dimanche 14 juin 2020

Đầu thế kỷ 21 : Thời buổi của hiệp ước ngắn hạn và đồng minh nhất thời

Bắc Kinh xé bỏ thỏa thuận « Nhất quốc, lưỡng chế », ai sẽ can thiệp cho Hồng Kông ? Ảnh : Người biểu tình Hồng Kông thắp nến tưởng niệm 31 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, 04/06/2020. © REUTERS/Tyrone Siu
Đăng ngày:


Vụ George Floyd và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cùng với âm vang tại Pháp tiếp tục là đề tài chính trên các báo Paris hôm nay. La Croix chạy tựa « Hoa Kỳ : Sự phẫn nộ liên bang ». Le Monde nhận định « Ông Trump đối mặt với phản kháng đa sắc tộc ». Tương tự, Le Figaro cho rằng « Hoa Kỳ : Rạn nứt chủng tộc là trung tâm cuộc bầu cử tổng thống ». Liên hệ với nước Pháp, Libération ghi nhận « Kỳ thị chủng tộc, bạo lực cảnh sát : Bộ trưởng Casta đã lên tiếng ». 

Đài Loan : Cử tri trừng phạt đối thủ thân Bắc Kinh của nữ tổng thống

Liên quan đến châu Á, Le Monde cho biết « Tại Đài Loan, cử tri trừng phạt địch thủ thân Trung Quốc của tổng thống ». Người dân Cao Hùng hôm thứ Bảy 06/06/2020 đã dùng lá phiếu để cách chức thị trưởng Hàn Quốc Du (Han Kuo Yu), có biệt danh « Trump của Đài Loan », đối thủ của bà Thái Anh Văn trong kỳ bầu cử tổng thống vừa qua.

Sự xuống dốc của Hàn Quốc Du cũng nhanh chóng như khi ông ta đột ngột thăng tiến. Việc mất chức thị trưởng Cao Hùng là một cú tát trái, làm yếu thêm Quốc Dân Đảng vốn thân Trung Quốc. Tháng 11/2018 khi ông lên làm thị trưởng thành phố lớn miền nam vốn là thành lũy của đảng Dân Tiến từ 20 năm qua, nhiều người cho rằng chiến thắng của ông báo hiệu cho thất bại sắp tới của nữ tổng thống.

Hàn Quốc Du nhìn nhận thất bại.
Nhưng cử tri Cao Hùng không chấp nhận việc Hàn Quốc Du dùng chức thị trường chỉ để làm bước đệm cho sự nghiệp, bỏ rơi công việc của tòa thị chính suốt ba tháng để tranh cử tổng thống. Một nhóm nhà hoạt động chủ trương độc lập, Wecare Kaohsiung, bèn đưa ra kiến nghị bãi chức. Tiến trình này trước đó đã được sử dụng hơn một chục lần nhưng chưa bao giờ thành công.

Cú đòn choáng váng cho Bắc Kinh 

Pháp luật quy định kiến nghị bãi chức phải được 13% cử tri ký tên, và hôm bỏ phiếu phải có ít nhất 25% cử tri đi bầu. Lần này tất cả các điều kiện đều hội đủ. Trong khi số cử tri đăng ký là 2,29 triệu, thì có đến 377.000 người ký vào kiến nghị. Hôm 06/06, có 42,14% cử tri đi bỏ phiếu, và tuyệt đại đa số chống lại Hàn Quốc Du : đến 939.090 người muốn bãi nhiệm, chỉ có 25.051 người ủng hộ ông ta. Thậm chí số cử tri bỏ phiếu cách chức còn cao hơn số người đã từng bầu ông làm thị trưởng (892.545).

Chủ nhật 07/06, bà Thái Anh Văn đánh giá cuộc bỏ phiếu « khiến nền dân chủ Đài Loan tăng tiến ». « Kết quả này là lời cảnh báo cho các chính khách là nhân dân trao cho họ quyền lực và cũng có thể lấy lại ».

Được tổ chức ba tuần sau khi bà Thái chính thức khởi đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, cuộc bỏ phiếu ở Cao Hùng cho thấy những khó khăn của Quốc Dân Đảng. Theo các nhà quan sát, kết quả trên còn do Hàn Quốc Du chủ trương xích lại gần với Bắc Kinh. Tập Cận Bình đã từng tuyên bố không muốn « để cho các thế hệ tương lai trọng trách thống nhất Đài Loan », và hôm Chủ nhật, Global Times cho biết Bắc Kinh « không còn trông cậy vào Quốc Dân Đảng » trong công cuộc thống nhất.

Cuộc nổi dậy của dân làng Ô Khảm (Wukan), Quảng Đông năm 2011.
Trung Quốc ra luật hạn chế tịch thu đất của nông dân để tránh nổi dậy

Về nội tình Trung Quốc, La Croix cho biết trước khủng hoảng kinh tế và căng thẳng xã hội ngày càng tăng cao, chính quyền đành phải xét lại việc cưỡng chế đất đai, đã gây thiệt hại cho hàng triệu nông dân từ 40 năm qua. Một luật đất đai mới nay đưa ra những quy định rõ ràng hơn.

Nếu chính sách một con từng là một trong những thảm kịch thô bạo nhất hậu mao-ít, việc tịch thu đất canh tác của hàng triệu nông dân là một trong những chủ trương tệ hại nhất trong quá trình hiện đại hóa ba thập niên qua. Phải đợi đến kỳ họp Quốc hội vừa rồi, 3.000 đại biểu mới thông qua đạo luật nhằm ngăn ngừa nạn cưỡng chế trái phép.

Các nhà nông phải trả cái giá nặng nề cho sự cất cánh kinh tế thần kỳ của Trung Quốc từ năm 1978 : bị tịch thu đất mà hầu hết không bồi thường, để làm dự án địa ốc, kỹ nghệ, cơ sở hạ tầng. Theo giáo sư luật Kiều Sĩ Đồng (Qiao Shitong) của trường đại học Hồng Kông, « hàng năm có khoảng 100.000 đến 500.000 nông dân bị địa phương tịch thu đất bừa bãi, bất chấp quy định Nhà nước ». Và thật ra khó thể ước lượng chính xác số nạn nhân bị mất đất vì đô thị hóa, kỹ nghệ hóa : trong 40 năm qua tại Trung Quốc đã mọc lên 600 thành phố mới trong đó có 90 đô thị hơn một triệu dân.

Rất ít được nước ngoài biết đến, các cuộc nổi dậy của nông dân chống cướp đất chiếm phân nửa trong số 150.000 « sự cố xã hội » trên toàn Trung Quốc hàng năm. Những xung đột này được giải quyết riêng lẻ ở địa phương để không lây lan ra các nơi khác, nhưng sự phẫn nộ của nông dân không giảm xuống vì chính quyền tham nhũng đồng lõa với các đại gia địa ốc. Nữ luật sư Nghê Ngọc Lan (Ni Yulan) do chuyên bảo vệ dân oan đã bị bắt giam, nhà của bà ở Bắc Kinh bị ủi sập năm 2008 nhưng không thể nào kiện được vì tòa án đồng lõa với chính quyền.

Nhằm làm giảm căng thẳng, Tập Cận Bình cho thông qua luật đất đai mới, để giảm bớt sự can thiệp của chính quyền vào tư pháp. Tuy nhiên các thẩm phán luôn phải tuân lệnh của đảng Cộng Sản, như Hiến Pháp quy định. Hơn nữa, luật mới sẽ có hiệu lực từ 01/01/2021, không trừng phạt những kẻ cưỡng chế đất bất hợp pháp. Đối với luật gia Lưu Kiều (Liu Qiao), đại học Hồng Kông, « vấn đề ở Trung Quốc là không ai giám sát, thẩm phán không hành xử theo luật ».

Người dân Manila biểu tình ngày 12/06/2020 phản đối luật chống khủng bố.
Luật chống khủng bố mới của Philippines gây hoang mang

Còn tại Philippines, Quốc hội hôm thứ Tư 03/06 đã thông qua một luật chống khủng bố mới gây lo ngại. Những người đối lập với tổng thống dân túy Rodrigo Duterte tố cáo một văn bản quá mơ hồ, khiến có thể bắt giam tùy tiện.

Khoảng mấy trăm người vào thứ Năm 04/06 đã biểu tình tại Manila, nơi có lệnh phong tỏa gắt gao nhất châu Á. Luật mới cho phép giam giữ nghi can đến 24 ngày không cần có trát tòa, và lập ra một Hội đồng chống khủng bố gồm các thành viên chính phủ, có thể ra lệnh bắt những ai bị nghi ngờ. Điều khoản phạt cảnh sát đến 8.500 euro/ngày nếu bắt người bừa bãi, đã bị hủy bỏ trong luật mới.

Chủ tịch tổ chức National Union of Peoples’Lawyers gồm các luật sư nhân quyền và sinh viên luật lo ngại có thể ảnh hưởng đến tự do ngôn luận và tự do hội họp. Bà Ravina Shamdasani, phát ngôn viên Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tố cáo luật này « rất đáng lo ngại », « trong bối cảnh các tổ chức phi chính phủ tại Philippines thường xuyên bị cáo buộc là khủng bố ». Báo cáo của Cao ủy còn nêu ra việc các NGO và nhà đấu tranh nhân quyền còn bị dán nhãn « cộng sản », có nguy cơ bị thanh toán như những kẻ buôn ma túy. Năm 2018, bốn nhà hoạt động có tên trong danh sách bị cho là « cộng sản » đã bị ám sát.

Hàn Quốc theo Mỹ nhưng vẫn không muốn va chạm với Trung Quốc 

Cũng về châu Á, Le Figaro nhận định « Hàn Quốc tìm chỗ đứng giữa Mỹ và Trung Quốc ». Tổng thống Moon Jae In nhận lời mời dự hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng của ông Donald Trump vào tháng Chín ở Washington, nhưng vẫn e ngại làm mất lòng Tập Cận Bình.

Tổng thống Hàn Quốc là nhà lãnh đạo đầu tiên chấp nhận lời mời gây tranh cãi của Nhà Trắng. Dạng thức mới G7 mở rộng « có nghĩa là Hàn Quốc trở thành thành viên một hệ thống quốc tế mới được gọi là G11 hay G12 ». Một sự tự hào của nền kinh tế thứ 13 thế giới, một sự trả thù đối với Nhật Bản vốn bất ngờ trước sáng kiến của Mỹ. Seoul dấn bước vào trò chơi địa chính trị dưới cặp mắt lo ngại của Bắc Kinh và Tokyo. Tuy nhiên việc đi dây không đơn giản, giữa đối tác kinh tế hàng đầu Trung Quốc và người bảo đảm an ninh là Hoa Kỳ.

Ông Moon Jae In không bỏ lỡ dịp nào để lấy lòng ông Donald Trump, chỗ dựa cần thiết để xích lại gần với Bắc Triều Tiên. Hơn nữa, Mỹ-Hàn còn ràng buộc bằng hiệp ước quốc phòng, với sự hiện diện của 23.000 lính viễn chinh Mỹ. Tuy nhiên ông không muốn chống lại người láng giềng độc đoán Trung Quốc, vẫn để ngỏ biên giới khi dịch bệnh lan tràn ở Vũ Hán, và giữ im lặng trước việc Bắc Kinh bóp nghẹt tự do Hồng Kông và bành trướng trên Biển Đông. Seoul hy vọng tiếp Tập Cận Bình từ nay đến cuối năm.

David Pierre Jalicon, chủ tịch Phòng Thương mại Pháp-Hàn nhận xét, bối cảnh địa chính trị mới, nhất là sự xuống dốc của Hồng Kông « mang lại cơ hội lịch sử cho Seoul để trở thành trung tâm khu vực ». Nhưng vì sợ làn sóng dịch bệnh thứ hai, Hàn Quốc từ ngày 01/06 lại quy định người ngoại quốc có nguy cơ bị rút giấy phép cư trú nếu ra khỏi lãnh thổ, gây bất mãn cho các nhà đầu tư.

Mỹ-Trung giao chiến, Pháp thực dụng

Nhìn chung về địa chính trị, trên trang Ý kiến của Le Figaro, tác giả Renaud Girard nhận định chúng ta đang bước vào một thế giới mà tuổi thọ các hiệp ước không lâu bền, các cường quốc thương thảo với những đồng minh tạm thời.

Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 06/06/2020 đã ra một thông cáo nảy lửa, trả đũa việc Bắc Kinh khai thác một cách đáng ghê tởm cái chết của công dân Mỹ da đen George Floyd. Văn bản với lý lẽ chặt chẽ là sự tấn công vào chế độ độc tài của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhưng Pháp không muốn theo chân đồng minh lâu đời của mình, mà có thái độ thực dụng với Bắc Kinh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 05/06 đã có cuộc điện đàm, mà theo điện Élysée thậm chí còn nói về « đối tác chiến lược toàn diện » giữa đôi bên. Đó là hợp tác chống đại dịch corona, tài trợ cho châu Phi, vấn đề môi trường (chuẩn bị COP15 về đa dạng sinh học và COP26 về khí hậu).

Một thế giới không còn đa phương, với những quan hệ chồng chéo

Trật tự dựa trên các định chế đa phương nay đã chết, các đại cường quân sự không còn phối hợp với nhau nữa. Phương Tây tiến hành cuộc chiến Kosovo (1999) và Irak (2003) không có sự đồng ý của Liên Hiệp Quốc, Nga xâm lấn Gruzia (2008) và Ukraina (2014). Bắc Kinh bất chấp phán quyết trọng tài La Haye (2016) để quân sự hóa Hoàng Sa và Trường Sa (2017), và mới nhất là vi phạm hiệp ước về quy chế tự trị của Hồng Kông (28/05/2020).

Trong thế giới mới ngày nay, Anh quốc rời khỏi Liên hiệp Châu Âu nhưng vẫn tăng cường quan hệ quân sự với Pháp. Nga gây phiền phức cho Pháp ở châu Phi nhưng vẫn hợp tác chống quân thánh chiến. Ý hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Mỹ đồng thời đón chào các bác sĩ Cuba để chống Covid-19. Trung Quốc liên minh với Ấn Độ chống Hồi giáo cực đoan, nhưng lại hỗ trợ Pakistan trong hồ sơ Cachemire. Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga nhưng lại đẩy Matxcơva ra khỏi Libya.

Trong lúc Liên Hiệp Quốc bị tê liệt, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mất uy tín, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không còn chỉ đạo được ai, Hiệp ước TPP bị bỏ rơi…chừng như đa phương chỉ còn lại nơi Liên hiệp Châu Âu. Nhưng tại đây cũng có những nước Bắc Âu từ chối chia sẻ nợ nần với các nước Nam Âu, Ba Lan « đánh lẻ » với Mỹ, Đông Âu tham gia khối « 16+1 » với Trung Quốc. Đối với Pháp, cường quốc độc lập vẫn muốn đóng vai trò quốc tế, thử thách là vừa phải linh hoạt lại vừa cứng rắn trong từng hồ sơ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.