(Người Việt 07/01/2020) Iran tuyên bố rằng họ đã có sẵn danh
sách 35 mục tiêu để tấn công quân Mỹ trong vùng Trung Đông. Nhưng chắc chắn họ
sẽ đánh lẻ tẻ, không tới mức khiêu khích quân Mỹ phải phản công toàn diện.
Nhưng Tướng Gholamali Abuhamzeh còn nói thêm rằng họ có thể đánh tới Tel Aviv, thủ
đô cũ của Israel, và cả “trái tim và đời sống” của nước Mỹ.
Mối đe dọa đó có đáng sợ hay không?
Trong quá khứ, Iran đã từng đánh tới các
địa điểm ở các nước xa, như Buenos Aires và Bangkok, nhưng rất yếu ớt. Cho nên
chắc họ sẽ tập trung vào việc tấn công các nước đồng minh của Mỹ trong vùng Vịnh,
đánh vào Israel. Đặc biệt, họ có thể nhắm ám sát một nhân vật Mỹ có tầm vóc
ngang với Tướng Suleimani mới bị Mỹ giết.
Iran đang có từ 3,000 đến 5,000 thuyền nhỏ
chạy nhanh đang hoạt động phá hoại trong vùng Vịnh. Họ có thể phá nổ mấy tàu chở
dầu trong vùng Vịnh và eo biển Hormus, nhưng khó lòng làm tắc nghẽn con đường
chuyên chở một phần năm số dầu của thế giới. Vì Hải Quân Iran còn yếu, không
dám ra mặt, và khả năng của Mỹ và các nước chung quanh có thể dọn sạch các chướng
ngại trong vòng một vài tuần lễ.
Năm 2019, Iran đã cho những lực lượng do
họ kiểm soát trong vùng bắt đầu quấy nhiễu con đường thủy chở dầu này. Mỹ đã họp
cùng sáu nước khác lập ra một lực lượng phòng vệ, và bây giờ một lực lượng do
các nước Âu Châu sắp hoạt động.
Iran có thể sẽ dùng các lực lượng địa
phương đánh vào hạ tầng cơ sở của các nước đồng minh của Mỹ trong vùng, những bến
cảng tàu chở dầu, khiến giá dầu lửa tăng. Kinh tế Mỹ không lo thiếu dầu nhưng
kinh tế thế giới có thể sẽ xuống thấp hơn, ảnh hưởng lan sang nước Mỹ.
Một mối đe dọa khác là Iran sẽ “tấn công
tin học” (cyber attack), hoặc từ xa, hoặc với các tay nằm vùng sẵn ở bên trong
nước Mỹ. Một tỉ phú Mỹ đã nếm mùi trong một cuộc tấn công kiểu này. Năm 2013,
Sheldon Adelson, một chủ casino nổi tiếng, thường ủng hộ Israel, đã đề nghị Mỹ
hãy thả một trái bom nguyên tử xuống giữa sa mạc ở Iran để cho nước này biết “Muốn
bị xóa sổ hay không?” Giáo Chủ Ali Khamenei, lãnh đạo Iran, bảo sẽ cho tỉ
phú này biết tay.
Tháng Hai, 2014, đặc công tin tặc
(hacker) đã làm cho hệ thống computer của casino của Adelson ở Las Vegas,
Nevada, khiến ba phần tư các máy chủ (server) bị hư hại. Năm sau, tình báo Mỹ
tìm ra và xác nhận rằng Iran đứng đằng sau cuộc tấn công này.
Nhưng máy móc được thay nhanh chóng, và
các casino chỉ tốn có $40 triệu thôi.
Tấn công vào các cơ sở quốc phòng sẽ khó
xảy ra nhưng điều đáng lo là tin tặc sẽ không nhắm mấy sòng bài mà đánh vào các
hệ thống điện lực, các bệnh viện, ngân hàng và các trung tâm tài chánh. Chính
phủ Anh tiết lộ tin tặc Iran đã từng xâm nhập để phá thị trường chứng khoán
London.
Nhiều vụ phá hoại bằng tin học khác ở Mỹ
cũng do Iran chủ mưu. Nhưng không vụ nào đủ lớn đến mức làm xáo trộn sống. Năm
2013, đặc công Iran đã đột nhập được trung tâm điều khiển của một đập nước ở
Rye, New York. Nhưng họ chỉ có thể lấy trộm được các dữ kiện trong máy mà không
tìm cách mở hay đóng cửa đập, vì lúc dó người ta tình cờ đang sửa chữa nên đã
không dùng computer mà dùng máy móc thường!
Gần đây nhất, công ty Microsoft cho biết
năm ngoái tin tặc Iran đã tìm cách tấn công các danh mục (account) của các ứng
cử viên tổng thống đảng Dân Chủ, các nhà báo và viên chức chính phủ Mỹ.
Nhưng Iran không đủ sức đánh phá các mục
tiêu lớn.
Vụ phá hoại lớn nhất trước đây là tại
công ty Aramco của Á Rập Saudi, công ty dầu lửa lớn nhất thế giới. Họ đã xóa sạch
hàng ngàn dữ liệu trong máy nhưng chỉ cần sửa chữa tốn mấy triệu đô la mà không
ảnh hưởng chi tới giá dầu lửa.
Tất nhiên nếu Iran mở cuộc tấn công tin học
thì Mỹ sẽ trả đũa. Mỹ có khả năng đánh vào hệ thống điện lực, hệ thống kiểm
soát không lưu và computer ở các hải cảng mà không cần dùng máy bay thả bom hay
hỏa tiễn.
Tóm lại, Iran khó lòng trả đũa trực tiếp
vào nước Mỹ hay quân đội Mỹ ở Trung Đông. Nhưng họ có rất nhiều nhóm vũ trang rải
rác trong vùng, ở nhiều nước khác nhau với khả năng khủng bố khó lường. Thường
dân Mỹ không nên đến các nước Trung Đông trong thời gian sắp tới. Ngoài những
nhóm theo giáo phái Shi Ai do Iran kiểm soát, người Mỹ sẽ còn phải đối đầu với
những nhóm theo đạo Sun Ni, mà trước đây đã tập họp trong các lực lượng al
Qaeda và IS, quốc gia Hồi Giáo.
Một hậu quả của việc hạ sát Tướng
Soleimani là lực lượng IS sẽ được dễ thở hơn, có cơ hội hồi phục. Vì Soleimani
là người tổ chức, kết hợp các nhóm Shi Ai vũ trang ở Iraq và Shi Ai, với mục
tiêu mở rộng ảnh hưởng của Iran, cho nên cũng đánh vào nhóm IS những đòn chí tử.
Từ 2014, Suleimani mở những tận tấn công quân IS trong lúc máy bay Mỹ trợ lực bằng
bom, hỏa tiễn, trực thăng, drone và nhất là tin tức bên địch.
Bây giờ các nhóm Shi Ai ở Iraq sẽ dồn sức
để chống quân Mỹ ở Iraq. Đối lại, 5,000 quân Mỹ cũng lo chống trả các nhóm quân
Shi Ai người Iraq mà Suleimani đã dựng lên, sẽ giảm bớt các cuộc hành quân đánh
dư đảng IS. Dư luận Iraq nổi lên chống Mỹ đã vi phạm chủ quyền và làm trái với
thỏa hiệp giữa hai nước đã được ký kết khi Mỹ tăng quân số vào Iraq năm 2014.
Trong lúc chính phủ Iraq còn chưa biết có
thi hành nghị quyết đuổi quân Mỹ của Quốc Hội hay không, việc hợp tác quân sự sẽ
giảm đi. Quân đội Iraq sẽ tiếp tục tiễu trừ bọn IS nhưng họ sẽ không còn được Mỹ
yểm trợ như cũ bằng không quân, vận tải, thám sát và tin tình báo như trước nữa.
Với tình trạng phải gia tăng việc tự vệ ở
Iraq, quân Mỹ cũng phải giảm bớt việc hỗ trợ 1,000 quân Mỹ còn đóng ở Syria để
bảo vệ các mỏ dầu. Trong cả hai nước đó lực lượng IS có cơ hội tái tổ chức, hoặc
tập họp dưới những danh nghĩa mới.
Mối lo của chính phủ Mỹ sẽ không phải là
đối đầu với những cuộc tấn công lẻ tẻ của Iran trong vùng Trung Đông mà còn lo
các nhóm khủng bố của những người Hồi Giáo theo phái Sun Ni có thể đông hơn và
quá khích hơn. Trước đây họ phải vừa bị Mỹ đánh vừa bị Iran đánh, bây giờ họ có
thể chọn một mục tiêu để đánh lại. Chiến dịch đánh Mỹ dễ thu hút thêm nhiều
thành viên mới hơn là đánh những tín đồ Shi Ai. Đó sẽ là một mối lo lâu dài của
nước Mỹ.
NGÔ NHÂN DỤNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.