Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu 103 tuổi kể: vừa rồi Hội Sử học Việt Nam tổ chức sinh nhật tôi và cụ Nguyễn Đình Tư, tôi bảo tên của tôi do ông bố mê hát cô đầu mà đặt tên là Đầu. Tôi cũng ngại cái tên ấy lắm, cho đến khi kết với nhà sử học Nguyễn Đình Tư thành “Đầu Tư”mới thấy êm.
Ông Võ Văn Kiệt do luôn suy nghĩ đầu tư cho trí thức nên kết với tôi. Hội nghị trí thức nào, tôi biết phận mình nên ngồi hàng dưới, thấy tôi, ông ngồi cùng không câu nệ gì.
Một lần ông ghé tai tôi nói đến Hội thảo nhà Nguyễn ở Thanh Hóa, ông bảo TP Hồ Chí Minh nên đứng ra tổ chức hội thảo này, vì đất phương Nam trong đó có Sài Gòn có được hôm nay là nhờ công lao nhà Nguyễn.
Giáo sư Tương Lai nhìn bức hình ông Kiệt, nói: “Hôm nay ngồi đây để kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Sáu Dân-Võ Văn Kiệt có giám mục Nguyễn Thái Hợp, linh mục Huỳnh Công Minh, thiền sư Lê Mạnh Thát, đạo diễn Xuân Phượng, rồi các anh Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Thân, Trần Quốc Thuận cựu tù Côn Đảo… đủ các tôn giáo, chính kiến chính trị khác nhau. Điều đó thể hiện tinh thần hòa giải, hòa hợp Dân tộc mà ông Sáu suốt đời dâng hiến".
Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu nói: "Tinh thần của ông Kiệt là tinh thần yêu nước, là hội tụ tinh thần yêu nước. Một lần ông tìm đến nhà tôi, ông nói:”Phải sớm hòa giải Dân tộc, để Dân tộc có sức mạnh. Hòa giải là hòa giải những người khác chính kiến chứ những người giống nhau thì cần gì hòa giải?”
Thiền sư Lê Mạnh Thát người từng bị chế độ mới kết án tử hình, trước sức ép của cộng đồng Phật giáo thế giới đã được giảm án, khi ra tù ông Kiệt đã chủ động gặp thiền sư rồi kết bạn thân tình với thiền sư. Thiền sư nói : Ông Kiệt rất chân thành lắng nghe những ý kiến khác biệt thậm chí ngược nhau của bất cứ ai.
Thiền sư kể:
“Thời Lê, vua Lê cho dựng chùa ở Thăng Long. Một tướng tên Đảm bảo: Vua thì ăn chơi, quan thì tham nhũng hà hiếp dân, tâm ấy dựng chùa mà làm gì? Lời ấy đến tai tể tướng Lê Sát, Lê Sát ra lệnh chém đầu viên tướng nói lời ngay thẳng kia. Vậy đó, làm lãnh đạo quốc gia đâu dễ nghe được lời nghịch tai, lời trái ý mình? Ông Kiệt có tâm của người vô ngã theo cách nói nhà Phật, ông quên mình để nghe ý kiến của mọi người, ông lấy ý Dân làm ý mình chứ không lấy ý mình bắt Dân phải nghe".
Linh mục Huỳnh Công Minh trông coi Nhà thờ Đức Bà kể:
"Một lần cha tổng giám mục Sài Gòn nhờ tôi nói với ông Kiệt có cuộc gặp để ngài tổng giám mục đáp lễ chuyến thăm của ông Kiệt. Tôi nói với ông Kiệt, ông Kiệt bảo, chúng ta đều có rất ít thời gian, đáp lễ nhau làm gì, nếu đức tổng giám mục có điều gì cần trao đổi thì chúng ta sẽ trao đổi. Ông Kiệt hẹn chúng tôi tại nhà Hiếu Dân con gái ông, ông bảo ở đây không ai quấy rầy. Ông Kiệt đã thẳng thắn trao đổi chuyện đất nước, chuyện đạo, chuyện đời với tổng giám mục không hề có khoảng cách tôn giáo hay không tôn giáo. Khi ra về ông nói với tôi: “Anh có hay gặp Hai Thống không, cho tôi gửi lời thăm.”
Linh mục Huỳnh Công Minh bất ngờ với lời hỏi thăm Hai Thống ấy. Linh mục kể: Hai Thống là ông nuôi heo ở Gò Vấp, nơi có bà con công giáo chống cộng sản quyết liệt. Sau ngày thống nhất, người ta yêu cầu bà con nuôi heo vào hợp tác xã, bà con chống đối dữ dội. Ông Kiệt nghe chuyện, bà con có thể bị trấn áp, ông trực tiếp đến gặp Hai Thống người nuôi nhiều heo nhất. Hai Thống bảo với ông Kiệt, vô hợp tác xã, trao heo cho người không thương heo thì làm sao nuôi heo?
Ông Kiệt lắng nghe và đáp ứng nguyện vọng của bà con.
Linh mục Huỳnh Công Minh kết luận: Ông Kiệt không quên một ai hết, chẳng qua vì ông thực sự thương Dân.
LƯU TRỌNG VĂN 23.11.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.