Truyền thông nhà nước dường như lớn tiếng
chống lại sự man rợ của bọn tội phạm chống người thi hành công vụ. Nhưng góc
nhìn này hãy còn ú ớ trước những câu hỏi gay gắt của dư luận.
Người ta tìm cách phân hóa những kẻ dùng
bom xăng, vũ khí tự tạo chống lại một cuộc bố ráp với dân Đồng Tâm. Thì hãy cứ
khôn ngoan mà tách bạch đồng bào tốt với đồng bào xấu.
Như được “quy ước”, họ bị gọi bằng những
kẻ nghiện. Một số nhà báo rất dũng cảm, thẳng thừng ném vào khói lửa Đồng Tâm mấy
chữ man rợ. Tất nhiên là man rợ, vì lương tri của những tay viết ấy có được dệt
bằng tơ vàng thì họ cũng không dám ném vào cuộc bố ráp cái đẳng cấp tệ hại ấy.
Còn lực lượng thi hành công vụ, với súng ống,
khiên đai phòng bị chuyên nghiệp, có một cơ số chiến đấu áp đảo, lại như vì nước
quên thân, hy sinh để thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế dân.
Một trận đánh đẹp để bảo vệ lợi ích nhà
nước trong thời bình, để khôi phục trị an tại một điểm nóng tranh chấp đất đai
cách đó tới gần 3 km. Một cuộc tấn công trấn áp một nhúm người nghiện và chống
đối, phải điều động tới cơ số chiến đấu như vậy, có thiết giáp thị uy, cắt
internet, tạo căng thẳng từ nhiều hôm trước. Trận đánh áp đảo ấy vào dân, đã lấy
đi sinh mạng của dân thường và lính tráng.
Thôi thì dân hãy bàn tính sau, dù phải nhấn
mạnh, những kẻ nghiện, những tên chống đối ấy chưa phải là tội phạm, càng không
phải là tội phạm truy nã. Họ vẫn là công dân bình đẳng, có quyền và lợi ích
liên quan. Dù họ có là một người, một nhúm người, hay cả xã Đồng Tâm ấy thì
không một quyền lực nào được phép đánh giá và cư xử với họ như kiểu thứ dân.
Chính yếu là ai sẽ chịu trách nhiệm cho
những cái chết của các cán bộ chiến sĩ cho trận bố ráp ấy?
Trước khi xác định tính chính đáng của cuộc
hành quân vào Đồng Tâm, xin hãy khoan dùng đến hai chữ hy sinh. Ở một đất nước
mà hy sinh là một đức hạnh mà dân tộc đời đời ghi nhận cho những mất mát vì chủ
quyền lãnh thổ, vì độc lập, tự do của dân tộc, không thể tùy tiện gọi bất kỳ
hành động thiệt mạng nào trong công vụ cũng là hy sinh.
Huống hồ đây là trận đánh nhằm bố ráp
dân.
Những kẻ chỉ huy trận đánh này đáng phải
ra tòa án binh chịu trách nhiệm về những cái chết oan uổng đó của binh lính
mình. Bởi cho dù có chuẩn bị tâm lý xã hội rằng những kẻ chống người thi hành
công vụ rất man rợ, thì sự man rợ ấy cũng được biết trước. Trận bố ráp này là một
cuộc hành quân chủ động.
Đó là nói với việc triển khai một lực lượng
vũ trang cho một mục tiêu tác chiến. Còn ngay cả để xây dựng cấp bách sân bay
Miếu Môn hay nhà máy quân sự chống giặc đi nữa, thì liệu có nên triển khai một
mục tiêu tác chiến nhằm vào dân thường?
Một trận đánh như vậy phải diễn ra trước
sự giám sát có trách nhiệm của công luận và nhân dân. Tuyệt đối không thể áp dụng
lối đánh úp tùy tiện.
Nhân dân ta trang bị vũ khí cho lực lượng
vũ trang để chống giặc, chống tội phạm. Tuyệt đối không trang bị bất kỳ phương
tiện nào để, dù là công an, quân đội, đốt phá nhà dân, làm tổn hại của cải,
sinh mạng của nhân dân.
Cuộc bố ráp vào dân thường ở Đồng Tâm
đang đặt ra một cách cấp bách vấn đề thẩm quyền và trách nhiệm giám sát, trước
việc điều động một cơ số vũ trang vào thi hành công vụ.
Tai ương của đất nước, hiểm họa của chế độ
có thể bắt đầu từ sự tùy tiện mở những cuộc tấn công vào dân thường của lực lượng
vũ trang.
TÂM CHÁNH 10.01.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.