vendredi 11 novembre 2022

Nguyễn Thành Phong - Thắng cuộc và suy vong

 

Hai năm, 1996 và 1997, tờ Văn nghệ Trẻ chúng tôi có làm cuộc bình chọn 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu ở các lĩnh vực, từ chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học, giáo dục, nghệ thuật, thế thao...

Mười gương mặt này được xếp theo thứ tự chữ cái tên riêng, nên gọi là "Alphabet Trẻ Việt Nam" và được giới thiệu trên số báo Tết âm lịch năm tiếp theo đó. Cuộc bầu chọn rất được chú ý, dù Văn nghệ Trẻ chỉ là một tờ báo văn chương dành cho giới trẻ ra đời với giấy phép là đặc san của tờ Văn nghệ (già). Sau rồi, khi các nhân sự ban đầu của Văn nghệ Trẻ dần rời đi, thì cũng thôi bình chọn.

Đầu năm 1998, chúng tôi ngồi với nhau để bình chọn các gương mặt của năm 1997. Nhà báo Yên Ba đề cử nhà báo Huy Đức cho hạng mục báo chí tiêu biểu. Và tất cả thống nhất rất nhanh.

Huy Đức thời ấy đang nổi như cồn với các phóng sự xã hội phanh phui nhiều vụ việc tiêu cực, nhất là ở TP HCM, nổi nhất, ví dụ như vụ Đường Sơn Quán. Nhưng như thế là chưa đủ. Huy Đức còn là một nhà báo chính trị và nghị trường với những cuộc phỏng vấn, trò chuyện, trao đổi, chất vấn các chính khách nổi danh với một tư thế và phong cách thẳng thắn, ngang bằng, chứ không ê a lấy lòng, làm sang như đa số các nhà báo khác. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với loạt bài "Phỏng vấn marathon với Thủ tướng". Thủ tướng ngày ấy là ông Võ Văn Kiệt, tôi đã từng trò chuyện và có ấn tượng sâu sắc.

Với việc lựa chọn đưa Huy Đức vào danh sách 10 Gương mặt Trẻ tiêu biểu năm 1997, lúc ấy, trong số chúng tôi, không ai có thể hình dung là rồi gần 15 năm sau, qua bao nhiêu biến cố và va đập, nhận thức ngày càng sâu sắc và lương tri ngày càng sáng rõ, Huy Đức trở thành tác giả của bộ sách sử ký báo chí đặc sắc mang tên "Bên thắng cuộc", hôm nay tôi đang nói tới đây.


"Bên thắng cuộc" được in và phát hành ngày 12/12/2012 tại nước ngoài (Mỹ). Bây giờ đã là mười năm trôi qua. Năm nay, có một cơ duyên nào đó mà nhiều người Việt mới được tiếp cận với bản in bộ sách này. Tuy nhiên, nhờ có mạng internet toàn cầu, rất nhiều người Việt đã đọc nó từ mười năm trước cho đến hiện nay. Tôi đã hỏi bất cứ một đồng nghiệp nào là nhà báo, nhà văn, thì đều nhận được câu trả lời là đã biết đến bộ sách này, đã đọc nhiều lần, đọc toàn bộ hay một phần bộ sách ấy... Có thể nói, "Bên thắng cuộc" được biết đến ở Việt Nam rộng rãi hơn bất cứ một cuốn sách nào đã xuất bản trong thời hiện tại.

Nhiều người đã tâm đắc khi đánh giá về bộ sử ký báo chí này, và đó là những đánh giá chuẩn mực, chẳng hạn: Đây là quyển sách hay nhất về lịch sử Việt Nam sau năm 1975; Cuốn sách này nói về những sự thật khốc liệt nhưng rất trung thực, nó khiến cho ta bình tĩnh hơn; Đó là một kho tàng dữ liệu quý báu, làm ngạc nhiên nhiều chuyên viên theo dõi chính trị Việt Nam trong nhiều thập niên đã qua; Huy Đức viết công trình khảo cứu lịch sử đặc sắc này với lương tâm trong sáng và tay nghề lão luyện, chuyên nghiệp và có trách nhiệm trước vận mệnh đất nước; Cuốn sách này là một công minh lịch sử v.v...

Còn nhiều những đánh giá như đã kể ở trên, nhưng chưa đủ để lý giải sức hút của bộ sách này với bạn đọc Việt Nam. Theo tôi, cuốn sách đã đáp ứng những mong muốn tìm hiểu để biết rõ thêm về những gì người ta đã biết và nó đã thực sự chỉ ra những gì đằng sau, là gốc tích, là xuất phát điểm của những biến động lớn lao đương đại đã diễn ra. Cuốn sách sử ký này còn mang đến cho bạn đọc một cái nhìn và lý giải về lịch sử vẫn đang tiếp diễn.

Bây giờ, sau mười năm, có nhiều người làm nghề xuất bản đã nói: "Bên thắng cuộc" đáng ra phải được xuất bản ở trong nước. Đó là một cuốn sách cần thiết cho người Việt hiện nay. Cuốn sách ấy không vi phạm các điều cấm kỵ, không đả phá thể chế, không bịa đặt, không nói trái sự thật. Cuốn sách ấy cung cấp và trình bày những khách quan để bạn đọc minh định.

Tuy nhiên, tôi được biết, cách đây hơn mười năm, Huy Đức đã đưa bản thảo này tới một số nhà xuất bản trong nước, nhưng đều nhận được các lời từ chối, kèm theo đó là những cái nhìn hốt hoảng, sợ hãi đến xanh mặt. So với những quy định cấm kỵ trong lĩnh vực xuất bản ở nước ta, bản thảo này đều không phạm phải. Nhưng nó đã phạm vào một quy định rất mơ hồ: Vấn đề nhạy cảm.

Nhạy cảm luôn luôn là một vòng kim cô, là "ngoáo ộp" trong bối cảnh hoạt động của báo chí và xuất bản với tình trạng cực chậm giải mật và rất ít bạch hóa tại nước ta. Tôi nhớ, năm 1995, khi viết trên báo Văn nghệ về sự hy sinh của người con trai đầu lòng của ông Sáu Dân tại chiến trường, bài ghi chép của tôi đã đề cập xa xa tới người con trai thứ hai mà Thủ tướng có được với người phụ nữ khác khi từ Nam bộ ra Việt Bắc dự Đại hội II của Đảng năm 1951. Nhiều người đã rùng rùng đòi kỷ luật tôi vì "Ai cho phép các anh nói về chuyện vợ con riêng tư của lãnh đạo đất nước?".

Hay khi tôi kể về Thủ tướng nói chuyện với ông nông dân ở Đồng Nai sau sự kiện bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ trên báo Văn hóa, đã gọi Mỹ là "tên sen đầm quốc tế", người ta cho rằng như thế là "trái với định hướng tuyên truyền". Rất may mà ông Võ Văn Kiệt, khi nghe phản ánh lại, đã tỉnh khô, nói: "Tui kể chuyện của tui và nói như thế với nhà báo đó chớ. Nếu kỷ luật thì phải kỷ luật tui nghe". Vì ông nói thế nên tôi thoát án.

"Bên thắng cuộc" đã bày ra cả một biển, cả một núi nhạy cảm. Trong gần 1.000 trang sách chữ bé li ti của hai tập bộ sách này toàn là những chuyện nhạy cảm đến có thể làm cho người ta, cách đây hơn mười năm, choáng váng. Những chuyện nhạy cảm như tôi viết ở trên chỉ đáng là một cặp cánh của con muỗi so với trái núi nhạy cảm trong bộ sách "Bên thắng cuộc".

Huy Đức, với một kỹ năng không thể đào tạo, với một sự kiên trì không thể học theo, đã tiếp cận với vô số chính khách và các yếu nhân, những người trong cuộc, để khai thác tư liệu, ý kiến, góc nhìn và đánh giá rất cụ thể và mang yếu tố riêng biệt của các nhân sự này về mọi sự kiện lớn đã diễn ra trong lịch sử hiện tại. Những tư liệu, ý kiến, góc nhìn và đánh giá ấy lại được kiểm định kỹ càng thông qua những soi chiếu, đặt vào sau luồng thông tin chính thống đã được kiểm soát công bố nhưng vẫn có giá trị để tra cứu. Có lẽ không có người thứ hai nào có thể sở hữu được cái kho nguyên vật liệu để làm nên cuốn sử ký về thời nay như Huy Đức.

Nhưng đây mới là điều kiện cần thôi. Cái khối tư liệu, ghi chép, phỏng vấn... khổng lồ ấy phải được trình bày ra thật mạch lạc dưới dạng thức và ngôn ngữ báo chí, rất tỉnh táo, trung tính mà vẫn nóng lạnh hơi thở và cảm xúc con người trong một kết cấu hợp lý, nhuần nhuyễn thì mới hấp dẫn được những tiếp cận tác phẩm sau này. Nó đòi hỏi phải là một tài năng lớn để thể hiện.

Huy Đức, với sự từng trải và phẩm chất cá nhân, là một tác giả tài năng như thế trong thể hiện. Ông đã từng là quân tình nguyện ở chiến trường Campuchia, là sĩ quan được đào tạo về chiến thuật và chiến lược, là cán bộ văn phòng huyện ủy, là nhà văn với truyện ngắn đầu tay in trên tạp chí Văn nghệ quân đội rồi mới trở thành nhà báo. Ông đã sống trong thực tế, có tầm quan sát rộng rãi, thạo ngôn ngữ văn phòng, hành chính, có năng khiếu văn chương rồi mới thành một nhà báo đầy cá tính. Vì thế, "Bên thắng cuộc" đã tổng hòa được các yếu tố mà trở nên một bộ sử ký báo chí đặc sắc và hấp dẫn.

Một điều nữa, chúng ta thường chỉ được đọc những cuốn sách về lịch sử toàn chú trọng hay nhào nặn để đề cập đến khía cạnh chiến thắng, đến thắng lợi, để nhằm bồi bổ tinh thần tự hào. Trong khi đó, lịch sử là những thời kỳ nối tiếp nhau. Các triều đại, cứ bắt đầu là từ dựng nghiệp, thành công, thắng cuộc rồi sau đó là suy thoái rồi diệt vong, cho triều đại kế tiếp hiện ra và rồi lại tiếp tục như vậy.

Lịch sử về dựng nghiệp và thành công cung cấp bài học cho việc nắm lấy, cướp lấy quyền lực. Nó rất cần thiết, đáng được nghiên cứu kỹ lưỡng. Lịch sử về suy vong cung cấp bài học cho việc gìn giữ và gia cố quyền lực, gìn giữ sự bình ổn. Nó cũng rất cần thiết. Nhưng tại sao chúng ta lại rất ít những cuốn sách lịch sử về suy vong?

Suy vong là một quá trình từ suy thoái dẫn đến diệt vong. "Bên thắng cuộc" của Huy Đức không đề cập đến diệt vong, nhưng trong đó có những chỉ ra suy thoái. Vì thế, nó càng cần được nghiên cứu kỹ càng hơn cho hiện tại và tương lai.

(Còn một số kỳ nữa)

NGUYỄN THÀNH PHONG 09.11.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.