mercredi 18 octobre 2023

Nguyễn Đắc Kiên - Bẫy trung bình

 

Trong cuộc trò chuyện mới đây với nhà báo Kim Hạnh, bà Phạm Chi Lan có nhắc đến lời cảnh báo từ năm 2010 của ông Homi Kharas, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB).

Tại hội nghị WB công bố Việt Nam thoát khỏi ngưỡng nước nghèo bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình, tổ chức tại khách sạn Sheraton Hà Nội. Ông Homi Kharas cảnh báo: Việt Nam có “nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất lớn”. Ông lấy dẫn chứng, các nước xung quanh như Malaysia, Thái Lan, Indonesia v.v...đều là những nước vượt qua ngưỡng nghèo rất sớm so với Việt Nam nhưng hiện (năm 2010) vẫn loay hoay ở mức thu nhập trung bình.

Bà Phạm Chi Lan kể tiếp: “Sau hội nghị tôi ra nói cảm ơn ông đã cảnh báo, nhưng tôi lo là Việt Nam còn rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, chứ không phải thu nhập trung bình. Khi đó ông Homi Kharas mới nói: Có thể như vậy thật, nhưng tôi không thể nói thẳng ra. Chuyện đó Việt Nam các bạn phải biết với nhau để cố gắng vượt lên, từ mức thu nhập trung bình thấp lên mức vừa, rồi lên trung bình cao. Điều đó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và cải cách mới có thể được”.

Đến nay, 2023, ngoài Malaysia và Thái Lan đã lên mức thu nhập trung bình cao, thì Việt Nam lẫn Indonesia v.v...vẫn loay hoay ở mức thu nhập trung bình thấp, đúng như lời cảnh báo của ông Homi Kharas năm nào.

Nhưng chuyện này tôi sẽ nói sau, bữa nay tôi muốn nói đến một thứ bẫy trung bình khác, có thể ít vĩ mô hơn, nhưng về sâu xa nó cũng thiết thân gắn bó với cái bẫy trung bình nói ở trên.

Về nguyên tắc, một nhà làm phim tìm vào trường học như một cách bán vé sỉ (số lượng lớn) thì không có gì là sai cả. Nó cũng giống như nhà sản xuất phần mềm tìm vào kênh trường học bán các ứng dụng số (tôi có nói bữa trước) vậy. Họ không sai.

Vấn đề ở đây là họ đang lợi dụng ưu thế áp đặt của kẻ mạnh (nhà trường, thầy cô) đối với những người yếu thế (học trò, phụ huynh) để bán một sản phẩm mà, hoặc là người mua không có nhu cầu, hoặc là có chất lượng thấp đến mức họ sẽ không chấp nhận mua trong hoàn cảnh bình thường.

Bằng cách làm này, các nhà sản xuất có thể dễ dàng đạt được mục đích mỹ mãn về thương mại, nhưng đó là thành quả ngắn hạn. Về dài hạn, thành công quá dễ dàng về mặt thương mại có thể sẽ làm thui chột đi năng lực sáng tạo, và động lực để đổi mới, cải tiến sản phẩm của họ. Bởi vì họ thấy với một sản phẩm trung bình, thậm chí tệ hại, họ vẫn bán được và thu lợi nhuận cao thì đâu cần nhọc công đổi mới, cải tiến chi cho mệt, đúng không?

Đây chính là một loại bẫy trung bình.

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng có thể xem là một (case study) điển hình của loại bẫy trung bình này. Tại sao ông Vượng có thể dễ dàng thành công với bất động sản nhưng lại thất bại với tất cả các lĩnh vực khác mà ông từng nhảy vào?

Câu trả lời có lẽ đã được chính ông Vượng hé lộ trong một video clip ông nói chuyện với nhân viên Viettel cách đây vài năm. Trong clip đó ông Vượng kể chuyện sa thải một giám đốc điều hành “Tây lông” sau một thời gian ngắn vị này giúp ông xây dựng lên hệ thống bán lẻ Vinmart. Khi đó ông nói đại loại kiểu: Bọn “Tây lông” nó không hiểu Việt Nam, nên ông buộc phải thay thế bằng người Việt, và lập tức thấy ngon hơn, vận hành trơn tru hiệu quả hơn rất nhiều.

Ừ. Chết ở cái chỗ lập tức thấy “ngon hơn, vận hành trơn tru” hơn đó đó. Cái bọn “Tây lông” mà ông ngứa mắt ấy, nó làm việc theo nguyên tắc, theo kỷ luật quản trị nghiêm ngặt. Nó sẽ làm khó cho nhân viên của ông, và rất nhiều khi cả chính ông nữa. Giống như khi đi vào cao tốc, muốn quay xe có khi ông phải đi cả chục, trăm ki-lô-mét mới quay đầu được, nhưng ông và nhân viên của ông đi đường làng quen rồi, thích dừng-đỗ-quay xe, đi theo lối tắt, lối mở bất cứ lúc nào cũng được, bây giờ “Tây lông” người ta bắt phải đi cả chục, cả trăm ki-lô-mét mới cho quay đầu thì chịu sao nổi?

Ông thấy nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy trình quản trị của “Tây lông” rườm rà, ông muốn sửa chỗ nọ, cắt chỗ kia người ta không chịu (mà rõ là ông thuê về, trả lương nhé) thì ông chịu sao nổi. Phải đuổi cổ ngay, đưa mấy đứa Việt Nam dễ bảo (lương thấp hơn nữa) vào, ông nói sao cũng chịu, vậy là “hiệu quả, trơn tru hơn”, đúng không?

Đúng. Quá đúng. Thế cho nên chỉ mấy năm sau ông bán Vinmart, ông đóng cửa Vsmart, ông ngừng sản xuất xe xăng v.v...

Trong khi với lĩnh vực bất động sản, chỉ cần chiếm được một khu đất đắc địa với giá rẻ, xây nhà lên bán là kiểu gì cũng có lời, thậm chí siêu lời. Thì các lĩnh vực khác, như bán lẻ, hay sản xuất hàng công nghệ đòi hỏi lối tư duy, lối kỷ luật, và những nguyên tắc hoàn toàn khác, mà có thể ông Vượng không thể nào “tiêu hóa” nổi.

Những thứ nguyên tắc, tiêu chuẩn, những thứ kỷ luật quản trị nghiêm ngặt của bọn “Tây lông” mà ông thấy rườm rà đó, nó khiến ông Vượng và nhân viên của ông khó chịu trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ giúp ông và công ty của ông đi đường dài, và phát triển bền vững.

Bi kịch là lối tư duy ngắn hạn “ăn xổi ở thì”, của ông Vượng không phải là cá biệt, thậm chí, nó khá phổ biến trong giới doanh nhân của chúng ta.

Làm sao vừa hạ giá thành, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm mà vẫn sản xuất được nhiều hơn, thu được lợi nhuận cao hơn?

Kinh nghiệm của Tây Âu đã chỉ rõ rồi: Phải tìm cách đổi mới quản trị, nâng cao năng suất, cải tiến công nghệ (người Tây Âu làm việc này từ thế kỷ 18-19, với những tấm gương về tinh thần đổi mới quản trị như Taylor, Fayol, xem: “Tổ chức công việc theo khoa học”, Nguyễn Hiến Lê, xuất bản lần đầu năm 1949). Nhưng không. Chúng ta chọn con đường dễ dãi hơn: Bớt xén nguyên liệu, bớt xén quy trình, tăng giá bán sản phẩm. Đó là “tầm nhìn hạn hẹp”, là “tư duy ngắn hạn”, là lối “ăn xổi ở thì”, là con đường sẽ dẫn chúng ta đi thẳng vào “bẫy trung bình” vậy.

Chấp nhận, thỏa hiệp, chưa nói có khi còn dễ dãi tung hô những sản phẩm, những thứ trung bình (kể cả trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật), thì đỉnh cao của chúng ta sẽ mãi mãi ở mức “trung bình” mà thôi.

Người ta vẫn nói “kẻ thù của cái tốt nhất là cái tốt”, nhưng chúng ta có khi còn tệ hơn, đó là dường như đang tôn vinh những thứ “trung bình”, những thứ “phẩm hạng thấp kém”. Vậy thì chúng ta sẽ đi tới đâu?

[Một góc nhìn về nghệ thuật]: Với tư cách người từng làm thơ, từng mày mò học viết văn và từng có ít nhiều quan tâm đến nghệ thuật, tôi mạo muội có vài nhận xét như vầy: Cái thiếu của chúng ta là những nhà phê bình nghệ thuật nghiêm khắc. Ta chỉ có những “con buôn” và những nhà phê bình tầm tầm dễ dãi.

Bằng cách tung hô hay phê phán (để lấy le), họ không những chẳng thúc đẩy hay giúp nghệ sĩ mở ra các chân trời sáng tạo mới, mà thậm chí còn kéo người nghệ sĩ (nếu có manh nha vượt lên được) về cái mức tầm tầm của họ. Và sau đó là dìm chết người nghệ sĩ xuống dưới vũng bùn của ảo vọng tiếng tăm và thành công chớp nhoáng.

NGUYỄN ĐẮC KIÊN 17.10.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.