jeudi 5 octobre 2023

Ngô Nhân Dụng - Nền Dân Chủ Mỹ còn vững không?

Theo dõi những đề tài được tìm hiểu trên Google, cho thấy trong những ngày chính phủ bị đe dọa có thể đóng cửa thì không mấy người Mỹ nêu vấn đề đó ra để coi chuyện gì đang xảy ra; nhưng rất nhiều người đi tìm thông tin về “Tuần Lễ Cà Phê 2023!”

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy bị truất phế với tỉ số 216 – 210. Đa số dân biểu Cộng Hòa vẫn tín nhiệm ông, chỉ có 8 người chống kịch liệt. Trong lịch sử nước Mỹ, ông là vị chủ tịch Hạ viện đầu tiên bị cất chức.

Dân biểu Cộng Hòa Patrick McHenry, North Carolina, tạm lên cầm chịch để lo bầu một chủ tịch mới. Trong khi chờ đợi coi như Hạ viện ngưng hoạt động, sẽ không thể biểu quyết một dự luật nào. Hai dân biểu Jim Jordan, Ohio, và Steve Scalise, Louisiana tỏ ý muốn ứng cử, nhưng họ sẽ phải thương lượng với khoảng 20 dân biểu Cộng Hòa cứng rắn, những người đã gây khó dễ cho ông McCarthy trong 9 tháng qua.

Tháng Giêng năm 2023, ông Kevin McCarthy, đại biểu California, đã phải trải qua 15 lần bỏ phiếu mới được bầu lên chức chủ tịch, trong khi đảng Cộng Hòa chiếm đa số 221/212. Mỗi lần thất vọng ông lại phải mặc cả với mấy người thuộc nhóm bảo thủ cứng rắn này, lại hứa hẹn, nhượng bộ một chút, cho họ thỏa mãn. Nhượng bộ quan trọng nhất của ông là bằng lòng sửa nội quy, từ đó chỉ cần một dân biểu cũng có thể yêu cầu bỏ phiếu cất chức vị chủ tịch.

Dân biểu Matt Gaetz, Florida, đã sử dụng miếng võ này để lật đổ ông chủ tịch; đã được các đại biểu Dân Chủ sẵn sàng giúp cả hai tay. McCarthy từng nói Gaetz có thù hằn cá nhân với mình, từ khi ủy ban Đạo Lý Hạ viện mở cuộc điều tra về ông Gaetz.

Ngoài Jim Jordan, và Steve Scalise, nhiều dân biểu Cộng Hòa khác cũng có triển vọng lên chức chủ tịch, như Tom Emmer, Minnesota hoặc Tom Cole, Oklahoma. Dân biểu Hakeem Jeffries, New York, đứng đầu khối thiểu số Dân Chủ cũng sẽ ứng cử; có thể thắng nếu đảng Cộng Hòa không đoàn kết.

Cho nên ông Mr. McHenry sẽ phải mời các đại biểu Cộng Hòa họp riêng chọn trước khi cả Hạ viện bỏ phiếu. Dân biểu Troy Nehls, Texas, đã viết trên mạng X (tức Twitter cũ) của mình rằng ông sẽ đề cử cựu Tổng thống Donald J. Trump ứng cử chủ tịch Hạ viện; được Dân biểu Marjorie Taylor Greene, Georgia, ủng hộ. Theo nội quy, vị chủ tịch không cần phải là một dân biểu; nhưng ông Trump có thể bị nhiều dân biểu Cộng Hòa bỏ phiếu chống.

Ông McCarthy đã nói sẽ không tranh cử nữa; nhưng trước đây ông đã từng nhiều lần làm ngược lại những điều đã nói, kể cả những hứa hẹn long trọng, với Tòa Bạch Ốc, với Thượng viện, hay với các dân biểu Cộng Hòa hoặc Dân Chủ. Ông có thể mặc cả với ông Jeffries để các đại biểu Dân Chủ không bỏ phiếu, lúc đó chỉ đếm phiếu các dân biểu Cộng Hòa thì McCarthy có thể vẫn chiếm đa số.

Dù ai sẽ lên làm chủ tịch, Hạ viện sẽ vẫn “bất trị” như cũ vì các dân biểu thuộc nhóm bảo thủ “cứng rắn” sẽ không thay đổi. Những người muốn lên chức chủ tịch vẫn phải mặc cả với họ. Họ sẽ tiếp tục duy trì các đòi hỏi cũ, như cắt giảm tối đa ngân sách chính phủ, tăng cường kiểm soát biên giới, và cắt bỏ viện trợ cho Ukraine. Họ theo đuổi một mục tiêu hão huyền. Bởi vì, dù Hạ viện có thông qua một dự luật ngân sách như vậy, thì đa số nghị sĩ trên Thượng viện và Tòa Bạch Ốc cũng sẽ bác bỏ.

Nếu không kịp thông qua ngân sách, tới hạn kỳ giữa tháng 11 chính phủ Mỹ sẽ phải “đóng cửa” thật. Một nhóm trên 20 đại biểu trong đảng chiếm đa số vẫn có thể sẽ làm Hạ viện và guồng máy nhà nước tê liệt.

Nhiều người lo nền dân chủ ở Mỹ đang gặp cơn khủng hoảng. Những biến cố trước đây hiếm họa mới thấy, bây giờ xảy ra liên tiếp. Guồng máy nhà nước đóng cửa đàn hạch. Cựu tổng thống bị truy tố bốn vụ khác nhau. Hai đảng chia rẽ. Nội bộ mỗi đảng cũng chia ra những nhóm kình chống nhau. Bạo loạn tấn công trụ sở quốc hội, một chuyện chưa bao giờ thấy. Chuyện này kéo theo chuyện khác. Các cử tri không chỉ kết hợp với nhau trên những chính sách họ cùng muốn thực hiện mà còn đoàn kết mạnh hơn khi họ cùng ghét đảng khác.

Người dân tỏ ra dửng dưng, đóng vai bàng quan, có lẽ vì đã quen rồi. Chính phủ đã đóng cửa hai lần thời Tổng thống Bill Clinton năm 1995, 96; rồi lập lại thời Barack Obama, Donald J. Trump; Joe Biden thế nào cũng phải nếm mùi. Thị trường chứng khoán cũng không bị lay động về mối lo nhà nước sẽ đóng cửa, như thể các nhà đầu tư biết trước mọi chuyện sẽ yên.

Khi hỏi có muốn các nhà chính trị phải thỏa hiệp hay không, phần lớn nói “muốn.” Nhưng người ta lại nghĩ “đảng bên kia” phải thỏa hiệp chứ không phải đảng mình! Một cuộc nghiên cứu dư luận của “YouGov”, báo New York Times tường thuật, thấy trong tuần trước 29 % dân nghĩ cảnh rắc rối ở Hạ viện là do các dân biểu Cộng Hòa gây ra; nhưng 13 % đổ tội đảng Dân Chủ và 14 % coi lỗi là tại ông Joe Biden.

Những xáo trộn ở Hạ viện không phải là dấu hiệu quan trọng nhất. Một hiện tượng đáng lo hơn về nền dân chủ nước Mỹ, là khuynh hướng dùng bạo lực trong chính trị. Thống đốc tiểu bang Utah, Spencer Cox, nói chuyện tại Salt Lake City với đài PBS News, đã báo động: “Tôi đã bị đe dọa. Nhiều viên chức ở Utah cũng bị dọa.”

Ông Cox nêu ra cuộc nghiên cứu của Rachel Kleinfeld, thuộc Trung tâm Carnegie, viết rằng “Không những các đại biểu quốc hội bị đe dọa nhiều gấp 10 lần năm ngoái mà các vị thị trưởng, viên chức địa phương cũng bị đe dọa. Bà nêu ra báo cáo của tổ chức Liên minh Đô thị (National League of Cities) nói có 81 % viên chức bị đe dọa dùng bạo lực trong năm 2021. Hiện tượng này cũng tăng lên ở Âu châu; nhưng không nước nào lên cao như ở Mỹ.

Bà Kleinfeld cho rằng dân Mỹ đang chia rẽ phần lớn vì không hiểu những người bất đồng ý kiến với mình. Người càng lớn tuổi thì càng chia rẽ hơn người trẻ. Nhiều ứng cử viên thấy nếu họ bày tỏ các lập trường cực đoan thì dễ thu hút lá phiếu hơn. Cứ như thế, những ứng cử viên trong cùng đảng sẽ chạy đua coi ai cứng rắn hơn.

Thống đốc Spencer Cox đang kêu gọi dân Utah và cả nước Mỹ hãy trở về với tinh thần dân chủ đã tồn tại từ mấy thế kỷ qua. Ông nhắc đến kết quả một cuộc nghiên cứu của Pew Research Center, cho biết chỉ có 4 % dân Mỹ nghĩ hệ thống dân chủ của nước Mỹ vẫn hoạt động rất tốt, còn 65 % cảm thấy quá mệt khi nghĩ đến chính trị. Ông Cox đang làm một chương trình vận động mang tên “Disagree Better.” Cứ bất đồng ý kiến, như thế mới là Dân Chủ. Nhưng hãy Bất đồng Ý kiến theo Cách Tốt hơn!

Có lẽ phần lớn dân Mỹ vẫn còn theo tinh thần đó. Và họ tin tưởng rằng nước Mỹ sẽ vượt qua những xáo trộn gần đây, có thể coi là nhẹ hơn nhiều cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Cuộc nội chiến, phong trào đòi quyền bỏ phiếu, phong trào phản chiến, vân vân, còn chia rẽ nước Mỹ hơn nhiều.

Theo dõi những đề tài được tìm hiểu trên Google cho thấy trong những ngày chính phủ bị đe dọa có thể đóng cửa thì không mấy người Mỹ nêu vấn đề đó ra để coi chuyện gì đang xảy ra; nhưng rất nhiều người đi tìm thông tin về “Tuần Lễ Cà Phê 2023!” Nhiều người chỉ muốn biết ai đã trúng xổ số “Powerball” hàng tỉ bạc; hoặc ai sẽ thắng trong chương trình “The Golden Bachelor.” Người Mỹ cứ thản nhiên không lo quốc hội không kịp thông qua ngân sách! Chắc vì họ vẫn tin tưởng vào các định chế tự do dân chủ vững chắc, chẳng có gì phải lo!

NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 05.10.2023)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.