lundi 21 novembre 2022

Nguyễn Thông - Chuyện dạy học (1)

 

Xứ mình nhiều ngày lễ, trong đó có lễ riêng của nhà giáo, những người làm nghề dạy học. Cứ tới tháng 11 tây hằng năm, không chỉ thầy lẫn trò mà dư luận xã hội cũng lao xao chộn rộn về ngày 20.11, ngày Nhà giáo Việt Nam.

Thú thực, chả bao giờ tôi nghĩ mình sẽ theo nghề dạy học, còn gọi là sư phạm, thế mà lại đứng bục giảng những 16 năm trời. Hồi nhỏ tôi rắn mày rắn mặt, chỉ thích đi bộ đội hoặc làm lính biên phòng, chứ không thích làm thầy giáo. Người định một đằng, trời quyết một nẻo, chả thể nào tính được.

Tôi học khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp tháng 12.1976. Khóa tôi là khóa bản lề chiến tranh và hòa bình. Nhập trường khi kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, ra trường khi đất nước vừa chấm dứt chiến tranh.

Tháng 3.1977 từ quê ở Hải Phòng tôi nhận được giấy thông báo của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp kêu lên Hà Nội nhận quyết định phân công công tác. Quyết định do Thứ trưởng Hoàng Xuân Tùy ký, cầm trên tay mà cứ run run. Kể từ nay, mình chính thức bước vào cuộc mưu sinh. Cảm giác thật khó tả. Nhưng không phải được vào nhà xuất bản, cơ quan báo chí hoặc viện này viện nọ như rất nhiều bạn đồng môn, đồng trang lứa. Quyết định ghi rõ điều động tôi vào nhận công tác tại Trường dự bị đại học Tiền Giang, đặt tại TP.HCM. Làm nghề dạy học.

Tôi chính thức vào nghề giáo học từ ngày 25.04.1977, dạy một mạch đến năm 1993, khi đang là Tổ trưởng Bộ môn Xã hội (văn sử địa) thì… đói quá, thày giáo tháo giày, giáo chức dứt cháo, xin nghỉ đi làm thuê cho một công ty nước ngoài, công ty may Việt Thái, ông chủ là ông Choi Wan Hoi người Hồng Kông. Đồng lương giáo học khi ấy không đủ nuôi thân chứ nói gì nuôi cả vợ con.

Đời dạy học cũng lắm buồn vui. Trường dự bị đại học là dạng trường đặc biệt lập ra thời hậu chiến, chỉ thu nhận học viên thuộc diện đối tượng chính sách (bộ đội, thương binh, cán bộ đi học, con em gia đình cách mạng, thanh niên xung phong, người dân tộc thiểu số, con cán bộ). Tiền thân của nó là Viện đại học cộng đồng Tiền Giang, một mô hình mới mẻ của giáo dục đại học ở miền Nam.

Sau 1975, Viện được chuyển tên thành Trường dự bị đại học cộng đồng Tiền Giang, rồi đến năm 1982 đổi lần cuối thành Trường dự bị đại học TP.HCM. Lai lịch vắn tắt như vậy để lý giải vì sao nó có 2 cơ sở, chính thì ở khu của Đại học Khoa học cũ tại 91 Nguyễn Chí Thanh (quận 5, Sài Gòn), còn phụ (lúc đầu là chính) ven quốc lộ 4, cách ngã ba Trung Lương khoảng 2 km, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Những năm đầu trong nghề, tôi phải thường xuyên dạy cả hai cơ sở, nửa đầu tuần ở Sài Gòn, nửa cuối tuần thì Tiền Giang.

Tôi còn nhớ như in những buổi đứng lớp đầu tiên, vào lớp mà phát hoảng, thấy tinh những vị học trò oai vệ lẫm liệt, thậm chí nhiều người tuổi bậc đàn anh đàn chị mình. Ai nấy đều mạnh bạo, tác phong tự nhiên, cười nói oang oang, vẻ tự chủ, bản lĩnh toát ra từng khuôn mặt. Có “bác” chơi nguyên bộ đồ lính vải Tô Châu mới tinh, đeo cả quân hàm trung úy, thiếu úy rất oai, có “bác” tự khai từng là đặc công rừng Sác, đánh kho xăng Nhà Bè.

Số có tuổi này phần lớn đã tốt nghiệp lớp 10/10 phổ thông rồi đi bộ đội, hoặc người miền Nam đã hết tú tài 2, vào R (rừng) công tác, nay được nhận thẳng vào trường. Đám trẻ hơn hầu hết là con cán bộ, thi đại học nhưng trượt, thiếu tí ti điểm, được xét vào dự bị. Tất cả đều học 1 năm ở đây, bồi dưỡng củng cố lại kiến thức, năm sau về các trường đại học, khỏi cần thi quốc gia, chỉ cần qua một kỳ thi nội bộ cho đủ lệ. Chúng tôi gọi đùa, chả phải học sinh, chả phải sinh viên, đố là ai? Trả lời: học viên lớp 13.

Tuy thiếu vài ba điểm để được vào thẳng đại học sau kỳ thi tuyển sinh nhưng thực tế trong số họ có nhiều người rất giỏi. Trò của tôi sau này vào đời nhiều người thành đạt, thậm chí làm quan to, có bí thư, chủ tịch tỉnh, không phải bởi thầy cô giỏi mà chủ yếu là họ rất thông minh, có tài. Họ lỡ một nhịp chẳng qua do số phận, kể cả học tài thi phận, chứ không phải như ai nói “vào dự bị là thuộc diện ngu rồi”. Một trong những người ấy là anh Võ Thành Thống từng làm chủ tịch Cần Thơ, thứ trưởng bộ Kế hoạch - Đầu tư.

Lại nói chuyện nghề, buổi đầu lên lớp. Chọn bộ đồ còn mới nhất, lần đầu tiên bỏ áo trong quần, vẫn đi dép lê bởi từ bé tôi chưa hề đi giày, tôi ngập ngừng tới lớp, đến sớm vài phút, rụt rè lặng lẽ ngồi cái ghế phía dưới, chưa dám lên thẳng bàn giáo viên. Một anh bộ đội ngồi cạnh hỏi ông quê đâu, tôi bảo Hải Phòng, gã phát đánh đét vào đùi tôi, a đồng hương, dân Thủy Nguyên đây, ờ mà sao giờ này đ*o thấy giáo viên đến nhỉ. Nghe vậy tôi giật mình nhìn vào chiếc đồng hồ Orient Nhật màu hồng 4 đinh của gã, bởi tôi nghèo không có đồng hồ, thấy đã tới giờ.

Vừa đúng lúc ấy tiếng chuông hiệu lệnh reo, vội ôm tập giáo án lên bục giảng. Ai nấy trong lớp ồ một lượt ngạc nhiên, kiểu như thày giáo gì mà non choẹt thế. Sau này cái anh bộ đội người Thủy Nguyên lúc đã thân tình với tôi rủ rỉ bảo ông đếch nói sớm làm tôi thất lễ quá. Y tên Đào Gia Thiệp, người xã Tân Dương, một gã nhiều tài lẻ, đang học sư phạm 7+3 Kiến An môn âm nhạc thì vào lính, chơi đàn phong cầm (accordeon) hàng thượng đẳng. Chỉ có điều chả chịu học hành đến đầu đến đũa gì cả, đang học dở Trường đại học Sư phạm TP.HCM thì bỏ hẳn, về quê làm ruộng, làm trưởng thôn gần chục năm rồi nghỉ, vui thú điền viên, giờ nhà ở gần cầu Bính.

Trường tôi cũng giống như nhiều trường đại học khác của miền Nam sau 1975, đội ngũ giáo viên có rất nhiều giáo viên cũ, được "lưu dung". Thú thực, lúc đầu nhiều giáo viên, giảng viên, cả già lẫn trẻ ở miền Bắc vào, mang tư thế của “Bên thắng cuộc” nên thường ra vẻ ta đây, coi trời bằng vung. Ngược lại, số lưu dung kia thì mặc cảm, rụt rè, e ngại, cam chịu. Nhưng môi trường khoa học chứ có phải cơ quan hành chính đâu mà đè nén được nhau mãi. Cái thực lộ ra ngay, có mà trời giấu.

Một thời gian sau, đám Bắc chúng tôi phải công nhận rằng những giảng viên cũ nhiều người rất giỏi, cực giỏi, nhất là về chuyên môn và ngoại ngữ. Chúng tôi, đám giáo viên Bắc chỉ hơn họ được mỗi cái lập trường giai cấp, chủ nghĩa Mác-Lênin, lý luận này nọ. Có thể kể tên một số anh chị lưu dung như Cung Bỉnh Duyệt, Huỳnh Công Sanh, Đỗ Trung Hưng, Nguyễn Hữu Nghiệp, Võ Thanh Long, Trần Mạnh Hảo, Chu Đức Khánh, Hứa Hồ Ngọc, Nguyễn Thị Tố Quỳnh, Phạm Văn Ba, Phạm Văn Nhơn… Chúng tôi theo được họ cũng còn khướt.

Đời dạy học của tôi gắn với Trường dự bị đại học TP.HCM 17 năm trời (từ năm 1977 đến 1993, thêm năm 1995 sau đó). Gần như phần tuổi xuân, cái thời hăng hái nhất tôi gắn với nghề dạy, sau này bỏ nghề, những lúc vẩn vơ nghĩ lại cũng tiêng tiếc. Thày Vy gọi đùa là "mất dạy".

Khoảng mấy năm đầu thập niên 80, hình như năm 1982 thì phải, phong trào luyện thi đại học được khơi lên. Đành rằng do nhu cầu mà phát sinh nhưng có thể nói luyện thi đã dần dà làm hỏng chất lượng đại học. Những học sinh trình độ kém, ít tài năng sau cú trượt lần 1 đã dồn hết sức cho đợt luyện thi, chỉ học ròng rã 3 môn theo khối thi, làm gì mà không đủ khả năng đánh bật những học sinh phổ thông mới tốt nghiệp, tuy khá và giỏi nhưng vừa trải qua kỳ thi vất vả, đã mệt nhoài nên khó đua tranh. (Còn tiếp)

NGUYỄN THÔNG 19.11.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.