jeudi 5 mars 2020

Dương Trí Toàn - Mẹ giàu, mẹ nghèo



Chị Mận, công nhân một khu chế xuất ở Sài Gòn, suốt hai tháng qua vẫn hàng ngày làm một công việc mà chị không bao giờ muốn: Mỗi ngày gửi đứa con nhỏ hai tuổi ở nhà một người quen. "Họ không lấy tiền, nhưng chiều về đón con mình mua chút rau củ để cảm ơn". 

Ban đầu chị Mận gửi con vào một cô giáo mầm non tư thục, nhưng việc này đã bị thông báo cấm. Chị lại tìm một bà cô tốt bụng hay trông trẻ nhỏ, nhưng bà cũng đã được gia đình đưa về Đắc Lắc để phòng bệnh. Dường như ai cũng ánh lên vẻ mặt đề phòng.

Chị không biết khi nào tình trạng này chấm dứt. Khuôn mặt chị hằn vết khẩu trang và tay đã gần rộp lên vì nước diệt khuẩn. Công ty cũng không biết khi nào sẽ giảm biên chế, nhưng lương thì đã chậm nửa tháng, với lý do mà người chủ đưa ra không thể thuyết phục hơn: do dịch bệnh.

Ở đầu kia đất nước, tỉnh Hà Nam, mẹ chị Mận cũng buộc phải ngừng việc đi thu mua ve chai, vì ở nhà giữ cháu, đứa con lớn 4 tuổi của vợ chồng chị Mận. "Biết đông con sẽ khổ, nhà neo lại không khá tiền, đứa thứ hai là vỡ kế hoạch, anh ạ"- chị Mận vừa nói vừa cười, mà nụ cười như cải Đông dư phơi nắng chờ muối dưa. 

Chị đã phải gửi những khoản dự trữ cuối cùng cho mẹ mình, để bà có thể ở nhà trông cháu. "Bữa đó tiền chưa kịp chuyển đến, hai bà cháu ăn mì tôm suốt cuối tuần. Mẹ em bảo, cả làng đi chợ tích trữ đồ ăn, đến gói giấy vệ sinh cũng tích trữ. Mọi người nói tích trữ phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên không ai muốn chia sẻ cho ai"...

Dịch bệnh đã đảo lộn tất cả, kể cả sự đùm bọc yêu thương của những người nghèo.

Suốt hai tháng qua, những người như chị Mận đã không biết sống như thế nào, họ thực sự phải chờ từng ngày qua và chưa biết ngày mai ra sao.

Chị không biết làm gì, bởi vì tin tức dịch bệnh thật giả tràn ngập trên mạng, không biết tin vào cái gì. Các nguồn tin chính thống thường chậm, và nhiều người không muốn tin.

Chị không biết làm gì, bởi cứ phải đợi cuối tuần, Bộ Giáo dục và các Sở mới thông báo học sinh có đến trường hay không. Và rồi, lại nghỉ. Chúng buộc phải ở trong nhà. Vì dịch bệnh đã lan tới toàn cầu. Và nếu dư luận gây áp lực, thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ làm công văn để nhờ Thủ tướng chính phủ quyết, chứ Bộ cũng không dám quyết. Và các Sở Giáo dục sẽ ra hàng loạt quyết định theo quyết định bên trên. 

Cả ngành giáo dục như mớ bòng bong. Còn những bà mẹ như chị Mận như những thân phận bị bỏ lại, chẳng biết làm gì để bảo vệ con mình, chẳng biết làm gì để duy trì trật tự cuộc sống của mình. Đành tới đâu, hay tới đó...

Chị không biết làm gì, vì ở trên mạng, nhiều người phân tích rất có lý lẽ, rằng trẻ con nghỉ học cả năm cũng chẳng sao, đúp một lớp sẽ không chết, chứ đi học thì dịch bệnh lây lan sao kiểm soát. Sinh con ra là nuôi dạy con chứ đâu thể phó mặc cho nhà trường và xã hội... 

Chị đọc, thấy không sai. Nhưng chị lại vẫn thấy với những bà mẹ như mình, sẽ sống sao để vẫn làm bà mẹ không phó mặc con mình cho nhà trường, vừa không đẩy gia đình vào cảnh chết đói bây giờ?

Dường như những xáo trộn chúng ta nhìn thấy suốt từ đầu mùa dịch bệnh một cách trực quan nhất, là ở các siêu thị khi người dân đi tích trữ đồ ăn, đầu cơ khẩu trang và ở các trường khi học sinh phải nghỉ suốt hai tháng. 

Nhưng, thực tế, mọi thứ có thể sập xuống nếu như tình trạng "nín thở chống dịch" kéo dài. 

Không cần khó kiếm, chỉ cần đọc báo cũng nhận thấy một cuộc bể nứt quy mô lớn đã bắt đầu. Những dãy phố đóng cửa vì kinh doanh ế ẩm. Một số công ty buộc phải cắt giảm quá 50% nhân sự vì doanh thu không đủ chi. Các chuyên gia kinh tế phân tích: cơ hội sẽ xuất hiện trong khủng hoảng. Nhưng với tình hình hiện tại, và phản ứng của cả xã hội với dịch bệnh, thì dường như cơ hội là một khái niệm quá lạc quan.

Bất cứ thứ gì tồn tại đều có lý do. Sự tranh cãi giữa việc cho học sinh tới lớp sau hai tháng nghỉ dài hay tiếp tục cho nghỉ tới khi toàn cầu kiểm soát được dịch bệnh, cũng nằm trong lý do này. 

Bởi vì chúng ta có quá nhiều những gia đình nhỏ, mà hai vợ chồng cùng phải đi làm cả tuần, chung lưng đấu cật để tích luỹ mới đủ sống và nuôi con. 

Bởi vì chúng ta không có chính sách nào cho các bà mẹ nghỉ việc mà vẫn nhận lương, để ở nhà trông con nhỏ nghỉ học. 

Thế nên, các bà mẹ vẫn phải lếch thếch dắt con đi làm trong mùa hè và nay là mùa dịch bệnh. Hoặc không, vợ và chồng cùng hợp tác để tìm cách cúp giờ làm, để ở nhà giữ con. 

Có bao nhiêu người dám lựa chọn việc thất nghiệp và nợ nần, chỉ để ôm con ở nhà trong đói kém? Và khi nào cũng thế, nhóm những người lao động nghèo cũng rất nhiều, nhiều hơn triệu triệu lần những người giàu có. Mẹ nghèo thì vất vả, nhưng đâu phải mẹ nghèo thì không biết thương con? Cái mà chúng ta chưa làm được, là để những người mẹ không giàu có vẫn có thể yên ổn chăm lo cho con vượt qua những biến động của xã hội, chứ không chỉ là một mùa Covid19 như thế này...

Không có ai bảo vệ các bà mẹ, và cũng không ai trả lương chỉ để họ nuôi con. Bạn có thể nói, nếu không nuôi nổi thì đừng sinh con sớm. Nhưng nói như bạn, thì không còn xã hội. Và chúng ta cũng chẳng còn gì khi không còn tương lai của những đứa con…


DƯƠNG TRÍ TOÀN 05.03.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.