Người ta bảo dê
và chó vốn kỵ nhau, dê mà bị chó cắn thì khó mà sống sót. Nhưng điều đó không
hẳn đúng.
Những con dê đầu
tiên tôi đưa về đây cùng lúc với hai con chó. Thằng Bim và con Tu-ti biết ngay
mấy con dê là người nhà, tuy không thân thiện nhưng cũng không hề gây khó dễ.
Trời sinh con dê
có cặp sừng chỉ để cho vui, chẳng bao giờ có thể tấn công được ai, nếu bị tấn
công cũng không thể dùng sừng mà tự vệ. Nhưng chúng đâu có nghĩ thế. Đàn dê đi ăn
trong vườn, có khi vào sân. Mấy mẹ dê thỉnh thoảng được tôi cho ăn chuối, được
một lần ăn quen, lần sau hễ thấy chuối là kéo vào. Chúng vào nhà nghênh ngang
chẳng coi mấy con chó có kí lô nào cả, khi không có người chúng còn nhảy luôn
lên bàn hất đổ biết bao nhiêu là ly chén.
Đàn chó thì nước
sông không động đến nước giếng, hễ thấy dê thì tránh ra hoặc không thèm để ý.
Thấy bọn chó hiền lành, mấy con dê tưởng chúng ngon, cứ gặp chó là đưa sừng ra
húc. Thường thì những con chó bị húc đều nhịn, lùi ra xa.
Nhưng một lần con
Tu-ti đang bụng mang dạ chửa nằm đầu hiên, một mẹ dê nhè cái bụng con Tu-ti húc
tới. Thằng Ổi ở đằng xa trông thấy phóng vọt lại không nói không rằng “bụp”
luôn con dê một phát què chân. Lập tức cả lũ chó xông tới, tôi phải quát “sai”
chúng nó mới dừng lại.
Từ đó, hễ con dê
nào húc một con chó là cả đàn chó không nhịn nữa. Nhưng lũ dê hoàn toàn không
quan tâm. Con chó có thể dạy để không hại dê, nhưng con dê thì không lượng sức
mình, nên giữa chúng nó không thể sống chung một nhà được. Lỗi là từ phía dê chứ
không từ phía chó. Cuối cùng tôi buộc phải không để cho đàn dê vào nhà nữa.
Tuy nhiên, thằng
Bống là một con dê ngoại lệ. Nó mồ côi mẹ lúc 5 ngày tuổi. Khi ấy tôi có ba con
dê đẻ, nhưng hai con dê mẹ còn sống không con nào chấp nhận thằng Bống, nên tôi
phải đưa nó vào nhà nuôi, ngày 3 lần cho bú sữa bình. Bây giờ nó đã gần 5 tháng
tuổi. Nó sống chung với đàn chó, ngày đi ăn và chơi với chó, tối ngủ với chó.
Dần dần nó nghĩ nó là một con chó chứ không phải là con dê.
Đám chó nhà tôi,
từ chó to cho đến chó bé đều rất trọng thị thằng Bống, dù tôi không hề dạy dỗ.
Con chó tự biết lẽ phải hơn là chúng ta tưởng. Đám chó chơi đùa với nhau nhiều
khi sứt đầu mẻ trán, nhưng chơi đùa với thằng Bống thì không có con chó nào
dùng răng dùng vuốt. Riêng thằng Bống, vì nó nghĩ nó là con chó, nhưng hành vi
thì nửa chó nửa dê, nên xung quanh nó có vô số những chuyện buồn cười.
Ban đêm hễ mở cửa
là nó lẻn vào nhảy phóc lên giường. Có hôm khuya tôi thức dậy thấy dưới lưng
ướt đẫm, nhìn bên cạnh thấy Bống nằm nhai lại vô tư, ngồi dậy thấy trên giường
có 3 chỗ ướt, chính là thằng Bống đái. Đểu nhất là nó không nằm vào chỗ nó đái.
Khoảng vài lần như vậy tôi buộc phải mời anh Bống ra ngoài, buổi tối phòng ngủ
đóng chặt. Ban đầu nó nằm ngủ với con Tu-ti và đám chó con, bây giờ thì chiếm
luôn một cái ghế.
Khi còn bú, nó
thường xin bú mẹ Tu-ti, nhưng khi ấy Tu-ti đâu có còn sữa, dù vậy nó vẫn quấn
quýt với Tu-ti hàng ngày. Khi lớn lên, nó chơi với tất cả các con chó, nhưng
đặc biệt thân với thằng Ổi và thằng Tỏi. Buổi trưa nó thường nằm cạnh thằng
Tỏi, còn lúc nào bị đám chó con đùa quá trớn nó liền quấn chân thằng Ổi.
"Thằng Bống" bây giờ (phải). |
Nguyên thằng Tỏi
từ lúc mới biết ăn là một đứa ăn hỗn. Bây giờ thì mỗi đứa ăn riêng một bát,
nhưng lúc nhỏ 6 đứa ăn 2 máng, thằng Tỏi bao giờ cũng giành ăn nhiều, lại gầm
gừ không cho 2 đứa kia ăn, ăn xong còn chạy sang máng khác. Được một thời gian,
cái tật ăn hỗn của nó bị thằng Ngò ra tay trừng phạt.
Thằng Ngò ăn rất
từ tốn, nhưng thấy thằng Tỏi ăn hỗn nhiều lần nó xông lại cắn luôn, khi đó cả 5
đứa đều xông vào đánh hội đồng khiến cho thằng Tỏi nhiều phen lên bờ xuống
ruộng. Nó chừa cái tật ăn hỗn nhưng ít khi gần những đứa khác, trừ những lúc có
mặt “con đầu đàn” tôi. Có lẽ nó “cô đơn” nên thường quấn quýt với thằng Bống.
Tôi không thể để
thằng Bống biến hẳn thành một con chó được, nên phải đưa nó đi ăn chung với đàn
dê. Thời gian đầu phải bế nó ra khu dê ăn và đóng cửa lại, chưa kịp cài cửa nó
đã vọt chạy về. Khi em tôi chạy theo bắt lại, nó liền sà vào chỗ thằng Ổi đang
nằm. Lúc em tôi đến bế thằng Bống thì thằng Ổi lập tức nhe răng ra sủa. Khi đó
mới biết thằng Ổi lâu nay vẫn “bảo kê” cho nó.
Giờ thì thằng
Bống đã có thêm “ô dù”. Nó chẳng hề sợ thằng nào con nào trong cái nhà này, nó
làm bất cứ chuyện gì nó muốn. Nhảy lên bàn, leo lên bếp, luồn lách vào mọi chốn
mọi nơi. Khi tôi đi đâu về, nó cũng chồm lên mừng như những con chó. Trừ thời
gian đi ăn theo đàn, thời gian còn lại tôi đi đâu nó đều đi theo, bất kể ngày
hay đêm. Ban ngày thì nó đi trước, lũ chó theo sau, ban đêm thì nó đi giữa, sát
chân tôi…
(Ký sự Người nuôi chó, kỳ 7, bài đăng trên Thanh Niên, 2015)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.