Vừa chạy từ Bình Dương về Sài Gòn, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết tin Nhà văn Lê Lựu đã ra đi.
Trên các trang cá nhân, có nhiều bài viết về ông. Có hàng triệu người yêu văn chương nhớ đến ông với những tác phẩm văn học để đời: Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông; Mở rừng, Đại tá không biết đùa, Chuyện làng Cuội…
Cũng chỉ vì đọc những tác phẩm đó mà tôi thần tượng ông, coi ông là vĩ nhân, ít nhất là trong giới văn chương. Rồi tôi cũng có cơ hội được gặp ông, con người thực, trong đời thực khi ông đã ở tuổi xế chiều. Một buổi chiều cách đây ngót hai chục niên, anh bạn Tuan Tran gọi tôi, rủ cùng đi đến Trung tâm Văn hóa Doanh nhân của Nhà văn Lê Lựu để tìm hiểu cơ hội hợp tác.
Lần đầu tiên nghe thấy cái tên lạ lại do một nhà văn nổi tiếng làm giám đốc khiến tôi tò mò, gật đầu đồng ý. Vậy là chúng tôi cùng nhau xuống phố Tam Trinh, nơi có toà nhà tái định cư còn trống vài căn. Trung Tâm Văn hóa Doanh nhân được thành phố cấp làm văn phòng khi mới ra đời. Nhà văn Lê Lựu không khác bao nhiêu so với những lần ông xuất hiện trên truyền hình và trên các mặt báo. Ông đón chúng tôi chân thành, mộc mạc như những người quen biết nhau đã lâu.
Rồi ông kể chuyện ra đời của cái Trung tâm mà ông đang điều hành. Rằng, cũng chỉ vì có chút đồng hương với ông Đoàn Duy Thành, Chủ tịch VCCI, một người yêu văn chương nên khi nói đến chuyện văn hóa doanh nhân, vậy là ông Thành ok ngay. Các thủ tục ra đời Trung tâm Văn hóa Doanh nhân được gấp rút hoàn thiện với 3 không: Không tiền, không trụ sở, không nhân viên. Lê Lựu là nhân sự duy nhất lúc đó phải làm mọi thứ, từ việc cho ra đời pháp nhân, tìm kiếm văn phòng làm việc, tuyển dụng nhân sự và cả xin giấy phép cho ra đời một Tạp chí mang tên Văn hóa Doanh nhân.
“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, với một người bình thường, có mọc thêm cánh cũng không thể hoàn thành chừng đó thủ tục hành chính để Trung tâm có thể vận hành được. Vậy mà Lê Lựu, Nhà văn lúc đó đã ngoại lục tuần có thể làm được. Thế mới tài.
Bằng uy tín văn chương của mình, Lê Lựu xông thẳng lên văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội xin gặp ông Chủ tịch. Sau khi nghe Lê Lựu trình bày xong, ông Hoàng Văn Nghiên đã cho gọi bộ phận giúp việc lên rà soát xem quỹ nhà tái định cư còn không và kết quả là Trung tâm của Lê Lựu đã được cấp không hai căn ở Tam Trinh.
Thừa thắng xông lên, Lê Lựu về ngay quê nhà Hưng Yên xin đất làm dự án Làng Văn hóa Doanh nhân. Được nhà văn lớn ngỏ lời, tỉnh hào phóng cấp cho ông 71ha đất nông nghiệp ven đê tại xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Tiếp theo đó, ông còn cho thành lập thêm Viện Nghiên cứu Văn hóa Doanh nhân, rất oách…
Nhưng rồi, cuộc đời dường như không cho ai tất cả, khi ông sở hữu nhiều dự án khủng nhưng khác với kinh nghiệm văn chương, trên thương trường ông chỉ là đứa trẻ sống lâu năm. Nhiều đối tác đến với ông rồi lại ra đi để rồi cái dự án khủng ấy treo mãi, treo mãi vẫn không triển khai được.
Đã không ít lần chúng tôi được Lê Lựu mời quê để ngắm vùng đất đã được lãnh đạo tỉnh Hưng Yên “cắm” cho ông làm dự án. Đứng trên đê sông Hồng lộng gió, ông kể chuyện về tuổi thơ của mình đã từng chăn trâu cắt cỏ bên triền đê và những buổi sáng theo con đê đến trường với đầy ắp cảm xúc. Cũng từ miền quê này ông ước mơ được trở thành nhà báo, được đi đây đi đó rồi những ước mơ đó có thứ đã trở thành hiện thực, có thứ hiện thực đã vượt qua cả những giấc mơ nhưng rồi vẫn có không ít những thứ rất bình dị của đời người nhưng ông cũng không có được.
Cứ như cách nói của Lê Lựu thì: Làng Văn hóa Doanh nhân là “tác phẩm” cuối cùng của đời mình thì “tác phẩm” đó đã không được hoàn thành. Những căn bệnh nghiệt ngã liên tiếp ghé thăm ông. Thoạt tiên ông bị tai biến mạch máu não, sau khi nhập viện, kiểm tra được biết thêm công còn bị tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout… và cả tiền liệt tuyến.
Cùng với bệnh tật là nỗi cô đơn khi những người con ông sinh ra quan tâm đến danh tiếng và tiền bạc của ông nhiều hơn là chính bản thân ông. Dẫu đã có vài lần lên xe hoa nhưng cuối đời Lê Lựu vẫn sống trong cô đơn để rồi ông chia tay cõi tạm để lại nhiều dự án dang dở. Thật khó nói hết về những kỷ niệm với Lê Lựu, nhưng đọng lại ông vẫn là một con người đầy ắp tính nhân văn và đã để lại những di sản văn học đồ sộ. Để có những trang viết ấy, cuộc đời ông đã trải qua không ít những giông bão và sự khắc nghiệt của đời sống.
Tiễn ông về chốn cực lạc, xin được có đôi lời để bày tỏ lòng biết ơn ông và để chia sẻ với bạn đọc. Để trở thành một nhà văn nổi tiếng không chỉ có vị ngọt ngào của vinh quang, cùng với đó là muôn vàn đắng cay mà Nhà văn phải nếm trải và chịu đựng. Ông ra đi, chia tay với bệnh tật, chia tay với nỗi cô đơn để về với miền xa vắng, cuối trời thênh thang.
Với ông, cuộc đời không phải lúc nào cũng đẹp như điếu văn!
PHAN THẾ HẢI 10.11.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.