mardi 7 mars 2023

Hiệu Minh - Tiến sĩ vs Nghệ sĩ Nhân dân

 

Chuyện nhỏ này viết cho vui thôi nhưng cũng đáng ngại cho vài vị lãnh đạo ngồi ghế cao nhưng hiểu lầm về học vị, học hàm, và danh hiệu.

Tin Quốc hội cho hay, ngày 06/03/2023, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh (ĐHSKĐA) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ Tiến sĩ. Trường ĐHSKĐA xin cơ chế đặc thù cho nghệ sĩ nhân dân (NSND) được tính tương đương Tiến sĩ và nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) tương đương Thạc sĩ.

Lãnh đạo trường đại học mà đề đạt như trên là không ổn do lẫn lộn giữa học vị và danh hiệu. Một bên là học vị (Tiến sĩ, Thạc sĩ) thuộc về bằng cấp do trường đại học hoặc viện nghiên cứu khoa học công nhận, phải bảo vệ luận án. Và một bên là danh hiệu (NSND, NSƯT) do một hội đồng quốc gia xem xét và công nhận, mà người được phong không phải bảo vệ.

Tiến sĩ phải tốt nghiệp đại học, có luận án Thạc sĩ rồi Tiến sĩ, có nghiên cứu khoa học bài bản, kết quả được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, tùy theo yêu cầu và phải bảo vệ luận án trước hội đồng khoa học. Thời tôi làm PTS IT (1985-1987) bên Bulgaria cũng cố “nặn” 2 bài đăng trên tạp chí của Viện Hàn lâm và một bài công bố tại hội thảo quốc tế mới qua vòng gửi xe.

Trong khi đó NSND được phong do họ có đóng góp quan trọng cho nghệ thuật và xã hội. NSND không cần tốt nghiệp đại học, có học vị hay học hàm. Có những NSND được phong do hát hay, đóng phim giỏi, diễn hài làm cả nước cười…mà có khi chưa từng qua một trường đại học nào.

Một bên là nghiên cứu theo đường khoa bảng, một bên do có tài đặc biệt và theo đuổi về nghệ thuật. Hiểu lầm về các loại “sĩ” nên mới lẫn lộn giữa học vị, học hàm và danh hiệu.

Chả hiểu từ bao giờ, xứ Việt mình lại coi bằng Tiến sĩ như chìa khóa tiến thân. Có thể từ những bia Tiến sĩ ở Văn Miếu hay những câu ca về những ông nghè, ông cống, vinh quy bái tổ, làm rạng danh dòng họ, giấc mơ anh lái đò của nền văn minh lúa nước.

Những năm 1960, ở quê tốt nghiệp lớp 4 coi như biết đọc, biết viết, có thể đi làm, lập gia đình. Ai giỏi tốt nghiệp lớp 7 là điều kỳ diệu. Và rồi lớp 7 chưa đủ, phải tốt nghiệp 10 (cấp 3) và sau này là lớp 12 (phổ thông trung học), mới là giỏi. Tiếp theo là bằng đại học, thạc sĩ, phó tiến sĩ, tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư, những học hàm học vị nghe rất oai.

Từ những năm 1980 trở đi, phong trào đi nghiên cứu sinh (NCS) ở nước ngoài, cứu mình, cứu nhà, chỉ cần ra khỏi biên giới có cả tiền bạc và danh vọng.

Về nước có bằng phó tiến sĩ (tiến sĩ bây giờ) sẽ có chức tước, trưởng phó phòng, vụ trưởng, vụ phó, sau này lên thứ bộ trưởng, ủy viên trung ương. Ứng cử Quốc hội dễ hơn vì có mác khoa học. Sau này lại còn qui định một số vị trí phải có bằng tiến sĩ trở lên mới được thăng quan.

Trong thực tế, nhiều bằng tiến sĩ không liên quan đến chuyên môn họ đang làm, nếu không phải là giảng viên đại học hay làm việc tại viện nghiên cứu.

Có lẽ não trạng học vị đó đã ăn sâu vào nhiều người nên danh thiếp, giới thiệu khách mời, thậm chí cả bia mộ cũng đề học vị, học hàm và cả danh hiệu dài lê thê.

Từ năm 1984 đến năm 2019 có 472 NSND được phong trong khi cả nước có khoảng 30.000 Tiến sĩ (theo ước tính của tôi). Kể từ năm 2017 thì mỗi năm ra lò khoảng 1.500 Tiến sĩ trong khi năm cao nhất (2015) chỉ có 102 NSND được phong. Như vậy, NSND nổi tiếng hơn Tiến sĩ…gấp 10-15 lần nếu tính theo số lượng, vì trong nghệ thuật, càng ít càng có giá, sao lại “cào bằng” để làm gì

Bây giờ thêm NSND và Tiến sĩ thì quả là ngây ngô, hài hước do hiểu loạn cào cào về học vị, học hàm và danh hiệu.

Sẽ ra sao nếu VTV giới thiệu ông 4X, NSND kiêm Tiến sĩ ra diễn vở chửi khán giả như mẹ chửi con trong “Gặp gỡ cuối năm”.

HIỆU MINH 07.03.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.