Tháng 1/1946 một tổ chức quốc tế các nhà giáo được thành lập ở Paris (Pháp) lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn Giáo dục). Năm 1953 Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến dự và được kết nạp vào tổ chức này.
Năm 1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có cả Công đoàn Giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Từ đó, cứ đến ngày 20 tháng 11, VNDCCH đều long trọng tổ chức “Hiến chương các nhà giáo”.
Việt Nam tham gia FISE là để “tranh thủ các diễn đàn quốc tế tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh đồng thời giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta” (UEL). Cũng vì thế, sau 1975, chiến tranh Việt Nam kết thúc, ngày nhà giáo cũng... đi vào lãng quên.
Mãi đến 1982, dưới thời bà Nguyễn Thị Bình làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ngày này được khôi phục, và biến thành “Ngày Nhà giáo Việt Nam”.
Trong quyết định thành lập Ngày nhà giáo Việt Nam do ông Võ Nguyên Giáp ký, ghi rõ:
Điều 3: “Việc tổ chức ngày 20 tháng 11 hàng năm do Ủy ban nhân dân và hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp với các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp, các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thăm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc họp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích.
Việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương, gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh”.
Nghĩa là, theo quyết định này, việc tổ chức kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam là trách nhiệm của chính quyền và lãnh đạo giáo dục các cấp cùng các đoàn thể của chính quyền. Và giáo viên là khách, là người được thăm hỏi, được mời tham dự.
Không hiểu vì sao, việc tổ chức này dần biến tướng. Quan chức chính quyền lại đổi vai thành khách; thầy cô giáo thì mướt mồ hôi tự tổ chức, tập tành, đón rước. Quan chức chính quyền võng lọng, tay đút túi quần đến dự, chỉ tay năm ngón. Đúng là trải qua một cuộc bể dâu...
Nói thêm, Ngày nhà giáo Thế giới do Liên hiệp quốc đề xướng không phải là 20 tháng 11, mà là 5 tháng 10. Nội dung của nó là: “dành để thu hút sự chú ý của xã hội đến tình trạng của các nhà giáo, vai trò của họ trong việc hình thành và phát triển xã hội, đồng thời huy động sự hỗ trợ cho các giáo viên và để đảm bảo rằng các nhu cầu của các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục được các giáo viên đáp ứng”.
Nay, thì ở ta, “Ngày nhà giáo Việt Nam” là ngày mà giáo viên tự tổ chức chúc mừng, tự tôn vinh chính mình và còn phải ra sức làm đẹp lòng quan khách bằng tập văn nghệ, mua hát, thuê trang phục, phông rạp, loa đài... Không những không được “tôn vinh” mà còn phải tự bỏ tiền ra “đi tết” hiệu trưởng, mở tiệc mừng quan đến dự. “Tình trạng” của họ không những không được quan tâm mà phải đôn đáo đi săn sóc người khác, “vai trò” không những không được coi trọng mà còn bị đẩy xuống hàng ghế phụ, không những không được “hỗ trợ” mà còn phải lo biếu xén...
Thế đấy.
THÁI HẠO 18.11.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.