vendredi 11 novembre 2022

Tạ Duy Anh - Tư hữu cấp nhà nước

 

“Nhà nước tư hữu” là một thuật ngữ quá quen thuộc, nhất là với những ai suốt thời trẻ phải học môn chính trị, mà nếu so sánh chỉ có thể dùng hình ảnh một người cứ mãi phải nhai mớ giẻ rách!

Nhưng cách nay hơn 30 năm, thầy tôi, Phạm Vĩnh Cư, trong một giờ giảng bài, đã ngẫu hứng nói với chúng tôi rằng: “Nguy hiểm nhất là khi Nhà nước bị biến thành kẻ tư hữu khổng lồ”.

Ngừng một lát, như không kìm nén được, thầy nói thêm: “Thể nào các em cũng thấy điều đó trong đời mình”.

Hồi ấy còn trẻ tôi nghe và biết vậy.

Nhưng càng ngày tôi càng thấy thầy tôi có khả năng tiên tri. Bạn cứ thử vào Google, đánh chữ ‘Tư hữu nhà nước”, nó ra hàng triệu kết quả nhưng đều đảo ngược thành “Nhà nước tư hữu”, “Nhà nước tư bản” cùng với lời giải thích quen thuộc dài dằng dặc mà tôi đã chán ngấy.

Chỉ khi đọc Osho, thấy ông này dùng thuật ngữ “Tư bản nhà nước”, gần giống với thuật ngữ của thầy tôi. Nhưng điều thầy tôi muốn nói khác rất xa điều Osho nói. Nhà nước tư bản của Osho cũng hàm ý quá trình nhà nước bị lưu manh hóa, nhưng cái nhà nước đó của Osho vốn dĩ đã là nhà nước tư hữu.

Thay vì bảo vệ quyền lợi về sở hữu và kinh doanh cho mọi người, cho hàng ngàn nhà Tư bản, thì Nhà nước mà Osho nói chỉ đại diện cho “Vài chục ngài Tư bản cá mập”. Còn nhà nước bị tư hữu hóa mà thầy tôi ám chỉ, vốn là nhà nước dựa trên quan hệ công hữu về tư liệu và của cải. Vì thế, kiểu nhà nước thầy tôi đề cập nguy hiểm và bệnh hoạn hơn rất nhiều.

Nguy hiểm nhất là nó mượn danh nghĩa vì quyền lợi số đông tuyệt đối, để vun vén quyền lợi cho một thiểu số tuyệt đối. Khi đóng vai đại diện cho toàn dân, đương nhiên nó cũng mặc nhiên có/tự cho mình có quyền lực tuyệt đối, với bộ máy trấn áp khổng lồ. Và nó dùng cái quyền lực tuyệt đối đó để vô cùng dễ dàng trong việc “tước đoạt” của hàng triệu người (bởi không ai có quyền/ có thể chống lại nó), chia cho vài trăm, vài ngàn người.

Trung Quốc gọi những gì vừa mô tả là hiện tượng Nhà nước bị “thân hữu” hóa. Nhưng “thân hữu hóa Nhà nước” chỉ là một phần nhỏ của “Tư hữu hóa nhà nước”.

Tôi viết bài ngắn này nhân đọc hai tài liệu sau:

1-Cuốn sách “Osho nói về chủ nghĩa xã hội”-một cuốn sách có nhiều ý hay, lạ, táo bạo nhưng lộn xộn về quan điểm, nhiều chỗ tác giả ngụy biện, áp đặt, hoang tưởng (có thể tôi bất cập).

2-“Dự thảo Luật đất đai sửa đổi” đang được thảo luận tại Quốc Hội.

----------------------------

Hiện thực này đã được tôi thể hiện dưới hình thức văn học trong tác phẩm “Mối Chúa” và rất có thể đó là lý do nó bị căm ghét.

Một bạn văn của tôi, theo dõi quá trình sửa chữa tiểu thuyết Mối Chúa, gần đây đã đề nghị tôi dùng lại cái kết trước khi gửi đi in, trong đó còn một chương ngắn cuối cùng, cho thấy Mr. Đại là con quái vật nhiều đầu chưa ai thấy hình hài cụ thể của nó (Mối Chúa chỉ là một trong số nhiều đầu đó), cắt đầu này nó tác quái tiếp bằng đầu khác… không dễ để loại bỏ. Tôi sẽ bổ sung trở lại trong trường hợp được tái bản.

TẠ DUY ANH 10.11.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.