Cái bằng “Tiến sĩ” luật của ma tăng Vương Tấn Việt thì rõ rồi. Việc ấy càng chứng tỏ gã ma tăng này là một con trùn kinh tởm, trong bụng con sư tử Phật giáo.
Nhưng còn một “tiến sĩ” nữa, tiến sĩ Phật học hẳn hoi, hiện một mình đang trụ trì tới bốn ngôi chùa lớn, từ Nam ra Bắc.
Và nhiều chức vụ quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Phó Trưởng Ban Trị sự, kiêm Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế. Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM. Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trụ trì chùa Giác Ngộ (Sài Gòn), chùa Quan Âm Đông Hải (Sóc Trăng), chùa Tương Sơn (Hà Tĩnh), chùa Linh Xứng (Thanh Hóa).
Đó là Thượng tọa, tiến sĩ Thích Nhật Từ, thế danh Trần Ngọc Thảo, tuổi con gà (1969), tu theo trường phái Bắc tông, tông phái Thiền Lâm Tế đời thứ 41.
Có lần sư này đăng đàn giảng về Duy Thức học, tôi đã chỉ ra, rằng anh ta chẳng hiểu gì về Duy Thức, khi nói: “Vật chất do tâm sinh là không thể chấp nhận…”. Với một “tông chỉ” như thế, thì chứng tỏ cái “nhân” của anh ta là bất tín Duy Thức. Không tin Duy Thức, thì sao có thể hiểu nổi Duy Thức? Vậy anh tiến sĩ này giảng dạy cái gì?
Đến khi anh ta giảng về “Hồi hướng”, thì con bò cũng phải lăn ra mà cười. Phật tử mang đến “cúng dường” một nải chuối, để “hồi hướng công đức” cho tất cả mọi chúng sinh. Anh tiến sĩ giảng, đại ý có một nải chuối, mà hồi hướng cho… 8 tỉ người, thì mỗi người hưởng được là bao nhiêu? Một anh tiến sĩ Phật học, mà hiểu “hồi hướng” và “công đức” thô thiển dưới mức tâm thần như vậy, thì có lẽ phải xem lại cái bằng của anh ta.
Đến khi xuất hiện sự kiện sư Minh Tuệ, anh ta lại đăng đàn “thuyết pháp”, rằng đó là “thực tập khổ hạnh”, không phải “thực tập giới”. Chưa “thực tập giới” thì mới đi được 1/3 quãng đường… Chao ôi, nhà Phật chỉ có “thọ giới”, “trì giới”, “đắc giới”, “phạm giới” hay “xả giới”… mà thôi. Làm gì có khái niệm “thực tập giới”? Đây là nhóm từ do anh tiến sĩ nghĩ ra để lòe người.
Tu tập không phải là học nghề, cho nên chữ “tập” có nghĩa là tích tập, huân tập… công đức và trí tuệ để tiến tới giải thoát, giác ngộ thì sao lại “thực tập”? Chỉ học nghề mới cần phải “thực tập”, vì chữ “tập” trong “thực tập” có nghĩa là tập làm cho quen, cho thành thạo tay nghề, ví dụ nghề móc túi… vậy, khác hoàn toàn chữ “tập” trong “tu tập”. Bịa ra khái niệm tầm thường, bậy bạ để lòe người, để ra vẻ ta đây, chê một người “tập học” phi thường là Sư Minh Tuệ, anh tiến sĩ này đã lòi cái đuôi vừa dốt nát, vừa khoe khoang, lại vừa đố kỵ…
Nhưng đến chỗ này thì các ngài Hộ Pháp cần phải tước ngay cái bằng “tiến sĩ Phật học” của anh ta. Trong bụng con bò chứa hàng ổ vi khuẩn, nhưng là những vi khuẩn có ích, giúp con bò phân hủy xenluylo trong rơm, cỏ để biến thành protein nuôi sống con bò. Nhưng những con trùn ấy chui vào bụng con sư tử thì rất nguy, vì chúng sẽ làm hại sư tử.
Một phật tử gửi câu hỏi cho ngài tiến sĩ thượng tọa, đại ý Phật tại tâm là câu nói thường miệng của nhiều phật tử tại gia... nhiều người cho rằng cần gì phải đến chùa, cần gì phải đi chùa xa, cần gì phải ăn chay, cần gì phải làm việc thiện...? Cứ ngồi ở nhà, nghĩ đến Phật, thì Phật tại tâm là đủ rồi. Xin thầy cho biết quan điểm của thầy về vấn đề này.
Và “ngài” thượng tọa tiến sĩ đã trả lời, (nguyên văn): “Trên thực tế thì Phật không ở tại tâm được. Vì Đức Phật lịch sử có chiều cao 1,9 m nặng trung bình 80 ký, thân tướng với 32 tướng tốt như thế, làm sao có thể tồn tại trong trái tim chúng ta được...”. Hehe, thực là cười không nổi. Câu nói Phật tại tâm mà hiểu thô thiển tới… quá cỡ thợ mộc (xin lỗi các bác thợ mộc) như thế, thì kẻ đần độn nhất thế gian cũng không đến nỗi ấy. Đằng này đường đường là một… “tiến sĩ Phật học”.
Nghĩa là Thích Nhật Từ không hiểu nổi câu “Phật tại tâm”, càng không hiểu “Phật tính”, “Tính Giác”, “Như Lai tạng”, “Phật Tỳ Lô Giá Na”… là gì. Chỉ vì quá lo sợ các phật tử sẽ không đến chùa để “cúng dường” hoặc “chuyển khoản”… nữa, nên anh ta đã kịch liệt đả phá chân lý “Phật tại tâm”, đến nỗi anh ta lớn tiếng tuyên bố:
“Học thuyết Phật tại tâm là cực kỳ nguy hại cho sự phát triển của Phật Giáo (!)”.
Tuyên bố ấy của đồ đệ có nghe được hay không? hỡi ngài “Đức Pháp chủ”? hỡi các vị lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và toàn bộ giới tăng ni, trong cả tam thiên, đại thiên thế giới này, bao gồm cả mười phương, ba đời?
Đến đây, thì có thể kết luận Thích Nhật Từ đích thị là một con “trùn” thảm hại và thấp kém, đang nằm trong bụng con Sư Tử Phật Giáo. Tại sao nói như thế? Vì anh ta rõ ràng không có chủng tính Phật, không có chủng tính Thanh Văn, Duyên Giác đã đành, ngay cả bất định chủng tính cũng không, thì chỉ có thể là chủng tính… ngoại đạo.
Tôi xin trả lời vị phật tử đặt câu hỏi ở trên thay anh ta. Rằng vì Phật tại tâm, cho nên hoàn toàn có thể không cần đến chùa, mà vẫn có thể tu thành Phật. Các Kinh Bổn sự nói về vô lượng kiếp trước của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tuyệt không có bóng dáng một ngôi chùa nào, mà Ngài vẫn thành Phật đó thôi? Còn chư vị Độc Giác Phật khắp mười phương, ba đời, nhiều như cát sông Hằng nữa. Chư vị ấy cũng không cần đến bất kỳ một ngôi chùa nào, thậm chí không cần cả giáo lý, không cần nghe ai thuyết pháp.
Và khi thành Phật dưới cội Bồ Đề, Đức Bổn sư đã dùng “Nhất thiết chủng trí” để quán chiếu khắp thế gian, Ngài thấy mọi chúng sinh đều có Phật tính. Hơn thế nữa, cái món "Phật tính" trong mọi chúng sinh ấy, nó bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh và bất tăng bất giảm... Nghĩa là người đầu tiên đưa ra “học thuyết” Phật tại tâm, chính là Đức Thích Ca Mâu Ni.
Chống lại điều đó, tức là chống lại chính Đức Bổn Sư đấy, anh “tiến sĩ Phật học” ạ. Nhưng tôi chắc chắn Đức Đại từ, Đại bi vẫn mong anh sớm thành Phật đạo, để anh không chống lại Ngài nữa.
PHẠM LƯU VŨ 29.06.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.