jeudi 2 janvier 2020

Mai Bá Kiếm - Năm 2020 : Vì sao Việt Nam trở thành nước « sạt nghiệp » ?


Hổm rày, nhiều Fabooker trích phát biểu của Nông Đức Mạnh hồi năm 2006 đã nói rằng: “Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng mở ra một giai đoạn phát triển mới… để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại” với hàm ý rằng, ông Mạnh cho dân ăn cái “bánh vẽ - công nghiệp hiện đại”.

Nhưng tôi không trách ông Mạnh, vì ông chỉ là kẻ “nói theo”. Lê Duẩn mới là người chủ xướng cái “bánh vẽ - công nghiệp” này.

Lê Duẩn là "nhà tiên tri" từng phán: "Lạm phát chỉ xảy ra ở các nước tư bản, xã hội chủ nghĩa không có lạm phát". Nên năm 1985 ông cho đổi tiền lần cuối, thì sang năm 1986, khi ông chết, lạm phát lên 3 con số: 774,7%, để "thành kính phân lô"!

Ngay sau 30/4/1975, Lê Duẩn đã vạch ra chủ trương “ba dòng thác cách mạng”: Cách mạng quan hệ sản xuất; cách mạng văn hóa tư tưởng; và cách mạng khoa học kỹ thuật. Riêng “Cách mạng khoa học kỹ thuật”, Lê Duẩn chỉ đạo: “Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ”.

Nhưng thực chất “cách mạng khoa học kỹ thuật” là đánh vào các trí thức tư sản và tước đoạt tài sản của các tư sản thương nghiệp và công nghiệp (nói tránh đi là “tư liệu sản xuất”)

Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có 38.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lớn nhỏ, trong đó có 766 công ty và 8.548 cơ sở công nghiệp tư nhân - chiếm 80% năng lực sản xuất của cả miền Nam, đã bị quốc hữu hóa (quốc doanh) và tập thể hóa (hợp tác xã).

Cách mạng khoa học kỹ thuật (CMKHKT) là bắt GS Nguyễn Duy Xuân (Viện trưởng Viện Đại học Cần thơ, làm bộ trưởng giáo dục chỉ 2 ngày) đi cải tạo và chết trong trại năm 1986. CMKHKT là thay GS Nguyễn Chung Tú (Hiệu trưởng Đại học Khoa học Sài gòn) bằng PTS Lý Hòa (khi tập kết mới học lớp 4) và cho GS Phạm Hoàng Hộ (nhà thực vật học Đông Dương) làm hiệu phó bù nhìn.

Trí thức tìm cách vượt biên, ông Võ Văn Kiệt (bí thư Thành ủy TPHCM) phải sai ông Huỳnh Kim Báu (chủ tịch Hội Trí thức Yêu nước) đi lãnh các trí thức bị bắt vì vượt biên về, như GS Châu Tâm Luân.

Hãng máy may Sinco bị quốc doanh vẫn phải lưu dụng người cũ có tài như Ông Quang Nhiêu. Anh Đào Hiếu kể trên trang cá nhân, khi còn làm phóng viên Tuổi Trẻ, anh có đưa tin, ông Nhiêu và tập thể kỹ sư đã chế tạo thành công cái thuyền (phụ tùng duy nhất phải nhập từ chính hãng Sinco).

Máy may Sinco 100% nội địa hóa, nhưng với sự “lãnh đạo tài tình của Đảng ủy công ty”, Sinco ngày nay không hề sản xuất máy may, mà chuyên sản xuất máy xay lúa, máy chế biến tiêu đen, và máy giết mổ gia cầm !!! Với sự lãnh đạo tài tình của Đảng ủy công ty, Sinco phải bán trụ sở và nhà máy ở Bình Chánh (dọn về Bến Lức) và hàng trăm cửa hàng bán máy may ở nội thành Sài gòn cho tập đoàn Điện máy Nguyễn Kim.

“Ba dòng thác cách mạng” trở thành “Ba dòng thác lợi ích”.

Tương tự, Nhà máy dụng cụ đo cơ khí Nhà Bè (nơi sản xuất palme và thước cặp duy nhất trong nước), nhờ CMKHKT, nhà máy này phải bán các máy móc cơ khí có độ chính xác 1 phần ngàn milimet cho tư nhân, và bán nhà xưởng cho đại gia địa ốc xây chung cư, rồi sáp nhập công nhân vào Caric. Caric là hãng đóng tàu lớn nhất Đông Dương, ở Thủ Thiêm bị giải tỏa, phải dời về quận 7 và chỉ sửa chữa tàu biển để nuôi đám “tàn quân” (công nhân còn sót lại)!

Sau 30/4/1975, Công ty Cơ khí Miền Nam, Công ty Luyện kim đen (miền Nam luyện sắt từ sắt phế liệu, miền Bắc luyện từ quặng), Công ty Luyện kim màu (luyện vàng bạc, đồng thau)… được lập ra để quản lý nền kỹ nghệ tân tiến ở miền Nam thành kỹ nghệ... lụn bại.

Lãnh đạo, cán bộ các công ty và công nhân cùng ăn cắp nguyên vật liệu đem bán ra chợ trời. Cũng nhờ “tính ăn căp XHCN” mà các tổ hợp và cơ sở sản xuất tư nhân mới có phụ tùng thay thế máy móc và có nguyên liệu sản suất hàng tiêu dùng.

Cũng nhờ các cơ sở tư nhân này, mà khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Việt Nam không thiếu hàng tiêu dùng, trái lại du học sinh và lao động hợp tác người Việt còn mang hàng tiêu dùng “Made in Hồng Kông - bên hông Chợ Lớn” sang Đông Âu bán, và nhiều người thành đại gia như Phạm Nhật Vượng, Bầu Kiên...

Do kế hoạch hóa, các chỉ tiêu sản xuất cho các nhà máy quốc doanh đều do các Bộ giao xuống, nên không phù hợp nhu cầu. Vì vậy sản xuất mặt hàng chính (mặt hàng A) không đủ trả lương công nhân. Nhờ thế, các nhà máy quốc doanh được phép sản xuất mặt hàng phụ (mặt hàng B, mặt hàng C) để trả thêm phụ cấp công nhân. Thí dụ, mặt hàng A của Sinco là máy may, mặt hàng phụ là máy xay lúa. Mặt hàng A của nhà máy Dụng cụ đo cơ khí Nhà Bè là thước cặp và Palme, thì mặt hàng phụ là khung xe đạp và xích xe đạp. Do quá đà sản xuất mặt hàng phụ, nên không cải tiến măt hàng chính và để mất thị phần.

Năm 1990-1991, do mô hình Tổng công ty 90, 91, mẹ và con, nên “các công ty Cơ khí Miền Nam, công ty Luyện kim màu, Luyện kim đen chấm dứt CMKHKT. Rồi, tổng công ty tiến hành cổ phần hóa (tức bán cho tư nhân), CMKHKT bị “đổi màu” thành “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Cuối năm 1997, thủ tướng Võ Văn Kiệt họp chính phủ tại Dinh Thống Nhất, tôi hỏi bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư: “Tại sao trong 6 ngành mũi nhọn để đến năm 2020 Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại, lại không có ngành luyện kim? Vì nếu luyện kim không chế ra đủ loại thép carbon (Việt Nam mới sản suất được thép C45) và thép hợp kim thì “ngành mũi nhọn chế tạo máy” lấy nguyên liệu ở đâu mà chế?” Bộ trưởng Chư cười: “Anh ở báo Phụ Nữ hỏi chi chuyện chuyên môn sâu vậy?”.

Và, đúng như tôi thắc mắc, đến năm 2020, ngành luyện kim không cán được sắt tấm, phải nhập cuộn sắt tấm về để cán sóng và mạ kẽm thành tole lợp nhà; hoặc bẻ sắt tấm thành sắt hộp, sắt V, sắt Z, sắt U, sắt I để phục vụ ngành xây dựng. Do đó “ngành mũi nhọn cơ khí chế tạo máy” không chế tạo được ốc, vít như nhiều người đã nói!

Sau cùng đến đời thủ tướng 3X, nhóm lợi ích đã thâu tóm các ngành trọng yếu của quốc gia, vì được vay nợ nước ngoài để đầu tư bừa bãi, rồi bỏ túi riêng như: Dầu khí - Điện lực - Ngân hàng - Viễn thông - Hàng không - Khu chế xuất - Khu công nghệ - Dịch vụ du lịch - Dịch vụ xuất cảnh lao động….

Vì vậy, “bánh vẽ” CMKHKT đã tan tành! Năm 2020 Việt Nam không thành “nước công nghiệp hiện đại” mà thành “nước sạt nghiệp hại điện”!

MAI BÁ KIẾM 02.01.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.