jeudi 27 juin 2024

Dương Quốc Chính - Vài đánh giá về luận án tiến sĩ Luật của hòa thượng Thích Chân Quang

(Bài này mình viết từ ngày 03/01/2022, khi mới có tin ông Việt bảo vệ luận án tiến sĩ Luật. Vì hồi đó Facebook này bị khóa nên mình đăng bên page, nay đăng lại bên này cho mọi người đọc lại).

Mấy hôm trước mạng xã hội rộn ràng về sự kiện hòa thượng Thích Chân Quang bảo vệ luận án tiến sĩ Luật tại Đại học Luật Hà Nội. Mình cũng tò mò xem thử trên YouTube và có vài nhận xét cá nhân. Mình không học luật, cũng không thuộc giới hàn lâm, nên đánh giá như một bài review của độc giả một cuốn sách (luận văn).

Mình thấy có mấy người đã đánh giá về buổi bảo vệ này dựa trên clip trên YouTube. Trong đó có một clip rất đáng chú ý của một bạn đang nghiên cứu luật ở Canada. Nhưng mình thấy để đánh giá một luận văn thì nên đọc bản luận văn đó thì chính xác hơn là chỉ xem buổi bảo vệ, do ông Vương Tấn Việt (tên thật của vị hòa thượng) chỉ bảo vệ tóm tắt nội dung luận án.

Trước tiên mình có một vài nhận xét về buổi bảo vệ, dựa trên clip.

Đây là một buổi bảo vệ được chuẩn bị rất công phu với lực lượng tham dự nhiều thày cô “tai to mặt lớn”, đại khái là có uy tín về chuyên ngành luật. Đáng chú ý là còn có một sĩ quan của phòng An ninh chính trị nội bộ của Vũng Tàu (nơi có chùa mà ông Thích Chân Quang trụ trì) tham dự. Một nhân vật đáng lưu ý nữa là giáo sư Hoàng Chí Bảo, một chuyên gia về Hồ Chí Minh, chuyên kể chuyện về cuộc đời của bác! Ông này đâu có liên quan gì đến luật đâu mà sao lại có mặt ở đây?

Cách đây mấy năm, có một clip lưu truyền trên mạng về hình ảnh ông Thích Chân Quang về thăm nhà thờ họ Hồ và kể chuyện về mối quan hệ với ông Hồ Chí Minh. Theo một số tư liệu khác chưa được kiểm chứng, nhưng kết hợp với clip trên thì có thể xác nhận là sự thật, cho biết rằng ông Nguyễn Sinh Sắc sau khi mất chức tri huyện Bình Khê thì vào Nam Kỳ làm thuốc, cải họ thành họ Vương.

Ông lấy một người vợ mới và có người con trai là Vương Tấn Nghĩa. Ông Nghĩa là bố của ông Việt tức thày Thích Chân Quang. Có nghĩa là ông Việt là cháu gọi ông Hồ Chí Minh bằng bác ruột, chứ không phải bác quốc dân. Có thể đó là lý do về sự có mặt của “nhà Hồ Chí Minh học” Hoàng Chi Bảo, và tại sao hội đồng chấm luận án này hùng hậu với những lời ca tụng luận văn của ông Việt toàn những lời có cánh!

Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt giới thiệu các nhân vật có mặt và lời cám ơn có khi cũng mất tới 15 phút, vì đông quá, đa số là những nhân vật quan trọng nữa.

Khi nghiên cứu sinh bảo vệ xong thì toàn bộ hội đồng phản biện, giáo viên hướng dẫn…đều ca tụng hết lời bản luận văn như một kiệt tác, làm mình tò mò quá. Dù nghe thày Quang nói mình đã thấy gờn gợn, nhưng vẫn chưa dám ý kiến ý cò mà phải chờ đọc bản luận án đã.

Mọi người có thể dễ dàng Google bản luận văn với từ khóa “Thích Chân Quang luận án tiến sĩ”, sẽ thấy cả hai bản tiếng Anh và tiếng Việt, đây cũng là sự kỳ công của tác giả và chứng tỏ khả năng tiếng Anh của nghiên cứu sinh cũng không phải dạng vừa.

Mình chưa làm tiến sĩ bao giờ nên không dám lạm bàn về hình thức trình bày. Chỉ thấy nó cũng công phu, chi tiết, gồm 252 trang không rõ là dài hay ngắn?

Tuy nó dài tới hơn 250 trang nhưng mình đọc lướt chỉ mất độ nửa ngày, vì không có nhiều ý mới, đọc thấy quen quen. Mình không có ý nói thày Quang chép luận văn của ai, nhưng thấy rõ các ý của thày cơ bản là sưu tầm từ các tài liệu kiểu luật và hiến pháp các nước. Nội dung cũng lặp đi lặp lại vài ý chính, nên nếu tóm tắt để hiểu toàn bộ luận văn chắc không quá 10 trang.

Đại khái ý thày là thế giới đang quá đề cao nhân quyền mà ít để ý tới trách nhiệm. Điều đó dẫn tới…nợ công tăng cao! Nguồn lực xã hội sẽ không đáp ứng được. Nên thày viết luận văn này với ý đề cao nghĩa vụ của con người như một đối trọng với nhân quyền, hòng giải cứu thế giới khỏi nợ công, sự tàn phá môi trường và sự băng hoại đạo đức xã hội, là những hệ lụy của việc lạm dụng nhân quyền. Anh em lười đọc thì chỉ cần đọc đoạn này là đủ hiểu toàn bộ luận văn!

Hơn 250 trang là thày triển khai ý tưởng đó ra, nêu phương pháp luận, phân tích hiện trạng về đòi hỏi nhân quyền và những hệ lụy của nó ở các nước và Việt Nam, sau đó đề xuất giải pháp về nghĩa vụ. Đáng chú ý nhất là thày có đề xuất một bản Tuyên ngôn Toàn cầu về nghĩa vụ con người để đề xuất lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, làm đối trọng với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc!

Trong khuôn khổ bài viết và với tư cách một độc giả ngoài nghề nên mình chỉ thấy cần đánh giá tổng quan về các ý chính nói trên, cũng như ý nghĩa của bản luận văn là đủ. Việc đánh giá chi tiết dành cho các nhà nghiên cứu Luật pháp, và có lẽ công chúng cũng chỉ cần biết đại lược thôi. Thực tế là các cây cao bóng cả trong giới hàn lâm ngành Luật đã ca tụng thế rồi, thì chắc chỉ anh em ở bển mới dám nói khác!

Thày Quang có ý đúng khi cho rằng nếu quá đề cao quyền có thể dẫn tới một số người lợi dụng điều đó để ỷ lại không chịu thực thi nghĩa vụ. Đại khái phải có làm mới có ăn. Đây cũng là quan điểm của cánh hữu.

Nhưng sai lầm của thày là đánh đồng tất cả những quyền trong nhân quyền thành một loại liên quan đến vật chất, rồi suy ra rằng nhân quyền làm ngân sách cạn kiệt và gia tăng nợ công! Thực tế trong Tuyên ngôn về nhân quyền có 30 điều với số lượng quyền gần tương ứng, thì chỉ có 5 điều (22-27) là các quyền liên quan đến kinh tế và mức sống, tức là có ảnh hưởng đến phúc lợi xã hội và chi tiêu ngân sách.

Đa số các điều còn lại là nói về các quyền mang tính tinh thần, tư tưởng. Như quyền được sống, quyền tự do, an toàn thân thể, quyền được công nhận là con người trước pháp luật, quyền không bị tra tấn, hạ thấp nhân phẩm, quyền bình đẳng trước pháp luật, tự do tư tưởng, quyền bầu cử tự do và tham chính, quyền sở hữu, tự do đi lại, quyền tự do lập hội…Mọi người dễ dàng tìm đọc bản full của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền để đánh giá điều này.

Bằng cách viết này, thày Quang đã nhào trộn các quyền con người thành một loại vu cho nó hệ lụy là gây tiêu tốn ngân sách và nợ công. Thực tế ngược lại, một số quyền về tinh thần nhưng lại là nền tảng để thúc đẩy sự thịnh vượng, như quyền tư hữu…

Việc cạn kiện tài nguyên, nguồn lực xã hội, làm tăng nợ công, hoang phí ngân sách có nhiều nguyên nhân. Nhưng ở Việt Nam, đối tượng nghiên cứu chính của luận văn, thì nguyên nhân chính không phải đến từ các quyền liên quan đến kinh tế (như phúc lợi xã hội) mà lại đến từ thể chế. Thày lại lảng tránh nguyên nhân chủ yếu này và vu cho thằng nhân quyền!

Chúng ta đã biết, thể chế cộng sản dẫn tới các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thiếu hiệu quả, lương cán bộ công chức thấp và thiếu cơ chế kiểm soát chéo nên tham nhũng nhiều. Chính tham nhũng và lãng phí (bởi các cơ quan/doanh nghiệp nhà nước) mới là nguyên nhân chính dẫn đến thất thoát ngân sách và làm gia tăng nợ công. Các vụ án tham nhũng hầu hết đều tính tới đơn vị ngàn tỉ. Trong khi phúc lợi xã hội ở Việt Nam thuộc loại thấp, chưa có trợ cấp thất nghiệp để đủ sống tối thiểu. Chi ngân sách nhiều và không hiệu quả là do bộ máy công chức trì trệ và cồng kềnh (đội ngũ ăn bám quá đông) chứ không phải do chi tiêu phục vụ nhân quyền quá nhiều.

Lý thuyết căn bản về kinh tế vĩ mô cho thấy là chi tiêu công càng cao và thu ngân sách thấp sẽ dẫn tới nợ công cao. Mà Việt Nam có cả hai nguyên nhân trên, mà không hề chi tiêu phúc lợi cao phục vụ nhân quyền.

Thày Quang có dẫn ví dụ về các nước phương Tây có phúc lợi cao và có nợ công cao như Mỹ, Nhật, Pháp, Đức…để chứng minh luận điểm. Nhưng thày lờ tịt đi các nước Bắc Âu có phúc lợi hàng đầu thế giới (tham nhũng cũng ít nhất thế giới)!

Điều này cho thấy thày Quang ngụy biện rất trắng trợn nhưng vẫn được hội đồng giám khảo ca ngợi hết lời! Từ luận điểm ngụy biện trên, thày cảnh tỉnh thế giới là nếu tiếp tục ca ngợi thái quá Nhân quyền thì thế giới sẽ suy thoái và sụp đổ dần dần từ nước này tới nước khác. Hiện nay Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi trào lưu tự do rất nguy hiểm từ phương Tây, nếu không thay đổi kịp thời sẽ khó lường được hậu quả. Đúng là thày việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng khi lo lắng cho thế giới suy thoái vì nhân quyền, trong khi đa số quyền đó ở Việt Nam còn chưa được tôn trọng mà đã lo bị lạm dụng sợ tiêu tốn ngân sách, nguồn lực xã hội cạn kiệt!

Cái sai tiếp theo của thày Quang là việc đề cao quyền và lãng quên nghĩa vụ sẽ dẫn đến lối sống thờ ơ vô trách nhiệm, dẫn đến sự băng hoại về đạo đức xã hội như con cái bất kính với bố mẹ, học sinh bất kính thày cô, bố mẹ không làm tròn trách nhiệm nuôi dưỡng con cái, xã hội vô cảm trước điều xấu…

Không hiểu sao thày Quang lại có thể suy diễn đề cao nhân quyền tới những hệ lụy xã hội kia? Việt Nam hiện nhân quyền rất ít được tôn trọng mà những hệ lụy kia còn quá các nước Bắc Âu nơi nhân quyền được tôn trọng cao nhất. Điển hình là vụ em Vân An bị bố mẹ đánh chết chính là do nhân quyền bị thiếu tôn trọng (quyền trẻ em, quyền không bị ngược đãi, tra tấn…). Đây là suy diễn phi logic rất cơ bản của thày Quang.

Tóm lại, như chúng ta đã biết, Tuyên ngôn Quốc tế và Nhân quyền ra đời vào năm 1948, trong hoàn cảnh vừa kết thúc thế chiến 2, thế giới mới thoát khỏi chủ nghĩa Phát xít và chế độ thuộc địa đứng trên bờ vực sụp đổ (một số nước thuộc địa đã được trả độc lập). Vì thế nhân quyền được đề cao tối đa như một chuẩn mực quốc tế, khi Liên Hiệp Quốc mới thành lập được vài năm. Nhưng lưu ý là 6 nước cộng sản lúc đó không ký tuyên ngôn!

Tại sao Liên Hiệp Quốc lại không có một Tuyên ngôn về nghĩa vụ con người như ý tưởng của thày Quang, sau mấy chục năm xuất hiện Tuyên ngôn Nhân quyền?

Đó là vì Tuyên ngôn đó vốn dĩ để ràng buộc kẻ mạnh trước kẻ yếu. Tức là răn đe, kìm hãm các nước đế quốc không áp bức các nước nhược tiểu, các chính quyền không áp bức người dân, hạn chế độc tài.

Còn nghĩa vụ thì vốn dĩ nó là quy định bắt buộc dựa trên luật và cuộc sống. Kiểu không làm thì chết đói, là nghĩa vụ đương nhiên của mỗi loài vật, phải lo kiếm ăn hay con thú mẹ kiếm mồi cho con cũng là bản năng thiên bẩm, là nghĩa vụ trời ban để duy trì nòi giống. Vì thế các nước đều có luật về một số nghĩa vụ như quân sự, đóng thuế, học tập, lao động mà chẳng cần tuyên ngôn gì hết. Làm gì phải tuyên ngôn với những việc đương nhiên phải làm như vậy?

Còn nhân quyền không hề là quyền đương nhiên thiên phú mà là sự thỏa thuận giữa người với người. Giữa kẻ mạnh với kẻ yếu giống một quy tắc ứng xử giữa hai bên. Vậy nên việc soạn ra một tuyên ngôn về nghĩa vụ con người là rất không cần thiết.

Xin lưu ý thêm là điều 29 của Tuyên ngôn nhân quyền cũng nói về nghĩa vụ và giới hạn của tự do để không làm ảnh hưởng đến tự do của người khác. Thực tế thì quyền của kẻ yếu cũng chính là nghĩa vụ của kẻ mạnh. Nên trong quyền đã ẩn chứa nghĩa vụ của chính quyền đối với người dân. Nhưng trong luận văn này, thày Quang lờ tịt đi trách nhiệm của chính quyền trong việc thực thi nhân quyền cũng như nghĩa vụ của họ đối với nhân dân. Thày chỉ nói tới trách nhiệm của dân với chính quyền, phải trung thành với lãnh đạo!

Tổng kết lại thì bản luận văn này rất nguy hiểm đối với nền dân chủ còn chưa kịp nảy mầm ở Việt Nam. Người dân còn chưa kịp hưởng quyền thì thày đã dí ngay trách nhiệm vào, trong đó có trách nhiệm trung thành! Thày đã dùng phép ngụy biện rất trắng trợn để coi nhân quyền như con ngáo ộp nguy hiểm làm hại ngân sách và băng hoại đạo đức xã hội. Không hiểu thày là sư hay là sĩ quan an ninh nữa! Mình biết anh em an ninh mới hay đi học luật chứ sư sãi thì mấy ai đâu.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 03.01.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.