mardi 25 juin 2024

Tạ Duy Anh - Mời kiểu Bắc Hà


Nhân chữ MỜI đang được bàn luận, nhắc đến nhiều, xin đăng lại chuyện này.

Xin nói trước: Có lẽ chỉ vùng quê tôi, lọt thỏm giữa trung tâm đồng bằng Bắc bộ, thuộc về nơi hình thành nên thứ mà người ta vẫn gọi là "Văn hóa Bắc Hà", được tích tụ từ đói khát, khốn khổ dài dằng dặc, mới có chuyện vừa bi vừa hài vừa thâm nho nhọ đít này. Các vùng quê khác, nhất là Nam Bộ, những bạn vùng cao mà đọc được, họ sẽ không hiểu, không tin và khó mà không cười phá ra hoặc văng tục.

Lão Ngô có tật rất thích được thiên hạ mời đánh chén. Phát hiện nhà nào có chén, chờ đúng lúc mọi người vào mâm thì lão xuất hiện, với đủ thứ lý do để không lần nào lão rơi vào tình trạng mất tự nhiên. Người nhà quê vốn sẵn lời, không bao giờ chỉ mời một lần, dẫu là “miệng mời, bụng lạy giời đừng ăn”. Vì thế bao giờ lão Ngô cũng vào cuộc như là không thể từ chối được chủ nhà. Tất nhiên sau đó lão luôn chén quá mức nhiệt tình.

Ở đầu làng có bà Sương, thuộc diện “cứt sắt”, nghĩa là không ai ăn nổi một miếng cơm nhà bà. Ngược lại bà vẫn được tiếng là “nhẹ vía” do cái miệng nói như hát. Bà vun của thiên hạ về nhà mình mà không ai thấy bực bội. Làng tôi gọi những người như thế là phường “ngọt mồm”.

Lão Ngô tung hoành cả xóm nhưng riêng nhà bà Sương thì lão chưa gặt hái được gì. Nhà bà Sương lại rất hay có việc đũa bát. Đã thế bà còn học đòi lối phố, cũng chim quay, gà tần, sườn bung, mọc hấp như ai. Những thứ đó, với nhà quê, thuộc hàng cao lương, mỹ vị. Điều đó càng như khoan vào tì vị lão Ngô.

Nhưng lần nào lão Ngô cũng “bật sới”, mặc dù bà Sương mời gẫy đũa, gẫy bát. Đúng là hàng ngũ các “tổ sư” với nhau, phải quá tam ba bận mới có thể phân vai cao thấp.

Lần thứ nhất.

Lão Ngô vừa bước vào cửa, bà Sương đang ăn, đứng phắt dậy, mặt hơn hớn như vớ được của:

- Quý hóa quá! Quý hóa quá! Để rước ông lên mâm nhân tiện gặp cơm bữa. Lấy thêm bát đũa, con!

Bà biết trước lão Ngô còn phải “làm phép” đã, ngồi vào ngay thế nào được.

- Mời gia đình cứ tự nhiên, tôi dùng bữa rồi.

- Ăn thật chửa hay là làm khách? Gớm, mời được ông Ngô ăn có họa trời sập - bà Sương dằn dỗi kéo dài giọng - Thôi con ạ, ông ăn rồi.

Lão Ngô nhìn mâm cỗ đầy tú hụ mà đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, ngồi nuốt nước bọt suông.

Lần thứ hai.

Lão Ngô định trong đầu sẽ quyết không “ý tứ” nữa, chỉ cần chờ bà Sương mời rơi một câu cũng chén. Vì thế khi bà Sương từ dưới bếp đi lên đã thấy lão Ngô đứng lù lù giữa nhà, bà biết ngay phải làm gì để tống cổ lão ta khỏi bữa cỗ. Vẫn xởi lởi, bà Sương quát toáng lên:

- Lần nào sang cũng đã say khướt cò bợ, chán ông lắm! Một hôm nào đấy phải “chiếu cố” nhà cháu đấy, đừng có lại “tôi ăn rồi” là không được đâu.

Lão Ngô đứng ngay cán tàn, đành giữ sĩ diện:

- Bà thông cảm, toàn những chỗ thân quen, từ chối không đành.

Bị hai lần bà Sương cho “ăn hụt”, lão Ngô uất lắm. Quả lời đồn của thiên hạ không sai. Ăn được một miếng của con mụ Sương này khó hơn nuốt chông, nuốt gai.

Đã thế lão phải tìm cách xát cả cân muối vào ruột non, ruột già của mụ ta mới hả. Lão Ngô nghĩ mãi, cuối cùng đi đến quyết định: Không nếp tẻ khách khí gì cả, phải chủ động tấn công bà ta ngay từ đầu.

Lần thứ ba này, vừa bước chân vào cổng nhà bà Sương trong mùi thơm điếc mũi của thức ăn, lão Ngô nói luôn:

- Hôm nay tôi sang xin bà cho uống rượu đây, kẻo bà cứ trách mãi tôi thấy không đành.

Bà Sương đang vớt mọc bọc nấm hương, cười khanh khách:

- Tôi biết ông rồi, không phải “giá ngọc treo cao” khinh cơm người nghèo. Trót ních đầy bụng rồi thì tìm chỗ nào mà nằm khểnh. Gớm, cũng biết lỗi cơ đấy.

Lão Ngô xua tay cuống quýt:

- Không, không, khổ quá, tôi nói thật mà.  Mả bố đứa nào đã ăn ở đâu.

Bà Sương vẫn cười khanh khách:

- Thề cá trê chui ống. Chưa ăn! Nỡm, cái bụng kia lại chưa có hàng lít... tôi xin đi đầu xuống đất. Giọng bà chuyển sang giả lả, thân tình: Nói đùa chứ ông tệ lắm, ăn được với cả làng mà tôi lại không. Hôm nào nhé, hứa với tôi đi, hôm đấy tôi phải bắt ông sang đây từ sáng sớm để không đứa nào co kéo được. Này, dở người cái ông Ngô, hay là ăn một miếng với tôi cho các cháu đỡ tủi. Mả mẹ đứa nào mời ông đến hai miếng. Chả có cũng được vài cọng rau, gọi là ăn làm phép. Tôi mà bắt ông ăn miếng thứ hai thì trời cứ việc đánh chết tôi đi.

Lão Ngô đói hoa cả mắt, lại tức lộn ruột nên đứng không vững. Tuy thế lão vẫn cố cười chữa tẽn:

- Bà khỉ này, cấm có lừa được cái gì. Nói đùa cho vui chứ đúng là tôi no say rồi.

- Đã bảo! - Bà Sương lườm - Nói dối nó mọc sừng ra ở mồm. Thôi, tiện có tre đấy, ông vót giúp tôi ít nan đan rổ, cho nó rã rượu! - Bà gọi con -  Mang nước chè đặc để ông uống mau!

Lão Ngô thấm đòn đơn đòn kép, thầm nghĩ: “Từ giờ thì cạch đến ba đời”.

Ảnh xin từ trang của lão Phạm Lưu Vũ, thêm chú thích: Không mời ông, ông ăn vạ.

TẠ DUY ANH 25.06.2024

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.