mercredi 16 novembre 2022

Nguyễn Văn Tuấn - Quốc hội mê tín về con số?

 

Sự việc vài đại biểu Quốc hội bàn về 'biển số đẹp' là một tín hiệu của tình trạng mê tín dị đoan lên đến đỉnh cao trong xã hội. Tôi ngờ rằng do thiếu tham khảo khoa học nên các đại biểu đã làm mất thì giờ của công chúng.

Sự mê tín

Không rõ từ đâu và từ khi nào mà có người xem những con số đuôi 49, 53 là số xấu. Hỏi vài người bạn thì ai cũng bán tín bán nghi và đề ra vài giả thuyết.

Có người nói rằng con số 49 có liên quan đến những gì đã khuất hay bệnh tật. Chẳng hạn như người ta cúng lễ Thất Tuần (49 ngày) cho người đã mất. Lại có lý giải rằng con số 49 là thuộc về sao Thái Tuế, biểu hiện của tình trạng sức khỏe kém. Còn số 53 thì được xem là liên quan đến rủi ro và bất lợi trong cuộc sống.

Nhưng hỏi về bằng chứng khoa học thì chẳng ai có. Tất cả chỉ là truyền thuyết hay những câu chuyện mà tiếng Anh gọi là anecdote. Chỉ có thể nói rằng tin vào sự xui xẻo của mấy con số này là một sự mê tín dị đoan vậy.

Thật ra, việc gán ghép con số cho những hiện tượng xã hội đã có rất lâu đời và tùy thuộc vào văn hóa. Cũng là một con số, nhưng nền văn hóa này cho là may mắn, còn nền văn hóa kia xem là xui xẻo. Chẳng hạn như con số 9 được xem là may mắn ở Việt Nam, Tàu và Ấn Độ, nhưng lại là con số xấu trong văn hóa Nhật Bản (vì có người ta thấy khi đọc lên nó giống như nghĩa của sự tra tấn).

Ở phương Tây, con số 13 được cho là xấu, nên nhiều người tìm cách tránh nó. Còn ở bên Tàu, nhiều tòa nhà không có tầng số 4 (có vẻ giống như ở Mỹ có vài tòa nhà ở phương Tây không có tầng 13). Ở Hồng Kông, con số 4, 14, 24 được xem là có những con số xấu. Tại sao xấu? Tại vì số 4 (tứ) khi đọc lên nghe cứ như là 'tử'; còn 14 thì đọc là 'thập tứ', nghe như 'phải chết'; và 24, tức 'nhị thập tứ' thì giống như 'dễ chết!

Ai cũng có vài câu chuyện để 'chứng minh' rằng một con số nào đó là xui xẻo hay may mắn. Vấn đề của những câu chuyện như thế là thường hay bị 'biased' (thiên lệch). Chúng ta chỉ nhớ những gì xảy ra phù hợp với niềm tin của mình, nhưng không quan tâm đến những gì xảy ra mà không phù hợp với niềm tin. Có thể chúng ta quan sát vài trường hợp mà người có xe mang biển số 49 hay 53 từng bị tai nạn, nhưng chúng ta không quan tâm đến nhiều người khác cũng có xe với những biển số đó mà không bị tai nạn.

Sự thiên lệch đó chính là nguồn gốc của mê tín dị đoan. Nếu chúng ta quan sát rằng trong những chiếc xe có biển số 49, 53, 4, 14, 24, v.v...tỉ lệ tai nạn là [ví dụ như] 1%, thì chưa đủ để kết luận rằng các biển số đó là nguyên nhân của tai nạn, bởi vì chúng ta chưa biết tỉ lệ tai nạn liên quan đến các chiếc xe mang biển số khác. Chỉ khi nào tỉ lệ tai nạn liên quan đến các biển số 49, 53, 4, 14, v.v... cao hơn các xe với biển số khác, thì may ra chúng ta mới có lí do để nói đó là những con số xui xẻo.

Bằng chứng khoa học

Trong quá khứ, đã có nhiều nghiên cứu để trả lời câu hỏi đơn giản: có hay không có mối liên quan giữa các con số được xem là xui xẻo và tử vong? Dưới đây, tôi chỉ điểm qua vài nghiên cứu nổi trội và được nhắc đến nhiều lần.


Con số 4 là xui xẻo?

Khoảng 10 năm trước, một nhóm nhà khoa học Hồng Kông tính toán tỉ lệ tử vong vì các bệnh tim mạch ở người Hoa sống ở Hồng Kông theo ngày trong tháng, và so sánh giữa Âm lịch Tây lịch (Gregorian calendar). Tính trung bình, số ca tử vong mỗi ngày theo Âm lịch là 573, so với Tây lịch là 587. Còn số ca tử vong vào ngày 4, 14 và 24 cũng gần với con số trung bình [1].

Một nghiên cứu khác [2] từ Tàucũng cho thấy một xu hướng tương tự. Trong nghiên cứu này, hai nhà nghiên cứu so sánh số ca tử vong có nguyên nhân bệnh tim mạch xảy ra vào ngày 4, 14 và 24 ở 5 thành phố (Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, Tô Châu [Suzhou], và Thái Nguyên [Taiyuan]). Kết quả cho thấy số ca tử vong không khác biệt giữa 3 ngày này tính theo Âm lịch hay Tây lịch. Tất cả trị số P đều trên 0.9, tức sự khác biệt về con số do yếu tố ngẫu nhiên.

Con số 13 là xấu?

Rất nhiều nghiên cứu trong quá khứ xem xét mối liên quan giữa tai nạn giao thông và ngày 13 (Black Friday), và đều kết luận rằng không có mối liên quan nhân quả nào cả. Chẳng hạn như nghiên cứu ở Phần Lan [3] cho thấy rõ ràng rằng số ca tai nạn giao thông vào ngày thứ Sáu trong tháng (6, 13 và 20) rất giống nhau.

Con số 9 là may mắn?

Ở Ấn Độ, nơi mà nghề bói toán rất thịnh hành, người ta xem con số 9999 là may mắn. Do đó, nhiều người Ấn Độ khá giả bỏ ra một số tiền lớn để mua biển số xe với 4 con số 9. Nhưng cũng tại Ấn Độ, người ta có thống kê cho thấy những người lái xe với biển số này thường xảy ra tai nạn!

Tôi chưa thấy có nghiên cứu hay phân tích nào về mối liên quan giữa những xe mang biển số 49 và 53 và tai nạn. Có thể đây là một chủ đề nghiên cứu cho giới khoa học xã hội ở Việt Nam. Chỉ khi nào chúng ta có chứng cớ từ một hay vài nghiên cứu như thế thì mới có thể nói những con số đó là may mắn hay xui xẻo. Tôi thì đoán trước rằng sẽ chẳng có mối liên hệ nhân quả nào giữa biển số xe và tai nạn giao thông.

Thỉnh thoảng, tôi rất kinh ngạc khi thấy các đại biểu Quốc hội tốn thì giờ bàn về những chuyện chẳng có gì quan trọng, nếu không muốn nói là tầm thường. Nhưng khi họ bàn về biển số xe thì đó là một đỉnh điểm của mê tín dị đoan. Quốc hội mà mất thì giờ cho một vấn đề chẳng có cơ sở khoa học nào cả thì phải nói là không bình thường, vì giống như ... thầy bói. Viết đến đây, tôi chợt nhớ câu ca dao:

Phù thủy, thầy bói, lái trâu

Nghe ba anh ấy đầu lâu không còn

NGUYỄN VĂN TUẤN 16.11.2022

[1] Is four a deadly number for the Chinese?

[2] Is four fatal for the Chinese?

[3] Females do not have more injury road accidents on Friday the 13th

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.