Đăng ngày:
« It’s the economy, stupid ! »
Ông
Trump bước vào Nhà Trắng với chiến thắng trong đường tơ kẽ tóc tại các
tiểu bang thuộc « Vành đai han rỉ » (Pennsylvania, Ohio, Wisconsin). Chỉ
cần một ít nhân viên cổ trắng từng bỏ phiếu cho ông hồi tháng 11/2016
thất vọng bỏ sang phía khác là xong, như trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ
năm 2018 với chiến thắng của phe Dân Chủ tại đây. Ứng cử viên Donald
Trump sẽ rơi rụng như một trái chín.
Tuy nhiên tác giả bài viết
ghi nhận hình bóng một George W. Bush - tái đắc cử năm 2004 trước John
Kerry bất chấp tai tiếng của cuộc chiến Irak – đang dần hiện rõ. Có điều
một bộ phận người Mỹ vẫn không muốn mở mắt, và dù sao cái nhìn của họ
cũng không giống các quan sát viên châu Âu.
Trước hết là sự trở lại của câu nói nổi tiếng « It’s the economy, stupid ! »
đã giúp Bill Clinton giành chiến thắng khi đối mặt với Bush cha năm
1992, do suy thoái kinh tế. Dưới thời ông Trump, kinh tế thịnh vượng,
thất nghiệp ở mức thấp nhất, Wall Street ở mức cao nhất. Tất nhiên rồi
sẽ đến hồi kết với thâm hụt ngân sách khổng lồ, đầu tư vào kỹ nghệ thụt
lùi. Nhưng năm 2019 đã không xảy ra suy thoái như dự báo, cuộc chiến
tranh thương mại thu hút mọi sự chú ý, trong khi những mức lương thấp
được tăng lên đôi chút, đủ để không tạo ra dàn đồng ca chống lại bất
bình đẳng.
Ông
Donald Trump tả xung hữu đột : hưu chiến thương mại với Trung Quốc,
Mêhicô và Canada ; Quỹ Dự trữ Liên bang giảm lãi suất. Phải kể thêm
phiên tòa truất phế không làm ông mất đi một lá phiếu nào, và cuộc khủng
hoảng Iran rốt cuộc là chiến thắng của Trump – ít nhất dưới mắt những
người ủng hộ ông.
Ứng cử viên, cựu phó tổng thống Joe Biden vận động tranh cử tại Iowa ngày 21/01/2020. |
Bài học cho Dân Chủ : Hơn 100 vòng bỏ phiếu mới chọn được ứng viên
Đối
mặt với Donald Trump là phe Dân Chủ đầy rắc rối. Phe này đề cập đến
những quan ngại của người Mỹ : bảo hiểm y tế cho mọi người, học phí quá
lớn, kiểm soát vũ khí, biến đổi khí hậu.
Cánh tả trong đảng đề
nghị một cuộc cách mạng cấp tiến, điều này không phải là bất khả. Hoa Kỳ
đã từng biết đến những sức bật : tổng thống Théodore Roosevelt (nhiệm
kỳ 1901-1909) chống lại các tập đoàn độc quyền, Franklin Roosevelt
(1933-1945) với New Deal, Lyndon Johnson (1963-1969) và các quyền dân
sự.
Nhưng liệu có thể làm cách mạng mà thiếu đi xung động ? Ông
Bernie Sanders, chủ trương xã hội chủ nghĩa, vẫn tin như thế. Tự tin với
21% ý định bỏ phiếu theo như thăm dò, ông cố đẩy bà Elizabeth Warren
(14%) ra ngoài lề. Nữ thượng nghị sĩ bang Massachusett tạo cảm giác xứng
tầm với cương vị, nhưng bà bị thụt lùi từ khi sập bẫy « ý tưởng Pháp » : đánh thuế 6% nếu có tài sản trên 1 tỉ đô la để tài trợ cho y tế. Nay bà đã hạ giọng, từ khi mất đi sự ủng hộ của Bill Gates.
Ở
cánh trung, có cựu phó tổng thống của ông Barack Obama là Joe Biden
(32% ý định bầu), quá già ; thị trưởng một thành phố nhỏ ở Midwest, Pete
Buttigieg (9%), quá mềm mỏng ; và cựu thị trưởng New York Michael
Bloomberg (9%), quá giàu. Nhất là như bà Warren nói, nếu quay lại với « business as usual » như thời Obama, thì làm sao thắng được Trump ?
Tóm lại, sương mù bao phủ, và cuộc bầu cử sơ bộ tháng Bảy tới sẽ phức tạp nếu cử tri không nhanh chóng chọn lựa. Le Monde
nhắc lại cuộc bầu cử sơ bộ ly kỳ nhất hồi năm 1924 : do hai ứng cử viên
có quan điểm đối chọi nhau về việc cấm bán rượu, rốt cuộc một nhân vật
thứ ba là John W.Davis được chọn làm ứng cử viên của đảng Dân Chủ
sau…103 vòng bỏ phiếu, và thất cử sau đó.
Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng) tại Diễn đàn Davos ngày 21/01/2020. |
Davos : Trump đả kích thái độ ngang ngược của Trung Quốc
Cũng về tổng thống Mỹ, Le Figaro ghi nhận « Donald Trump bảo vệ kết quả kinh tế tại Diễn đàn Davos ». Còn
chín tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống, ông chủ Nhà Trắng khoe sức
mạnh nền kinh tế Mỹ và nguồn năng lượng vô tận của nước mình. Les Echos cho biết « Tại Davos, Trump tố cáo những ‘tiên tri vận rủi’ về khí hậu ».
Hai
năm sau khi tham gia Davos lần đầu tiên, Donald Trump quay lại một cách
thuyết phục hơn bao giờ hết. Tổng thống Mỹ nêu ra những con số : tỉ lệ
thất nghiệp 3,5%, tạo thêm 7,5 triệu việc làm trong ba năm qua, thị
trường chứng khoán tăng 50% từ khi ông được bầu lên. Đối với ông Trump,
sự năng động này đã giúp ích cho giai cấp trung lưu và người nghèo. Theo
ông, các nước khác cần đi theo « mô hình Mỹ », nhấn mạnh « Chúng tôi sẽ không bao giờ để cho phe xã hội cực đoan phá hủy nền kinh tế Mỹ ».
Trump khoe « nguồn năng lượng vô tận »
của nước Mỹ với than đá sạch, khí đốt, dầu lửa, nguyên tử. Không một
lời nào về năng lượng tái tạo, ông khuyến khích châu Âu nên mua dầu khí
của Mỹ - hiểu ngầm : đừng mua của Nga ! Nhượng bộ duy nhất về môi trường
: Hoa Kỳ ủng hộ sáng kiến trồng 1.000 tỉ cây từ nay đến 2030 (tỉ phú Mỹ
Marc Benioff đã hứa sẽ giúp trồng 100 triệu cây).
Donald Trump không quên tấn công Bắc Kinh : theo ông Trump, thỏa thuận thương mại vừa ký đã chận lại « thái độ thích ăn tươi nuốt sống người khác của Trung Quốc » mà những người tiền nhiệm đã để mặc. Le Figaro ghi nhận trong khán phòng, vài quan chức Trung Quốc đeo tai nghe phiên dịch có nhăn mặt đôi chút. Les Echos
nhắc lại, trong Diễn đàn Davos lần đầu Donald Trump đã tỏ ra hết sức
cứng rắn trước Bắc Kinh, khai mào cho cuộc song đấu mà ngày nay ông muốn
thu lợi. Phía Trung Quốc, năm nay chỉ có một ít quan chức cấp thấp hiện
diện, không thể phản pháo ông Trump.
Hậu toàn cầu hóa đã bắt đầu
Theo đặc phái viên Les Echos tại Davos, « Ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hậu toàn cầu hóa đã bắt đầu ».
« Đất nước chúng tôi ủng hộ toàn cầu hóa, mở cửa là một trong những đặc tính chủ yếu của nền kinh tế chúng tôi ».
Tại Davos, chỉ có mỗi mình ông Hàn Chính, phó thủ tướng thứ nhất Trung
Quốc là còn tuyên bố kiểu này, những người khác không ai nhắc đến nữa.
Klaus Schawab, nhà sáng lập Diễn đàn, không còn sử dụng từ ngữ mà trước
đây xuất hiện trong tất cả các bài diễn văn. Richard Edelman, chủ nhân
công ty quan hệ công chúng Mỹ khi giới thiệu về chỉ số lòng tin, xếp
toàn cầu hóa vào các sự kiện của những năm 2000.
Và tổng thống Mỹ Donald Trump lúc nói về thỏa thuận vừa ký với Trung Quốc cho rằng đó là « thỏa thuận thương mại tiêu biểu cho thế kỷ 21 ».
Tuy nhiên Bob Moritz, công ty tư vấn PwC cho biết các chủ doanh nghiệp
Mỹ vẫn muốn đầu tư vào Trung Quốc nhưng đối với Bắc Kinh, Hoa Kỳ thậm
chí không nằm trong danh sách năm nước đầu tiên mà giới chủ Trung Quốc
muốn đầu tư. Bài viết kết luận, toàn cầu hóa trước đây là Mỹ hóa, nhưng
giai đoạn sắp tới có thể là Trung Quốc hóa.
Thủ lãnh đối lập Venezuela, Juan Guaido đến Phủ tổng thống Colombia ngày 19/01/2020. |
Venezuela : Thủ lãnh đối lập Juan Guaido được Colombia trải thảm đỏ đón tiếp
Tại châu Mỹ la-tinh, trong bài « Tại Bogota, Pompeo tái khẳng định ủng hộ Guaido », Le Monde cho biết ngoại trưởng Mỹ đã gặp gỡ thủ lãnh đối lập Venezuela, đã bí mật vượt qua biên giới đến Colombia.
Việc
ông Juan Guaido đến Bogota gây ngạc nhiên : ông đang bị chính quyền
Maduro đặt trong vòng điều tra và cấm xuất cảnh. Nhưng thủ lãnh đối lập
Venezuela được Colombia tiếp đón như một nguyên thủ, với thảm đỏ và
duyệt hàng quân danh dự. Ông loan báo một vòng công du : ghé Luân Đôn,
Bruxelles, Davos (Thụy Sĩ) dự Diễn đàn Kinh tế và rất có thể gặp được
tổng thống Donald Trump, sau đó đến Paris vào thứ Sáu 24/1 tới.
Tờ
báo đặt câu hỏi, liệu chính quyền Venezuela có để ông Guaido quay lại
sau chuyến đi này ? Hồi tháng 2/2019, thủ lãnh đối lập đã từng bí mật
vượt biên giới để lãnh đạo một hoạt động chuyển hàng nhân đạo, và quay
về Caracas trên một chuyến bay thương mại bình thường. Theo Le Monde, dù có sự ủng hộ của Mỹ hay không, việc ông quay về nước khó thể chắc chắn được.
Điệu vũ ba lê của những đồng đô la Mỹ tại Venezuela
Cũng về Venezuela, Libération có bài phóng sự « Điệu vũ ba lê của những đồng đô la xanh tại Caracas ».
Do siêu lạm phát, người dân Venezuela bỏ rơi đồng bolivar, dùng đô la
Mỹ. Chính phủ nhắm mắt làm ngơ, bất chấp nguy cơ rửa tiền và tham nhũng.
Đồng đô la đi vào thị trường Venezuela một cách không chính thức, vừa bằng phương thức hợp pháp vừa bất hợp pháp.
Trước
hết, những người lao động xuyên biên giới vốn ngày càng đông, họ sang
Colombia và Brazil làm việc và quay về trong ngày. Tiếp đến là những
người Venezuela giàu có gởi tiền ở nước ngoài nay đưa về một phần. Theo
một chuyên gia, từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thập niên 80, khoảng
1.000 tỉ đô la đã chạy ra khỏi Venezuela. Bên cạnh đó là kiều hối được 5
triệu người Venezuela sống ở nước ngoài gởi về, ước tính khoảng 3 tỉ đô
la trong năm 2019.
Hiện tượng đô la hóa nền kinh tế giúp cho giới
buôn lậu quặng mỏ và ma túy rửa tiền bẩn dễ dàng, khi chính phủ đã mất
kiểm soát. Chính quyền Maduro trước đây đả kích « đồng đô la tội lỗi », nay dường như đã thuận theo kinh tế tư bản hoang dã đang thống trị đất nước.
Nhập cư, sinh thái, điện nguyên tử : Tựa chính báo Pháp
Trang nhất các báo Paris hôm nay 22/01/2020 đều dành cho các vấn đề của nước Pháp. Le Figaro chạy tựa « Án tù : Cải cách gây bối rối cho các thẩm phán », Le Monde quan tâm đến « Những đề nghị gây sốc về chính sách nhập cư ». Trang bìa của Libération
đăng ảnh những bức tượng nàng Marianne tượng trưng cho nước Pháp, tất
cả đều màu xanh lá cây, nhấn mạnh sinh thái là yếu tố quan trọng trong
cuộc bầu cử địa phương sắp tới. La Croix nói về giới hạn của khái niệm « thuận tình » trong quan hệ, Les Echos chú ý đến việc « Pháp cam kết giảm số lượng nhà máy điện nguyên tử ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.