lundi 24 juin 2024

Mạc Văn Trang - Cập nhật thông tin về Phật sĩ Minh Tuệ

Tôi theo dõi hằng ngày tin tức về Phật sĩ Minh Tuệ thấy có mấy điều xin chia sẻ với bà con.

TIN VUI

1. Thầy Minh Tuệ vẫn an toàn, mạnh khỏe và hành trì tu theo đúng pháp tu của mình, không bị tác động bởi hoàn cảnh: Ở trên núi, không ở một nơi cố định; sáng nào cũng đi khất thực trong dân từ 5 giờ sáng; sau khi dùng bữa, thầy tìm một chỗ nào đó thuận tiện để người dân có thể đến đảnh lễ, trò chuyện.

Tất cả đều bất ngờ nên không bị đông người bám theo. (Hầu như không còn các YouTuber, Tiktoker… chuyên nghiệp theo bám, chỉ thấy các clip do người dân không chuyên ghi hình ảnh đưa lên mạng).

2. Cái chòi, sau đó gọi là “Cốc” ở vườn Sầu riêng của gia đình thầy Minh Tuệ mà Thầy đã từng ở đó, nay nhiều người gọi là “ngôi chùa nghèo nhất Việt Nam”, trống không, đã trở thành địa điểm tâm linh. Rất nhiều người đến “Cốc” đảnh lễ với lễ vật là chai nước, hoa, trái cây, dù không có thầy ở đây. Cái chòi này vẫn giữ nguyên như cũ, nhưng được gia cố cho chắc chắn và mái lợp không để mưa dột nước. Môi trường quanh chòi được dọn sạch sẽ và đường vào được chỉnh trang sạch đẹp. Có một đại gia chở cây bồ đề 250 tuổi từ miền Bắc vào cung tiến, trồng bên cạnh cái chòi này, chiều 22/06/2024.

3. Nhà của cha mẹ thầy Minh Tuệ được một số Phật tử tự nguyện giúp sửa đường vào, Sơn bờ tường cổng nhà, lắp điện sáng… Cha mẹ thầy nói: Hôm về thăm nhà, thầy đã dặn trước rằng, sau này chắc có nhiều người đến thăm, cha mẹ hãy hoan hỉ đón tiếp họ, đừng xua đuổi. Họ đến là tự nguyện chứ mình không mời gọi và có sự xui khiến của chư Thiên… Mấy ngày nay, người đến thăm vẫn đều đều, nhưng không quá đông, ồn ào như mấy ngày đầu.

4. Có nhiều nhà hảo tâm từ các địa phương đem đồ đến tặng cho đồng bào ở trong xã của “thầy Minh Tuệ”. Đồng bào rất vui sướng nói rằng đây là phước của thầy Minh Tuệ. Nhiều người nghèo quá, nhận đồ và tiền cứ khóc, khiến cho người trao quà cũng khóc. Thật cảm động. Có chuyện hay, khi trao quà cho dân một làng, có 53 hộ, mỗi gia đình được một suất. Còn thừa mấy suất, kêu gọi mãi không ai lấy. Ai cũng thật thà bảo, nhà cháu nhận rồi!

5. Hình ảnh, giá trị Minh Tuệ vẫn gây cảm hứng mạnh mẽ và không ngừng lan toả: Tranh, tượng Minh Tuệ, Thơ, Ca, trang phục Minh Tuệ ngày càng nở rộ. Rất nhiều Phật tử về “chiêm bái, đảnh lễ” không mặc áo tu như trước mà mặc trang phục “Y phấn tảo”!

6. Tất cả những việc nói trên diễn ra một cách bình thường, trật tự, an toàn phải nói là chính quyền địa phương đã rất quan tâm và biết cách tổ chức khéo léo, có lý có tình, để mọi việc diễn ra một cách tự nhiên.

ĐÁNG LO NGẠI

1. Hiện nay một số người phá thầy Minh Tuệ vẫn không ngừng với nhiều thủ đoạn trên mạng xã hội và trong thực tế. Ví dụ trong cái “Cốc” của thầy, không có hòm công đức, chỉ có một cái bàn để đồ lễ vật là những chai nước, hoa, quả. Những thứ này người đến đảnh lễ thường lấy mỗi người một ít đem về lấy phước. Nhưng hôm qua đã xuất hiện có một ít tiền ai đó đặt trên bàn và có thể đã bị quay phim chụp hình để đưa tin sai lệch. Chắc ở đây cũng cần có người trông nom quản lý để phòng ngừa những chuyện không hay.

2. Sự nhiệt tình, sùng bái quá mức cũng bất lợi cho thầy Minh Tuệ. Những người bám theo thầy hoặc đến nhà bố mẹ thầy cũng đã bớt, nhưng bất chợt có khi lại rất đông.

Có người đến xin nhận phụng dưỡng cha mẹ của thầy, đã bị từ chối.

Có đại gia ở Huế lại định tặng một cây bồ đề hơn 300 tuổi để trồng bên “Cốc”, cũng phải từ chối.

Có người xin được xây một ngôi chùa “Minh Tuệ” thật to bên cạnh cái “Cốc”, cũng đã bị từ chối.

Có người định xin rước một pho tượng của Thầy vào “Cốc”, cũng bị từ chối…

Nên nhớ thầy Minh Tuệ sống tối giản, mọi thứ đều đơn sơ, chân thật, nếu đem tâm người phàm vào tô vẽ mọi thứ như những chùa hào nhoáng, loè loẹt hiện nay là phản lại thầy! Thầy vẫn nói là đang tập học chưa “Đắc quả”, nên những sự tôn sùng quá mức cũng sẽ bất lợi cho thầy.

3. Có thể một số người lợi dụng tên tuổi, hình ảnh của thầy để làm kinh tế thái quá cũng sẽ gây phản cảm, bất lợi cho thầy.

NHẬN ĐỊNH CHUNG

Qua những gì đã theo dõi, tôi thấy thầy Minh Tuệ luôn kiên tâm và nhất quán, không gì làm thay đổi mục đích lý tưởng và cách tu tập.

Nhớ lại hôm trước có phóng viên cứ hỏi theo kiểu gợi ý tuyên truyền: Cảm tưởng của ông thế nào khi được cấp căn cước công dân? Quá trình làm căn cước có thuận lợi không? Thầy Minh Tuệ trước sau chỉ nói: Con cũng như mọi công dân khác làm căn cước. Nếu căn cước giúp cho việc tu tập được thuận lợi thì đó là tốt đẹp. Nam mô a di đà phật!

Có một clip mới quay vào ban đêm dưới ánh nến, không rõ người. Trong đó cho biết hai cán bộ địa phương đã đến đánh lễ và nói để thầy yên tâm, rằng thầy được chính quyền bảo vệ chu đáo… Thầy đã nói: Con coi mọi người đều bình đẳng, cán bộ hay mọi người dân đều như nhau. Con không phân biệt người mặc sắc phục hay thường phục, con không có tâm phân biệt…

Thầy đi khất thực (chứ không nhận mang cơm đến) và ngồi trò chuyện (hay cũng có thể gọi là pháp thoại) với dân, để dân đánh lễ, vừa là pháp tu, vừa là tuân theo sự đời, không thể trốn tránh ẩn tu được. Và cách tu đó cũng đem lại nhiều lợi lạc cho chúng sinh. Vì mỗi người sùng tín được gặp thầy, được trò chuyện, đảnh lễ thầy rồi nhận về một chai nước, một trái cây hay cái bánh họ đều rất hoan hỉ, được hưởng chút phước lành từ một vị chân tu mà họ rất tin tưởng, ngưỡng mộ. Tác động tâm linh, tâm lý như vậy thật lành thay!

Ví dụ một cháu gái hỏi: Thưa thầy con rất cô đơn bây giờ làm sao? Thầy đưa cho cô bé chai nước rồi bảo, hãy coi mọi người như anh em cha mẹ mình, hoan hỉ trò chuyện với họ thì sẽ hết cô đơn. Cô bé cầm chai nước ra về, trò chuyện với mọi người vô cùng hoan hỉ! Nhiều người đi hàng mấy trăm, hơn ngàn cây số đến, rồi nói: Được nhìn thấy thầy là an lòng; nhiều người còn nói nhận được “năng lượng từ thầy tỏa ra ấm áp”.

Những tác động tâm lý trực tiếp như vậy cũng rất có ý nghĩa tích cực về tâm linh và về xã hội. Như vậy chả hơn họ đến cúng dường ở “chùa ma” và nghe mấy “ma tăng” hù dọa nhảm nhí sao?

Tóm lại, như vậy là mọi chuyện tốt đẹp. Tuy nhiên vẫn phải luôn cảnh giác với những điều xấu có thể xảy ra để không bị bất ngờ.

MẠC VĂN TRANG 24.06.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.