Phụ Nữ Việt Nam
là tuần báo, "Tiếng nói của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam", tờ báo
tôi làm việc từ giữa năm 1976, khi hai chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và "hợp nhất". "Hợp nhất" là từ dùng
của thời điểm đó, tới nay thì ý nghĩa của từ này đã được hiểu theo cách mở rộng
hơn nhiều rồi.
Lúc chuẩn bị giải
thể cấp khu, thủ trưởng Hội Văn nghệ Giải phóng Khu Trung Trung bộ, nhà văn
Nguyễn Chí Trung đã gợi ý cho tôi: Nếu muốn viết cho sâu sát, sâu sắc về đất
nước lúc này thì hãy vào thanh niên xung phong, lên tây nguyên, thâm nhập thực
tế cuộc sống…
Các nhà văn trẻ
hơn trong cơ quan không nghĩ như anh. Anh Hoàng Hỡi (nhà thơ người dân tộc Tày,
bí thư chi đoàn), và anh Nguyễn Khắc Phục bảo tôi: -Cúc đừng có nghe lời anh Trung.
Họ chỉ nói vậy mà
không giải thích. Tôi không làm theo anh Trung. Lý do: tôi mới từ Sài Gòn về Đà
Nẵng ăn tết Ất Mão 1975, và đất nước đang đổi thay quá lớn, tôi không muốn lại
rời xa gia đình lần nữa.
Lúc đó, Văn nghệ
Khu 5 đang có hai thanh niên thành phố vào làm việc, chưa có biên chế: Nguyễn
Công Khế từ nhà tù Chí Hòa, Sài Gòn sau trao đổi tù binh, và tôi từ trường Khoa
Học Sài Gòn. Chúng tôi phải tìm cơ quan mới, vì các anh chị từ rừng về sẽ
chuyển biên chế sang cơ quan khác khi khu giải thể.
Cuối cùng thì anh
Trung đã tìm ra nơi cho chúng tôi chuyển tới: báo Phụ Nữ Việt Nam.
Tôi sẽ đi cùng
xe, dịp các anh Văn Nghệ Khu 5 ra Hà Nội họp, để hợp nhất văn nghệ hai miền.
Lúc đó là hạ tuần tháng 6/1976. Các lễ nghi chính thức sẽ diễn ra vào đầu tháng
7.
Chiếc xe U-oát
của Liên Xô chở sáu người, kể cả tài xế: các anh Nguyễn Chí Trung, Phan Tứ, Thu
Bồn, Nguyễn Khắc Phục, và tôi. Nó còn chở thêm rất nhiều xăng, cộng với gạo và
thực phẩm cho cả hành trình.
Xăng của Liên Xô
rất nặng mùi. Tôi được báo tin lên đường quá sát. Tối hôm tôi trước mất ngủ vì
nỗi náo nức sắp được ra Hà Nội, sắp được nhìn thấy cầu Hiền Lương sông Bến Hải.
Buổi sáng gấp rút soạn va ly, trưa nôn nao hồi hộp quá không sao ăn nổi, nên
lên xe lúc khởi hành đầu giờ chiều tôi rất mệt. Đã vậy còn phải hít hơi xăng
ngập ngụa.
Tới đèo Hải Vân
thì tôi bắt đầu ói, sau những khúc ngoặt tài xế cua gấp, ruột gan lộn tùng
phèo. Suốt đường đèo hai mươi cây số, xe phải ngừng nhiều lần cho tôi xuống. Ói
hết cả mật xanh mật vàng, người tôi rũ ra không còn chút hơi sức. Tới mức tôi
nghĩ, có lẽ phải quay lại Đà Nẵng, chờ mua vé đi sau. Vậy mà cuối cùng, không
hiểu sao với cái bụng trống rỗng, cái đầu chơi vơi, tôi vẫn tiếp tục ngồi được
trên xe, chịu trận.
Tôi chỉ chờ để
nhìn tận mắt, quan sát thật kỹ cầu Hiền Lương sông Bến Hải nên dặn anh Phục,
lúc sắp qua cầu nhớ nhắc để tôi chuẩn bị tinh thần. Tôi hình dung cầu Hiền
Lương sông Bến Hải phải hết sức to rộng, ấn tượng, bởi nó là nơi chia cắt người
Việt Nam với biết bao đau đớn, tổn hao máu xương… Không ngờ lúc anh Phục bảo “Vừa qua cầu Hiền Lương đó Cúc”, tôi
ngoái lại, chỉ thấy một vùng quê chẳng có gì khác so với những nơi đã đi qua,
cầu và sông hầu như đã biến mất, lòng tôi tràn ngập nỗi bất ngờ đầy thất vọng:
Sao cái nơi nhỏ bé, bình dị, có vẻ hiền lành này lại làm khổ người Việt Nam dài
lâu đến thế !
Có lẽ anh Phục
cũng chưa thuộc hết cảnh vật trên con đường nam bắc mới khai thông, bởi anh
cũng chỉ mới một lần đi phép thăm nhà sau tháng 4/1975, nên không thể nhắc tôi
trước khi xe qua cầu… Và tôi chỉ có thể biết rằng mình đã ở trên đất bắc, dù
chưa hề nhìn thấy cả cây cầu lẫn con sông lịch sử.
Lúc xe tới Quảng
Bình, các anh vào nhà dân xin nấu nhờ cơm, bảo tôi cứ nghỉ ngơi chờ cơm chín.
Lần đầu vào một nhà dân miền bắc, tôi tò mò nhìn ngắm tất cả mọi thứ lọt vào
tầm mắt. Mà thật ra, cũng chẳng có gì để ngắm: ngôi nhà tranh vách đất hầu như
không có đồ đạc gì ngoài cái giường tre ọp ẹp, dưới gầm giường lăn lóc bao
nhiêu là khoai. Anh Trung hát vui “Quảng
Bình, khoai khoai toàn khoai…”. Tôi cứ tưởng anh tự chế ra để hát, sau này
mới biết đó là một bài hát nổi tiếng, anh chỉ đổi lời.
Suốt chiều dài
con đường đi qua, xe chúng tôi gặp rất nhiều xe quân sự, cứ hai chiếc dính nhau
làm một: chiếc trước chạy bình thường, dùng dây xích kéo chiếc xe chạy sau
không nổ máy. Tài xế xe chúng tôi, cũng là bộ đội xuất ngũ, giải thích: Đó là
cách bộ đội “tiết kiệm” xăng. Tất nhiên không phải tiết kiệm cho quân đội. Tôi
nhớ tới những anh lính miền bắc, hành trang trên đường về phép ra thăm quê luôn
có con búp bê nhựa loại rẻ tiền mắt nhắm mở được, cột bên ngoài ba lô. Hẳn nó
đã được mua bằng số tiền tiết kiệm xăng kiểu này.
Tới Thanh Hóa, xe
lại ghé vào nhà dân xin nấu nhờ cơm. Các anh mượn thêm cái chén để đựng nước
mắm. Tôi nhìn kỹ cái chén ăn cơm bằng sành đó: nó sứt sẹo và không còn rõ màu
gì, lại có một lỗ thủng bằng đầu ngón tay đã được hàn lại bằng đất sét chưa
nung chín. Tôi hiểu ra rằng, người dân miền bắc trong chiến tranh thật sự nghèo
đến mức nào.
Một tai nạn trên
đường: Trời mưa, đường rất trơn, và một con nghé đang đi bên lề cùng cả bầy
bỗng dưng lồng lên, nhảy xổ vào trước đầu xe. Tài xế không tránh kịp, tông vào
nó rất mạnh. May là xe không bị đổ. Nhưng con nghé nằm quay đơ ra, chết ngay
lập tức.
Mọi người xuống
xe, lo lắng. Con nghé này của hợp tác xã, là cả một tài sản. Ai cũng lo rằng
người của hợp tác xã sẽ kéo đến, và chắc chắn sẽ có nhiều chuyện rắc rối phiền
toái, trong khi thời gian rất quý. Đường đi ngày càng đông nghẹt xe ra họp, và
rất nhiều những ngầm, những cầu phao, xe phải xếp hàng chờ nhiều tiếng đồng hồ
mới tới lượt.
Cuối cùng, người
của hợp tác xã cũng xuất hiện. Và thật ngạc nhiên, họ không hề làm khó dễ chúng
tôi. Lý do họ nêu ra: tai nạn chỉ do xui xẻo, cho cả hai phía. Con nghé sẽ được
họ mang về xẻ thịt.
Lúc lên lại xe,
ai nấy thở phào. Tài xế lại giải thích: Nghé hợp tác xã không dễ gì ngã thịt.
Nay bỗng dưng có dịp ăn thịt nghé, họ phải cảm ơn mình mới đúng.
Quả là nhiều
chuyện mà tôi không hình dung được. Trên con đường bắc nam chật chội và lở lói,
hỏng nát do bom, xe của cán bộ miền nam ra họp chen chúc nhau, cả xe quân sự
lẫn dân sự. Anh Trung mặc quân phục ngồi ghế trước cạnh tài xế, đeo lon trung
tá, tướng nghiêm chỉnh bệ vệ. Đến những chỗ phải xếp hàng, anh ung dung tới gần
bộ phận bảo vệ, lớn giọng nói vài câu rất oai phuông kiểu “thủ trưởng có công tác gấp”, thế là sớm muộn gì họ cũng “chấp
hành”, cho phép xe chúng tôi được ưu tiên lên phía trước.
Anh Thu Bồn cao
lớn bự con, mặt lạnh yêng hùng, sẽ xử lý những trường hợp không chính thống. Đó
là khi các tài xế bắng nhắng, không hiểu vì cớ gì cứ sàng qua sàng lại chặn
đầu, nhứt định không cho xe chúng tôi qua mặt. Anh Thu Bồn quạu lắm, chồm hẳn
người ra khỏi xe, chĩa thẳng mũi súng về phía bọn cà khịa, chúng mới vội vàng
dạt sang bên để chúng tôi đi qua.
Lần đầu tôi biết
thế nào là "ngầm". Là những khúc sông mà, thay vì chạy trên cầu xây
cao khỏi mặt nước, xe sẽ chạy trên mặt đường làm thấp chìm dưới mặt nước, hẳn
là để tránh bom. Những cái ngầm như thế buộc hàng xe dài dằng dặc phải biết
điều yên lặng xếp hàng chờ đến lượt, nếu lộn xộn thì coi chừng bị quát “ra
ngoài kia chờ”. Tôi nghe có nhiều xe đã phải chờ từ ngày hôm trước. Trời đang
mưa lê thê, bùn đất lầy lội lấm láp khắp nơi…
Cầu phao cũng là
thứ tôi mới biết lần đầu. Cầu bị sập do bom không được làm lại, mà thay vào đó
là các phao nổi xếp liền nhau làm cầu. Xe chạy qua cầu phao cứ chông chênh,
nghiêng ngả, mới thấy chiến tranh vẫn còn hiện diện rất rõ trên từng cây số con
đường bắc nam thống nhất.
Trên xe, anh Phục
kể cho tôi các câu chuyện về Hà Nội, trái ngược với những gì tôi đã đọc trong
Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng. “Em sẽ thấy các cô gái Hà Nội rất đặc biệt,
lái xe bằng mông”. Là sao, tôi chẳng tưởng tượng ra được. Tôi đã đọc bài của
Phan Nhật Nam khi ông có mặt ở Hà Nội trong các cuộc trao đổi tù binh sau Hiệp
định Paris 1973. Rằng chẳng hề còn áo lụa khăn quàng, mà thiếu nữ Hà Nội giờ
chỉ rặt áo bà ba và đạp xe chạy khắp đường phố. Anh Phục giải thích, do xe cao
hơn cỡ người (có thể là xe dành cho đàn ông), nên các cô gái phải rướn người
vặn vẹo mới với tới pê-đan để đạp.
Trái ngược với
lúc mới lên xe xanh xao ủ rũ bao nhiêu thì khi càng gần về tới gần Hà Nội, tôi
càng phấn chấn tươi tỉnh bấy nhiêu, cho dù đã qua mấy ngày đường nhồi lắc và ăn
ngủ tạm bợ. Tôi chờ gặp một Hà Nội thân thương quen thuộc, gắn bó từ những giờ
kim văn thời trung học, đó là Hà Nội của Vũ Bằng, Thạch Lam, Nhất Linh, Hoàng
Đạo…
Thế nên, khi nhìn
thấy khu tập thể Kim Liên (nhà anh Phục, để anh chuyển quà cho gia đình), khi
xe chạy ngang công viên Thống Nhất, ngang Hồ Gươm đang chăng đèn kết hoa “chào
mừng ngày hợp nhất hai miền”, tôi đã nhận ra, Hà Nội trong trí tưởng học trò
của tôi không còn nữa. Đây là một Hà Nội khác, một Hà Nội hai mươi mốt năm sau
chia cắt đất nước.
Đến đường Hàng
Bạc nhà chú tôi, các anh mang va-ly vào giúp tôi, dặn dò tôi những việc phải
làm với cơ quan mới rồi chia tay tôi để tới địa chỉ nơi tổ chức họp. Nhà chú
tôi không có ai. Mọi người đều đã đi làm đi học. Tôi ngồi ở bậc thềm chờ cô em
con chú tan học về mở cửa.
***
Ngày hôm sau, tôi
tới tòa soạn báo Phụ Nữ Việt Nam trình diện. Trụ sở báo ở số 47 Hàng Chuối,
cách vài số nhà là trụ sở của Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam và Nhà Xuất bản Phụ
Nữ. Những ngôi nhà này sẽ kết dính cùng tôi trong ba năm làm việc ở báo, với
rất nhiều khám phá về miền bắc.
Mọi chuyện bắt
đầu khi tôi viết những dòng đầu tiên cho lý lịch làm báo của mình. Đó là dòng
chữ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ngay dưới là một dòng khác: Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.
Không hiểu sao tôi cứ nhớ như in câu đùa của một anh/chị nào đó: Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hòa/Đàn ông thì thiếu đàn bà thì dư. Một người khác đế thêm: Độc
lập-Tự Lo-Hạnh phúc.
Ui trời, đúng là
nhà-báo-ba-gai. Người cầm bút ở đâu cũng ba gai, cứng đầu khó bảo. Có lẽ nếu
không như vậy, nếu cứ ngoan thin thít cứ gọi-dạ-bảo-vâng thì bài báo viết ra sẽ
nhạt như nước ốc. Mà báo nhạt không bán được thì lại phải lấy tiền dân nuôi báo
cô bọn làm báo. Chớ báo dở/báo nhạt thì bán cho ai.
Dân đâu có dư
tiền. Và dân đâu có ngu.
Chuyện làm báo ở
Phụ Nữ Việt Nam là cả một trường thiên rất dài, mà tôi sẽ kể trong một dịp
khác.
NGÔ THỊ KIM CÚC
21.06.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.