó, một “cử nhân” ngày nay chưa chắc đã kiếm nổi việc làm nếu không chuyển sang một nghề khác hẳn với cái nghề đã học, như nghề gia sư, nghề xích lô, nghề người mẫu hay nghề vũ nữ” (hết trích).
Còn muốn trích và viết nữa, nhưng chợt hiểu, "có nói cũng không cùng". Trước một Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế này, xin kính nhi viễn chi!
THÁI HẠO 26.10.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.