samedi 22 juin 2024

Hiệu Minh - Vài suy nghĩ vụn vặt về nước Nga

Thời trẻ tôi từng đọc Truyện ngắn Chekhov, Cánh buồm đỏ thắm và vài tiểu thuyết rất Nga. Nhất là truyện “Người đàn bà và con chó nhỏ” mà tôi từng liên hệ đến thời hiện đại của Putin.

Tuy là văn dịch nhưng đọc lên thấy thuần Việt, một giọng kể đều đều của Chekhov về cậu bé gửi bức thư bỏ vào thùng thư với địa chỉ “Gửi ông ở nhà quê”, mong ông ra đưa cháu về vì ở đó khổ lắm, toàn bị chủ đánh đập. Là đứa trẻ nghèo từ quê, đọc đoạn này nước mắt rưng rưng.

"Lỗi yêu" nước Nga là do các dịch giả? Rất nhiều dịch giả đã chuyển tải văn học CCCP làm cho người đọc xứ Việt như thấy mình trong đó do số phận giống nhau nên cảm thông chăng?

Độc giả xứ Việt nhớ tới anh Phan Hồng Giang là dịch giả nhiều hơn là nhà văn, du học và làm tiến sĩ ở Nga hơn chục năm từ những năm 1960, về nước giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, Tổng biên tập tạp chí tiếng Anh New Vietnam, hiệu trưởng trường viết văn Nguyễn Du.

Năm 2015 tôi may mắn gặp người nổi tiếng ấy. Với giọng khỏe, trầm ấm, có nội lực, anh kể vài chuyện liên quan đến đời văn, suy tư về quá khứ và thời cuộc, những thời cơ thay đổi bị bỏ lỡ. Sinh ra (1941) khi cha ông là Hoài Thanh đã viết Thi nhân Việt Nam. Lẽ ra trong cái nôi ấy, Phan Hồng Giang phải phát triển hết tài năng gồm gene của cha để lại. Nhưng cuộc đời không đơn giản.

Từ xưa tới nay, tôi luôn nghĩ, trong nghề viết, dịch thuật là an toàn nhất. Dịch chỉ chuyển tải văn của người khác, những gì trong sách nói, chẳng liên quan gì đến người dịch. Nhưng anh Hồng Giang từng suýt “chết” vì…dịch.

Những năm cuối 1960, chiến tranh ác liệt lan ra miền Bắc, Viện Văn học của anh sơ tán về Hà Bắc. Ở một nơi khỉ ho cò gáy, buồn vì ít việc làm, thấy nhiều truyện ngắn của Nga rất hay, anh dịch ra tiếng Việt, nhờ người đánh máy, bạn bè chuyền tay nhau đọc, thì thầm vì hay và lạ.

Nhưng một bạn văn báo cáo lên cấp trên, thế là một “vụ án” không có án, ghi vào lý lịch của chàng thanh niên chưa đến 30 tuổi đầu. Họ cho rằng những truyện ngắn như Người đàn bà và con chó nhỏ của Chekhov, Hơi thở nhẹ hay Say nắng của Bunin (giải Nobel văn học), khuyến khích ngoại tình, văn học đồi trụy, không thể chấp nhận.

Lời “tuyên án” được ghi trong lý lịch “cần uốn nắn và giáo dục”, trong thời gian tới “không nên cho viết gì”, sợ tư tưởng tư sản lan truyền ra xã hội, khi bên tổ chức thuyên chuyển anh sang Hội Nhà văn.

Với lý lịch phê như thế, anh Phan Hồng Giang gặp trục trặc khi ban tổ chức duyệt lý lịch làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Cho tới khi người cha, nhà phê bình văn học Hoài Thanh, nói chuyện riêng với Tố Hữu, và nhà thơ Chế Lan Viên bảo lãnh, anh Phan Hồng Giang thoát cái án dịch văn học Nga trên những trang đánh máy chuyền tay.

Sau 1975, nhiều tác phẩm văn học Nga do dịch giả Phan Hồng Giang chuyển tải đã được xuất bản. Bạn đọc biết đến nhiều hơn về Truyện ngắn Chekhov, Daghestan của tôi, Cánh buồm đỏ thắm, Một mình với mùa thu…đậm chất Nga. Văn học Nga luôn có nỗi buồn, sự tăm tối của những nhân vật như cậu bé gửi thư cho ông, kể về nỗi khổ không có lối thoát, mong ông tới cứu, rồi các nhân vật khác gian dối, ngoại tình, suy đồi, chiến tranh, chia ly và mất mát.

Người Việt nhớ đến nước Nga, mê nước Nga, có lẽ cũng do “lỗi” của Phan Hồng Giang và các dịch giả đã làm hàng triệu trái tim rung động qua những tác phẩm.

Bài hát Nga cũng vậy…Nghe bài hát Nga cũng thấy máu đổ, chia ly và mất mát. Nhiều anh chị từng học ở Liên Xô về thường hát tiếng Nga hay hơn tiếng Việt, nào là Chiều Moscow, Đôi bờ, Đàn sếu trong phim Khi đàn sếu bay đi.

Lời hát trong Đàn sếu buồn buồn “Đôi lúc tôi chợt nghĩ rằng, người lính//Trong cuộc chiến tranh đẫm máu đã hy sinh//Không vĩnh viễn nằm sâu trong lòng đất//Mà hóa thành những đàn sếu trắng tinh//Họ bay mãi tự xa xăm quá khứ//Tới ngày nay và trò chuyện cùng ta//Phải vì thế mà ta thường tư lự//Hay chạnh buồn khi lặng ngắm trời xa.”

Phim Khi đàn sếu bay đi (Летят журавли) nói về người lính ra trận để lại người yêu chung thủy chờ đợi và rồi kẻ trốn lính vẫn tán đổ. Sao thấy giống chiến tranh Ukraine và Nga bây giờ. Lẽ ra phải sống hòa bình nhưng bạn trẻ vẫn phải đi đánh nhau và chết thảm. Xưa vì tổ quốc CCCP vĩ đại, nay có lẽ chỉ vì Putin chứ nước Nga không cần chiến tranh. Chả bạn trẻ nào muốn làm cánh sếu bay trên trời để cho nhạc sĩ lấy tứ cho Летят журавли.

Chị Kiều Oanh, một người yêu Nga cháy bỏng, hay đọc Facebook của tôi và bảo, em chắc tiên đoán được cuộc chiến Ukraine và Nga. Nhưng tôi bảo, cuộc chiến này là của Putin, Putin bắt đầu thì Putin phải kết thúc. Putin thì không thể thua, Ukraine khó thắng, nên máu còn đổ dài dài. Ai cũng biết Putin thua rồi và ông ta cũng biết, nhưng nhận thua thì không phải Putin.

Tôi bảo chị Oanh, chúng ta hay nghe bài hát Nga và đọc văn học Nga, tất cả đều đượm một nỗi buồn chiến tranh, nghèo đói, máu đổ, lầm than, dân không có lối thoát, thì đó là nước Nga đấy. Bài Đôi bờ có lời kết chia ly "Мы с тобой два берега у одной реки" nghĩa là "Em và anh (mãi) như hai bờ của một dòng sông ", nghĩa là chẳng bao giờ có tình yêu trọn vẹn cũng như Ukraine và Russia “два берега у одной реки” không thể gặp nhau.

Đôi lời kết

Dmitri Gurov là nhân vật trong truyện ngắn “Người đàn bà và con chó nhỏ – Дама с собачкой”, một người giầu có, vợ già nhưng có kiến thức, Dmitri cho nàng là người hẹp hòi thiển cận, thô kệch.

Có lẽ vì thế mà y đã ngoại tình liên tục, dù ôm ấp họ nhưng nói đến phụ nữ với một thái độ thù ghét khinh bỉ, toàn gọi “loại người hạ đẳng!” Dmitri có cảm tưởng có đủ kinh nghiệm để gọi phụ nữ thế nào thì gọi, nhưng không có “loại người hạ đẳng” ấy, anh ta không sao sống quá được hai ngày.

Đến Yalta nghỉ mát một mình, anh ta gặp một người đàn bà hay dắt con chó nhỏ dạo chơi bên bờ biển. Hai người cô độc gặp nhau, Dmitri nghĩ đây cũng như bao nhiêu cuộc tình khác, y coi chẳng ra gì. Nhưng thật lạ kỳ, sau đó cả hai rơi vào cuộc tình không có lối thoát, cùng có gia đình, nhưng không ai dám bỏ tổ ấm này để đến với tổ ấm kia và tự biến mình thành tù nhân của cuộc hẹn tình vội vã, lần gặp sau đau đớn hơn lần gặp trước, dối trá nhiều hơn.

Putin đã chiếm Crimea với hai vùng Abkhazia và South Ossetia (nam Ossetia) của Gruzia một cách êm thấm. Putin đưa Yanukovych lên làm bù nhìn ở Ukraine rồi Lukashenko bên Belarus như Dmitri nghĩ về đàn bà, coi các quốc gia nhỏ như loại hạ đẳng, không thèm đếm xỉa đến ý nguyện của các dân tộc này.

Putin nên đọc “Người đàn bà có con chó nhỏ”. Những gì kiếm dễ trong lòng bàn tay như chiếm Crimea, biến miền Đông Ukraine theo Nga, và cả trước kia phần Đông Âu bắt phải theo Liên Xô và giờ là xâm lược Ukraine, sẽ thành nỗi khổ đau suốt một đời, như Dmitri tán thiếu nữ dễ dãi, nhưng kết thúc trong đau đớn và dối trá.

Trong truyện của Chekhov có đoạn kết thúc “Sau đó họ bàn với nhau rất lâu, nói với nhau rằng, làm sao thoát khỏi cảnh phải lẩn tránh lừa dối mọi người, phải sống ở những thành phố khác nhau, rất lâu mới được gặp nhau. Làm sao mà thoát khỏi những ràng buộc tai ác này?

Làm sao? Làm sao? Gurov đưa tay nắm tóc mình và hỏi. Làm sao bây giờ?

Có cảm giác chỉ ít lúc nữa thôi là lối thoát sẽ được tìm ra, và lúc ấy, một cuộc đời hoàn toàn mới, thật đẹp đẽ sẽ đến, nhưng cả hai người đều thấy rõ rằng còn xa lắm, xa lắm mới đến ngày kết cục, và những gì rắc rối nhất, khó khăn nhất chỉ vừa mới bắt đầu”.

Cuộc xâm lược Ukraine mà Putin với tư tưởng đại Nga phát động, coi quốc gia hơn 40tr dân này không đáng tồn tại, đang chứng minh, hơn 2 năm qua “những gì rắc rối nhất, khó khăn nhất đã bắt đầu” với nước Nga.

HIỆU MINH 20.06.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.