lundi 24 juin 2024

Phúc Lai - Viết dài trung bình về cuộc chiến tranh ở Ukraine ngày 24/06/2024

1. Ngày ấy… Liên Xô chỉ mất có tám tháng để xây dựng NIP-16. 

Vào tháng Ba năm 1960, khoảng 5.000 lính nghĩa vụ công binh Hải quân Liên Xô bắt đầu xây dựng cơ sở này. Việc xây dựng được tiến hành 24/7, không có ngày nghỉ.

Các kỹ sư hải quân Liên Xô đã có sự khéo léo có thể nó là kỳ diệu: Họ đã sử dụng những đoạn thân tàu, lấy từ những tàu ngầm đã ngừng hoạt động, sau đó được gắn vào bộ phận của một cây cầu đường sắt cũ để tạo thành cấu trúc ăng-ten. Một cơ chế xoay khổng lồ được chế tạo từ kết cấu xoay của khẩu pháo chính từ thiết giáp hạm Sevastopol chưa hoàn thiện. Thiết kế của cả hệ thống này được phát triển tại Nhà máy cơ khí Leningrad, LMZ.

Thử nghiệm tích hợp đầu tiên của tổ hợp liên lạc Pluton đã hoàn thiện được tiến hành vào ngày 27 tháng 9 năm 1960.

Trong quá trình thử nghiệm đầu tiên, ăng-ten khổng lồ ADU-1000 được sử dụng để theo dõi các ngôi sao trên bầu trời – nó chính là thành phần chính của hệ thống, thứ mà chúng ta bao giờ cũng bị đập vào mắt. Thực tế, cơ sở NIP-16 ở Yevpatoria bao gồm hai địa điểm cách nhau 10 km: trạm tiếp nhận tại Địa điểm 1, gần làng Vitino và trạm phát tại Địa điểm 2, gần làng Uyutnoe.

Cơ sở 1 “tiếp nhận” có hai ăng-ten ADU-1000 được thiết kế để nhận tín hiệu ở dải tần 320 mm. Địa điểm 1 còn bao gồm một trung tâm liên lạc, các tòa nhà kỹ thuật cho cơ sở Pluton và một nhà máy phát điện diesel. Một cơ sở cung cấp nitơ lỏng cho hệ thống làm mát của máy thu sóng.

Cơ sở 2, “Điểm phát” tập trung xung quanh ăng-ten ADU-1000 của tổ hợp Pluton (Sao Diêm Vương), bao gồm tám đĩa dài 16 mét được sắp xếp thành hai hàng. Nó được thiết kế để gửi lệnh điều khiển chuyến bay tới tàu vũ trụ với sự trợ giúp của máy phát 120 kilowatt, hoạt động ở dải tần 390 mm.

Cùng với các địa điểm liên lạc, NIP-16 ở Yevpatoria, còn có một trung tâm xử lý đo từ xa được thành lập vào năm 1973. Vào tháng 10 năm 1967, một cơ sở điều khiển các hành trình (vũ trụ) đặc biệt được thành lập ở Yevpatoria để hỗ trợ chương trình mặt trăng có người điều khiển. Bất chấp việc Liên Xô hủy bỏ cuộc đổ bộ lên mặt trăng vào năm 1974, cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động cho đến năm 1980. Ngoài ra, vào năm 1978, Bộ Quốc phòng Liên Xô đã thành lập Bộ Chỉ huy Dự phòng “ZKP,” để liên lạc với nhiều vệ tinh quân sự của Liên Xô.

Sở dĩ nó được gọi là “trạm theo dõi không gian sâu” vì có tầm với của sóng tới 300 triệu ki-lô-mét vào không gian sâu của vũ trụ.

Với sự tan rã của Liên Xô năm 1991, Nga đã từ bỏ trạm mặt đất ở Crimea, tuy nhiên chính phủ Ukraine đã nỗ lực bảo tồn nó. Vào thời điểm phóng tàu vũ trụ Phobos-Grunt vào năm 2011, địa điểm ở Yevpatoria được điều hành bởi Trung tâm Phương tiện Không gian Quốc gia Ukraine, NTsUIKS. Những hoạt động này trong khuôn khổ kế hoạch dự kiến sẽ hỗ trợ các chuyến bay thuộc chương trình vũ trụ của Nga.

Việc chương trình không gian của Nga mất quyền kiểm soát đối với “Trạm liên lạc không gian sâu Crimea”, trả về cho Ukraine đã khiến mạng lưới theo dõi của nước này bị mù một phần. Thậm chí, phạm vi phủ sóng còn bị khuyết thê thảm hơn khi hạm đội tàu theo dõi bổ sung của Liên Xô, vốn được cho là có khả năng mở rộng mạng lưới trên toàn cầu, rơi vào tình trạng hư hỏng trong những năm 1990 cùng với một nước Nga hỗn loạn. Nếu không có những cơ sở và thiết bị này, chương trình không gian của Nga chỉ có thể liên lạc với tàu vũ trụ hoặc vệ tinh khi chúng đi qua lãnh thổ Nga. Có một lựa chọn khác (và có lẽ là duy nhất) là nhờ NASA kết nối chúng vào mạng lưới liên lạc và theo dõi dựa trên vệ tinh của Hoa Kỳ.

Đến năm 2012, chiến lược không gian của Nga đã đề ra nhu cầu phát triển một trung tâm điều khiển không gian sâu mới trước năm 2030. Cơ sở này sẽ được đặt tại miền nam nước Nga, nhưng không rõ việc sáp nhập Crimea vào năm 2014 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các kế hoạch này, hay nó có đề nghị… sáp nhập bán đảo để chiếm trung tâm Yevpatoria hay không. Trên thực tế, xét đến khoản đầu tư dài hạn cần thiết cho việc phát triển và vận hành các cơ sở kiểm soát mặt đất, quyết định đặt bất kỳ cơ sở hạ tầng nào như vậy ở Crimea sẽ là một phép thử về việc liệu Nga có tự tin về việc giữ được bán đảo này dưới sự kiểm soát của mình trong tương lai hay không...

Nhưng việc sáp nhập Crimea vào năm 2014 đã tạo cơ hội cho Nga tăng cường khả năng liên lạc với tàu vũ trụ và các vệ tinh quân sự của mình. Song song đó là việc Bộ Quốc phòng nước này tiếp tục nỗ lực kích hoạt lại các trạm theo dõi và kiểm soát trên bán đảo. Vào ngày 28 tháng Ba năm 2014, một trang web của Ukraina có tên là “Dumskaya dot net,” dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết rằng “210 trong số 235 nhân viên tại trạm mặt đất Yevpatoria đã đồng ý làm việc cho chính quyền Nga.”

Họ bình luận thêm, với trình độ chuyên môn đặc biệt và kinh nghiệm làm việc của các nhân viên này, thực chất họ có lẽ cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận lời đề nghị của Nga hoặc đối mặt với nguy cơ mất việc làm.” Đồng thời, cờ của Liên bang Nga và Lực lượng phòng không và vũ trụ Nga (VKO) đã được treo lên, đánh dấu việc chuyển giao cơ sở này dưới sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng Nga. Bộ Quốc phòng Nga theo truyền thống, vẫn quản lý mạng lưới kiểm soát mặt đất ở Liên Xô trước đây và vẫn giữ vai trò đó ở nước Nga ngày nay.

Cựu giám đốc cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga, Oleg Ostapenko, vào tháng 5 năm 2015 đã dẫn đầu một phái đoàn quan chức vũ trụ đến Crimea để đánh giá tình trạng của NIP-16, đồng thời lên kế hoạch phục hồi và tái hòa nhập cơ sở này vào mạng theo dõi không gian của Nga.

Người ta đánh giá và thời điểm đó rằng: “Hệ ăng-ten dài 70 mét độc đáo tại Yevpatoria là tài sản thực sự quan trọng duy nhất ở Crimea đối với chương trình không gian của Nga”. Mặc dù tất cả các đĩa ăng-ten hiện có khác phải phải được đại tu nâng cấp theo các tiêu chuẩn và công nghệ mới để giám sát và điều khiển vệ tinh, nhưng đây vẫn là một mỏ vàng đối với lực lượng Hàng không vũ trụ Nga. Cho đến thời điểm đó, họ chỉ có một cơ sở tương tự ở Primorsky Krai bên bờ Thái Bình Dương. Ngoài ra, có một cơ sở khác đang được xây dựng dở ở Uzbekistan, vẫn chưa hoàn thành do thiếu kinh phí. Cơ sở ở Uzbekistan ước tính ngốn số tiền từ 60 đến 100 triệu USD.

Theo kế hoạch, trạm Yevpatoria sẽ được hòa sóng vào mạng theo dõi chung của Nga – nơi cung cấp thông tin liên lạc trên hầu hết lãnh thổ Nga – sẽ là trung tâm chính để ra lệnh cho tàu vũ trụ của Nga trước ngày 1 tháng 12 năm 2020. Khi đó, với vị trí tuyệt vời ở Biển Đen của mình, nó sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Nga trong việc theo dõi tàu vũ trụ, ngay cả những tàu bị giới hạn trong quỹ đạo thấp gần Trái đất, như tàu vũ trụ Soyuz, Trạm vũ trụ quốc tế và nhóm vệ tinh của nó.

Tối nay hay sáng sớm nay gì đó – ngày 24/06/2024, lực lượng Ukraine đã tấn công thành công trung tâm liên lạc và theo dõi không gian NIP-16 của Nga ở Vitino, Crimea bằng nhiều tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-140 ATACMS. Nhiều khu vực của cơ sở đang cháy. Như vậy chúng ta hiểu, trạm bị tấn công là “trạm nhận.”

Để hiểu được tại sao Ukraine lại phải tấn công trạm mặt đất này, và vai trò của nó như thế nào với hoạt động quân sự, chúng ta cần xem lại một chút về nguyên tắc hoạt động của vệ tinh, chẳng hạn hệ thống GPS, hay của Nga là Glonass. Ví dụ, hệ thống bao gồm 24 vệ tinh thường trực (và 3 vệ tinh dự phòng) bay vòng quanh trái đất trên 6 quỹ đạo ở độ cao 20.200 km. Mỗi vệ tinh này được trang bị bốn đồng hồ nguyên tử cực kỳ chính xác (0,000000001s), mỗi vệ tinh sẽ phát ra 2 tần số sóng vô tuyến phục vụ cho mục đích định vị đó là: Sóng L1 có tần số 157,42 MHz và sóng L2 có tần số 1227,6 MHz.

Với sự bố trí 24 vệ tinh trên 6 quỹ đạo, nó cho phép máy thu tín hiệu GPS dù ở bất cứ đâu trên trái đất, ngày cũng như đêm, đều có thể được “ nhìn thấy” tối thiểu 4 đến 8 vệ tinh. Điều này đủ điều kiện để máy thu tín hiệu được tọa độ điểm đo và độ lệch thời gian giữa đồng hồ vệ tinh và đồng hồ máy thu.

Đó là phần các vệ tinh bay trên trời. Tiếp theo đến phần kiểm soát và điều khiển (Control), bao gồm 5 trạm kiểm soát và thu dữ liệu, 1 trạm điều khiển trung tâm, 3 trạm truyền số liệu của NASA. Năm trạm kiểm soát và thu dữ liệu được đặt tại Hawaii, Colorado Springs, Ascension Islands, Diego Garcia và Kwajalein. Trạm kiểm soát và thu dữ liệu có nhiệm vụ theo dõi các tín hiệu vệ tinh để kiểm soát sự hoạt động và tính toán quỹ đạo của chúng. Mỗi trạm được trang bị các máy thu tín hiệu mã P, liên tục theo dõi khoảng cách đến tất cả các vệ tinh quan sát được. Sau đó, kết quả hiệu chỉnh của năm trạm này được gửi về trạm điều khiển trung tâm.

Trạm điều khiển trung tâm: được đặt tại căn cứ không quân của Mỹ gần Colorado Springs, có nhiệm vụ nhận dữ liệu của năm trạm kiểm soát để xử lý, tính ra lịch tọa độ vệ tinh chính xác và tính các số hiệu chỉnh đồng hồ của từng vệ tinh. Ngoài ra, trạm này còn điều khiển các số hiệu chỉnh quỹ đạo của từng vệ tinh và điều khiển việc thay thế các vệ tinh đã ngừng hoạt động bằng các vệ tinh dự phòng. Ba trạm truyền số liệu: được đặt tại Ascension Islands, Diego Garcia và Kwajalein; có nhiệm vụ nhận dữ liệu từ trạm điều khiển trung tâm gửi lên các vệ tinh, đồng thời ra các lệnh điều khiển vệ tinh đi đúng quỹ đạo định trước.

Như vậy, ngoài các vệ tinh người ta còn phải phát triển cả các trạm theo dõi mặt đất để giao tiếp với các vệ tinh đó, tính toán và điều chỉnh chúng. Đối với hoạt động quân sự, ứng dụng của hệ thống này có thể là chụp không ảnh từ vệ tinh với độ phân giải cao, hình ảnh 3D theo thời gian thực… và quan trọng là cung cấp công cụ điều khiển vũ khí. Ví dụ một quả tên lửa có điều khiển có thể được lái từ nơi nó được bắn đi, nhưng thời gian nó khuất sau đường chân trời rất ngắn, từ đó trở đi nó phải được điều khiển thông qua vệ tinh, và trạm mặt đất chính là đóng vai trò quan trọng trong quá trình đó.

Hai ví dụ này chỉ là hai ví dụ điển hình của ứng dụng hệ thống vệ tinh và trạm mặt đất vào hoạt động quân sự.

Xem trên ảnh vệ tinh chúng ta thấy một dãy đĩa chảo ăng-ten vẫn còn nguyên, nhưng những tòa nhà bên cạnh cháy sém hết cả. Có vẻ người Ukraine vẫn muốn giữ cho hệ thống ăng-ten đó nguyên vẹn. Dù sao cũng là một kỳ công về kỹ thuật cơ khí.

2. Một số nhóm vũ trang của phe ly khai Hồi giáo tấn công lực lượng an ninh Nga trong và xung quanh thủ đô Makhachkala của Dagestan…

Những người ly khai đã giết chết một số người ngay tại đồn cảnh sát và chiếm giữ các đồn này cũng như các tòa nhà hành chính khác trong khu vực. Một số tòa nhà bị đốt phá. Cho đến nay các báo cáo cho biết đã có 17 người chết, 15 trong số đó là cảnh sát viên, 2 thường dân. Nhóm li khai cũng có đến 6 người ch.ết.

Bình loạn : Đọc trên mạng thì thấy nói rằng, dân Daghestan đã bắt đầu phản ứng với hoạt động bắt lính nên “bật” lại. Quá trình này thì chẳng có gì là lạ, chúng ta đã dự đoán với nhau từ trước, lâu lắc rồi. Sẽ còn nhiều vụ nữa, và sẽ ngày một nghiêm trọng. Xu thế tan rã của Nga là không thể tránh khỏi.

3. Một số tin tức đáng chú ý khác

- Mỹ: Mỹ đã cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga trong phạm vi 100 km tính từ biên giới, theo The Washington Post.

- Đức: AFU đã bắt đầu pháo kích vào Nga bằng pháo binh Đức, The Moscow Times đưa tin.

- Hôm qua hai hệ thống “Pantsir-S1” của Nga đã bị phá hủy.

- Hàn Quốc có thể cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không và đạn pháo 155 mm, tùy thuộc vào lập trường của Nga đối với Triều Tiên, theo Yonhap.

- Zelensky yêu cầu được cung cấp thêm 7 khẩu đội Patriot; trước mắt Ukraina chắc chắn sẽ nhận được ba (từ Đức, Hà Lan và Rumani), có thể thêm một từ Hoa Kỳ, cộng với một SAMP/T từ Ý.

- Zelensky đặt mục tiêu đàm phán về sự kết thúc thực sự của cuộc chiến với Nga tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình sẽ được tổ chức lần thứ hai.

- Ukraine và EU sẽ ký thỏa thuận đảm bảo an ninh vào ngày 26 tháng Sáu, DW đưa tin.

- Có thêm Barbados và Quần đảo Marshall ủng hộ thông cáo cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình, Zelensky nói.

- Theo Financial Times, lô đạn dược xuất khẩu của Serbia trị giá khoảng 800 triệu euro, đã đến Ukraine thông qua bên thứ ba.

- Hợp tác Romania – Ukraine: các tổ hợp quốc phòng PATROMIL của Romania và NAUDI của Ukraine đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc xây dựng khu liên hợp công nghiệp quân sự.

- Quân đội Nga đã chấm dứt chiến đấu ở khu vực Kharkiv và đang rút các đơn vị để bổ sung, phục hồi – theo người phát ngôn của “Nhóm lực lượng Khortytsia” của Lực lượng vũ trang Ukraine.

- Bất chấp báo chí phía đông nước Lào tung tin chiến thắng, lực lượng Nga vẫn dậm chân tại chỗ với những đợt tấn công ngày càng đuối theo thời gian – nguồn: mạng xã hội. Mỗi lần Nga tấn công, lực lượng Ukraine lùi lại rồi dùng pháo binh bắn chặn, sau khi nhóm quân tấn công của Nga đuối, Ukraine dùng xe bọc thép Bradley phản kích rất nhanh tiêu diệt gần như sạch sẽ nhóm quân đó rồi rút cũng nhanh không kém.

Bình loạn : Cú tấn công vào trạm kiểm soát không gian Nga đang chiếm giữ trên bán đảo Crimea – bên bờ vịnh Yevpatoria và nhiều mục tiêu ở sân bay Saky gần đó, là một bước quan trọng nữa đi đến việc đưa khả năng tấn công (và cả phòng thủ nữa chứ) của lực lượng hàng không – vũ trụ Nga ở khu vực phía nam nước này, về số không.

Trong một diễn biến khác, bất chấp ý đồ quá rõ này của người Ukraine, Nga tiếp tục chuyển về từ quần đảo Kuril một giàn S-300 – có lẽ là một trong những hệ thống cuối cùng của nước này. Sáng nay nói chuyện với một người bạn, thì những hệ thống cũ có từ trước chiến tranh đối với Nga là rất quan trọng vì chúng được lắp bằng những linh kiện tốt. Phòng tuyến bảo vệ Crimea từ trên không là rất quan trọng, vì không có nó những phòng tuyến mặt đất coi như không có. Khi nào chẳng còn giàn phòng không nào, thì sẽ có sự kiện để chúng ta xem. Với tốc độ này thì chẳng mấy thời gian nữa đâu.

Nhóm du kích “ATESH” đã tiến hành vụ phá hoại ở Rostov trên sông Đông. Đó là vụ đốt tủ chuyển tiếp trên tuyến đường sắt Rostov trên sông Đông – Mariupol. Như vậy là tuyến này đã hoạt động nhưng mới chỉ đến được Mariupol. Từ đó trở đi, Nga dùng đường bộ. Đúng như tôi nhận xét ở các bài trước, thứ nhất tuyến đường bộ từ Rostov trên sông Đông sang Mariupol là không dùng được, không phải là không có đường mà là do du kích thường xuyên tấn công, và Nga thì quá phụ thuộc đường sắt, nôm na là không đủ xe tải. Thứ hai, từ Mariupol sang phía tây, vẫn đang dùng xe tải theo đường bộ, đây là một khó khăn cho Nga. Tuy nhiên tuyến đường sắt này là một nỗ lực thành công của chúng và chắc chắn đây là một bất lợi cho Ukraine. Chúng ta hãy chờ xem họ đối phó với vấn đề này như thế nào.

Có tin tức Nga tập trung 90.000 quân gần biên giới với Ukraine để tiến hành một chiến dịch tấn công nữa – tin này do thứ trưởng thứ nhất bộ Quốc phòng Ukraine, Ivan Gavryliuk cho biết. Tôi đã bình luận với mấy anh em: Chiến dịch Kharkiv thế cũng là may, Nga tấn công khá vớ vẩn và trùng với thời điểm đạn chưa thực sự đến dồi dào cho quân Ukraine. Nhưng sau đó khi có đạn rồi thì lại hơi… tiếc, vì Nga tấn công thế là nhỏ. Nếu chiến dịch 90.000 quân này sẽ diễn ra, thì với độ tự tin hiện nay của lực lượng vũ trang Ukraine, có khi lại là tốt. Nếu phá tan được nó, thì tác động của chiến thắng của Ukraine đến cuộc chiến chắc chắn không nhỏ. Chỉ sợ Nga không đủ nguồn lực và lực lượng để tổ chức một trận to to như thế nữa. 

PHÚC LAI 24.06.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.