Hôm nay, Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường chiếm sóng với
phát ngôn bất hủ, đại ý là: Thịt heo đắt thì tìm cái khác mà ăn, cứ gì ăn thịt
heo?
1/ Tư duy bà bán rau
Tôi thấy ông
Cường nói đúng. Đúng quá ấy chứ. Thịt heo đắt quá thì tội gì đi mua, mua cái
khác cho đỡ đắt. Nghĩa là nếu thịt heo đắt thì còn nhiều lựa chọn khác cơ mà,
ai bảo đi mua về rồi còn kêu. Ai khiến mua đâu?
Nhưng, cái đúng
này không phải là cái đúng nếu người phát ngôn là một Bộ trưởng. Càng không
phải là cái đúng, khi ông đứng ngay trước nghị trường mà nói, giữa bá quan văn
võ, trên truyền hình trực tiếp, trước toàn dân như thế,
bởi nói như vậy,
đứa trẻ con nó cũng nói được. Rằng "mày không chơi với tao thì mày chọn
thằng khác mà chơi", rằng "mẹ không cho con tiền ăn sáng thì con qua
xin bố"...,
bởi nói như vậy,
là ngữ điệu của những bà ngoài chợ: "Tao có ép mày mua đâu. Mày không mua
hàng tao thì mày lướt đi hàng khác mà mua". Hoặc: "Xoài cát giá cao
thì ông khỏi mua, ông đi mua xoài tượng mà ăn. Cũng có vị chua cũng có vị ngọt,
đâu kém gì".
Đại loại thế. Nếu
tư duy kiểu Bộ trưởng Cường thì chả phải bà bán trái cây, đứa trẻ đang cắp sách
cũng có thể làm được Bộ trưởng phải không? Một kiểu tư duy với lý sự cùn và lập
luận kiểu "không cái này thì cái khác", trong khi vấn đề ông cần phải
trả lời là: "Thịt heo đắt như thế, ông có giải pháp gì căn cơ lâu dài hay
không?" như nhiều đại biểu yêu cầu ông, sáng nay tại nghị trường.
Dĩ nhiên, ông
Cường không trả lời, cũng không trả lời được, ngoài việc than khó than lâu lợn
mới tái đàn. Ơ, khó mới cần đến tư lệnh ngành nông nghiệp như ông, chứ ai mà
chẳng biết là khó? Và thế nên phát ngôn của ông mới khiến người ta lăn đùng ngã
ngửa: Đắt quá thì tìm cái khác mà ăn, cũng ngon cũng bổ mà.
Vậy, thế thịt gà,
tôm, ốc cũng đều tăng giá, theo tư duy của ông, chuyển sang ăn chay hoặc nhịn
ăn luôn, phải không ông Cường?
2/ Nông dân vẫn khổ, tư lệnh ngành Nông nghiệp làm
gì?
Có lẽ, cái kiểu
tư duy như Bộ trưởng Cường, kiểu tư duy: "Không thế này thì thế kia, ai
ép", mới đưa ngành nông nghiệp nước nhà bao năm qua vẫn trong vòng luẩn
quẩn, và nông dân vẫn là những người khổ nhất.
Một nền nông
nghiệp không có căn bản. Bạ gì làm nấy. Làm cứ làm còn thị trường thế nào thì
mặc kệ. Thế nên nông dân đánh đu cả cuộc sống của mình cho sự hú hoạ hên xui
của thị trường, như một canh bạc cuộc đời vậy. Nhiều khi, được mùa cũng chưa
hẳn là tin vui, thậm chí người dân từng cắt bỏ nông sản đi tiêu hủy. Vâng,
"rẻ quá thì đừng bán, đem đi mà đổ", có đúng là tư duy của ông không,
ông Cường?
Nhờ ơn các ông,
nông dân như trở thành con tin của thương lái Trung Quốc. Xưa nay nông sản chủ
yếu xuất sang thị trường này và vô hình trung, Trung Quốc trở thành nơi bao
tiêu. Vui thì nó cho xuất, buồn nó cấm biên vài ngày, nông sản lại lao đao chờ
người trong nước giải cứu.
Những lúc như
thế, giá như ông Cường và những quan chức ngành nông nghiệp như ông, dùng chính
cái tư duy của các ông mà nói: "Ôi, tại sao phải xuất sang Trung Quốc? Nó
giở quẻ thì mình xuất đi Âu đi Mỹ?"
Nếu ông nói vậy,
dân trọn kiếp nhớ ơn ông!
Nhưng đáng tiếc,
các ông chỉ dừng lại ở mức như các bà ngoài chợ: không ăn heo thì ăn gà, không
mua xoài cát thì mua xoài tượng, kiểu vậy. Còn đưa một nền nông nghiệp thành
chuyên nghiệp, chuẩn chỉnh, chinh phục được mọi thị trường. Nông dân cứ thế mà
yên tâm lao động, không phải lo sự xui rủi của thị trường, để họ bớt bỏ ruộng
bỏ đồng mà đi, để đời họ bớt khổ, thì chuyện có vẻ xa vời với các ông, phải
không?
Chứ vẫn cái tư
duy luẩn quẩn, sống chết mặc bay, không cái này thì cái kia, thì nông dân có
thể hy vọng nhiều vào các ông không?
HOÀNG NGUYÊN VŨ13.06.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.