jeudi 25 juin 2020

Trần Nhật Vy - 136 Hàm Nghi và cách nhìn khác




Tòa nhà 136 Hàm Nghi ban đầu có tên Bureau du Chemin de Fer của Công ty Hỏa xa Đông Dương, do Pháp xây dựng năm 1914. Trước năm 1975, là trụ sở Bộ Giao Thông - Bưu Điện của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Báo chí đang lên tiếng “cứu” tòa nhà 136 Hàm Nghi, quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên là tòa nhà Công ty Hỏa xa Đông Dương, xây dựng cách nay hơn 100 năm. 

Tòa nhà nầy hiện do Tổng công ty Đường sắt và các cổ đông Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn quản trị. Cơ quan đang quản trị tòa nhà xem đây là “nguồn lực của doanh nghiệp” nên đem tòa nhà ra làm vốn để đầu tư!

Theo tôi, cần có cái nhìn khác về công sản đặc biệt là những công sản ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau ngày 30-4-1975, rất nhiều công sản, trong đó có rất nhiều đất đai và nhà cửa ở thủ đô Sài Gòn cũ nay là thành phố Hồ Chí Minh, được giao cho nhiều cơ quan trung ương quản lý. 

Về nguyên tắc sử dụng công sản, ở quốc gia nào cũng vậy, công sản giao cho cơ quan nào đó quản lý và sử dụng hoàn toàn không đồng nghĩa là cơ quan ấy làm chủ công sản ấy. Tất cả đều thuộc về dân chúng, theo cách nói của chúng ta hiện nay, hay nói cách khác là thuộc về cơ quan quản lý công sản do chính phủ điều hành. 

Giao quản lý và sử dụng công sản, nghĩa là cơ quan ấy có trách nhiệm sử dụng để làm việc cho bộ máy chánh quyền. Nều không sử dụng nữa, hoặc công năng của công sản không chịu đựng nỗi sự phát triển của cơ quan quản lý và sử dụng, thì phải trả lại cho chánh quyền. Bên sử dụng chỉ có quyền tu bổ, bảo vệ sao cho công sản không bị thất thoát, hư hại chớ không có quyền “mua bán, trao đổi, thế chấp” công sản ấy.

Dường như từ lâu nay, nhiều cơ quan đã coi công sản như của riêng cơ quan mình, muốn làm gì thì làm, là điều bất thường trong sự điều hành của chánh phủ. Bất thường trong việc sử dụng công sản cũng đồng nghĩa với sự lạm quyền của nhiều cơ quan có trách nhiệm quản lý và sử dụng công sản. Có rất nhiều trường hợp đã xảy ra, và cũng đã có nhiều cán bộ cấp cao phải lọt vòng lao lý vì coi công sản là của riêng cơ quan mình.

Không thể không nói rằng, khi được giao quản lý và sử dụng công sản ở thành phố Hồ Chí Minh, đã có không ít cơ quan coi đó là tài sản riêng, là chiến lợi phẩm mà không hề ý thức rằng đây là tài sản của quốc gia. 

Tòa nhà 136 Hàm Nghi là một công sản, một dinh thự có giá trị đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh. Nó không chỉ là một tòa nhà, mà là một di sản văn hóa rất cần được bảo vệ.

Nó là một chứng nhân của sự phát triển thành phố nầy từ đầu thế kỷ 20, điều mà chỉ người yêu thành phố nầy mới hiểu hết, mới thương hết, mới gìn giữ. Nó còn là minh chứng sự hài hòa trong xây dựng ở trung tâm thành phố, một minh chứng mà rất nhiều người làm công việc quy hoạch, kiến trúc phải học. 

Liệu có cơ quan nào, có Bộ nào dám nói rằng sẽ bỏ tiền và xây được một dinh thự giống như vậy, tồn tại được trăm năm như vậy không? Đập phá rất dễ và đồng tiền “thối lại” từ những hợp tác kinh doanh ấy rất dễ kiếm. Song rồi sau đó thì sao? Những người cầm tiền thì chạy mất, còn lại thì người Sài Gòn sẽ lãnh đủ!

Đã tới lúc thành phố, chánh phủ tính tới một quy hoạch tổng thể thành phố nầy. Cái gì giữ, cái gì bỏ, cái gì bảo tồn để cháu con đời sau cúi đầu kính phục. Chúng ta không thể lâu lâu lại “kêu cứu” một tòa nhà nào đó do lòng tham mà mai một

Một trung tâm thương mại cất ở đâu chẳng được. Nhưng một tòa nhà như 136 Hàm Nghi thì kiếm ở đâu ra? Tất nhiên, phát triển không thể không chấp nhận mất mát. Nhưng phải chọn sự mất mát tối thiểu chớ không phải mất bằng mọi giá.

TRẦN NHẬT VY 23.06.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.