mardi 29 novembre 2022

Thọ Nguyễn - Tiền không phải là tất cả (2) Nhưng mua được chính trị

 

(Tiếp theo)

Giải World Cup 2022 này đem lại nhiều bất ngờ đầy kịch tính, ví dụ như Đức thua Nhật, Ả rập Xê Út quật ngã Argentina. Xưa nay vẫn vậy. Từ năm 1966 Bắc Triều Tiên đã quật ngã Ý. Ở giải 2018, Đức cũng bị Nam Hàn cho về vườn từ vòng bảng. Đó là sự diệu kỳ luôn chứa đựng trong bóng đá.

Có điều là trật tự thế giới bóng đá vẫn chưa thay đổi về cơ bản: "Chủ nghĩa thực dân bóng đá“ của Châu Âu và Nam Mỹ vẫn ngự trị. "Các nước thế giới thứ ba“ như Nhật Bản, Nam Hàn, Ả Rập Xê Út, Senegal v.v...có được những thành tích bất ngờ tại các giải World Cup chính vì nhờ có kinh nghiệm từ Châu Âu do hội "lính đánh thuê“ mang về.

Nền bóng đá ở châu Á, châu Phi và Bắc Mỹ, thể hiện qua các giải vô địch quốc gia và khu vực vẫn là "ao làng“ so với hai nền bóng đá kia. Do vậy việc các trai làng quật đổ các võ sĩ thành đô mới là niềm cảm hứng mà bóng đá đem lại. Ai cho rằng "ao ta“ nay đã to như biển tức là vẫn ngộ nhận.

Khoảng cách đang rút ngắn lại, nhưng còn lâu mới đến lúc người Việt háo hức xem giải vô địch Nhật Bản qua K+, chứ đừng mong dân Đức xem tường thuật tại chỗ trận chung kết AFF như ta thức đêm xem từng trận vòng bảng Euro.

Điều đáng nói nhất trong giải World Cup này là các tranh chấp chính trị mà hậu quả của nó chưa ai lường được.


Từ lâu người ta đã coi FIFA là một ổ Mafia. Rất nhiều vụ tai tiếng đã làm cho nhận định này càng trở nên vững chắc. Việc Qatar được đăng cai giải 2022 cũng chứa đựng khá nhiều dấu hỏi. Liệu các quan chức FIFA  bỏ phiếu cho Qatar năm 2010 có ăn tiền của vương triều Thani nay không thì còn phải chờ. Nhưng chắc chắn là ông J.Blatter hy vọng vào thu nhập lớn khi bầu cho Qatar. Sau quyết định chọn Qatar, FIFA đã bị phản đối dữ dội bởi các lý do:

- Khí hậu nóng bức ở đó không phù hợp cho việc đá bóng ở cường độ cao. Dù đá vào mùa đông nhưng vẫn phải xây các sân vận động có điều hòa nhiệt độ khiến việc tiêu thụ điện rất cao, gây ô nhiễm môi trường.

- Lúc đầu Qatar đăng ký cho mùa hè 2022, nhưng dân Âu-Mỹ phản đối vì không ai chơi bóng ở nhiệt độ trên 40°C nên giải được chuyển sang mùa đông, khiến lịch đấu giải của đa số các nước bị xáo trộn.

- Nước chủ nhà không có nền bóng  đá lớn nên hệ thống sân bãi không có, phải xây dựng từ đầu một loạt sân vận động, sau giải lại bỏ trống. Đây cũng là lãng phí tài nguyên.

- Nước chủ nhà không có nền bóng đá mạnh  mà lại đương nhiên được chiếm một vé vào giải chung kết, không công bằng.

- Nước chủ nhà có quá nhiều luật lệ khắt khe hồi giáo khiến quyền tự do của cổ động viên sẽ bị hạn chế, nhất là những người LGBT[1].

Về sau người ta còn biết rằng Qatar đã lợi dụng sức lao động rẻ mạt của hàng triệu thợ khách từ các nước nghèo để xây hạ tầng cơ sở cho World Cup 2022. Trong điều kiện luật lao động và chế độ an sinh xã hội cho thợ khách chưa cải cách kịp thời nên đã xảy ra rất nhiều bi kich, thảm họa cho họ và gia đình. Từ năm 2015 trở đi, thế giới nói đến vấn đề này rất nhiều. Chính phủ của các ông Scheich cũng chỉ cái cách nửa vời, lấp liếm là chính. Đã có nhiều ý kiến đòi đưa giải ra khỏi Qatar.

Bất chấp các phản ứng trên, FIFA vẫn "kiên định lập trường“ và ông chủ mới là Infantino lại càng bám vào Qatar. Triều đình Thani biết vậy nên càng dùng tiền để trói chặt Infantino. Nói theo kiểu của ta là cả Qatar và FIFA đều đưa cả "hệ thống chính trị“ vào cuộc. Một bên quyết dùng tiền để đưa thanh thế của chế độ lên tầm thế giới, bên kia thì dùng tiền để thao túng bóng đá toàn cầu. Không ở đâu dễ kiếm tiền bằng  làm việc với bọn độc tài, không bị dân và quốc hội kiểm soát ngân sách.

Phải sòng phẳng một điều rằng: Trong thế giới Ả rập thì Qatar là nước có điều kiện thuận lợi nhất cho việc đăng cai một sự kiện quốc tế lớn như vậy. Vương triều Thani là một tập đoàn phong kiến gia đình trị, nhưng là một tập đoàn có tầm nhìn, có tư tưởng khai phóng nhất trong khu vực. Đã từ lâu phụ nữ ở đây được tự do học hành trong các trường đại học, được phép lái xe, được phép làm chủ doanh nghiệp và có kinh tế độc lập với chồng.

Thani biết rằng sẽ đến lúc nguồn dầu khí cạn kiệt, hoặc nếu không cạn kiệt thì cũng không còn là nguồn năng lượng chính của thời đại. Vì thế ông ta đã đầu tư cho việc phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước: Dịch vụ y tế, giáo dục miễn phí cho toàn dân, học bổng đại học hào phóng cho sinh vên du học ở Âu Mỹ. Các trường đại học và viện nghiên cứu ở đây thu hút những giáo sư giỏi nhất từ châu Âu và Mỹ. Nước tí hon này lập ra công ty hàng không vũ trụ Qatar Aeronautics and Space Agency, giống như NASA. Kênh truyền hình Alzajera ở Doha hiện là một trong ba kênh thông tin hàng đầu thế giới (sau BBC và CNN). Khi dịch Covid-19 xảy ra Qatar Airways là hãng hàng không duy nhất liên tục nối liền cả ba châu Lục Á, Âu, Mỹ. vân vân và vân vân.

Những thành tích của chế độ độc tài phong kiến Thani trong việc phát triển đất nước nói lên sự khác biệt của họ so với các chế độ độc tài chỉ biết ăn tận kiệt nguồn lực đất nước, chỉ biết bóc lột dân mình.

Và việc giành qyền đăng cai World Cup 2022 cũng chính là một trong những chính sách phát triển đất nước bằng tiền.

Các giải World Cup 2010 (Nam Phi) và 2014 (Brazil), doanh số của FIFA khoảng 4,5 tỉ USD, Nhưng World Cup 2018 ở Nga, con số này tăng vọt lên 6,5 tỉ. Năm nay FIFA đạt được ở Qatar là 7,5 tỉ USD, trừ tất cả mọi khoản, còn lãi hơn 1 tỉ USD.

Tiền nhiều như vậy khiến Infantino mờ mắt và trở thành con tin của triều đình Qatar. Cho đến hôm nay FIFA và Doha đã là một liên minh, được gắn bó bởi không biết bao nhiêu chữ vàng. Vì vậy Qatar thỏa sức nói dối và lật lời hứa. Hứa không cấm rượu bia rồi nuốt lời hứa, hứa không phân biệt đối xử với LGBT  rồi cấm đeo băng có chữ One Love, hứa tự do báo chí nhưng luôn chặn các phỏng vấn live, khi thấy có các câu hỏi "nhậy cảm“.

Cả hai gã Thani và Infantino dùng tiền để làm chính trị, để thao túng thế giới và bóng đá, trong khi chính họ lại sử dụng tinh thần: "Không được chính trị hóa thể thao“ để thực hiện ý đồ của mình.


Nhiều cầu thủ không phải là những kẻ nấp vào đó để tránh cái gọi là "chính trị“. Là cầu thủ chuyên nghiệp, họ phải tuân thủ quy định của FIFA để đội nhà không bị thiệt. Nhưng họ không chịu thua: Đội Iran đồng lòng không hát quốc ca để phản đối chế độ bạo hành ở quê nhà. Trên khán đài, có những cô gái Iran khóc khi nhìn thấy cảnh đó. Đội Đức giơ tay bịt miệng chụp ảnh để phản đối việc bị mất quyền tự do ngôn luận. Đội trưởng Anh Harry Kane đeo băng đội trưởng có chữ "No discrimiation". Bà Faeser, bộ trưởng nội vụ (Cũng là bộ trưởng thể thao Đức) sang dự trận Đức-Nhật cũng đeo băng One-Love ngồi trên khán đài A.

Cuộc tranh hùng bóng đá đã trở thành một trò chơi mèo vờn chuột quyết liệt. Ngay cả kẻ đòi tách chính trị khỏi thể thao cũng tham gia cuộc đấu trí này. Nước chủ nhà cho phát hành rất nhiều băng tay có hình quốc kỳ Palestine. Một số quan chức Qatar ngồi cạnh bà Faeser cũng đeo băng có biểu tượng Palestine để phản ứng lại.


Khi bị hỏi là tại sao các vị cấm băng tay One-Love vì lý do chính trị, nhưng lại đeo băng Palestine? Câu trả lời: "Palestine là một phần máu thịt Ả-rập nên đây là văn hóa của chúng tôi, còn cái kia là chính trị“.

Thế đấy. Bóng đá chính là chính trị mà có giấu mặt kiểu gì cũng lộ ra. Vậy thì tại sao các hoạt động khác của cuộc sống, từ giá lít xăng đến nạn kẹt xe lại không phải là chính trị?

Những kẻ nói "Tớ không quan tâm đến chính trị“ tức là đang làm chính trị theo kiểu giấu tay để tiếp tay cho những kẻ lợi dụng quyền lực chính trị của mình thao túng mọi hoạt động của xã hội.

THỌ NGUYỄN 26.11.2022

[1] LGBT = viết tắt của  của Lesbian, gay, bisexual, and transgender. (Nữ đồng tính, nam đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới)

Thọ Nguyễn - Tiền không phải là tất cả

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.