mercredi 16 novembre 2022

Dương Quốc Chính - Vì sao cánh tả trỗi dậy ?

 

Cách bạn kiếm tiền sẽ quyết định bạn có tư tưởng gì.

Với cánh hữu cổ điển, cho đến trước năm 1945, thì giới chủ THƯỜNG có tư tưởng cánh hữu, cần lao công nông sẽ theo cánh tả. Đấy là tính trên số đông, cá biệt thì vẫn có trường hợp ngược lại, kiểu như Engels là nhà tư sản nhưng lại là một trong những ông tổ của cánh tả và cộng sản.

Lý do rất đơn giản, là do giới chủ kiếm tiền nhờ thuê nhân công, thu lấy lợi nhuận. Họ muốn được tự do kinh doanh, thuế càng thấp càng tốt, càng ít phải chia sẻ phúc lợi càng tốt. Và họ muốn ai làm nhiều sẽ được ăn nhiều, người giỏi phải giàu hơn người dốt, không chấp nhận cào bằng, nhà nước quản lý càng ít càng tốt. Đó là tư tưởng cơ bản của cánh hữu.

Còn người làm thuê có tâm lý chung là muốn có lương cao, làm ít, phúc lợi xã hội tốt, nhà nước phải quản lý càng nhiều càng tốt...Tóm lại là họ muốn giới chủ phải chia sẻ cho mình càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Đó là tư tưởng cơ bản của cánh tả.

Nói chung, giới chủ và người lao động có mâu thuẫn với nhau về quyền lợi, chính là sự đối lập cơ bản của tư tưởng cánh hữu và cánh tả. Ở đây mình chỉ bàn về những tư tưởng cơ bản nhất của hai cánh, các vấn đề mang tính đạo đức, tôn giáo, xã hội như phá thai, nhập cư, bảo hoàng, LGBT, y tế, giáo dục...chỉ là hệ quả từ những tư tưởng cơ bản nói trên hoặc chỉ là quan điểm (không có đúng, sai), sẽ không đề cập ở đây.

Nhưng phân tích trên là dựa trên kinh tế học cổ điển, tức là cách người chủ kiếm lợi nhuận và nhân công nhận lương và phúc lợi theo cách cổ điển, như mọi người thường thấy. Thế nhưng từ khi có tư bản tài chính, nhất là tư bản công nghệ 4.0, kiếm tiền nhờ công nghệ, thì mối quan hệ giữa giới chủ và cần lao lại thay đổi, dẫn đến tư tưởng của họ cũng thay đổi.

Gần đây, người ta hay có cáo buộc là các đại công ty công nghệ (Big Tech) và các hãng truyền thông lớn (Big Media) lại có tư tưởng cánh tả. Về bản chất, họ vẫn thuộc về giới chủ, lẽ ra họ phải theo cánh hữu, theo phân tích kiểu cổ điển ở trên, sao họ lại lộn lề để theo cánh tả? Phải có động cơ gì đó chứ?

Như câu đầu tiên của stt này đã viết, cách người ta kiếm tiền sẽ quyết đinh người ta có tư tưởng gì. Big Tech như Facebook, Google...chủ yếu kiếm tiền bằng big data, tức là từ dữ liệu người dùng. Kẻ trả tiền trực tiếp cho họ là các hợp đồng quảng cáo đến từ mọi thành phần, từ mẹ bỉm sữa bán hàng online đến các đại công ty, đương nhiên các mẹ bỉm sữa, những người bán hàng nhỏ lẻ sẽ đông hơn.

Nhưng điều đó không quan trọng bằng chính những người dùng chúng ta, chính chúng ta mới nuôi sống họ. Một ngày nào đó, chúng ta tẩy chay Big Tech là họ sẽ chết, chỉ cần có một làn sóng tẩy chay là cổ phiếu của họ sẽ hạ. Big Tech to thật nhưng cuộc sống rất mong manh, hãy nhìn Yahoo là thấy.

Tóm lại, họ phụ thuộc vào đa số chúng ta, họ cần đại chúng, thì họ phải thủ dâm cho đại chúng. Mà đại chúng thì giới cần lao phải chiếm đa số. Vì thế họ phải theo cánh tả để duy trì sự ủng hộ của người dùng.

Tương tự vậy với giới tư bản tài chính kiểu George Soros, họ kiếm tiền nhờ thị trường chứng khoán, từ đủ các nhà đầu tư, nên họ sợ sự nổi giận của đám đông, sợ bị tẩy chay. Nên họ có xu hướng thiên tả.

Các hãng truyền thông, cũng như vậy, họ cần độc giả, chính độc giả mới nuôi sống họ bằng cách mua báo hoặc bằng page view. Có nghĩa là báo chí phải phục vụ đa số đại chúng, trừ khi báo chí do một đại gia nào đó nuôi không. Vì thế các hãng truyền thông cũng có xu hướng thiên tả.

Giới trí thức phương Tây cơ bản là tháp ngà, ít có va chạm thực tế với thể chế, với nền kinh tế. Nếu chỉ dựa vào lý luận thuần túy thì cũng dễ theo cánh tả. Bởi vì về mặt lý thuyết thì tư tưởng cánh tả dễ thuyết phục giới trí thức do tính đạo đức cách mạng, mình vì mọi người. Công bằng mà nói thì lý luận của phe tả bao giờ cũng hay hơn phe hữu, do nó tỏ ra đạo đức hơn. Kiểu như việc làm từ thiện đại trà kiểu cho con cá, bản chất nó là tư duy cánh tả, bao giờ cũng được nhiều người ủng hộ hơn là phản đối, vì nó có vẻ đạo đức, thiện lương hơn. Hơn nữa, các giáo sư tiến sĩ mà không có công ty làm ăn bên ngoài thì họ không lo kiếm tiền như các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ bản cũng là người làm thuê, nên họ ắt có tư tưởng cánh tả.

Giới học sinh sinh viên thì bị/được các giáo sư dạy dỗ, nên họ cũng dễ bị theo cánh tả, cho đến khi tự bươn chải cày tiền ngoài xã hội.

Như vậy, thành phần kiếm tiền nhờ đại chúng ngày càng đông thì tư tưởng thiên tả ngày càng mở rộng, đồng nghĩa với những nhóm có tư tưởng thiên hữu ngày càng thu hẹp. Nhóm thiên hữu trung thành ngày nay chủ yếu chỉ còn giới trung lưu quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, tức là nhóm kiếm tiền theo kiểu cổ điển, không dựa trên đại chúng. Còn những ai cần sự ủng hộ của đám đông thì sẽ thiên tả hầu hết.

Điều đó cho thấy xu hướng thiên tả trong xã hội tư bản sẽ ngày càng phổ biến hơn, do cách kiếm tiền thay đổi.

Bên trên mình phân tích về xã hội tư bản là chính, còn Việt Nam thì chưa có sự phân chia về tư tưởng tả hữu như vậy, nhưng sự phân chia tư tưởng phản động và yêu chế độ cũng gần giống như hữu và tả. Cơ bản cũng xuất phát từ nồi cơm mà ra.

Ai sống dựa vào chế độ, làm doanh nghiệp sân sau, ăn lương ngân sách thì sẽ yêu chế độ, sẽ thích tả hơn. Ai kinh doanh nhỏ lẻ, không dựa vào chế độ, không phải sân sau, tức là kiếm tiền kiểu cổ điển, thì sẽ dễ có tư tưởng thiên hữu, hay phản động. Họ khát khao tự do hơn ai hết. Các đại công ty đã lên sàn thì cũng cần phải thủ dâm cho đại chúng, sẽ thích xây dựng hình ảnh kiểu làm từ thiện rồi lu loa lên, tài trợ chương trình này kia, cũng sẽ có tư tưởng tả khuynh.

Ngoài ra, trong ngắn hạn, thì tình trạng dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, tức là hiểm họa diện rộng đều có lợi cho phe tả. Vì phe tả huy động nguồn lực xã hội tốt hơn để chống lại các hiểm họa đó. Ngược lại, phe hữu sẽ bị yếu thế trong các hoàn cảnh  tương tự do tôn trọng sự tự do cá nhân.

Ngày xưa phe hữu là của giới tinh hoa, có uy tín cao trong xã hội Ngày nay thì có xu hướng ngược lại, đại gia và trí thức lại thích tả hơn. Vì thế phe hữu sẽ ngày càng yếu thế.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 15.11.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.