mercredi 9 novembre 2022

Phạm Chu Sa - Duyên Anh và Thương Sinh, hai tính cách đối nghịch trong một con người

 

Nhà văn Duyên Anh tên thật Vũ Mộng Long, sinh năm 1935 tại Thái Bình - Bắc Việt, di cư vào Nam năm 1954. Anh là khuôn mặt khá đặc biệt của 20 năm văn học miền Nam.

Một số nhà phê bình gọi anh là hiện tượng văn học, do sách anh bán rất chạy, lượng độc giả rất lớn - kể cả người không tiền mua, phải thuê sách Duyên Anh đọc...Tôi không đồng ý với nhận xét này, bởi hiện tượng thì nhất thời, bùng lên rồi tắt, nhưng tài năng văn chương của Duyên Anh đã được khẳng định, đọng lại trong lòng người đọc nhiều thế hệ.

Trong tác phẩm “Duyên Anh - Tuổi trẻ mộng và thực”, nhà phê bình Huỳnh Phan Anh cũng nhắc đến từ “hiện tượng”. Nhưng mấy năm trước gặp Huỳnh Phan Anh, tôi nhắc lại, anh bảo, ừ đúng rồi, bấy giờ Duyên Anh mới 35, 36 tuổi, sách bán chạy không thua truyện Quỳnh Dao, chẳng hiện tượng là gì? Sau này thì khác…

Từ tháng Tư 1975 đến nay, sách của Duyên Anh vẫn bị cấm in lại trong nước. Tuy vậy, hiện nay nhiều độc giả trẻ sinh ra và trưởng thành sau năm 1975 nghe ông bà, cha mẹ - những độc giả của Duyên Anh trước đây kể lại, các bạn ấy đã mày mò tìm đọc trên mạng hay tìm những sách cũ photocopy chuyền tay đọc.

Duyên Anh được biết đến là  “ nhà văn của tuổi thơ”. Nhưng có lần trả lời phỏng vấn, anh nói: Tôi không phải là “nhà văn của tuổi thơ”. Tôi viết về tuổi thơ. Cùng với những truyện viết về tuổi thơ với giọng văn trong sáng, hồn nhiên, Duyên Anh cũng là tác giả những truyện nổi tiếng viết về giới du đãng, bụi đời : Điệu ru nước mắt, Trần thị Diễm Châu, Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang…. Ba tác phẩm kể trên đã được chuyển thể thành phim rất ăn khách.

Ngoài ra, anh cũng là nhà báo nổi tiếng với bút hiệu chính là Thương Sinh và một số bút danh khác, chuyên viết trào lộng, châm biếm: Thập Nguyên, Mõ Báo….Nhưng chỉ bút hiệu Thương Sinh là gây chú ý nhất với hàng loạt phóng sự bằng giọng văn gây gổ, hằn học, cay độc, có khi « đểu cáng, ngang tàng, ngổ ngáo... » ( từ của nhà phê bình Cao Thế Dung). Trong các phóng sự, Thương Sinh phê phán không trừ một ai. Từ các tướng lãnh, chính khách, giáo sư, học giả…đến các nhà tu nổi tiếng bấy giờ với quyền lực chi phối cả chế độ…

Sau phóng sự dài kỳ « Sống sượng » đăng trên báo Sống năm 1965 – 1967, Thương Sinh viết nhiều phóng sự, tiểu phẩm châm biếm, gây gổ, trào lộng hóa nhiều hoạt động của giới chính trị. Nhiều nhất là khi anh làm chủ bút tuần báo trào phúng « Con Ong » năm 1967-1969. Nhưng sau đó anh rút lui vì bất đồng chính kiến với chủ nhiệm Minh Vồ - Nguyễn Văn Minh. Năm 1970 Duyên Anh lập tuần báo trào phúng “Người” do anh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Nhưng được mấy tháng thì “tự ý đình bản” vì không thể cạnh tranh nổi với “Con Ong” do chính anh dày công xây dựng trước đó!

Năm 1971 Duyên Anh tuyên bố rời làng báo chính trị xã hội đấu đá, mưa máu gió tanh, tự nguyện làm « con sên già lùi bước » trở lại viết truyện tuổi thơ và chuyên tâm làm tờ  tuần báo Tuổi Ngọc đã thành lập từ năm 1969. Anh cho đổi thành Tuổi Ngọc bộ mới: đổi khổ, tăng trang, tăng cường nội dung để thu hút lớp độc giả tuổi mới lớn với slogan “Tuổi Ngọc - tuần báo của tuổi mới lớn”.

Trên Tuổi Ngọc bộ mới này, Duyên Anh viết hồi ký Nhà báo kể lại những chuyện từ lúc ông còn làm báo “Gió Nam” của Liên đoàn Cách mạng Quốc Gia thuộc Tổng Nha Thanh Niên, rồi được biệt phái làm biên tập viên báo “Chiến Đấu” - cơ quan ngôn luận của Thanh niên Cộng hòa. Đến năm 1963, Duyên Anh trở lại Sở Tuyên huấn chuyên viết bài ca ngợi Thanh niên Cộng hòa đọc trên đài phát thanh Sài Gòn. Sau đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963, Duyên Anh rời bỏ đời công chức. Đầu năm 1964, anh trở thành ký giả chuyên nghiệp của nhật báo “Xây Dựng” do Linh mục Nguyễn Quang Lãm làm chủ nhiệm.

Bút hiệu Duyên Anh vốn là tựa bài hát của một người bạn thân tên Thịnh viết từ thời còn học trung học với anh, mà trong các tác phẩm Thằng Vũ, Thằng Côn, Con Thúy…Duyên Anh hay nhắc đến với biệt danh “Thịnh rỗ”. Khi di cư vào Nam và bắt đầu cầm bút có bài đăng trên tuần báo Chỉ Đạo năm 1957, Vũ Mộng Long lấy tên bài hát “Duyên Anh” làm bút hiệu để nhớ người bạn thân còn ở lại miền Bắc.

Sau 30 tháng Tư 1975 ít lâu, tôi gặp ông Thịnh tại nhà Duyên Anh ở số 225 bis Công Lý (sau đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Bấy giờ hình như ông Thịnh đang công tác trong ngành văn hóa hay giáo dục ở miền Bắc vào Nam công tác, tìm  đến nhà thăm bạn cũ Vũ Mộng Long. Duyên Anh giới thiệu ông Thịnh - tác giả bài hát “Duyên anh” với tôi. Mặc dù được gặp lại người bạn học thân thiết sau hơn 20 năm nhưng bấy giờ tâm trạng Duyên Anh khá bất an. Anh rất lo lắng cho số phận mình sắp tới, nên tuy vẫn nói nói cười cười nhưng nụ cười có phần gượng - điều này rất hiếm đối với Duyên Anh - vốn nổi tiếng trong giới văn chương, báo chí Sài Gòn là một người nghĩ sao nói vậy, thẳng ruột ngựa, không biết kiêng nể ai.

Anh Đặng Xuân Côn - tức nhân vật “thằng Côn” trong tác phẩm cùng tên đang sinh sống ở Sài Gòn, cũng là bạn học của Thịnh “rỗ” cũng đến gặp ông Thịnh tại nhà Duyên Anh. Chị Phương - vợ anh Duyên Anh lẳng lặng rút vô phòng, còn ba đứa nhỏ cũng lảng đi đâu không thấy. Ba người bạn thân từ thuở cắp sách đến trường với biết bao kỷ niệm, xa cách hơn hai mươi năm, giờ gặp lại nhau đúng ra phải mừng rỡ, hàn huyên vui vẻ. Nhưng tôi thấy ba người nói chuyện có vẻ gì đó không thoải mái. Hai “người Sài Gòn” chủ yếu hỏi thăm ông Thịnh về làng cũ, quê xưa. Có lẽ vì gặp nhau trong hoàn cảnh khá éo le của bên thắng và bên thua cuộc!

Anh Côn tuy là bạn nối khố và là em cột chèo với Duyên Anh nhưng tính cách hai người hoàn toàn khác nhau. Anh nói chuyện nhỏ nhẹ, từ tốn. Tại bữa gặp gỡ này tôi thấy chỉ có anh Côn là ôn tồn, tình cảm, gần như làm gạch nối giữa Duyên Anh và ông Thịnh. Tôi cảm thấy sự có mặt của mình dư thừa và vô duyên, nên tôi xin phép rút lui.

Đặng Xuân Côn là một nhà doanh nghiệp chẳng dính dáng gì tới văn chương, báo chí, nhưng trên manchette các tờ tạp chí có tên Duyên Anh chủ nhiệm đều đề tên Đặng Xuân Côn là quản lý - dù anh chẳng mấy khi đến tòa soạn. Duyên Anh và Đặng Xuân Côn lấy hai chị em ruột, bố vợ là ông Nguyễn Ngọc Đề ở Long Xuyên, một đại điền chủ có tiếng ở miền Nam - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Nông gia Việt Nam. Duyên Anh nhỏ hơn anh Côn một tuổi nhưng lấy người chị, anh Côn lấy cô em.

Ông Đề tỏ ra rất quý hai con rể người Bắc. Tôi có gặp ông Đề vài lần ở nhà Duyên Anh và nhà Đặng Xuân Côn. Tính cách ông Đề rất hào sảng, khẳng khái - một tính cách Nam bộ rặt!

Có lần tôi ghé nhà Duyên Anh tính hỏi anh việc gì đó, gặp ông Đề cũng vừa mới từ Long Xuyên lên thăm các cháu ngoại. Ông và tôi cùng chứng kiến cảnh vợ chồng Duyên Anh gây gổ ồn ào. Chị Phương ghen tuông bừng bừng, trong khi Duyên Anh càng giải thích, càng thanh minh là mình bị oan, thì chị càng làm dữ! Ông Đề can gián con gái, nhưng chị vẫn ghen lồng lộn. Ông nổi giận nói lớn: “Long à, tao nói mà nó còn không nghe. Nó quá quắt, mày bỏ quách nó đi!”

Dĩ nhiên đó chỉ là câu dằn mặt con gái, chứ ông bố vợ nào lại xúi con rể bỏ con gái mình. Tôi thấy không ổn vội gật đầu xin phép ông Đề lẳng lặng ra về, nên không thể chứng kiến “vở bi hài kịch” hạ màn ra sao. Thật ra Duyên Anh chỉ oan một chút thôi, vì anh vừa đi Pleiku với đoàn nhà văn nhà báo theo lời mời của tướng tư lệnh vùng II. Duyên Anh kể, các anh lên đó được các quan lớn cùng mấy em ca sĩ của tiểu đoàn 20 chiến tranh chính trị thuộc quân đoàn II tiếp đãi chu đáo. Có một cô nàng theo Duyên Anh về Sài Gòn. Anh hoảng quá, nhờ tôi làm “Lê Lai cứu chúa” để giải cứu anh. Chị Phương mà biết thế nào chị cũng từ mặt tôi, hay ít ra cũng “cạo” tôi một trận!

Tôi quen anh Đặng Xuân Côn ở Nha Trang, khi anh làm việc ở công ty Catraco (Công ty Cát trắng Thủy tinh) của Nhật, chuyên mua cát trắng Cam Ranh chở về Nhật làm thủy tinh. Hình như anh là đại diện công ty ở Sài Gòn, thỉnh thoảng mới ra Nha Trang. Còn tôi làm thời vụ cho công ty Mai Hà ở Nha Trang, chuyên thầu xây dựng cầu đường ở miền Trung. Công việc tôi là thông ngôn cho giám đốc Hà Văn Đáng khi nào anh cần gặp các đối tác nước ngoài ở công ty RMK của Mỹ hoặc công ty Kong Yong Interprise của Đại Hàn. Chỉ thỉnh thoảng mới đi với sếp nên thời gian rảnh khá nhiều.

Anh Côn ra Nha Trang thường ở khách sạn. Tôi hay ghé khách sạn mời anh đi uống cà phê, ăn sáng. Chiều tối xong công việc, anh lại rủ tôi đi ăn tối, uống vài chai bia. Anh Côn hay kể chuyện tình bạn giữa anh và Duyên Anh cho tôi nghe... Khi vào Sài Gòn, tôi thuê nhà ở Phú Nhuận, cách nhà anh Côn chừng hơn cây số. Thỉnh thoảng tôi đến thăm anh chị.

Nhà anh Côn là nhà cũ của Duyên Anh để lại cho vợ chồng anh trong cư xá Chu Mạnh Trinh, gần ngã tư Phú Nhuận. Biết tôi có làm thơ và viết bài cộng tác vài báo, tạp chí - đặc biệt tôi rất thích hai tác phẩm “Hoa thiên lý” và “Điệu ru nước mắt”  - hai tác phẩm tiêu biểu hai khuynh hướng sáng tác gần như đối nghịch - như tính cách  con người nhà văn Duyên Anh và nhà báo Thương Sinh. Anh Đặng Xuân Côn đưa tôi đến giới thiệu với Duyên Anh.

Anh đề nghị để tôi về thế Nguyễn Mai - người phụ trách trị sự của Tuổi Ngọc vừa chuyển sang làm tuần báo Mây Hồng. Duyên Anh hỏi: Nghe ông Côn nói cậu có làm thơ, viết báo? Tôi chưa kịp trả lời thì Duyên Anh đã “phán”: Nhìn cái tướng nghệ sĩ của cậu, liệu cậu có biết trị sự là gì không, làm được không? Tôi nói, dạ được. Em sẽ cố gắng. Anh Côn nói thêm: Nó làm sẽ quen thôi. Duyên Anh nói, được rồi, tùy ông.

Thế là tôi bắt đầu công việc trị sự khá bận rộn của một tờ tuần báo -  “Tuần báo của tuổi vừa lớn”. Tòa soạn là một căn gác xép áp mái ngói của nhà in Nguyễn Đình Vượng rộng chừng vài chục mét vuông, kê một chiếc bàn tròn và mấy cái ghế. Trên bàn chồng chất thư từ độc giả và bản thảo, bản vẽ minh họa… cùng một rổ nhựa đựng đầy những cục gỗ gắn cliché chì!

Tuổi Ngọc là một tờ báo ra hàng tuần dày 64 trang khổ 16 x 24 với nhiều minh họa, bìa in offset 4 màu nhưng nhân sự chỉ lèo tèo vài người: Chủ nhiệm Duyên Anh, thư ký tòa soạn Đinh Tiến Luyện và Từ Kế Tường. Và tôi phụ trách trị sự. Riêng quản lý Đặng Xuân Côn ít khi thấy mặt. Duyên Anh mỗi sáng lái xe đến, vào tòa soạn Văn ở tầng trệt ngồi tán gẫu, có khi với Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng hay vài bạn văn nghệ, hoặc gọi điện thoại. (Tòa soạn Tuổi Ngọc không có điện thoại riêng, phải dùng chung số với tòa soạn Văn và nhà in Nguyễn Đình Vượng). Khi nào viết truyện dài nhiều kỳ hoặc viết thư tòa soạn, trả lời thư độc giả và mục “ Ngọc Thân Ái”, Duyên Anh mới lên gác ngồi viết.

Khi tôi mới về, Tuổi Ngọc còn có Từ Kế Tường, đồng thư ký tòa soạn với Đinh Tiến Luyện phụ trách đọc tuyển chọn bài vở. Nhưng chỉ hơn tháng sau, anh cũng rời Tuổi Ngọc chuyển sang tuần báo Mây Hồng. Chủ nhiệm Duyên Anh bèn thăng chức Đinh Tiến Luyện làm chủ bút, phong tôi làm thư  ký tòa soạn. Lên chức, công việc của Luyện và tôi gánh thêm phần đọc bản thảo tuyển chọn bài vở của Từ Kế Tường để lại, nhưng lương vẫn như cũ, vì bấy giờ chiến cuộc ác liệt, lượng báo bán giảm hẳn.

Đinh Tiến Luyện là trung úy công tác ở tập san Quốc Phòng của Bộ Quốc Phòng ở cuối đường Thống Nhất (cùng phòng với nhà thơ Thanh Tâm Tuyền - tức đại úy Dzư Văn Tâm) nên gần như anh chàng chỉ làm ở Tuổi Ngọc …ngoài giờ! Nhất là vào thời điểm mùa hè đỏ lửa 1972, quân nhân bị cấm trại rất gắt. Buổi sáng Đinh Tiến Luyện xẹt qua tòa soạn rất sớm, dằn trên bàn mấy trang bài viết truyện dài từng kỳ, bản vẽ bìa và minh họa mà đêm qua chàng hì hục viết, vẽ…, kèm lá thư viết vội loằng ngoằng trao đổi công việc với tôi … Chiều tan sở, Đinh Tiến Luyện chạy thẳng qua tòa soạn Tuổi Ngọc, ngồi làm việc tới tối mịt. Rồi hai đứa tôi băng qua chợ Thái Bình phía bên kia đường uống vài chai bia, hì hục húp tô cháo huyết 3 đồng!

Tôi suýt quên nhắc tới một cộng tác viên thường trực và thầm lặng của Tuổi Ngọc là họa sĩ chuyên vẽ bìa Lê Vĩnh Ngọc. Chàng họa sĩ xuất hiện ở Tuổi Ngọc sau tôi ít lâu, làm người “chia lửa” với Đinh Tiến Luyện việc vẽ bìa ( trước đó hầu như chỉ thấy bìa Đinh Tiến Luyện, nên có khi chàng ký tên LY hay ĐTL, nhưng ai nhìn cũng biết là của chàng).

Lê Vĩnh Ngọc cũng là lính, bữa nào không có giờ trực ở trại lính quân cụ gần trường đua Phú Thọ, chàng lại chạy xe từ cư xá Bắc Hải qua Tuổi Ngọc đưa bản vẽ bìa và minh họa. Tranh bìa và minh họa Lê Vĩnh Ngọc rất đẹp và không thể nhầm lẫn với ai. Chàng họa sĩ tài hoa không nhậu được, chỉ cà phê nên bọn tôi thường gặp vào buổi sáng nhâm nhi cà phê, chàng đốt thuốc lá Bastos hết điếu này tới điếu khác.

Chính bạn vàng Lê Vĩnh Ngọc là người vẽ bìa tập thơ đầu tay của tôi. Không những vẽ mà bạn còn bỏ tiền in tặng tôi cái bìa bao tập thơ - vốn đã có bìa trong khá đơn giản. Nửa thế kỷ sau nhớ lại vẫn thấy cảm động. Sau tháng Tư 1975, Lê Vĩnh Ngọc vào đài truyền hình TPHCM (HTV) làm họa sĩ thiết kế với tên thật Lê Đình Ngộ. Khi về hưu chàng họa sĩ rất ít vẽ mà thường làm thơ đăng… Facebook!

Tôi vừa vào ít lâu, anh Côn phải đưa vợ đi Nhật chữa bệnh, nên tôi phải ôm luôn công việc quản lý: Mua giấy in báo, theo dõi phát hành và thu tiền… cộng với công việc “tả-pín-lù” của tôi: Sửa morasse, theo dõi in, đi nộp lưu chiểu, ra bưu điện lãnh tiền mandat do độc giả gửi mua báo dài hạn và gửi báo cho độc giả, báo biếu …Có khi tôi trả lời thư độc giả thay chủ nhiệm đi vắng hay bận việc riêng, viết mục “Nhìn xuống cuộc đời”… Ngoài ra có nhiều việc không tên nữa tôi cũng ôm luôn, như ra hộp thư bưu điện lấy thư, mỗi tuần cả bao tải nhỏ, mang về nhà phân loại và đọc sơ tuyển…

Nói chung công việc rất bề bộn, quá tải, phải gồng mình gánh vác. Nhưng cũng nhờ qua Tuổi Ngọc mà tôi đã quen biết được nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng. Tuổi Ngọc thay đổi slogan qua từng giai đoạn do ngẫu hứng của chủ nhiệm Duyên Anh. Từ “Tuần báo của tuổi mới lớn” chuyển sang “Tuần báo của yêu thương”, rồi cuối cùng là “ Tuần báo của những tháng năm đẹp nhất đời người”. Đặc biệt Tuổi Ngọc không chỉ có những cây bút chuyên viết cho tuổi mới lớn: Duyên Anh, Đinh Tiến Luyện, Từ Kế Tường, Hoàng Ngọc Tuấn, Mường Mán, … mà còn có sự cộng tác của nhiều tên tuổi lớn trong văn chương miền Nam bấy giờ như: Vũ Bằng, Võ Hồng, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Hoàng Hải Thủy, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Xuân Hoàng, Du Tử Lê…


Duyên Anh là người có trí nhớ tuyệt vời. Anh nhớ thuộc lòng các bài hát, bài thơ nghe, đọc từ thuở nhỏ. Nhưng có khi anh mới nói hôm nay tới sáng mai đã quên mất! Tính anh cũng rất bốc đồng. Mau giận nhưng cũng chóng quên. Đơn cử: giữa năm 1973, do công in ở nhà in Nguyễn Đình Vượng vốn “chơi sang” chỉ in chữ đúc nên công in khá cao ( in chữ chì giá hạ hơn nhiều). Tuổi Ngọc phải dời đến in ở nhà in Xây Dựng trên đường Thánh Mẫu ( Bành Văn Trân hiện nay), gần ngã ba Ông Tạ. Cùng in với Tuổi Ngọc ở nhà in Xây Dựng còn có tạp chí Văn Học của chủ nhiệm Phan Kim Thịnh và tạp chí Đối Diện của linh mục Chân Tín.

Đối Diện là tạp chí chính trị xã hội do một linh mục điều hành nhưng thiên tả gần như công khai, với nhiều bài viết công kích chính sách của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, nên bị tịch thu nhiều lần. Trong một đợt tịch thu Đối Diện tại nhà in Xây Dựng, họ đã hốt trọn tất cả những gì đang in mà chẳng cần xem đó là gì! Tuổi Ngọc đang in dở dang bị hốt gọn cùng “Đối Diện”! Tạp chí “Văn Học” hên, chưa tới kỳ in nên không bị hốt.

Duyên Anh nổi điên, chửi linh mục Chân Tín là “ ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” làm Tuổi Ngọc bị hốt oan! Nhưng chỉ ít lâu sau anh lại chơi rất thân với linh mục Chân Tín. Năm 1981, khi đi tù cải tạo về, người đầu tiên anh đi thăm là linh mục Chân Tín ở nhà thờ Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Đồng. Lúc này tạp chí “Đứng Dậy” ( đổi tên từ “Đối Diện” sau 1975) của nhóm linh mục Chân Tín đã “hoàn thành nhiệm vụ” và đã được cho “nằm xuống” được mấy năm rồi.

Sau khi thăm linh mục Chân Tín, anh đi bộ đến chỗ tôi bán thuốc tây chui trên đường Nguyễn Thông, cách nhà thờ Chúa Cứu Thế mấy trăm mét. Anh hỏi thăm chuyện làm ăn của tôi và vợ con tôi. Anh nhờ tôi chở anh đi thăm mấy người bạn tù đã về trước anh. Thấy anh đến tôi hết sức bất ngờ và mừng rơi nước mắt, không kịp hỏi ai chỉ chỗ tôi cho anh. Bởi tôi không nghĩ anh được ra tù sớm vậy.

Chính anh cũng nghĩ sẽ ngồi tù lâu, nên đã làm một bài thơ dài dặn dò vợ con, bảo Đoàn Kế Tường - nằm chung phòng - học thuộc lòng để mai mốt ra tù đến nhà anh đọc cho vợ con anh nghe! Nhưng anh chỉ ở tù cải tạo 5 năm, còn Tường ngồi tù đến 10 năm! Đoàn Kế Tường có trí nhớ rất tốt, sau khi ra tù viết báo Công An TPHCM và báo An Ninh Thế giới với bút hiệu Đoàn Thạch Hãn, đã kể lại chuyện này và chép nguyên bài thơ dài của Duyên Anh.

Nhắc lại chuyện sau khi Tuổi Ngọc bị hốt oan ở nhà in Xây Dựng, Duyên Anh phải vội chạy qua nhờ ông bạn nhà báo Tô Văn - tức nhà văn Trần Đức Lai - Tổng Thư ký nhật báo Hòa Bình nói với chủ báo Trần Hữu Quỳnh cho Tuổi Ngọc tạm tá túc và in ở nhà in báo Hòa Bình. Dù chỉ tá túc và in ở đây một thời gian ngắn, nhưng tôi cũng có khá nhiều kỷ niệm với báo Hòa Bình. Tôi chơi thân và ở chung nhà thuê với Hoàng Lạc - họa sĩ trình bày báo - một anh chàng cực kỳ dễ thương - nhất là trong lúc tôi đang trốn lính, Lạc đã giúp tôi hết sức chân tình.

Tôi cũng thường ngồi cà phê đấu láo với phóng viên Nguyễn Hoàng Đoan. Anh chàng người Quảng Trị có khuôn mặt dài, lúc nào cũng chỉnh chu, áo bỏ trong thùng, cài nút tay măng-sét đàng hoàng. Nguyễn Hoàng Đoan bấy giờ đang là chồng của nữ ký giả Lam Thiên Hương - con gái cựu Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm thời Quốc trưởng Bảo Đại. Chàng phóng viên điệu đàng bấy giờ khoảng ba mươi, đã in một tập phóng sự tựa “Mua chồng” - cũng chịu khó chạy sô các nhật báo. Trước đó tôi đã gặp anh nhiều lần ở báo Độc Lập khi tôi đến gửi  bài cộng tác hay lĩnh nhuận bút, bây giờ sang Hòa Bình cũng gặp anh chàng.

Sau 1975, tôi hơi ngạc nhiên khi nghe tin Nguyễn Hoàng Đoan ra nước ngoài làm tờ tạp chí có tên “Hồn Việt”! Nhưng sau nghe tin anh chàng lấy Khánh Ly thì tôi không ngạc nhiên…Vài năm trước nghe tin Nguyễn Hoàng Đoan mất, nhưng tôi chẳng có kết nối nào để viết lời chia buồn cùng ca sĩ Khánh Ly.

Thời gian anh Duyên Anh đi tù cải tạo, thỉnh thoảng tôi ghé nhà thăm chị và các cháu. Lúc đầu anh mới vào trại cải tạo, hàng tháng chị Phương đi thăm nuôi chồng bằng xe taxi với hàng lô đồ ăn. Đó cũng là khởi đầu những đồn đoán về cách đối xử của Duyên Anh với nhà văn đàn anh Nguyễn Mạnh Côn trong tù. Kể cả tin anh làm “ăng-ten” cho cai ngục, dẫn đến việc anh bị một tay cực đoan nghe tin tam sao thất bổn đánh anh tại Cali đến thương tật liệt tay phải và nói ngọng cho đến cuối đời.

Tôi có hai người bạn ở tù chung với Duyên Anh. Một là Đoàn Kế Tường - nguyên phóng viên chiến trường báo Sóng Thần bị tù 10 năm vì liên quan đến vụ án “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Vụ án hồ Con Rùa nổi tiếng. Nhưng không như những tù nhân khác, sau khi ở tù một thời gian sẽ được đưa đi lao động cải tạo, Tường bị giam ở Chí Hòa luôn mười năm mà không được đi lao động.

Người thứ hai là Văn Kỳ Chuyên, cựu binh sư đoàn 23 bộ binh. Chúng tôi quen biết nhau vì cùng đơn vị trung đoàn 45. Chuyên can tội tổ chức vượt biên nhưng bất thành, bị bắt, bị tù 3 năm chung phòng với các văn nghệ sĩ, có Duyên Anh, Nguyễn Mạnh Côn... Trong một tác phẩm Duyên Anh viết sau khi sang Pháp - hình như tựa là “Đồi Fanta”, có nhắc đến nhân vật Văn Kỳ Chuyên.

Năm 1979, Chuyên ra tù có đến thăm tôi và kể chuyện Duyên Anh trong tù. Chuyên nói : “Không hiểu sao họ nhốt chung mình với mấy ông văn nghệ sĩ. Mình mê đọc Duyên Anh, khoái nhất là “Điệu ru nước mắt”, nên khi được gặp ông ấy - dẫu trong hoàn cảnh tù tội, mình cũng rất vui. Lúc đầu mình ở chung trại với Duyên Anh và nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng - trong đó có nhà văn, nhà lập thuyết Nguyễn Mạnh Côn.

Thời gian đầu, hàng tháng bà Duyên Anh gửi đồ tiếp tế cho chồng khá nhiều, Duyên Anh ưu tiên chia bớt cho đàn anh Nguyễn Mạnh Côn và  một vài anh em văn nghệ không có người thăm nuôi tiếp tế. Thậm chí có khi ổng còn cho mấy thằng gác tù, vì theo Duyên Anh, chúng nó coi tù nhưng còn khổ hơn mình, thấy tội nghiệp! Cách nhìn, cách nghĩ đó làm nhiều bạn tù khó chịu - thậm chí căm ghét, bảo Duyên Anh nịnh cai tù, làm “ăng-ten”. Nhưng mình biết chắc đó là tính cách ngang bướng, khác người của Duyên Anh thôi, chứ chả có chuyện ăng ten ăng tiết gì đâu”.

Chuyên còn kể, ban đầu ông Côn rất vui vì được đàn em chia sớt quà thăm nuôi. Nhưng ông bị thiếu thuốc (ông nghiện thuốc phiện), bị hành khổ sở, bứt rứt, gầy rạc đi. Rồi có khi ông đòi hỏi này nọ với giọng trịch thượng, kể công đã phát hiện Duyên Anh, làm ổng rất bực. Có lần hai ông cãi nhau chuyện gì đó, Duyên Anh lớn tiếng: “Ông bảo ông có công phát hiện, nâng đỡ văn tài, thế sao từ đó đến nay ngoài thằng Duyên Anh này ông không phát hiện thêm văn tài nào nữa! Vậy có phải là do Duyên Anh tài năng thật chứ đâu phải chỉ nhờ ông nâng đỡ”. Tôi nghe ông Côn nói lẩm bẩm gì đó, hình như than thở. Ông Duyên Anh có lẽ thấy mình quá lời nên im lặng.

Chuyên kể tiếp: “Vào đúng ngày tròn ba năm tù cải tạo, buổi sáng hôm đó ông Nguyễn Mạnh Côn đứng trước mọi người đang xếp hàng chuẩn bị đi lao động, ông nói lớn với trưởng ban quản giáo, đại ý: Ông đã học tập cải tạo đủ ba năm mà khi bắt công an đã thông báo. Ông yêu cầu thả ông. Dĩ nhiên bọn cai tù - gọi lịch sự là quản giáo - đâu có quyền thả hay nhốt ai. Họ chỉ làm theo lệnh cấp trên. Nhưng đáng buồn thay - Chuyên nhấn mạnh - tôi rất thất vọng khi nhà lập thuyết, từng được phong là “Lý thuyết gia chống cộng” - nhà văn chống cộng lừng lẫy từng đoạt giải nhất Văn chương Toàn quốc ( lần đầu năm 1957 với tiểu thuyết “ Đem tâm tình viết lịch sử” - bút hiệu Nguyễn Kiên Trung- NV) lại đi kiến nghị với mấy tên cai ngục!

Sau đó ông Côn kiên quyết không đi lao động vì cho rằng mình đã “cải tạo xong”. Ông tuyên bố tuyệt thực. Thực ra quản giáo đã cắt phần ăn của ông, vì họ nói không lao động thì không được ăn! Ban đầu anh em văn nghệ trong tù ái ngại, có người khi đi ăn lén lấy thức ăn gói đem về cho ông. Đám quản giáo thấy ông Côn không được ăn nhưng vẫn ổn, họ nghi ngờ, bèn đẩy ông ra phía cuối phòng để dễ theo dõi. Nhưng vài người vẫn lén lấy chút đỉnh thức ăn cho ông. Nhưng bữa có bữa không. Ăn uống thiếu đói, cộng với sức khỏe vốn đã suy kiệt vì thiếu thuốc, tinh thần suy sụp, ông Côn mất ngày 1 tháng 6 năm 1979 trong trại cải tạo”.

Rất tiếc một số người vì căm ghét thái độ và phát ngôn “giọng điệu Thương Sinh” của Duyên Anh đã phao tin rằng Duyên Anh làm ăng-ten báo cáo cho ban quản giáo. Thậm chí họ còn tố cái chết của Nguyễn Mạnh Côn là do Duyên Anh báo cáo quản giáo biệt giam ông ấy! Nhưng những người bị bắt cầm tù và sau đó chuyển ra vùng rừng Xuyên Mộc lao động cải tạo đã lên tiếng phủ nhận sự việc này.

Có thể kể: Họa sĩ Đằng Giao bị bắt một lượt và tù chung với Duyên Anh ở các trại giam Phan Đăng Lưu và Chí Hòa, rồi cùng bị chuyển sang lao động cải tạo ở Xuyên Mộc. Đằng Giao và Duyên Anh là hai đội trưởng lao động gồm những đội viên là tù hình sự, đâu có chính trị phản động thì báo cáo ai! Mà Nguyễn Mạnh Côn bị giam ở phòng khác và là đội viên của đội trưởng Lê Xuân Quỳnh. Năm 2005 Đằng Giao sang Mỹ triển lãm, khi được hỏi chuyện Duyên Anh bị đồn làm ăng-ten, anh đã xác nhận “Duyên Anh bị oan thôi, chứ anh ấy chẳng làm ăng-ten gì cả”.

Nhà văn Đỗ Tiến Đức tác giả  tiểu thuyết “Má Hồng” - giải nhất Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc 1969, nguyên Giám đốc Nha Thông tin, Nha điện ảnh đã cùng nhóm Quốc gia Hành chánh tổ chức một cuộc họp để cựu sinh viên Quốc gia Hành chánh - Phó quận trưởng Nguyễn Đình Đức - người từng ở tù cải tạo cùng với Nguyễn Mạnh Côn và Duyên Anh - minh oan cho Duyên Anh vụ làm ăng-ten.

Ông Nguyễn Đình Đức đã khẳng định cái chết của Nguyễn Mạnh Côn chẳng liên quan gì tới Duyên Anh. Trong cuộc họp, nhà báo Đinh Quang Anh Thái - báo Người Việt - đã tố cáo đó là xảo thuật của cộng sản nhằm bôi nhọ và triệt hạ uy tín của Duyên Anh. Còn Vũ Trung Hiền trong cuốn “Duyên Anh và tôi” cũng cho rằng Duyên Anh bị hành hung tại Mỹ là kết quả của việc cộng sản dựng những chuyện dối trá rằng ông hợp tác với bọn cai tù, mục đích bôi nhọ Duyên Anh và triệt tiêu ảnh hưởng của ông!    

PHẠM CHU SA 06.11.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.