1. Tổng bí thư (TBT)
đảng không phải là nguyên thủ quốc gia. TBT đảng đi thăm các nước, theo thông
lệ, không được đón tiếp trong tư cách nguyên thủ. Bởi thế TBT ĐCS Liên Xô
Brejơnev đã kiêm luôn chức Chủ tịch Xô viết Tối cao để thành nguyên thủ. Rồi
Trung Quốc cũng theo mà nhập hai chức vào một, nên giờ mới có cách gọi “Chủ
tịch Tập”.
Không phải là
nguyên thủ, thông thường, TBT đảng không được nguyên thủ các nước mời thăm. TBT
Lê Duẩn lúc còn sống rất muốn thăm các nước tư bản chủ nghĩa phát triển để mục
kích mà không có cơ hội. Nước tư bản có ý nghĩa nhất mà cố TBT Lê Duẩn đến thăm
là Ấn Độ.
Cũng vì không
phải là nguyên thủ, mà cố TBT Đỗ Mười đã tạo nên một “dấu ấn” có một không hai trong
lịch sử Hội nghị cấp cao của Cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp tại Hà Nội
vào tháng 11/1997. Vốn là trong nghi lễ chính thức mỗi quốc gia chỉ có một chỗ
đứng cho nguyên thủ. Thế nhưng TBT Đỗ Mười đã đến đứng vào vị trí của Chủ tịch
nước Trần Đức Lương, làm hai ông phải chia nhau một chỗ đứng trước sự ngỡ ngàng
lạ lùng của nguyên thủ các nước.
Tháng 7/2015, TBT
Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm đầu tiên đến Mỹ. Một trong những khó khăn mà
hai phía phải đàm phán cam go chính là nghi lễ đón tiếp. Hai phía đều phải
nhượng bộ. Nhưng cuối cùng thì vẫn không phải là một nghi lễ đón tiếp nguyên
thủ.
2. Một bất ngờ
mang đến sự hợp nhất hai vị trí TBT đảng và Chủ tịch nước ở Việt Nam đã xảy vào
tháng 10/2018 sau cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Có việc “người
tính không bằng trời tính”.
Đây quả thực là
một cơ hội để Việt Nam giải quyết cùng một lúc hai bài toán đối ngoại và đối
nội tồn tại đúng 50 năm, từ sau sự tạ thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về mặt đối ngoại,
thì loại bỏ hoàn toàn các khó khăn trước đây - trong đón tiếp, trong đàm phán,
trong ký kết các hiệp ước, do TBT cũng là nguyên thủ. Về đối nội, gộp hai chức
vụ làm một để đủ việc mà thi thố năng lực. Vì TBT thì chỉ lo vào công tác đảng,
mà Chủ tịch nước thì ít việc, ít thực quyền.
Gộp cả hai chức
vụ vào một - với những người tràn trề sinh lực, vẫn chưa khai thác hết khả
năng. Hãy nhìn sang núi công việc của Tổng thống Hoa Kỳ đảm nhận - thì mới thấy
nhận xét vừa rồi là phù hợp. Một nguyên thủ thì phải có công việc đúng của
nguyên thủ, và phải giải quyết công việc xứng tầm nguyên thủ. Đó là chưa nói
đến các lợi ích khác, trong đó có tiết kiệm một khoản lớn ngân sách do nhập hai
văn phòng làm một.
3. Có một cản trở
rất lớn, là nguyên nhân dẫn đến sự có thể quay lại mô hình “Tứ trụ” sau đại hội
13. Không phải vì lý do tập trung quyền lực quá lớn vào một người, cũng không
phải vì không có người đủ năng lực đảm nhiệm, mà vì có nhiều ứng cử viên hơn số
chỗ. Dường như có tối thiểu là 8 ứng cử viên cho vị trí “Tam trụ”, mà hậu quả
có thể là sự thỏa hiệp để trở về “Tứ trụ”.
Trở về mô hình
“Tứ trụ” là hạ sách cho tiến bộ của quốc gia, là khó khăn cho đối ngoại, là làm
tốn kém thêm ngân khố, là thêm giằng co trì trệ. Đừng viện dẫn quyền lực quá
lớn. Đừng viện dẫn không có người đủ năng lực. Đây mới là lúc cần đến sự hy
sinh quyền lực cá nhân vì quyền lợi quốc gia.
Việt Nam cần một
nguyên thủ đúng nghĩa. Mọi mô hình đều hướng về xây dựng cho được một nguyên
thủ đúng nghĩa.
NGUYỄN NGỌC CHU
25.06.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.