jeudi 3 novembre 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 250 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (31/10/2022)

 

1. Điểm tin chiến sự

• Bản tin chiến sự của Bộ Tổng tham mưu Ukraine sáng sớm hôm nay không thấy ghi nhận gì về… đánh nhau. 

Tuy nhiên trên một diễn đàn quân sự Nga thì thành viên họ phàn nàn về việc chẳng hiểu sao đến giờ phút này, sau khi đã chiếm được Severodonetsk và Lysychansk hàng mấy tháng, mà vẫn không đẩy lùi được quân Ukraine khỏi Vuhledar.

Bình loạn : Đây là một làng ở tây nam thành phố Donetsk, nếu tính đến rìa thành phố nó cũng chỉ cách có hơn chục ki-lô-mét. Xem trên bản đồ của ISW thì đúng là phòng tuyến của người Ukraine sát cạnh phía tây thành phố thật.

Chúng nó còn kháo nhau rằng “kỳ này thì chắc chắn có kế hoạch cho “bọn” Ukraine một trận, nhiều khả năng nhất là ở Marinskyi”. 

Marinskyi là một đơn vị hành chính cấp quận - huyện ở phía tây thành phố Donetsk, cái làng Vuhledar cũng thuộc huyện này. Hiện nay, Bộ chỉ huy Nga đã phải đưa đến đây lực lượng thủy quân lục chiến của Hạm đội Thái Bình Dương đang đồn trú ở Sakhalin sang “giải quyết” khu vực này.

• Trong một diễn biến khác, Hạm đội Biển Bắc của Nga đã phải tuyển mộ thêm lính mới cho lực lượng thủy quân lục chiến, quá trình huấn luyện đã bắt đầu ở Murmansk. Được biết có kế hoạch cho những người mới huy động này thực hành bắn súng RPG-7 (ta gọi là B-41), trung liên và súng máy hạng nặng.

Đây là đợt tuyển mộ đặc biệt đào tạo các kỹ thuật viên, họ học cách tìm kiếm và vô hiệu hóa các vật nổ, cách sử dụng vũ khí bom mìn. Họ cũng học cách sử dụng xe bọc thép BTR-80, sử dụng thiết bị liên lạc và sơ cứu.

Trong quá trình huấn luyện, các học viên dự bị sẽ thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu với nhiều lựa chọn khác nhau cho các hành động chiến thuật, tập trung cho việc chuyển đổi từ kiểu chiến đấu này sang kiểu chiến đấu khác trong bối cảnh môi trường thay đổi liên tục.

Quay lại với các thành viên Nga trên các diễn đàn, chúng còn phàn nàn rằng Chính phủ Nga không có biện pháp nói chuyện với Chính phủ Bulgaria gì cả. Trong khi có đến gần 30% người Bulgaria trực tiếp ủng hộ Nga trong cuộc xung đột, và một nửa có quan điểm thân Nga; nhưng từ đầu chiến tranh đến nay các doanh nghiệp quốc phòng nước này đã cung cấp cho Ukraine đến 2 tỉ đô-la tiền vũ khí đạn dược theo hệ Liên Xô cũ, nhưng với tiêu chuẩn chất lượng rất cao.

• Trong một diễn biến khác, bất chấp chiến thuật phóng nhiều loại tên lửa cùng 1 lúc để giảm khả năng đánh chặn của hệ thống phòng không Ukraine, ngày hôm qua người Ukraine vẫn chặn được 44 quả trong số 51 quả được bắn vào lãnh thổ nước nhà.

Bình loạn : Trong số các loại tên lửa bị đánh chặn có cả Kh-101 và Kh-555 là những loại rất mới và rất đắt tiền, chỉ được dùng để đánh những mục tiêu rất quan trọng. Bản thân chúng do là những loại tân kỳ nên rất khó chặn. Cho đến giờ phút này có thể nói, chiến tranh tên lửa của người Nga nhằm câu giờ, hoặc là ép người Ukraine đàm phán luôn (và như thế Nga được coi là thắng luôn với diện tích đang giữ) hoặc âm thầm chuẩn bị cho một trận đấu tiếp theo, ván cuối cùng. Xem ra tình thế này, nếu sắp tới Nga không còn cả những loại quý hiếm trên đây và tên lửa “một-răng” có nhận được, cũng khó có thể xoay chuyển được tình thế - thì chắc chắn hai bên sẽ phải bước vào một hiệp đấu cuối cùng rồi.

2. Các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Kalmyk (Can-mức) kêu gọi cộng đồng thế giới công nhận sự độc lập của họ

Ngày 29 tháng 10 Daavr Dorzhin, một nhà hoạt động và luật sư từ Trung tâm Nhân quyền “Đài tưởng niệm” cho biết trên sóng của kênh truyền hình tiếng Nga “Freedom” rằng các thành viên của Đại hội của những người Oirat-Kalmyk đã tập hợp và ký tên vào tuyên bố “Về nền độc lập nhà nước của Cộng hòa Kalmykia.”

Luận điểm cơ bản :

• Các nhà chức trách Nga nghĩ rằng họ có thể làm được hầu hết mọi thứ, tuyên truyền cho cư dân của các vùng của nước Nga về nhiệm vụ sang Ukraine mà đi sang đó thì cầm trong tay một cái chết chắc chắn.

• Ở Nga, các hiện tượng kỳ thị, thậm chí đối xử tệ bạc đối với những người thuộc tôn giáo khác, sắc tộc khác đã trở nên thường xuyên hơn.

• Nước Nga ngày nay là một nước đế quốc hoàn toàn tồn tại với sự đối đầu với những kẻ thù bên ngoài và bên trong. Các dân tộc của Nga, những người muốn có quyền tự quyết bị coi là kẻ thù bên trong.

• Chỉ còn một đế chế duy nhất trên thế giới là Nga, tất cả những cái trước đó đều tan rã sau các cuộc chiến tranh lớn ở Châu Âu. Số phận tương tự đang chờ đợi Nga nếu nước này không ngừng cuộc chiến chống Ukraine.

• Putin sử dụng các dân tộc thiểu số làm bia đỡ đạn trong cuộc chiến ở Ukraine. Điều này được thực hiện với mục đích tận dụng các dân tộc thiểu số và củng cố dân tộc Nga là cốt lõi ở Liên bang Nga.

• Các vùng của Nga cần phải rút khỏi xã hội Nga và thực hiện quyền tự quyết của mình.

• Việc phá vỡ kết cấu của Liên bang Nga hiện nay sẽ bắt đầu với Bắc Kavkaz.

• Toàn vẹn lãnh thổ và dân chủ hóa của Nga là những điều không thể có.

• Hàng chục nhà nước và quốc gia sẽ được thành lập, sẽ xuất hiện trên lãnh thổ của Liên bang Nga.

• Quá trình tan rã của Liên Xô đã không được thực hiện triệt để. Quá trình này sẽ được tiếp tục và sẽ kết thúc với sự sụp đổ của Liên bang Nga.

• Nga đang đi tới kết cục một cuộc nội chiến quốc gia. Các vùng sẽ được giải phóng khỏi ách Mátxcơva, sẽ có một “cuộc diễu hành của những người có chủ quyền”. Kịch bản về sự sụp đổ của Liên Xô sẽ lặp lại.

• Các cuộc biểu tình của các dân tộc thiểu số là không thể tránh khỏi ở Liên bang Nga và kết quả là sự tan rã của Nga thành các lãnh thổ có chủ quyền riêng biệt. Thuật toán tương lai của Liên bang Nga sẽ là sự sụp đổ của đế chế và sự biến đổi không thể tránh khỏi của nó.

Daavr Dorzhin, một nhà hoạt động và luật sư tại Trung tâm Nhân quyền Tưởng niệm, là một người Oyrat-Kalmyk đã sang Mông Cổ lưu vong, cộng sự của ông ta hiện đang nói về sự cần thiết phải tạo ra “phong trào ly khai” ở quê hương của họ để “Kalmykia, Buryatia, Tyva và Sakha có thể được độc lập khỏi Nga.”

“Tất nhiên, đây là một lời kêu gọi chính trị, đạo đức và chính trị. Và chúng tôi đang chờ phản hồi từ cộng đồng thế giới. Đây là sự tiếp thu tính chủ quan, tức là sự hình thành nhà nước của chúng ta, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia của chúng ta và xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với tất cả các nước trên hành tinh của chúng ta.

Trên thực tế, nếu bạn đọc Hiến pháp của chúng tôi, thì một trong những điểm ở đó là việc thiết lập các mối quan hệ láng giềng tốt đẹp nhân danh hòa bình trên trái đất. Trên thực tế, chúng ta có thể nói rõ ràng rằng, ít nhất là về điều này, Hiến pháp của chúng ta tốt hơn nhiều so với Hiến pháp hoàn toàn của Nga. Đây là lần huy động đầu tiên trong lịch sử của Liên bang Nga, và tôi hy vọng nó sẽ là lần cuối cùng. Theo đó, không có thông lệ nào về vấn đề này. Và vì lý do này, các văn phòng đăng ký và nhập ngũ của quân đội và các cơ quan quân sự khác cảm thấy rằng họ có thể làm được hầu hết mọi thứ ”.

“Cuộc diễu hành của các thành phần dân tộc đang cận kề.”


3. Nga công khai cáo buộc Anh phá hoại “Dòng chảy Phương Bắc”

Ngày 29/10, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cáo buộc Hải quân Anh phá hoại “Dòng chảy phương Bắc” ở Biển Baltic, sự việc xảy ra vào ngày 26/09. Lời buộc tội vô nghĩa và không có cơ sở trùng hợp với việc Nga tuyên bố chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc, khiến một nửa thế giới có nguy cơ đói toàn cầu. Việc Nga cáo buộc Anh phá hoại đường ống dẫn khí đốt của Nga nên được coi là sự tiếp nối của chuỗi hoạt động đặc biệt về thông tin và tâm lý của Liên bang Nga dựa trên nền tảng của thất bại thực sự ở Ukraine. Bị đẩy vào một ngõ cụt, Putox bắt đầu đe dọa toàn thế giới, và các nhà tuyên truyền của Điện Kremlin dưới sự chỉ đạo của ông đã tạo ra một trò giả lố bịch khác, để có thứ gì đó “hâm nóng” các khán giả Nga.

Lúc này Nga không chỉ chịu thất bại ở mặt trận thể hiện qua tổn thất về quân số của Nga mà còn lên đến đỉnh điểm của thảm họa kinh tế Nga. Putin đã gây ra một phiên bản tồi tệ hơn của những năm 90 cho nước Nga hiện đại, và người Nga sẽ sớm cảm nhận được điều đó. Trong bối cảnh đó, sự dối trá và việc tăng cường chế tạo ra tin giả, dựng nên kẻ thù bên ngoài là những chiến thuật điển hình của Điện Kremlin nhằm chuyển hướng sự chú ý của xã hội khỏi những vấn đề đang ngày càng trở nên nhiều hơn ở Nga. Việc buộc tội Anh và phá vỡ thỏa thuận ngũ cốc là hai yếu tố của một tổng thể: sự tiếp tục đối đầu hơn nữa của Liên bang Nga với toàn thế giới và mong muốn bằng cách nào đó cực tiểu hóa các tổn thất và các vấn đề đang tồn tại.

Trong bối cảnh nền quân sự quan liêu đang xuống cấp tuyệt đối ở Liên bang Nga, họ không có khả năng kiểm soát và ngăn chặn cuộc khủng hoảng hệ thống, quy mô của cuộc khủng hoảng này đang gia tăng với tốc độ phi mã. Do đó tuyên truyền của Nga bắt đầu mở rộng quy mô giả mạo và cố gắng hợp pháp hóa chúng trên cấp độ quốc tế.

Điều này bao gồm các tuyên bố gần đây của Nga về việc tạo ra một “quả bom bẩn” ở Ukraine. Putox buộc Shoigu phải tự mình kể những câu chuyện như vậy, đã “chia sẻ” “thông tin giật gân” này với các đồng nghiệp nước ngoài của mình, cũng như những luận điểm sau đây về sự hiện diện của hàng trăm đảng phái phá hoại trên lãnh thổ Ukraine, trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc xâm lược của quân đội Nga.

Như chúng ta có thể thấy, giới chóp bu Điện Kremlin ngày càng trở nên lố bịch hơn, và những lời buộc tội ngày càng trở nên hỗn loạn và phi logic. Nước Nga yếu kém một cách bất đối xứng: bộ máy hành chính thối nát, các mặt hàng xuất khẩu có lợi nhất là nguyên liệu thô chưa qua chế biến. Những đặc điểm này là đặc trưng của trạng thái lạc hậu. Putox muốn đổ lỗi cho cả thế giới về các vấn đề của Nga và đây là bằng chứng cho thấy sự yếu kém và không có khả năng kiểm soát tình hình đất nước mình.

Xã hội Nga đang trở nên hoang mang và tê liệt, nhờ những tuyên truyền về tội phạm của Điện Kremlin, nó hoàn toàn bị tước bỏ khả năng suy nghĩ chín chắn và sáng suốt. Trước hết, bằng những lời buộc tội đã được công bố quy kết cho Vương quốc Anh, Putin thiết lập hình ảnh một “kẻ thù bên ngoài” luôn tìm cách “tiêu diệt nước Nga”, và tất nhiên kẻ thù này là một phần của “phương Tây thối nát”. Tuyên truyền của Nga còn thô thiển đến mức sử dụng các câu chuyện kể của Liên Xô, nhưng trong mối quan hệ với người Nga, nó đã đạt được mục tiêu một cách hoàn hảo.

Putox đổ lỗi cho cả thế giới, được cho là chống lại Nga – nhà nước tân phát xít lớn nhất trong thời đại của chúng ta, đã xâm lược một quốc gia có chủ quyền và đang thực hiện tội ác diệt chủng đối với người Ukraine trên cơ sở quốc gia. Ông ta tạo ra một lý do giả tạo để nhờ đó mà người Nga nên tin vào Điện Kremlin và tiếp tục chết ở mặt trận, trong một cuộc chiến vô nghĩa, đẫm máu và không cần thiết. Trong tương lai gần, chúng ta nên mong đợi sự công bố của những điều giả mạo tương tự vì Nga sẽ càng trở nên yếu hơn và thất bại rõ ràng hơn, thì sự dối trá sẽ tràn ra từ các tòa tháp của Điện Kremlin ngày càng nhiều hơn.

4. Putox tại Diễn đàn Valdai 2022: “Nước Nga không còn tuyên bố trở thành bá chủ”

Vào ngày 27 tháng 10, Putox đã phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 19 của Câu lạc bộ Valdai (một think-tank), nơi ông ta một lần nữa đổ lỗi cho phương Tây về tất cả các cuộc khủng hoảng toàn cầu, vốn được cho là “khơi mào chiến tranh ở Ukraine”.

Ông này đã cố gắng đố trách nhiệm sang cho Tây vì đã kích động cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng, các vụ khiêu khích ở Đài Loan, v.v…

Trong bài phát biểu của mình, Putox một lần nữa ghi nhận “thời điểm lịch sử” đặc biệt đối với nước Nga. Theo ông ta, “sự sụp đổ của Liên Xô đã phá hủy sự cân bằng thế giới của các lực lượng chính trị và các quốc gia phương Tây đã tuyên bố một trật tự thế giới đơn cực”. Theo Putin, Nga không tự nhận mình là nước đứng đầu thế giới, mà chỉ chiến đấu để tồn tại.

Hơn một năm trước Putox đã công khai tuyên bố rằng Nga đang gây chiến với NATO và những người Anglo-Saxon; tuy nhiên tại diễn đàn Valdai 2022, ông ta lại nói rằng Nga không coi mình là kẻ thù của phương Tây, và người bảo đảm chủ quyền của Ukraine chỉ có thể là Nga.

Putox tin rằng quyền bá chủ của phương Tây đã lỗi thời. Ông ta gọi châu Âu là “chư hầu” của Hoa Kỳ, và được cho là, phần lớn các dân tộc trên thế giới phản đối ảnh hưởng của phương Tây.

Nội dung phát biểu tại diễn đàn Valdai 2022 cho thấy mong muốn mạnh mẽ của Putox là đàm phán và chấm dứt giai đoạn đang diễn ra của cuộc chiến mà ông đã gây ra chống lại Ukraine theo các điều kiện của riêng mình, để thể hiện các cuộc đàm phán như một chiến thắng của Nga trước phương Tây. Ít nhất tám lần, bằng nhiều cách khác nhau, ông ta đề nghị phương Tây nối lại đối thoại, làm bạn và hợp tác. Đây đang trở thành chủ đề chính của Điện Kremlin: đạt được thỏa thuận với phương Tây bằng mọi cách, đạt được thời gian tạm dừng cho các hành động gây hấn hơn nữa và các cách rút lui có thể có.

Người đứng đầu Liên bang Nga kêu gọi hình thành “một cấu trúc tài chính mới của một thế giới đa cực không có đồng đô la”, cáo buộc phương Tây đóng băng tài sản của Nga mà không có lý do, bất chấp việc Nga gây hấn với Ukraine.

Nhận xét của Putox trong bài phát biểu hôm thứ Năm là “không mới”, và là tín hiệu cho thấy ý định chiến lược vững chắc của nước này, bao gồm cả vấn đề Ukraine.

Rõ ràng, ở đâu đó trong “kế hoạch nghị trình” của Putin cho năm 2022, “Valdai” được lên kế hoạch như một “hội nghị của những người chiến thắng”. Tổng thống Liên bang Nga nên báo cáo về những thành tựu to lớn của ông: chiếm được Ukraine trong “ba ngày”, loại bỏ cuối cùng của “thế giới đơn cực”, sự hồi sinh của Liên Xô, v.v… Và với tư cách là người chiến thắng, ông ta phải ra lệnh cho chương trình nghị sự địa chính trị mới được bắt đầu.

Vấn đề là, để trở thành “người chiến thắng”, anh cần phải thực sự chiến thắng và thực tế là nhà lãnh đạo Điện Kremlin có vấn đề nghiêm trọng với điều này, nó đã trở nên rõ ràng với tất cả mọi người vào mùa xuân năm nay, khi ông ta không thể chiếm được Kyiv. Các sự kiện tiếp theo chỉ khẳng định nó mà thôi.

5. Ở Mariupol, chính quyền chiếm đóng của Nga đang đổ bê-tông lên trên những ngôi mộ tập thể để che giấu dấu vết tội ác của họ

Ở Mariupol (vùng Donetsk), những người chiếm đóng Nga đang hình thành những ngôi mộ tập thể bằng bê tông. Điều này đã được báo cáo bởi thị trưởng thành phố, Vadym Boychenko.

6. Cuộc chiến của Putin với Ukraine đã đưa Trung Quốc và Hoa Kỳ xích lại gần nhau hơn

Vào ngày 27 tháng 10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố bắt đầu quá trình hợp tác tiềm năng giữa Trung Quốc và phương Tây. Theo cách hiểu của người đứng đầu Trung Quốc, đối tác đối thoại "tương đương" của Bắc Kinh chỉ có Washington, và ông Tập Cận Bình lưu ý rằng đàm phán và phát triển hợp tác giữa các quốc gia lớn không phải là vô ích.

Tuyên bố này nên được coi là một cái tát vào mặt Putox, người rất sợ mất Trung Quốc và trên thực tế, đã trao cho người hàng xóm tài nguyên và lãnh thổ của mình. Đồng thời tuyên bố này thể hiện sự thay đổi thái độ của Bắc Kinh đối với Mátxcơva. Tầm cỡ của ông Tập Cận Bình không thể nói ra những câu tầm phào: sự dã man của cuộc xâm lược Ukraine của Nga để chiếm lấy một quốc gia có chủ quyền, đi kèm với sự tàn phá khủng khiếp và thương vong dân sự chưa từng có, đã làm mất giá trị hoàn toàn nước Nga đối với Trung Quốc.

Việc hợp tác hơn nữa với Điện Kremlin trên cơ sở bình đẳng là điều không tưởng đối với Bắc Kinh, nhưng họ vẫn quan tâm đến các nguồn tài nguyên của Siberia, và trong bối cảnh khủng hoảng toàn hệ thống ở Nga do chiến tranh gây ra, Trung Quốc thực sự có thể đưa ra các điều kiện của mình với Nga. Sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc là hiển nhiên và hoàn toàn là do sai lầm then chốt của Putox trong suốt thời gian cầm quyền – cuộc xâm lược Ukraine.

Kể từ đây, Tổng thống Liên bang Nga không còn là đối tác bình đẳng đối với Chủ tịch Trung Quốc, mà là một kẻ điên chính trị đã dẫn đất nước của mình đến thảm họa. Trung Quốc được dẫn dắt hoàn toàn bởi động cơ thực dụng, và liên minh với Nga hoàn toàn không có chỗ với bất kỳ chủ nghĩa thực dụng nào. Trong bối cảnh đó, mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ chỉ còn là vấn đề thời gian.


7. Vừa qua có một số tuyên bố của một số nhân vật cấp cao Ukraine (tui không nhớ là ai) về việc Nga quay lại phong tỏa các cảng của Ukraine ngăn chặn việc xuất khẩu ngũ cốc, lương thực và sẽ ảnh hưởng đến nhiều nước nhập khẩu, trong đó có Việt Nam.

Thông tin này gây khó chịu cho một số người pro-Nga, họ cho rằng Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ mấy đó của thế giới thì cần gì nhập khẩu lúa mì làm thức ăn chăn nuôi. Đây là thông tin:

Dự báo trong quá trình nhìn lại (postforecast) nhu cầu thức ăn chăn nuôi tổng thể sẽ tăng trong những năm 2022-2023 ngang bằng với tăng trưởng sản xuất chăn nuôi và thủy sản của các nước. Dự báo năm 2022-2023 nhập khẩu lúa mì sẽ giảm xuống 3,90 triệu tấn do chiến tranh ở Ukraine gây ra chi phí cao và giảm nguồn cung lúa mì.

Việt Nam được dự báo sẽ nhập khẩu nhiều ngô hơn, 10,50 triệu tấn trong năm 2022 -2023, để bù đắp cho sản lượng trong nước giảm và nguồn cung lúa mì làm thức ăn chăn nuôi giảm. Dự báo sản lượng lúa gạo 2022- 2023 ở mức 43,73 triệu tấn và diện tích là 7.295 nghìn hectar. Nguồn: FAS - Foreign Agriculture Service, cơ quan của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Thực tế trước chiến tranh, Việt Nam nhập khẩu lúa mì và đại mạch cả từ Nga và Ukraine, từ Ukraine nhỉnh hơn một chút (khoảng 55%) trên tổng số khoảng non 4 triệu tấn/năm. Do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh mà con số này sẽ giảm đi nhiều.

8. Về một ý kiến của ông tướng Waldemar Skrzypczak, cựu chỉ huy trưởng Lực lượng Lục quân Ba Lan (2006-2009) được bác NXB dịch.

Bình loạn : Có người gửi cho tui bài báo và hỏi ý kiến, có vẻ lo lắng. Thực chất nội dung của nó hoàn toàn logic với những gì ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine nói tuần trước: Hiện nay việc tấn công của các lực lượng vũ trang Ukraine (ở Kherson) chậm lại do thời tiết không thuận lợi (mưa). Việc này cũng được chúng ta thảo luận từ trước rồi: giai đoạn cuối thu có thể làm rung rinh xúc động những trái tim lãng mạn vì lá vàng nhưng trên chiến trường có thể không như vậy.

Bây giờ nếu mưa thì đất tơi xốp lên, đi lại khó chịu lắm. Tui không rõ ở Ukraine như thế nào chứ bên Nga dịp cuối thu này nếu tuyết chưa rơi thì mưa lây nhây rất khó chịu, bùn nhiều khá là bẩn. Trong thành phố còn như thế thì ở các vùng nông thôn chỗ mà hạ tầng giao thông kém thì đi lại rất vất. Tuy nhiên nó qua nhanh hơn cái “rasputisa” (распутица) hồi cuối xuân đầu hè nhiều. Chỉ cần trở lạnh một cái là mặt đất nhanh chóng cứng lại.

Quay lại với nội dung bài báo, vì nó không rõ là khi nào thì các nguyên soái bùn lầy và băng giá sẽ hoành hành – thực ra nguyên soái bùn lầy hiện nay đang hoành hành rồi. Do mưa như Bộ trưởng nói, thì chẳng ai tấn công cả, mà nó thích hợp với chiến thuật “bào mòn.” Theo tui được biết, ở Kherson người Ukraine hầu như không tấn công khi quân Nga vẫn còn đang cố thủ, đó không phải cách đánh của họ.

Vì thế giở lại ý kiến của một người bạn Facebook cũ cho rằng “không tin ở Kherson tỉ lệ thiệt mạng hai bên có thể đến 1/10” – nói câu đó là không chịu nghe ý kiến của người khác. Tui đã từng viết: có giai đoạn, có những ngày… tỉ lệ hai bên có thể là 1/2 (thậm chí 1/1,5) – đó là giai đoạn đầu của The Battle of Donbas. Còn hồi The Battle of Kyiv, thì tỉ lệ khi tổng kết quãng 20/04, quân Nga thiệt mạng 21.000 và bên Ukraine mất khoảng 2.000 người, tỉ lệ trên 1/10. Đến giai đoạn sau The Battle of Donbas, do tính chất chiến sự thay đổi, tỉ lệ thiệt mạng hai bên cũng lại thay đổi, với những hôm Nga tấn công mạnh có thể mất khoảng 400 quân/ngày và phía Ukraine khoảng 100 người (giảm một nửa so với giai đoạn đầu của The Battle of Donbas) cho tỉ lệ 1/4. Còn từ The Battle of Kharkiv thì tỉ lệ càng cao nữa. Như vậy con số 1/6,5 bà Thứ trưởng quốc phòng Ukraine đưa là đúng.

Còn việc người Ukraine cố tình giảm con số thiệt mạng của phía Nga, tui xin phép không nói lại nữa.

Có những người ngồi ở tận Hà Nội nhưng cố tư duy theo sách vở mạng mẽo đọc được, thì sẽ cố hình dung là người ta phải tấn công như quân Nga. Người ta chỉ tấn công khi quân Nga ở đó không còn đạn, nhịn đói vài ngày và gần như cắt rời khỏi sự chỉ huy đàng hoàng của cấp trên, thỉnh thoảng nhận được những mệnh lệnh giời ơi đất hỡi, tức là chỉ tiến quân khi đối phương thực sự tan rã.

Đó chính là tình hình diễn ra ở Kherson. Theo thông tin trên mạng thì quân Nga đã tổ chức phòng ngự ở đây bằng rất nhiều thứ như… hàng rào thép gai. Hồi trước khi bị giam lỏng họ đã chở đến rất nhiều lô-cốt bê-tông, đặc biệt nhiều ở phía tây bắc thành phố Kherson. Với logic như vậy, thì càng không ai đi tấn công vào đó cả. Giam lỏng ráo riết thêm một thời gian nữa thì chết đói rã họng chứ còn gì.

Vậy tại sao lại có nổ súng? Nổ súng để họ bắn lại, tiêu hao đạn dược. Vậy thôi. Sẽ có những biện pháp chiến thuật dùng loa phóng thanh phát tiếng súng để trêu quân địch.

Nếu xem bản đồ của ISW tui gửi kèm theo bài này, sẽ thấy người Ukraine chiếm được khoảng 40% diện tích vùng hữu ngạn sông Dnipro của tỉnh Kherson từ cuối tháng Tám đầu tháng Chín đến nay. Về con số cụ thể thì đến ngày CNN đưa tin 07/10 họ đã chiếm lại được 2.400 ki-lô-mét vuông ở khu vực này tính từ “khi bắt đầu cuộc chiến tranh toàn diện chống Ukraine”. Tốc độ như vậy là vừa nhanh, vừa chậm. Nhanh, là so với quân số của quân Nga ở đó theo các nguồn tin không chính thức có thể đạt 70.000 quân.

Ngày 09/10 thì Reuters đưa con số chính xác hơn: từ khi bắt đầu phản công (ta tạm tính 40 ngày đến hôm đó) quân Ukraine đã giải phóng 1.170 ki-lô-mét vuông tỉnh Kherson. Như vậy tốc độ 1 ngày như vậy trung bình người Ukraine chiếm lại được non 30 ki-lô-mét vuông. Con số đó hoàn toàn khiêm tốn so với một chiến dịch, vì trong quá khứ các Phương diện quân Ukraine đã từng tiến đến 150 ki-lô-mét/ngày vào mặt trận của Đức.

Còn về phòng ngự của Nga, phải nói là họ chẳng tuổi gì so với Mỹ khi họ xây dựng những cứ điểm trong chiến tranh Việt Nam, và so với Liên Xô hồi ở trận Kursk thì còn thua xa nữa. Hơn nữa, lô-cốt bê-tông thì nghĩa lý gì khi lính ngồi trong đó chết đói.

Ta lại nói tiếp đến “nguyên soái băng giá” – bên nào có nhiều xe tăng mà muốn tấn công, sẽ mong mùa đông đất cứng lại cho xe tăng dễ chạy. Thấy bảo bên Ukraine bây giờ đang ấm áp nốt mấy ngày cuối thu. Vậy thì cứ nghỉ ngơi đi, có sao đâu.

Cuối cùng, xét về con số thiệt mạng của người Nga trong mấy ngày qua: ngày 30/10 đạt con số kỷ lục 950 và hôm qua 31/10620, trong khi ngay cả các mil-blogger của Nga cũng viết rằng ở Kherson hai bên chỉ bắn qua lại bằng pháo, nghĩa là không có tấn công. Thế là, xét về những con số vô cảm thì nó lại rất có ý nghĩa, ví dụ nếu không tấn công mà người Ukraine pháo kích được nơi tập trung quân của Nga thì không phải là tỉ lệ 1/10 nữa mà còn là 1/20 đến hơn.

Cá nhân tui hoàn toàn đồng ý với chiến thuật “bào mòn” phá kho gạo kho đạn, cho đỡ chết nhiều người cả hai bên. Bác nào khát máu không đồng ý thì tui chịu, không có ý định thuyết phục.

Chúng ta cũng cần nhờ bác NXB nhắn hộ ông tướng Waldemar Skrzypczak là không nên sốt ruột. Cuộc chiến tranh nào cũng có những đặc điểm của nó.


9. Đánh giá của Tình báo Quốc phòng Anh về diễn biến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine: Việc kết hợp quân dự bị với binh lính hợp đồng và cựu binh ở Ukraine sẽ đồng nghĩa với việc hậu cần Nga sẽ phải chuyển đạn dược cho hai loại vũ khí trang bị cỡ nhỏ tới các vị trí tiền tuyến, thay vì một. Điều này có thể sẽ làm phức tạp thêm hệ thống hậu cần vốn đã căng thẳng của Nga.

Nga được cho là đã triển khai vài nghìn quân dự bị mới được huy động ra mặt trận Ukraine kể từ giữa tháng Mười. Trong nhiều trường hợp, những người này được trang bị rất kém. Ngay từ tháng Chín, các sĩ quan Nga đã lo ngại rằng một số người dự bị được huy động gần đây đã đến Ukraine mà không có vũ khí.

Các hình ảnh công khai được chia sẻ trên mạng xã hội được Tình báo Anh phân tích: chúng cho thấy rằng những khẩu súng trường tấn công được cấp cho quân dự bị động viên thường là AKM, một loại vũ khí được giới thiệu lần đầu vào năm 1959. Nhiều khẩu có khả năng trong tình trạng gần như không sử dụng được sau khi bảo quản kém.

Súng AKM bắn đạn 7,62 mm trong khi các đơn vị chiến đấu chính quy của Nga (mà thằng, à ông Trạng Sư Trạm Biến Áp mong mỏi) hầu hết được trang bị cỡ đạn 5,45 mm trên các súng trường tấn công AK-74M hoặc mới nhất là AK-12.

Bình loạn : Quân đội thứ hai thế giới có quân chủ lực thế đấy. Cách đây vài tháng tui viết là bằng cách nào đó tui biết họ thiếu súng trường tấn công vì nó hỏng quá nhiều trong chiến đấu, phải sang đặt hàng các chi tiết ở một… nước lạ, thậm chí nước quen cũng ngõm ngọ kiếm một chân sản xuất. Hồi đó có ông thanh niên nào hiểu biết lắm, lên giọng: Nga có hàng triệu khẩu súng, làm gì có chuyện thiếu. Sau đó ổng block tui, kinh thế!

Đúng, thiếu thì chưa thiếu, chỉ có chuyện một quân đội xài 2 cỡ đạn thôi. Chết cụ nó lực lượng hậu cần.

Cộng thêm thông tin người Ukraine đã túm được cái xe tăng T-55 đầu tiên ở Kherson, thì phải nói nếu “võ sĩ Nga” định bước vào hiệp đấu cuối cùng thì quai hàm cũng rụng rời, mắt mũi sưng húp híp và có khi còn gãy vài xương sườn rồi ấy chứ. Đấm thêm vài quả nữa là đếm.

PHÚC LAI 01.11.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.