mercredi 26 juin 2024

Nguyễn Thông - Huy Đức (5)

 

Năm 1996, Huy Đức mới chân ướt chân ráo về tòng sự Thanh Niên chưa được bao lâu thì Sài Gòn xảy ra chuyện động trời.

Tại một khách sạn trên đường Phạm Ngũ Lão quận 1 có vụ giết người, nạn nhân bị cắt cổ, chém chết trong thang máy. Khách sạn tên gì thì lâu quá tôi quên mất, giả dụ lúc này lôi “điều tra viên” Huy Đức ra khỏi nhà giam mà hỏi, có khi y cũng chẳng nhớ.

Từ trụ sở báo Thanh Niên tới bùng binh chợ Thái Bình chỗ đầu đường Phạm tướng quân chỉ vài chục mét, từ bùng binh tới nơi xảy ra án mạng hơn trăm mét. Đây là cơ hội trời cho để Huy Đức trổ tài một tay phóng sự điều tra cộm cán, buổi ra mắt.

Khách sạn gần xịt, càng tiện, đi bộ cũng được. Nhưng y cưỡi xe máy, phóng vù vù, thoắt hiện trường, thoắt tòa soạn. Cả cơ quan lúc ấy chỉ vài người sắm ngựa sắt 2 bánh, tôi nhớ có sếp Tịnh phó tổng, Công Thắng trưởng ban bạn đọc, Mạnh Tú trưởng phòng quảng cáo, còn sếp Khế xài chiếc Jeep tàng. Giờ thêm Huy Đức thuộc hàng phong lưu.

Như một điều tra viên thực thụ, y gặp từng người, chủ khách sạn, nhân viên, bảo vệ, tiếp tân, cả những khách ở đó, hỏi từng chi tiết, dựng lại hiện trường, chụp ảnh thang máy, quan sát từng vệt máu. Báo đăng liền mấy kỳ, hút bạn đọc như tôm tươi. Rồi sau này vụ án ấy rốt cục thế nào, tôi không còn nhớ, chỉ nghe nói công an có sử dụng cả kết quả của nhà báo Huy Đức để điều tra.

Có Huy Đức, báo Thanh Niên xôm tụ hẳn. Có lẽ y ở đâu cũng tạo nên sự xôm tụ, khác biệt. Đó là khả năng của người tài. Tôi hơn y dăm bảy tuổi mà phục lăn dù khi ấy y còn khá trẻ, ngoài 30. Nhưng trò đời, chả có con đường nào bằng phẳng, chẳng đám đông nào không người thương kẻ ghét, tị nạnh suy bì, chẳng môi trường nào không rào cản, cạm bẫy. Được một thời gian, Huy Đức lặng lẽ ra đi, không ồn ào.

Nghe đâu về lại Tuổi Trẻ, nơi ấy tuy ao cũ nhưng quen hơn, nước hợp với sự vẫy vùng hơn. Rồi y đầu quân cho “Nông thôn ngày nay” của chị Mai Nhung, rồi về “Sài Gòn tiếp thị” của Tâm Chánh. Sau này đôi lần ngồi cạnh nhau, tôi cũng định hỏi về cuộc “người ra đi đầu không ngoảnh lại” ấy, cứ chần chừ, chần chừ dùng dằng tới khi y bị “làm việc”.

Nhớ dạo năm ngoái, trong bữa ăn do vợ chồng đứa cháu từ ngoài HN đưa ông bà nhạc đi du lịch Sài Gòn mời, gặp chị nguyên là trưởng đại điện của “Sài Gòn tiếp thị” ở Hà Nội. Những lời trò chuyện có nhắc tới Huy Đức thời làm tờ báo ấy. Chị bảo rằng em phục anh Huy Đức nhưng cứ lo lo cho anh ấy.

Những người trong làng báo, và cả ngoài làng, đều biết Huy Đức rất nổi tiếng ở mảng chính trị xã hội, nhất là nghị trường. Thời tung hoành Tuổi Trẻ, hầu như cuộc họp nào của Quốc hội y cũng có mặt. Y là dạng phóng viên nghị trường điển hình, hiếm có, khéo léo gặp được bất cứ ai, kể cả những ông bà to nhất, khai thác được những điều bạn đọc đang hóng nhất. Những bài tường thuật, phỏng vấn, chuyện bên lề, chuyện hành lang trong mỗi kỳ họp của Huy Đức kéo bạn đọc ào ào về Tuổi Trẻ.

Huy Đức tạo cho mình thời hoàng kim khi ở tờ báo này, và Tuổi Trẻ cũng đạt được hoàng kim nhờ rất nhiều người tài giỏi, trong đó có Huy Đức, Hoàng Linh, Binh Nguyên, Thủy Cúc, Ngọc Vinh, Phúc Tiến… Mỗi số phát hành tới nửa triệu bản, quảng cáo lên đến 40 - 60 trang, chẳng hoàng kim chói lọi thì là gì. Đám người tài ấy đã góp công tạo nên tên tuổi lẫy lừng cho báo, tất nhiên phải kể cả những trùm Nam Đồng, Kim Hạnh, Lê Văn Nuôi.

Giờ chỉ còn hoàng hôn nhập nhoạng, vang bóng một thời. Ông thầy Vy đồng nghiệp tôi sinh thời có lần bảo trước kia mỗi ngày tao mua 2 - 3 tờ, giờ hẻo tiền nên chỉ còn mua 1 tờ, thì tờ đó là Tuổi Trẻ của Kim Hạnh, Huy Đức.

(Còn tiếp)

Biên thêm: Những điều tôi kể về Huy Đức và báo Tuổi Trẻ là những gì tôi biết trong thực tế, có thể không khớp với sự nhìn nhận của “nhân chứng” còn sống, tôi chịu trách nhiệm về ký ức của mình, nên xin phép không tranh cãi. Cảm ơn.

NGUYỄN THÔNG 26.06.2024

Nguyễn Thông - Huy Đức (4)

Nguyễn Thông - Huy Đức (3)

Nguyễn Thông - Huy Đức (2)

Nguyễn Thông - Huy Đức (1)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.