Tướng Qassem Soleimani là nhân vật quyền lực số 2 Iran, trong thời
gian dài ông Soleimani chủ yếu hoạt động bí mật. (Hình: Office of the Iranian
Supreme Leader via AP, File)
|
(Người Việt 03/01/2020) Đầu năm 2008, tình báo Mỹ và Israel hợp
tác theo dõi Mugniyah, lãnh tụ nhóm Hezbollah ở Lebanon, nhóm này vẫn tấn công
Israel từ hàng chục năm. Cuối cùng họ đã thấy mục tiêu chính xác, Mugniyah đang
đứng với một người không biết tên. Tình báo Israel tìm ra ngay, nhân vật đó là
Tướng Qassem Soleimani người Iran, cố vấn của nhóm Hezbollah đã bày mưu cho
nhóm này tập kích quân Israel liên tục cho tới khi họ phải rút khỏi Lebanon.
Israel thấy cơ hội may mắn, sẵn sàng hạ
sát một lúc cả hai kẻ tử thù. Nhưng Thủ Tướng Ehud Olmert ngăn lại. Vì chính phủ
Mỹ chỉ muốn thủ tiêu Mugniyah mà thôi.
Cũng trong năm 2008, Tướng David
Petraeus, chỉ huy quân Mỹ ở Iraq nhận được một bức thư viết: “Tướng
Petraeus, ông nên biết tôi, Qassem Soleimani, là người điều hành chính sách của
Iran tại Iraq, Lebanon, Dải Gaza và Afghanistan.” Lúc đó Yemen chưa trở
thành bãi chiến trường giữa Iran và Ả Rập Saudi.
Từ 20 năm qua, Qassem Soleimani là người
chỉ huy Lực Lượng Quds, bành trướng thế lực của Iran trong vùng Trung Đông. Mục
tiêu là thiết lập một “vòng đai Shi Ai” của những người cùng giáo phái mà Iran
là trung tâm. Soleimani sử dụng các phương pháp, kỹ thuật tình báo và quân sự.
Tại Iraq ông ta tổ chức các nhóm dân quân người theo phái Shi Ai, đánh các lực
lượng Quốc gia Hồi Giáo IS (Islamic State), đang chiếm một phần ba xứ Iraq.
Trong vụ này, Soleimani là một đồng minh của Mỹ, từ năm 2014 đến 2017.
Tại Syria thì khác, Soleimani chống lại
chính sách của Mỹ, bảo vệ chính quyền Bashar al-Assad, chiếm lại quyền hành khi
các nhóm IS bị tiêu tan dần sau chín năm nội chiến. Soleimani dễ lôi cuốn người
ở các nước này vì biết nói tiếng Ả Rập, Arabic. Soleimani đã cung cấp hỏa tiễn
cho dân Palestine trong Dải Gaza, để bắn vào trong nước Israel. Năm 2011, chính
phủ Mỹ đã ghi tên Soleimani trong sổ đen các tay khủng bố.
Máy bay không người lái của Mỹ đã giết
Soleimani và Abu Mahdi al-Mohandes, lãnh tụ các nhóm dân quân Iraq theo đạo Shi
Ai. Mohandes có dưới tay 140,000 lính thuộc nhiều tổ chức khác nhau, được Iran
huấn luyện và cung cấp khí giới, dù trên nguyên tắc vẫn do chính phủ Iraq chỉ
huy.
Trong ba tháng qua ở Iraq, dân quân Shi
Ai đã tấn công các căn cứ quân sự Mỹ 11 lần. Cuối tuần trước, máy bay Mỹ đánh
vào một căn cứ của nhóm mang tên Kataib Hezbollah sau một vụ đột kích làm một
người Mỹ chết. Ngày Thứ Ba, họ tổ chức biểu tình đột nhập tòa đại sứ Mỹ ở
Baghdad. Ngày Thứ Năm, 2 Tháng Giêng, Tổng Thống Donald Trump quyết định thủ
tiêu Qassem Soleimani.
Nhưng ông Trump đã để cho Bộ Trưởng Quốc
Phòng Mark T. Esper đứng ra công bố để giảm tầm quan trọng của hành động này,
nêu lý do nhằm ngăn chặn một kế hoạch giết người Mỹ mà Soleimani đang trù tính.
Thực ra, lúc nào Soleimani cũng đang trù tính việc đó. Tướng hồi hưu David H.
Petraeus nói rằng các tay chân của viên tướng này đã làm ít nhất 600 quân sĩ Mỹ
ở Iraq thiệt mạng.
Soleimani không đóng vai trò chánh thức
nào ở xứ Iraq, nhưng hành động như một “phó vương” tại một nước được Iran bảo hộ.
Năm 2014, trong lúc quân IS lên mạnh nhất, chính phủ Iraq làm một con đường từ
Đông sang Tây nối liền Tehran, thủ đô Iran, qua Syria, tới bờ Địa Trung Hải. Với
con đường này, Iran có thể tiếp tế cho các nhóm dân quân Shi Ai ở Iraq, Syria,
Lebanon, cho tới các nhóm ở Gaza, Palestine.
Trong khi xa lộ chưa thành, Soleimani đã
tới gặp bộ trưởng giao thông Iraq, Bayan Jabr, yêu cầu cho phép phi cơ chở vũ
khí đạn dược của Iran được bay qua không phận Iraq để tới Syria. Nghe đề nghị
xong, Bayan Jabr kể lại, ông đưa hai tay lên dụi mắt, miệng nói, “Ô cái mắt
tôi đau!” và nói tiếp ngay, “Tôi đồng ý!” Nghe câu trả lời,
Soleimani đứng dậy, tiến đến và hôn lên trán ông bộ trưởng Iraq.
Vụ không tập giết Soleimani là lần thứ
nhì Tổng Thống Trump ra tay mạnh ở vùng Trung Đông. Vào Tháng Mười, ông đã chấp
thuận cho biệt kích giết thủ lãnh IS là Abu Bakr al-Baghdadi, tại tỉnh Idlib,
Syria. Nhưng vụ hạ sát al-Baghdadi không quan trọng lắm, vì giáo sĩ này đang ẩn
trốn, trong bước đường cùng. Trái lại Soleimani bị thủ tiêu trong lúc thế lực
đang lên và, nếu còn sống, có ngày có thể sẽ lên làm tổng thống Iran. Hơn nữa,
đây là một đòn đánh mạnh khiến kế hoạch bành trướng của Iran trong vùng bị mất
một thủ lãnh tài ba.
Chính quyền Iran nhân vụ này đã kích
thích dân chúng căm thù Mỹ hơn, để họ quên tình trạng kinh tế xuống dốc vị bị cấm
vận. Tháng trước, dân Iran đã biểu tình khắp nơi phản đối vật giá leo thang.
Nay thì không ai dám phàn nàn gì nữa!
Soleimani được cả nước Iran để tang, và
giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei thề sẽ trả thù. Nhưng trả thù cách nào? Liệu
chiến tranh Mỹ – Iran có xảy ra không?
Khi Tổng Thống Trump không đứng ra công bố
tin tức hạ sát Soleimani tức là ông không muốn chọc giận các lãnh tụ nước này.
Sau khi xé bản thỏa ước năm 2015 với Iran, tái lập phong tỏa thương mại, và bị
trả đũa ông Trump đã nhiều lần nhẫn nhịn. Ông không làm gì sau khi thủ hạ của
Iran từ Yemen đặt thủy lôi hay quân Iran bắn hỏa tiễn vào mấy tàu chở dầu. Ông
không oanh kích trừng phạt sau khi Iran bắn một máy bay không người lái của Mỹ.
Khi Iran dùng phi đạn đánh thẳng vào nhà máy lọc dầu của Ả Rập Saudi, chính phủ
Mỹ cũng bỏ qua.
Chính ông Trump không thích chiến tranh.
Ngược lại ông luôn luôn nói chuyện rút quân ở các nước về nhà. Hơn nữa, ông không muốn một cuộc chiến
tranh khiến kế hoạch tranh cử năm 2020 bị xáo trộn.
Cho nên, chiến tranh chỉ xảy ra nếu Iran
trả đòn nước Mỹ về vụ Soleimani nặng đến mức không thể bỏ qua được.
Nhưng Iran có muốn chiến tranh với Mỹ hay
không?
Nhìn vào lực lượng hai bên, chắc họ cũng
không muốn. Không quân và hải quân Iran không thể đọ sức với Mỹ.
Vì vậy, Iran sẽ chỉ sử dụng lợi thế của
mình là các nhóm dân quân Shi Ai rải rác trong vùng, để trả đũa một cách vừa phải.
Làm sao cho khỏi mất mặt, nhưng không quá đáng đến mức gây chiến tranh!
Hành động trả thù đầu tiên chắc sẽ do các
đám dân quân Shi Ai ở Iraq thực hiện. Họ sẽ tấn công các căn cứ quân sự Mỹ, các
cơ sở dầu lửa của Mỹ ở Iraq và Syria, tổ chức các cuộc biểu tình chống Mỹ. Thủ
Tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi đã lên tiếng phản đối Mỹ xâm phạm chủ quyền của nước
ông khi thi hành vụ hạ sát vừa qua. Ông không biết sẽ làm gì để phản đối, ngoài
mấy công hàm ngoại giao. Nhưng mục tiêu của Iran là đẩy nước Mỹ ra khỏi Iraq,
và ra khỏi vùng Trung Đông nếu có thể.
Iran có thể sẽ đánh chìm mấy tàu chở dầu
trong biển Hormoz để thúc đẩy giá dầu tăng, ảnh hưởng tới kinh tế thế giới.
Nhóm Hezbollah ở Lebanon và quân Palestine ở Gaza sẽ bắn hỏa tiễn qua Israel và
chấp nhận hậu quả tàn khốc khi Israel đánh lại.
Iran sẽ công bố chương trình mới tinh luyện
chất uranium để có thể làm bom nguyên tử. Họ cũng có khả năng tấn công “cyber”
vào các hệ thống tin học do quân Mỹ sử dụng trong vùng, và có thể ngay cả trong
nước Mỹ.
Những vụ trả đũa đó sẽ được tính toán để
không đẩy chính phủ Mỹ vào thế phải tấn công trực tiếp; nhưng sẽ cố tạo tiếng
vang lớn, một phần để giữ thể diện cho chính quyền Iran, một phần để ảnh hưởng
tới cuộc vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ hai của Tổng Thống Trump. Iran không
mong gì hơn là ông Trump thất cử, và đó mới thật là mục tiêu lớn nhất để trả
thù! Cho nên những vụ tấn công, khủng bố gây tiếng vang mạnh nhất chắc sẽ được
chuẩn bị kỹ để thi hành vào Tháng Mười, 2020!
NGÔ NHÂN DỤNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.