dimanche 30 juin 2024

Bùi Xuân Đính - Từ vụ án trường thi thời Lê-Trịnh, nghĩ về vụ "tiến sĩ nhảy cóc Vương Tấn Việt"

A.Từ các vụ án trường thi thời Lê - Trịnh

Thi cử là biện pháp chính để tuyển chọn đội ngũ quan lại cho Nhà nước phong kiến.Đi học, thi đỗ để ra làm quan là con đường tiến thân chính.

Không chỉ mong được “đổi đời” cho bản thân, mang vinh quang về cho gia đình, dòng họ và cho cả làng xã của nhiều người; mà còn là ước vọng, hoài bão được “thi thố với đời”, được “lập thân, lập công, lập ngôn, lập đức”, để góp phần “trị quốc bình thiên hạ” của biết bao kẻ sĩ.

Vì vậy, xưa kia, phần đông học trò khắc phục khó khăn, thiếu thốn, miệt mài đèn sách trong học tập, mang tinh thần và ý chí “quyết thắng” khi đi thi. Họ là những người “học thật, thi thật, để trở thành tài thật”, hay bằng cấp, học vị của họ sánh cùng tài đức. Và, với trách nhiệm chọn ra được những người đỗ đạt thực tài, phần đông các vị quan được cử làm nhiệm vụ ở các kỳ thi đều nghiêm khắc với việc thi cử.

Tuy nhiên, trường thi phong kiến cũng đầy khắc nghiệt. Vì bài thi nhiều, đề thi khó, quy chế làm bài rất khắt khe, người dự thi rất đông, người được lấy đỗ lại quá ít (có khoa thi trên 5.000 người dự mà chỉ lấy đỗ vài chục người). Vì vậy, dưới thời phong kiến, có không ít người giở trò gian lận. Sĩ tử thì mong được ”nêu tên trên bảng vàng để về làng vinh quy bái tổ”; còn quan trường thi gian lận vừa để kiếm tiền của người đi thi, vừa móc ngoặc để con em mình được đỗ. Gây ra những vụ án trường thi có tiếng mà sử cũ đã ghi lại (các vụ án này đã được đăng trong sách "Luật xưa án cũ" của mình (NXB Chính trị Quốc gia, 2023).

Vụ gian lận trường thi đầu tiên mà sử cũ ghi lại có lẽ là vụ xảy ra vào năm Quý Sửu, niên hiệu Dương Đức đời vua Lê Gia Tông (năm 1673). Bấy giờ, tại kỳ thi Hương (thi lấy học vị Hương cống, như Cử nhân sau này) ở Thăng Long, Tham chính sứ Thanh Hoa là Vũ Vĩnh Hồi (có sách chép Vũ Cầu Hối, do chữ “Vĩnh” và chữ “Cầu”, chữ “Hồi” và chữ “Hối” có tự dạng giống nhau), “ăn tiền bạc, gửi gắm sĩ tử trong bốn kỳ thi”; Phủ doãn Phụng Thiên (như Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội hiện nay) Ngô Sách Dụ coi việc trường thi đã “ngầm đem sách vở và văn cũ vào trường, cho người nhà viết thay quyển thi, trà trộn đưa vào chấm lấy đỗ, ăn tiền theo giá đã định trước”. Việc bị phát giác. Cả Vũ Vĩnh Hồi và Ngô Sách Dụ đều bị tội đồ (đi làm lao dịch).

Cũng khoa thi đó, Lê Chí Đạo là Tham chính sứ Sơn Tây làm sai lệch trong việc thi khảo các sĩ tử, đem tất cả các quyển thi mới trúng cách (mới tạm đủ tiêu chuẩn đỗ, chưa xem xét lại) được nêu tên vào bảng thi đỗ, lại cho nhiều sĩ tử gà văn cả bốn kỳ thi cho những người đi thi. Chí Đạo bị luận tội, phải bãi chức.

Khoa thi Giáp Dần niên hiệu Đức Nguyên (năm 1674), Tham chính sứ Nghệ An là Lương Thực (Lương Khoái) ức hiếp sĩ tử để lấy tiền bạc trong kỳ thi Hương bị phát giác. Thực bị giáng chức, về Kinh đô làm việc sai phái.

Tháng Chạp năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hòa, đời vua Lê Hy Tông (khoảng tháng 01/1697), có một vụ án trường thi chấn động triều đình. Bấy giờ, Ngô Sách Tuân là Hộ khoa Cấp sự trung được cử đi làm Giám thí (Phó chủ khảo) ở trường thi Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay). Trong các sĩ tử dự thi tại đây, có cả hai con của Tham tụng (Tể tướng) Lê Hy.

Trước khi vào Thanh, Ngô Sách Tuân có đến gặp Lê Hy. Không rõ hai vị quan có bàn luận đến kỳ thi sắp tới ở Thanh Hoa hay không mà sau đó, cả hai quyển thi của con Lê Hy đều không đủ điểm đỗ, song vẫn được Tuân giao cho các khảo quan xét lại và cho lấy đỗ. Việc bị phát giác, Ngô Sách Tuân sau đó bị khép vào tội giảo (thắt cổ cho chết), Ngô Hải bị bãi chức vì biết sự việc mà không phát giác. Đây là vụ án trường thi duy nhất thời phong kiến, người có liên quan phải chịu hình phạt cao nhất là án tử.

B. Đến vụ ‘Tiến sĩ nhảy cóc Vương Tấn Việt ở Đại học Luật”

Vụ ‘Tiến sĩ nhảy cóc Vương Tấn Việt ở Đại học Luật” om sòm trên báo chí và mạng xã hội nhiều ngày nay. Rồi đây, vụ việc sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ. Tôi vốn hay suy - so từ lịch sử, nên có mấy ý thế này:

1. Thời phong kiến, các kỳ thi Hương (lấy học vị hương cống, cử nhân) và thi hội, thi Đình (lấy học vị tiến sĩ) chỉ thi tập trung. Sĩ tử khắp nơi về một trường thi nào đó để “lều chõng”, trong sự giám sát nghiêm ngặt của quân đội. Ấy vậy mà, tiêu cực vẫn xảy ra.  

Ngày nay, với hình thức học ở bậc nghiên cứu sinh, việc bảo vệ các bậc (chuyên đề, hội đồng cơ sở, hội đồng cấp cuối cùng ...) đều “kín mà hở”, người đi thi dễ dàng tiếp cận được người chấm thì kiểu gì mà chẳng có tiêu cực xảy ra. Bởi vậy, vụ anh chàng Vương Tấn Việt “về đích chương trình học tiến sĩ” đến xấp xỉ nửa thời gian, tôi dám chắc có sự “tắt mắt”, gian lận, phạm luật, thậm chí có hệ thống, từ người đi học đến cơ sở đào tạo, những người thầy có liên quan.

Và tôi dám lấy cái danh “sư” của mình ra bảo đảm sự dám chắc này (chỉ danh “sư” thôi nhé, không lấy vị “sĩ” đâu, vì học vị Phó Tiến sĩ 1997 của tôi là thật, tôi phải mất 19 năm giời từ khi là cử nhân (1978) mới giành được, rất trầy trật, tưởng đứt gánh giữa đường mà tôi đã nêu trên Facebook 2 năm trước.

2. Tiêu cực trường thi thì đời nào cũng có, vấn đề là phát hiện và xử lý như  thế nào thì mỗi thời mỗi khác. Qua các vụ án trường thi thời Lê - Trịnh nêu ở trên cho thấy, tất cả các vị quan dính dáng đến tiêu cực đều bị xử lý rất nặng: bị bãi chức, tội đồ (bắt đi làm lao dịch), thậm chí có người như Ngô Sách Tuân còn phải chịu án tử (riêng trường hợp Tể tướng Lê Hy lại “bình an vô sự” vì có tính tiết lắt léo riêng, mình sẽ nói ở một tus khác).

Vậy rồi đây, nếu cơ quan chức năng làm rõ vụ việc và kết luận vụ “tiến sĩ nhảy cóc Vương Tấn Việt” có sai phạm, phạm luật một cách hệ thống thì sẽ xử lý sao nhỉ? Hôm qua (và hôm trước) tôi có đề nghị mức “án”:

- Hủy bỏ bằng tiến sĩ của Vương Tấn Việt (đương nhiên rồi, vì là tiến sĩ cực dỏm).

- Cách chức hiệu trưởng trong thời gian có nghiên cứu sinh. Vương Tấn Việt học tập và làm luận án tại trường (nếu không còn tại chức nữa thì kỷ luật “xóa tư cách hiệu trưởng nhiệm kỳ …”

- Kỷ luật tất cả các vị có chân trong hội đồng chấm chuyên đề, hội đồng chấm luận án cấp cơ sở, những người phản biện độc lập, hội đồng bảo vệ luận án chính thức (cấp trường). Đặc biệt kỷ luật nặng tập thể giáo viên hướng dẫn, những người phản biện độc lập, vì đã cho qua một luận án “dỏm”, góp phần cho “xuất xưởng” một tiến sĩ rởm, gây phẫn nộ dư luận, có thể coi là ‘tội lừa dối khách hàng”.

Nếu không xử lý lý kiên quyết, nghiêm khắc thì:

- Dân chúng sẽ cho rằng, luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thua xa luật nước Việt Nam phong kiến thời Lê - Trịnh, chẳng lẽ chúng ta tụt lùi so với lịch sử?

- Sẽ có nhiều người đi học theo lối dùng tiền để nhanh chóng có bằng, tạo ra một lũ tiến sĩ ‘giấy lộn”, chỉ là những kẻ phá hoại xã hội, chứ không có ích gì cho xã hội. Làm tha hóa đội ngũ những người thầy, kể cả người có hàm vị sư sĩ; làm biến chất các cơ sở đào tạo.  Dân chúng cũng sẽ cho rằng, nền giáo dục, nhất là giáo dục trình độ cao ở nước ta hiện nay “thối nát đến mức không thể ngửi được”, bởi một trường đại học đào tạo ra cán bộ bảo vệ chế độ, bảo vệ con người như Đại học Luật Hà Nôi mà còn phạm luật đến thế, thì các sơ sở đào tạo khác sẽ ra sao?

Tôi cứ nêu vấn đề như thế, ai phản biện tôi xin mời, và luận bàn, nhưng đừng đao to búa lớn nhé!

Và tôi chờ kết quả xử lý vụ việc.

PGS.TS BÙI XUÂN ĐÍNH 29.06.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.