Sáng nay, Facebook tràn ngập lời tiễn đưa trang trọng bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân cựu tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu. Và hình ảnh gắn với người vừa nằm xuống, như một “di sản” của riêng bà là bệnh viện Vì Dân - sau năm 1975 đổi tên thành bệnh viện Thống Nhất.
Người Sài Gòn thường kêu bệnh viện là “nhà thương”, nơi người dân bị bệnh tới khám, chữa, chăm sóc mà không phải bỏ tiền, được nhà nước lo đầy đủ. Năm 1972, Vì Dân ra đời cũng là để chăm sóc, chữa bệnh miễn phí cho người dân.
Thử lật lại mấy tờ báo đưa tin nhân kỷ niệm 40 năm (2015), 45 năm (2020) ngày truyền thống bệnh viện Thống Nhất, có một dòng nhắc lại Nghị quyết số 07/QĐ75 “về việc tổ chức bệnh viện để điều trị cho cán bộ cao cấp, trung cấp của quân, dân chính Đảng”. Trong đó nêu rõ “Lấy bệnh viện Vì Dân làm bệnh viện của Trung ương cục để điều trị cho cán bộ cao cấp, trung cấp quân sự và dân, chính Đảng, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành - Viện trưởng Viện Quân y K71, Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ Sức khỏe của Trung ương cục làm viện trưởng”.
Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 45 năm, vị giám đốc bệnh viện này nói: “Những người xứng đáng được đón nhận niềm vui hôm nay còn là những cán bộ viên chức bệnh viện K71 - đơn vị tiền thân của bệnh viện Thống Nhất”.
Tôi nghĩ, tiếp quản con người là mấu chốt, nhưng tiếp nhận một cơ sở vật chất còn nguyên trị giá lẫn mục tiêu nhà thương “vì dân”, thì thêm một dòng - mà nghị quyết 07 đã bảo chứng - là việc nên làm, là điều nên nói. Đã không mất chi cả, lại có thêm tiềm lực, cộng với một chút nghĩa cử sau trước, càng thấy trọn vẹn hơn.
Trở lại câu chuyện của bà Mai Anh, người xứ Mỹ Tho, lại phải nhắc đến Phạm Thị Hằng - tục danh của Nghi Thiên Chương Hoàng hậu - Thái hoàng thái hậu Từ Dụ, người cùng quê. Tên bà cũng được gắn với nhà thương Từ Dụ bởi cái phẩm chất thương dân, vì dân.
Mà một trong những tục truyền để lại là những năm sau khi kinh đô Huế thất thủ, thực dân Pháp siết chặt ách cai trị, áp đặt nhiều sưu cao thuế nặng, Thái hoàng thái hậu Từ Dụ lúc ấy đã ngoài 80 tuổi đã đích thân sang Tòa khâm sứ Pháp đề nghị giảm tô thuế cho dân.
Thương dân, làm được việc gì, dẫu nhỏ mà có lợi cho dân thì luôn được dân ghi ơn, tưởng nhớ. Xây trường, mở nhà thương, hay cần cù dạy học - như cô giáo Đoàn Thị Giàu, phu nhân của chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - cũng là người Tiền Giang - thì dân thương, nhắc nhớ.
Cái đẹp của nhan sắc, hay một “dấu triện” của định mệnh bậc mẫu nghi cốt là ở tấm lòng “vì dân” ấy mà mẫn tiệp từ cốt cách, mẫn cán trong việc làm, làm những điều có ích cho dân mình là trên hết.
Chính trị theo mỗi trào mà thăng giáng, kẻ chiến thắng trên vũ đài ngay lập tức là tay trọng tài, tuyên xưng mọi lời hào phóng. Chỉ có người dân - lặng lẽ, nhẫn nại quan sát, họ hiểu những gì còn lại, kể cả tạm thời bị quên lãng, bị mất đi… Họ có đủ tư cách, thời gian để phán xét.
Như chàng rể của đất Gò Công - Tiền Giang xưa, vị vua cuối cùng của quân chủ Việt Nam, Bảo Đại. Trong cuộc phỏng vấn Đài truyền hình Pháp vào đầu năm 1990 do nhà báo Frédéric Mitterrand - nhà sử học người Pháp, cháu cựu tổng thống Pháp Francoise Mitterrand, khi được hỏi “…Rồi một ngày kia, khi vua Bảo Đại không còn nữa, ông Vĩnh Thụy không còn nữa, ở Việt Nam còn có những người tưởng nhớ đến công đức của Ngài không”. Vị vua lưu vong đã nói lời sau cùng rằng: “Không phải tôi là người nói đến việc này. Xin để cho nhân dân tôi phán xét, xin để cho lịch sử phán xét tôi”.
Một chi tiết mà Đức Ngài cũng hé lộ trong cuộc phỏng vấn này là ngay sau khi cụ Hồ mời cựu hoàng Bảo Đại ra Hà Nội, “Cụ cấm những người xung quanh Cụ gọi tôi bằng đồng chí, bằng những tên gọi của giai cấp vô sản, và luôn luôn gọi tôi là Hoàng thượng”. ( trích theo Nguyễn Đắc Xuân - Hỏi chuyện đời bà “thứ phi” Mộng Điệp với cựu hoàng Bảo Đại).
Ấy cũng là một cách hành xử với người trước của kẻ sau vậy!
LÊ HUYỀNÁI MỸ 18.10.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.