Mới đây tui có viết, phản biện xã hội như cái phanh xe. Phanh xe giúp xe tự tin lao nhanh về phía trước mà không sợ gây ra tai nạn. Xe không phanh thì chỉ đứng yên hoặc chạy chậm như đi bộ.
Phản biện giúp xã hội phát triển nhanh và đúng hướng. Không có phản biện xã hội sẽ trì trệ hoặc lao nhanh xuống hố.
Nhờ có mạng xã hội, lực lượng phản biện tăng lên rộng khắp dù cho chính quyền ra sức hạn chế. Nhớ ngày xưa khi mọi phương tiện truyền thông đều nằm trong tay chính quyền, thì tiếng nói phản biện chỉ khép kín trong các bàn nhậu hoặc trong các quán cà phê. Ngày nay thì bất kỳ công dân nào cũng đưa được ý kiến phản biện của mình lên diễn đàn công khai và rộng mở.
Lực lượng phản biện đã đa dạng mà cách thức phản biện còn đa dạng và phong phú hơn.
Có kẻ nói rất nặng lời, có kẻ nói thẳng thừng, có kẻ nói nhẹ nhàng, nói bóng gió, có kẻ nói châm biếm, có kẻ nói rất dài, viết luôn thành sách, có kẻ viết rất ngắn… Có người không nói gì hết mà lực phản biện mạnh đến vạn cân, đó là sư Minh Tuệ, những bước chân âm thầm của sư đã làm thức tỉnh nhiều thành phần trong xã hội và làm rung chuyển cả hệ thống chùa chiền lạc lối.
Chỗ đứng để phản biện cũng rất đa dạng. Có kẻ đứng trong hệ thống để phản biện, có kẻ đứng mấp mé nửa trong nửa ngoài để phản biện, có kẻ đứng hẳn ra ngoài hệ thống để phản biện. Lại có kẻ không đứng vào đâu để phản biện, đó là sư Minh Tuệ. Sư không nghĩ mình đang phản biện và không nhắm vào đối tượng nào để phản biện nên sư không cần đứng vào bất cứ chỗ nào để phản biện. Mục tiêu của sư là học theo kinh Phật, hành theo kinh Phật để cứu khổ cho chính bản thân mình, nhưng tự dưng thành phản biện mà không phản biện mà lại phản biện.
Đứng trong hệ thống để phản biện là khá an toàn. Đứng mấp mé nửa trong nửa ngoài thì kém an toàn hơn. Còn đứng hẳn ra ngoài hệ thống để phản biện là cực kỳ nguy hiểm cho bản thân. Họ được quy vào thành phần bất đồng chính kiến mà chính quyền nói thẳng là lực lượng “phản động” nguy hiểm cần đưa vào “danh sách đen” để theo dõi và có thể bị bắt tù bất kỳ lúc nào. Rất nhiều người đã đi tù vì ở trong thành phần phản biện này.
Không đứng vào đâu để phản biện vì không có mục tiêu phản biện như sư Minh Tuệ và các sư đồng tu tưởng như sẽ an toàn, nhưng rồi cũng không an toàn. Lực lượng phản biện mà không phản biện mà phản biện này cũng bị giải tán, đang bị ngăn chặn và chưa biết mai này sẽ ra sao.
Thường nghĩ đến phản biện là nghĩ đối tượng phản biện là nhà cầm quyền cùng với chính sách và bộ máy của nó. Tuy nhiên trong thực tế, đối tượng phản biện cũng rất đa dạng. Là nhà cầm quyền, là một tổ chức tôn giáo, là một xu hướng xã hội (trend), là một cá nhân có ảnh hưởng hoặc không có ảnh hưởng, là các cá nhân đang phản biện (phản biện lại phản biện), là lối sống tập tục sai trái …
Dĩ nhiên những người nhắm vào chính quyền để phản biện bản thân sẽ mất an toàn.
Phản biện có các tác dụng: giúp chính quyền tốt hơn lên và luôn điều chỉnh để đi đúng hướng, giúp xã hội phát triển tốt đẹp và giúp người dân động não, thức tỉnh, bớt vô cảm thờ ơ với vận mệnh nước nhà.
Đến nay chưa có điều tra xếp hạng và đánh giá phản biện nào là có tác dụng lớn. Mỗi kiểu phản biện có tác dụng riêng của nó. Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy kiểu phản biện mà không phản biện mà lại phản biện của sư Minh Tuệ và các đồng tu đang có tác động rất lớn lên toàn xã hội.
Dù gì đi nữa, phản biện chỉ có lợi, không nên dập tắt phản biện.
HUỲNH NGỌC CHÊNH 28.06.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.