vendredi 25 novembre 2022

Dương Quốc Chính - Khả năng Mỹ bỏ rơi Ukraine ?

 

Anh em bò Nga vẫn tin tưởng rằng Mỹ trước sau cũng quay xe, rồi bỏ rơi Ukraine, kiểu như đã làm với Việt Nam Cộng Hòa và Afghanistan. Nhất là khi đảng Cộng Hòa nắm Hạ viện Mỹ. Vậy khả năng đó có thể xảy ra không?

Cuộc chiến Ukraine và Nga rất khác với cuộc chiến Việt Nam hay Afghanistan. Cuộc chiến này phía Ukraine có chính nghĩa còn Nga phi nghĩa. Hầu hết các nước trên thế giới không ủng hộ Nga. Vì thế nên các nước đồng minh, viện trợ cho Ukraine cũng không gặp sự chống đối dữ dội từ trong nước.

Xét riêng Mỹ, vẫn có những tiếng nói phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Ukraine. Chuyện đó bình thường, do Mỹ là một nước tự do ngôn luận, mọi người đều có quyền nói lên quan điểm riêng, trái với quan điểm của chính phủ, của tổng thống.

Lâu nay ở Mỹ vẫn có một luồng quan điểm biệt lập. Học thuyết Monroe chính là sự khai sinh của “chủ nghĩa biệt lập Mỹ”, trong những năm mà “người Mỹ có thể hãnh diện nói rằng họ không dính dáng đến chính trị quốc tế, cũng như tách biệt khỏi các tranh chấp ở cựu lục địa". Đến nay thì quan điểm này vẫn còn phổ biến trong chính giới Mỹ.

Cho đến cuối năm 1941, Mỹ vẫn duy trì quan điểm này, mặc kệ Đức quốc xã chiếm lấy châu Âu và mặc kệ Nhật lập khối Đại Đông Á. Họ chỉ sực tỉnh khi bị Nhật tấn công ở Trân Châu cảng và quyết định tham chiến trong chiến tranh thế giới thứ 2. Kể từ đó, chủ nghĩa biệt lập bị phá vỡ.

Khi Mỹ tham chiến, phe Đồng minh giành thắng lợi cả ở châu Âu và châu Á với công lao không nhỏ của Mỹ. Sau đó, Mỹ đổ tiền tái thiết Nhật Bản và Tây Âu (gồm cả Tây Đức) với kế hoạch Marshall, đã vực dậy Tây Âu và Nhật trở thành cường quốc từ đống tro tàn. Mỹ trở thành anh cả của phe tư bản kể từ sau thế chiến mà Việt Nam gọi là sen đầm quốc tế. Điều đó có nghĩa là chủ nghĩa biệt lập đã bị lung lay tận gốc, khi Mỹ trở thành một siêu cường và có trách nhiệm "bảo kê" thế giới tự do.

Khi ở vị trí đó, Mỹ không thể duy trì quan điểm biệt lập nữa. Nhưng quan điểm đó vẫn tồn tại tới nay, chủ yếu là với cánh hữu (đảng Cộng Hòa). Tổng thống Trump cũng có quan điểm này khi muốn giảm bớt sự can thiệp cũng như đóng góp của Mỹ ở các tổ chức quốc tế, gồm cả NATO. Chính vì vậy, nhóm fan ông Trump nói chung không ủng hộ Mỹ hỗ trợ Ukraine với nguyên nhân sâu xa như trên.

Vậy quan điểm nào mới đúng?

Chẳng có quan điểm nào tuyệt đối đúng cả. Mà nó sẽ đúng trong từng thời điểm, từng hoàn cảnh cụ thể của kinh tế Mỹ. Nếu Mỹ không can thiệp thì sẽ đỡ tốn tiền, nhưng đổi lại là sẽ mất uy tín quốc tế. Bởi đại ca bảo kê thì phải có trách nhiệm với đàn em. Nếu bỏ bê chúng thì chả có đứa nào theo cả. Dần dần sẽ chả có nước nào coi Mỹ là đàn anh nữa. Nói chung, các nước giàu viện trợ cho nước khác không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà còn do muốn gây ảnh hưởng tới nước đó.

Việt Nam rõ ràng phải bơm tiền cho Lào và Campuchia nhiều hơn cho Somali. Hay Trung Quốc cũng phải mời Việt Nam sang thăm ngay sau Đại hội đảng với những hứa hẹn hợp tác, viện trợ hậu hĩnh...Trong chiến tranh Việt Nam, có thời điểm Trung Quốc khủng hoảng kinh tế nặng, giai đoạn Đại nhảy vọt, dân còn chết đói, nhưng vẫn phải viện trợ đầy đủ cho Việt Nam đánh Mỹ. Đều vì lý do trên.

Quay lại chuyện Ukraine, Mỹ không bao giờ bỏ rơi Ukraine vì mấy lý do:

1. Mỹ không can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc chiến này nên không có người Mỹ nào chết ở đây. Mà dân Mỹ vốn sợ chết, dẫn đến phản chiến nếu lính Mỹ chết nhiều như ở Việt Nam và Afghanistan hay Iraq.

2. Mỹ tuy tốn tiền viện trợ nhưng đổi lại thì lại bán được dầu và khí cho EU, cướp mối của Nga, cái nọ bù cái kia, không đi đâu mà thiệt cả.

3. Mỹ cần loại bớt vũ khí cũ và thí nghiệm vũ khí mới bằng các cuộc chiến. Nhất là khi không có người Mỹ phải chết.

4. Mỹ cần Nga phải sa lầy và suy yếu như đã bị ở Afghanistan thời Gorbachev. Nên nếu có giảm viện trợ thì Mỹ vẫn muốn duy trì cuộc chiến tiêu hao đối với Nga.

Liên Xô sụp đổ một phần là do bị sa lầy ở Afghanistan cùng với Việt Nam bị sa lầy ở Campuchia (chiến phí do Liên Xô tài trợ). Nên khi Liên Xô sắp sụp thì cả Liên Xô và Việt Nam đều phải rút quân.

5. Mỹ cần giữ uy tín của siêu cường hàng đầu thế giới, lãnh đạo thế giới tư bản. Trung Quốc đang theo dõi sát các động thái của Mỹ. Nếu Mỹ tỏ ra hèn nhát và vô trách nhiệm, có thể Trung Quốc sẽ đánh Đài Loan và Bắc Triều Tiên có thể cũng đánh Hàn Quốc. Khi đó vị thế của Mỹ sẽ suy sụp ở Đông Á và có thể lan ra khu vực khác. Thậm chí Nga có thể nhân cơ hội mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

6. Quân Ukraine dưới sự lãnh đạo của Zelensky đánh Nga hiệu quả và được lòng dân Ukraine cũng như dư luận quốc tế. Nên việc duy trì viện trợ cũng hiệu quả, không dẫn tới phản chiến ở Mỹ.

Vì vậy, trách nhiệm của Mỹ rất lớn lao trong vai trò lãnh đạo NATO và kìm hãm đế quốc Nga trỗi dậy cùng Trung Quốc.

Với những lý do trên, cùng lắm thì Mỹ có thể giảm viện trợ cho Ukraine nhưng Mỹ sẽ không bao giờ bỏ rơi Ukraine như đã làm với Việt Nam Cộng Hòa và Afghanistan.

Đó là do Việt Nam Cộng Hòa hết giá trị tiền đồn chống cộng sản lan tỏa sau khi Mỹ làm thân với Trung Quốc năm 1972 Cuộc chiến Việt Nam cũng quá tốn kém về người và của. Còn Afghanistan chẳng đem lại lợi ích gì cho Mỹ, mà Al Qaida cũng đã không còn, mục đích ban đầu đã đạt thì Mỹ rút quân thôi.

Vì thế anh em bò Nga đừng có ảo tưởng, rồi hóng tin nhảm từ phía Nga, nó phi logic lắm. Còn có lợi là Mỹ sẽ vẫn theo, ngu gì bỏ.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 22.11.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.