Gianni Infantino là Chủ tịch của FIFA, liên đoàn bóng đá thế giới đầy quyền lực. Những ai từng nắm giữ chức vụ này thường được ví von như một nguyên thủ quốc gia.
Đi đâu cũng được tiếp đón một cách trọng thị. Từ Robert Guérin đến João Havelange hay Sepp Blatter, tất cả đều để lại những ảnh hưởng nhất định, tốt hay xấu, trong lịch sử bóng đá thế giới.
Với thời buổi toàn cầu hóa, trái bóng tròn càng trở nên quyến rũ và trở thành “món hàng” để kinh doanh, để gây tiếng vang, để mang lại “quyền lực mềm” và cả ảnh hưởng địa chính trị trên thế giới.
Nếu Sepp Blatter từng phải từ chức Chủ tịch FIFA vì những bê bối tài chính và những scandal xung quanh việc Qatar được giành quyền tổ chức Cúp Thế giới 2022, thì việc ông Gianni Infantino thành công trong việc vận động để trở thành Chủ tịch FIFA cũng để lại nhiều dấu hỏi về sự minh bạch của tổ chức này và của chính ông ta.
Gianni Infantino sinh ra tại Brigue, thuộc tiểu bang Valais, Thụy Sĩ. Cha, mẹ ông là người Ý di dân. Ông học Luật tại trường Đại học Fribourg sau đó làm luật cho Trung tâm nghiên cứu thể thao (CIES) tại trường Đại học Neuchâtel.
Năm 2000, Gianni Infantino bước chân vào Liên đoàn bóng đá Châu Âu ( UEFA). Một cách nhanh chóng, ông ta trở thành phụ tá đắc lực và tin tưởng cho Michel Platini, cựu ngôi sao huyền thoại bóng đá Pháp, khi ông này trở thành Chủ tịch UEFA. Nhưng dư luận chỉ biết đến ông khi ông này thường tổ chức các lễ bốc thăm các giải bóng đá tại châu Âu. Chỉ thế thôi. Một nhân vật phụ, bên lề của một Platini đầy quyền lực với giấc mộng nắm giữ FIFA một ngày rất, rất gần…
Tuy nhiên, trong cái thế giới mà quyền lực chính trị và sức mạnh của đồng tiền có thể chi phối tất cả, Platini đã bị dính lỗi vì chuyện tiền bạc và cả lá phiếu bầu cho Qatar. Ông và Blatter đều bị đưa ra toà xét xử tại Thụy Sĩ. Dẫu cả hai được xử trắng án, nhưng vẫn còn nhiều vụ kiện tụng theo họ tại Thụy Sĩ. Blatter rời bỏ FIFA, Platini từ chức UEFA.
Cánh cửa quyền lực bỏ trống tại FIFA và cánh tay phải đắc lực một thời trung thành với Platini đã tranh thủ, bước ra ánh sáng để tranh cử chức Chủ tịch FIFA. Từ một kẻ đóng phụ, mờ nhạt, tận dụng bối cảnh hai tổ chức bóng đá quan trọng nhất thế giới đang bị nhiều tại tiếng, Gianni Infantino đã khéo léo trở thành vị Chủ tịch FIFA nhiều quyền lực.
Dư luận vẫn cho rằng Gianni Infantino đã “khéo léo” phản chủ, Michel Platini, để giành lấy quyền lực đỉnh cao khi ông ta chẳng là gì, chẳng có chút ảnh hưởng thật sự nào tại UEFA. Nói gì thì nói, Gianni Infantino đã cho thế giới thấy ông ta là một con cáo già, thừa tinh khôn để chụp lấy cơ hội.
Việc Platini giờ chót “trở cờ” không muốn bỏ phiếu cho Mỹ để đăng cai Cúp Thế giới 2022, thay vào đó là bỏ cho Qatar, một quốc gia bé tí, không chút “văn hóa” bóng đá, đã khiến người Mỹ vào cuộc và khởi động các vụ điều tra về tham nhũng, mua bán phiếu tại các tổ chức liên đoàn bóng đá châu lục. Cựu Tổng thống Pháp, Sarkozy, không hề giấu diếm sự ủng hộ ra mặt cho tiểu quốc này đứng ra đăng cai Cúp Thế giới. Người Pháp vẫn còn điều tra mối quan hệ giữa Sarkozy và Platini trong việc có thể gây ảnh hưởng đến vụ trở cờ trên.
Có thể nói, không có vụ Qatar, sẽ không có chuyện Gianni Infantino làm Chủ tịch FIFA. Ông này lại muốn lấy lòng nước chủ nhà nên luôn miệng lên tiếng ủng hộ, bảo vệ khi dư luận thế giới và các tổ chức phi chính phủ tố cáo việc vi phạm nhân quyền, luật lao động của quốc gia này đối với hàng trăm ngàn người lao động nước ngoài. Gần 6.500 người bị chết khi xây dựng các sân vận động dường như bị rơi vào quên lãng bởi một chế độ cực đoan, áp dụng các đạo luật Hồi giáo Sharia. Qatar tung tiền tỉ để đổi lại vị thế trên bàn cờ địa chính trị. Qatar không muốn bị thôn tín như Koweit từng bị Irak đánh. Họ sử dụng “quyền lực mềm” để gây ảnh hưởng, thậm chí gián tiếp tài trợ cho các tổ chức khủng bố Hồi giáo tại Trung Đông.
Khi nhiều tiếng nói cất lên yêu cầu các chính phủ trên thế giới can thiệp hay bày tỏ tình đoàn kết với thân phận của người lao động nghèo khổ tại Qatar thì FIFA của Gianni Infantino vẫn im re, tươi cười bảo không có gì đáng lo ngại.
Gianni Infantino mới đây còn “ngẫu hứng” độc thoại lên án phương Tây “giả dối” khi chỉ trích Qatar về nhân quyền. Ông ta cho rằng chính phương Tây đã phạm tội trong 3.000 năm và họ phải xin lỗi thế giới còn lại trong vòng 3.000 năm tới thay vì lên án Qatar. Ông cũng không quên, gởi lời nhắn nhủ đến “thế giới còn lại” rằng ông hôm nay “cảm thấy là người Qatar, người Ả Rập, người Châu Phi, người đồng tính, người tàn tật và người lao động di dân” để bênh vực và ca ngợi các nỗ lực của Qatar trong việc tổ chức và thay đổi hình ảnh của quốc gia này đối với người lao động nghèo khổ nước ngoài.
Đỉnh điểm của sự nực cười là khi ông ta nhắc lại chuyện ông ta bị đối xử kỳ thị thuở nhỏ tại Thụy Sĩ. Gianni Infantino sinh năm 1970, cái thời mà xã hội Thụy Sĩ đã thay đổi nhiều, rất nhiều, bớt bảo thủ và không còn kỳ thị với người Ý, người Tây Ban Nha nữa. Ông muốn lấy lòng cái “thế giới thứ ba”, của các nước đang phát triển như thể ông cũng là nạn nhân của phương Tây, châu Âu giả dối, xảo trá. Ông muốn tránh xa Thụy Sĩ, xứ sở đã cho ông tất cả nhưng cũng không quên vào cuộc điều tra các hành động, quan hệ mờ ám của Gianni Infantino.
Thật vậy, tòa án Liên bang Thụy Sĩ đang tiến hành điều tra các mối quan hệ giữa Gianni Infantino và một cựu tổng kiểm sát trưởng của chính phủ Liên bang, ông Michael Lauber về các cáo buộc lạm dụng quyền hành và chức vụ. Michael Lauber được cho rằng đã bí mật gặp riêng Gianni Infantino để tiết lộ các cuộc điều tra của tòa án Liên bang nhắm vào ông Chủ tịch FIFA.
Gianni Infantino đã không còn ở Zurich, nơi có trụ sở của FIFA. Ông dọn về Doha để ở. Ông muốn cắt đứt mối quan hệ với đất nước Thụy Sĩ của ông vì có lẽ ông thừa biết tòa án Thụy Sĩ sẽ không để ông yên. Các đảng chính trị thuộc cánh tả đang kêu gọi điều tra FIFA và các vấn đề thuế má của tổ chức này. Hình ảnh của FIFA đã bị vấy bẩn sau quá nhiều scandale. Gianni Infantino cũng thừa hiểu các vết nhơ của ông sẽ bị các tòa án tại Mỹ, Thụy Sĩ và Pháp vào cuộc nên ông ra đòn trước, lấy lòng các quốc gia chậm phát triển và rời Thụy Sĩ.
Chỉ có tương lai mới có câu trả lời cụ thể về những vụ mua bán phiếu bầu và tranh giành ảnh hưởng của Qatar. Tuy nhiên, nhắm mắt phủ nhận các sự chỉ trích của thế giới về những “tội ác” của xứ sở này đối với người lao động nước ngoài là một thái độ đáng trách và phải bị lên án. Gianni Infantino và FIFA đã và đang làm vấy bẩn hình ảnh của thể thao, của môn bóng đá quyến rũ, có sức mạnh nối kết các dân tộc với nhau. Thay vào đó là một tổ chức mafia, chỉ biết sức mạnh của đồng tiền và bỏ mặc các yếu tố thể thao, văn hoá, nhân bản.
FIFA, UEFA và CIO, tất cả đều bị quyền lực chính trị chi phối và sức mạnh của đồng tiền cám dỗ. Khó hình dung Thế vận hội mùa hè từng được tổ chức tại Bắc Kinh, một quốc gia độc tài toàn trị, chà đạp lên quyền con người, nay lại đến Qatar, với quyền lực của dầu hỏa, chi phối nền kinh tế, tài chính tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Đỉnh điểm của sự trơ trẽn là trao quyền đăng cai các giải thể thao mang tính nhân văn, hòa bình đến các xứ sở vốn chẳng có chút tình thần nhân quyền, nhân bản gì cả, đổi lại là một khối tài sản khổng lồ. Trung Quốc không hề đổi thay theo chiều hướng tích cực sau khi được tổ chức Thế vận hội (cả hè lẫn đông) như những gì CIO nhận định. Nước Nga của Putin đại đế, sau Thế vận hội mùa đông và Cúp bóng đá Thế giới là cuộc xâm lược Ukraina tàn khốc.
Đưa thể thao, bóng đá đến những miền đất lạ, đến những nền văn hóa khác nhau là mục đích cao đẹp của CIO, của FIFA nhưng thực tế không luôn tốt đẹp như lời rao giảng. Đã đến lúc các tổ chức này cần phải được cải tổ, làm trong sạch, để mang lại thể thao chân thực và niềm vui cho nhân loại.
Qatar được trao quyền tổ chức Cúp Thế giới từ năm 2010. Hơn 12 năm qua, dư luận vẫn phản đối và lên tiếng đều đặn về những vi phạm nhân quyền của Qatar, chứ không phải đợi đến giờ, như những gì Infantino nhận xét về sự “giả dối” hay “đạo đức giả” của phương Tây.
Cúp Thế giới thông thường là một ngày hội thể thao. Tiếc thay, kỳ này, cái không khí vui nhộn, dễ thương ấy không hề tồn tại, ít nhất tại nhiều quốc gia Âu châu. Không màn hình lớn, không Fanzone, không sự kiện… người dân không muốn “đồng lõa” với đồng tiền bẩn thỉu của Qatar. Họ không muốn cổ súy cho sự gian lận, cho sức mạnh mờ ám của đồng tiền, mà Qatar, FIFA và cả Gianni Infantino là những đại diện tiêu biểu xấu xí nhất.
Trước giờ bóng lăn, người viết đi bộ một vòng thành phố. Chiều chủ nhật yên lành, yên tĩnh, không chút không khí của một sự kiện thể thao lớn thứ nhì hành tinh, chỉ sau Thế vận hội mùa hè. Trên các cửa sổ, không hề có quốc kỳ của các quốc gia dự Cúp. Các cộng đồng người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Serbia, Nam Mỹ cũng không mặn mà treo cờ khí thế như mọi khi.
Chẳng ai bảo nhau nhưng dường như có một sự “nhận thức chung của cộng động” về một giải bóng đá nhiều tai tiếng.
Người Thụy Sĩ còn kín tiếng hơn. Họ không tổ chức gì cả. Một sự tối thiểu. Ai cũng thừa hiểu và thất vọng khi trái bóng tròn đã bị cám dỗ bởi đồng tiền và đi ngược lại với những tôn chỉ cao đẹp ban đầu.
Sau cùng thì quả bóng cũng đã lăn. Qatar 2022 đã chính thức bắt đầu với các nhân vật hoàng gia quyền lực và một Infantino hồ hởi ra mặt trên sân vận động.
Tẩy chay hay không, vấn đề ấy không quan trọng bằng nhận thức của mỗi chúng ta khi xem một trận bóng đá tại giải này. Hiểu rõ sự thật đằng sau sự hào nhoáng của giải bóng đá là cái chết thương tâm, trong sự thờ ơ, vô trách nhiệm của Qatar mới đáng bàn.
Thể thao đã trở nên dơ bẩn khi bị quyền lực chính trị và tài chính lũng đoạn. Sự cần thiết và tối quan trọng là làm sao để các tổ chức thể thao quốc tế không phạm sai lầm, trong tương lai, khi trao quyền đăng cai cho các quốc gia vi phạm nhân quyền.
Bằng không, thể thao sẽ vĩnh viễn bị vấy bẩn và xa rời nhân loại, xa rời sứ mệnh cao đẹp, chân chính như những yếu tố hàn gắn và mang lại hoà bình cho nhân loại.
FIFA, CIO, UEFA và các liên đoàn thể thao khác vẫn luôn mực kêu gào phi chính trị, để thể thao với thể thao. Nhưng thực tế, Nam Tư từng bị gạt bỏ quyền tham gia EURO 1992 vì chiến tranh tại Balkan. Nga của Putin cũng bị loại khỏi cuộc đua giành vé vớt Cúp Thế giới 2022. Iran những ngày này đang đàn áp khủng bố người dân thì FIFA lại im lặng dẫu nhiều tiếng nói đòi trừng phạt. FIFA và CIO chỉ làm khi có lợi cho các tổ chức này. Họ cố tình quên rằng thể thao và chính trị vẫn có những ràng buộc với nhau. Nhưng vượt lên trên mọi quan niệm chính trị, chính những giá trị đạo đức mới là điều kiện tiên quyết cho mọi quyết định. Đơn giản vì thể thao, chính trị chính là đạo đức!
Bóng đá là lễ hội. Cổ động viên chân chính là cảm xúc tuyệt vời, không có đồng tiền nào mua được. Không thể bỏ đô la để mua người lao động nước ngoài cải trang, nhảy múa giả vờ ủng hộ một quốc gia nào đó như Qatar đang làm…
Trên màn hình, Qatar đang bị thua hai bàn. Đến phút 80, đã có hơn phân nửa số khán giả trên sân rời bỏ ra về. Một sự kiện đáng buồn trong cái gọi là lễ hội bóng đá của hành tinh.
Qatar 2022, một sự kiện đáng quên dẫu chỉ mới bắt đầu!
Viết vội, Lausanne, 20/11/2022
LÂM BÌNH DUY NHIÊN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.