Bài đăng : Thứ bảy 11 Tháng Giêng 2014 -
Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 11 Tháng Giêng 2014
Năm mới
2014 bắt đầu với nhiều sự kiện dồn dập, từ thông điệp đầu năm của Thủ
tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng được đón nhận với nhiều ý kiến khác nhau,
cho đến vụ án Dương Chí Dũng, và việc rục rịch kỷ niệm 40 năm hải chiến
Hoàng Sa. Những dấu hiệu này nói lên điều gì ? RFI Việt ngữ đã trao đổi
với giáo sư Tương Lai ở Thành phố Hồ Chí Minh về những vấn đề trên.
RFI : Kính chào giáo sư
Tương Lai, trước hết xin rất cám ơn giáo sư đã nhận trả lời phỏng vấn.
Cách đây một tuần, chính xác là ngày 2 tháng Giêng, giáo sư đã cho rằng
thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là « một ngọn gió lành
». Vì sao giáo sư có nhận xét này ?
Giáo sư Tương Lai : Phải nói là tuần vừa qua mở đầu cho năm 2014 dồn dập rất nhiều sự kiện lớn. Cứ như một đợt sóng trào, mà những con sóng dội lên trên bề mặt thực ra do sự vận động ngầm của sức nước ở bên dưới. Những điều bộc lộ trên bề mặt cuộc sống, thì tôi cứ suy nghĩ, tôi cảm thấy rằng nó cũng thể hiện được một cách khá cô đọng những vấn đề ấp ủ trong lòng xã hội Việt Nam suốt thời gian vừa qua.
Những vấn đề bức xúc mà tôi chỉ muốn nói thông qua lăng kính của một
người giàu suy tư về vận nước. Tôi cảm nhận được rằng mở đầu năm 2014,
thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một ý nghĩa động viên rất
lớn, như một ngọn gió lành.
Vì sao tôi nói như thế ? Vì ở thông điệp này nói lên được những điều
bức xúc nhất, khát vọng mạnh mẽ nhất mà xã hội ấp ủ bấy lâu nay, bây giờ
người đứng đầu chính phủ nói ra. Đương nhiên là trong thông điệp, ông
ta không thể nói hết tất cả các vấn đề được. Nhưng những vấn đề ông đã
nói, thì trong suy nghĩ của tôi, đó là những vấn đề cốt lõi nhất.
Và một tuần trôi qua, phải nói rằng dư luận cũng có rất nhiều ý kiến
tranh cãi khác nhau, chứ không phải như nhận định của tôi đâu. Nhưng cho
dù có bất cứ tranh cãi gì đi chăng nữa, sau một tuần lễ suy ngẫm, tôi
vẫn khẳng định điều đã nói. Vẫn khẳng định rằng thông điệp này có một ý
nghĩa rất lớn.
Vì ở đây ông ấy đặt vấn đề là nguồn động lực tạo nên sự khởi sắc của
sự nghiệp đổi mới, và từ đó đẩy tới những vấn đề về kinh tế, xã hội, thì
đến bây giờ gần như đã cạn kiệt rồi. Ông ấy dùng từ « không còn đủ mạnh
để thúc đẩy phát triển », tôi thì tôi nói mạnh hơn - nó cạn kiệt rồi.
Bây giờ phải tạo nên nguồn động lực mới. Cách đặt vấn đề của ông Thủ
tướng, tôi cho đó là cách đặt vấn đề trúng, và đúng. Đây là lúc chúng ta
cần có thêm động lực để lấy lại đà, mà nguồn động lực đó phải đến từ
đổi mới thể chế và phát huy dân chủ. Ông nhắc lại dân chủ vừa là mục
tiêu, vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là
xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người.
RFI : Bên cạnh đó, là vấn đề Nhà nước pháp quyền…
Điều cần chú ý hơn nữa, là ông nói rằng dân chủ gắn với Nhà nước pháp
quyền. Ông cho rằng dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp song sinh
trong một thể chế chính trị hiện đại.
Đây là một tuyên bố rất dứt khoát và mạnh mẽ. Trước đó tôi chưa hề thấy. Trước đó, tôi chưa nghe !
Từ lâu người ta cũng đã nói nhiều, nhưng khi viết về Nhà nước pháp
quyền, thì báo chí thế nào cũng thêm cái đuôi « Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa ». Trong nhận thức của tôi, đã là Nhà nước pháp quyền thì
phải mang ý nghĩa đích thực của nó. Không cần mang cái đuôi » xã hội chủ
nghĩa » làm gì cả.
Nhưng trong một thời gian dài người ta không thể chịu nổi điều đó, có
nghĩa là người ta không chịu đựng nổi Nhà nước pháp quyền. Cho nên ông
Tổng bí thư nói thẳng : Chúng ta không chấp nhận tam quyền phân lập.
Mang cái đuôi « Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa », có nghĩa là
không có tam quyền phân lập. Mà đã không tam quyền phân lập thì vừa đá
bóng vừa thổi còi, không có cơ chế kiểm soát quyền lực.
Một khi quyền lực không được kiểm soát, thì làm sao tránh khỏi chuyện
làm bậy được. Vì xu hướng chung là quyền lực đẻ ra quyền lực. Người
đang nắm được quyền lực luôn muốn mở ra vô hạn độ, và quyền lực thì gắn
liền với tham nhũng. Quyền lực có xu hướng tham nhũng, và quyền lực
tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối.
Cho nên cứ hô hào chống tham nhũng, xem đó là một món võ để động viên
nhân dân - và các cụ, nhất là các cụ lão thành khi nghe nói điều này là
đáp trúng ý của các cụ lắm. Nhưng căn nguyên của tham nhũng ở chỗ nào ?
Chính là thể chế - thể chế chính trị độc quyền toàn trị.
Vì vậy bây giờ muốn tạo nên một nguồn động lực thì phải đổi mới thể
chế và phát huy dân chủ ; gắn cái ý này với cái ý « dân chủ và Nhà nước
pháp quyền là cặp song sinh của một thể chế chính trị hiện đại ». Tôi
cho rằng đấy là ý tưởng lớn nhất, quan trọng nhất cho sự phát triển hiện
nay. Chỉ cần nhấn vào một điểm nút ấy thì sẽ bật lên như là một nút
khởi động, cả một bộ máy sẽ chuyển động theo.
Sở dĩ tôi cho là ngọn gió lành, chính là vì ông Thủ tướng nói được
điểm này. Đây là điểm cơ bản nhất mà từ trước đến nay tôi chưa nghe nói.
RFI : Như vậy theo giáo sư thông
điệp lần này đã đi vào căn nguyên của vấn đề. Nhưng cũng có những ý
kiến ngờ vực, vì lâu nay Thủ tướng Việt Nam vẫn thường bị chỉ trích về
tham nhũng, nên có thể chỉ là một tuyên bố mị dân ?
Cũng có người hỏi tôi, thì tôi trả lời thế này. Giữa mị dân và thân
dân là một lằn ranh rất mỏng manh, và lằn ranh đó tùy thuộc vào tầm
nhìn, cách nhìn để phát hiện ra lúc nào là mị dân, lúc nào là thân dân.
Nếu chỉ căn cứ vào lời nói, và cảm tính thì rất dễ đi đến quy kết không
có cơ sở. Phải dựa vào thực tế.
Ở đây, những vấn đề mà ông nêu lên, trước hết chúng ta phải xem đó có
phải là những nguyện vọng bức xúc nhất của người dân hiện nay không.
Nếu ông nêu đúng bức xúc của dân, thì trước hết người dân lấy đó làm gậy
chống đi đường.
Để xem lời ông nói có đi đôi với việc ông làm hay không, thì người
dân phải kiểm tra. Trong thông điệp ông đã nói rất rõ, mọi hạn chế quyền
tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng, và chủ yếu nhằm bảo vệ
Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…Người dân có
quyền làm những gì pháp luật không cấm, và sử dụng pháp luật để bảo vệ
lợi ích hợp pháp của mình. Và mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều
phải minh bạch.
Rồi đây người dân phải nắm lấy quyền này để mà đòi thực thi. Ví dụ
quyền tự do lập hội, tự do báo chí, quyền được biểu tình…đã được ghi
trong Hiến pháp nhưng thực tế lâu nay bị treo vì người ta không ban hành
những luật cụ thể kèm theo.
Ông ấy nói rất rõ là phải mở rộng dân chủ trực tiếp và hoàn thiện cơ
chế bầu cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp. Có nghĩa là bằng dân chủ
trực tiếp, người dân phải thực thi quyền làm chủ của mình. Quyền này
phải đấu tranh mà giành lấy, chứ đừng có tưởng cứ ngồi đấy mà xin được.
Bất cứ chính quyền nào cũng đều muốn có lợi về phía mình.
Phải cố « hoàn thiện thể chế, tăng cường dân chủ », thì đây là điều
người dân có thể bám vào đó để đấu tranh. « Hoàn thiện cơ chế phản biện
xã hội », « tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng
chính sách và lựa chọn cán bộ. Đấy là những điều mà rồi đây người dân
phải tự nâng cao trình độ và nhận thức của mình lên để tham gia vào.
Nhất là một ý hết sức quan trọng mà lần đầu tiên trong bản thông điệp
này đặt vấn đề, là phải « kiến tạo phát triển ». Tức là Nhà nước tạo
điều kiện để mọi người dân tham gia, và xã hội thực hiện những chức năng
mà xã hội có thể làm tốt hơn Nhà nước. « Kiến tạo phát triển » theo tôi
là một khái niệm mới, mở đường cho hoạt động của xã hội dân sự mà lâu
nay người ta kiêng kỵ.
Đấy là những vấn đề khá cụ thể, và đi vào những vấn đề cụ thể đó thì
mới thấy được đó là mị dân hay thân dân. Chứ còn chỉ căn cứ vào lời nói,
thì hiện nay có tình trạng cảm nhận của mỗi người có khác nhau. Khi đã
nói cảm nhận tức là nhìn nhận một cách cảm tính, yêu ghét, thích ông A
hay ông B, ông X hay ông Y.
Dưới con mắt của tôi, tôi không quan tâm đây là ông A, B, C hay
X,Y,Z. Không ! Tôi quan tâm tư tưởng của ông ấy, đề xuất của ông ấy, cái
chính sách mà ông nêu lên, chủ trương ông đề ra, giải pháp ông kiến tạo
có tiến bộ không, có thúc đẩy phát triển không.
Nhưng có một số người – đó là quyền của người ta thôi – theo cảm
tính. Khi đã có định kiến rồi, n thì gười đó nói có hay mấy cũng có thể
bảo, không, nó bịp đấy ! Chuyện đó dễ hiểu thôi. Rồi đây phải quay trở
lại với một nguyên lý có tính chất sơ đẳng : thực tiễn sẽ là tiêu chuẩn.
Thực tiễn sẽ là thước đo đúng sai của một chính sách, một giải pháp.
Nếu nói ngôn từ văn vẻ : Thực tiễn là thước đo của chân lý !
Trong thông điệp ông Thủ tướng, tôi nghĩ có những điều người dân đang
rất trông đợi. Ví dụ năm hết Tết đến, thì hãy bắt chước một nước đang
có bước phát triển ngoạn mục : thay đổi luật bầu cử, thay đổi Hiến pháp
để cho bà Aung San Suu Kyi là người trước đây đã bị quản thúc gần hai
chục năm, bây giờ có thể tham gia ứng cử tổng thống. Rồi họ thả tù chính
trị hàng loạt.
Dân đang chờ xem những người vì bất đồng chính kiến - người ta chỉ
phát biểu ý tưởng thôi, một cách hòa bình, bất bạo động nhưng bị tống
giam – thì bây giờ nên thả họ ra. Đương nhiên về vĩ mô, trong một thông
điệp chỉ có thể nói những vấn đề cơ bản lớn. Nhưng một ví dụ cụ thể như
tôi vừa nói, tuy rất nhỏ nhưng mang tính biểu tượng rất lớn. Thế thì căn
cứ vào đó mà chúng ta đo, chứ không thể nói đúng sai theo lối cảm tính
được.
RFI : Nếu đây là một chuyển biến
thực sự về hướng dân chủ và Nhà nước pháp quyền thì rất đáng mừng. Theo
giáo sư, nguyên nhân của sự thay đổi này từ đâu, và liệu có thể thực
hiện được không dù có muốn cải cách ?
Đây cũng là một câu hỏi rất cụ thể, đòi hỏi một đáp số rõ ràng. Trong
vụ xử Dương Chí Dũng, ông ta đã khai ra những nhân vật cộm cán cấp rất
to, thì bây giờ phải làm thế nào công khai và minh bạch như Thủ tướng đã
nói. Cho nên tôi mới nói trong chỉ một tuần lễ đầu năm 2014 thôi, mà đã
nổi lên rất nhiều đợt sóng mạnh.
Điểm thứ ba là vụ Hoàng Sa và Trường Sa. Vừa qua đã có kỷ niệm chiến
tranh biên giới tây nam, như thế là một bước khẳng định trở lại đường
lối, và vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc. Sắp tới đây kỷ niệm ngày mà
Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Hiện nay Nhà nước đã có
chủ trương chuẩn bị kỷ niệm sự kiện đó, và Đài truyền hình Đồng Nai đã
truyền đi bộ phim « Hải chiến Hoàng Sa » do Việt Nam Cộng Hòa quay trước
1975.
Đấy là những động thái theo tôi có ý nghĩa cực kỳ lớn. Vì nếu làm
sáng tỏ những điều này ra, thì như tôi đã trả lời, phải gắn kết vấn đề
dân chủ với động lực lòng yêu nước chống kẻ thù xâm lược. Khi hai yếu tố
này gắn kết lại với nhau, sẽ tạo nên nguồn động lực rất lớn, không gì
có thể ngăn cản được.
Về Hoàng Sa, khi ông Thủ tướng tuyên bố lịch sử là lịch sử, sự thật
là sự thật, phải đưa vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vào sách
giáo khoa, tôi cho đó là một thái độ rất rành rọt, rõ ràng. Để xem rồi
đây thực hiện như thế nào. Nếu làm được điều này, sẽ chứng tỏ chúng ta
có một bước tiến rất mới trong thái độ đối với bọn xâm lược.
Không phải vì đấu tranh ngoại giao mà lại bẻ queo sự thật đi được,
như lâu nay vẫn làm. Đó là một đường lối sai lầm, không thể chấp nhận
được. Vì vậy nếu bây giờ gắn yêu nước với dân chủ thì rất hay.
Như vậy chỉ trong bảy ngày đầu tháng Giêng của năm mới, có ba sự kiện
lớn như tôi vừa nói, và ba sự kiện này quy tụ lại những vấn đề khá cơ
bản trong đời sống Việt Nam thời gian qua.
RFI : Vừa rồi báo chí Việt Nam có những cái tựa đáng kinh ngạc, chẳng hạn « Địch đông ta ít, Việt Nam Cộng Hòa thay đổi kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa » thì
trên mạng người ta bình luận bây giờ Việt Nam Cộng Hòa cũng là « ta »
rồi. Và như giáo sư vừa nói, gần đây đã nhắc đến chuyện Trung Quốc chiếm
Hoàng Sa, kỷ niệm tử sĩ Hoàng Sa…Những chuyển biến này có liên quan gì
đến việc gần đây Trung Quốc liên tục gây hấn với Việt Nam ở Biển Đông
hay không ?
Rõ ràng với thời gian trôi qua, có những vấn đề của lịch sử sẽ được
nhìn nhận trở lại một cách đúng đắn hơn. Phải nói rằng dân đi trước Nhà
nước, đi trước Đảng nhiều lắm trong việc hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Vấn đề này đã đặt ra từ lâu rồi, và người đầu tiên đặt vấn đề một
cách trực diện là ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi ông nói trong những
ngày kỷ niệm, có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn.
Ông nói, nếu không làm lành những vết thương đó, thì đừng có khoét sâu
thêm nữa – nhưng chưa được thực hiện.
Về phía dân, cũng đã làm được nhiều – tôi không nói sâu vì không được
biết nhiều. Nhưng riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 27/07/2011,
chúng tôi có tổ chức một buổi kỷ niệm, trong đó nhà nghiên cứu Nguyễn
Đình Đầu nói rõ về vấn đề chiến tranh và Hoàng Sa.
Còn tôi có nói cái ý : đã đến lúc phải có một thái độ đúng đắn tuyên
dương những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, và
dũng cảm hy sinh tại Hoàng Sa. Tôi có dẫn ra cái câu của Phật nói rằng,
tất cả nước mắt đều có vị mặn, tất cả máu đều có màu đỏ. Máu Việt Nam
không phân biệt ở bên này hay bên kia giới tuyến. Đã đến lúc phải có một
chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc, mới có thể tạo nên động lực mới
để xây dựng đất nước.
Như vậy cách đây ba năm, vấn đề đó được chính thức công khai trong
buổi mít-tinh do chúng tôi tự tổ chức lấy với nhau tại Câu lạc bộ Phaolô
Nguyễn Văn Bình ở đường Nguyễn Thông, Thành phố Hồ Chí Minh. Bây giờ
sau ba năm, Nhà nước mới đặt lại vấn đề Hoàng Sa. Nhà nước đi sau dân,
và như vậy là đáp ứng một nguyện vọng đã chín muồi lắm rồi trong nhân
dân.
Trước đây liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa, thì kiêng dè khi nói
về thực thể Việt Nam Cộng Hòa. Dù muốn hay không, đó là một trong bốn
bên ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Paris, làm sao mà vứt bỏ thực thể ấy
được. Và nếu dùng thực thể đó mà đấu tranh thì mới nói rằng Hoàng Sa là
của Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược.
Gần đây người ta mới bạch hóa vấn đề công hàm của Phạm Văn Đồng, báo
chí đã có đưa lên. Khi công nhận hồi ấy nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
không có trách nhiệm pháp lý nào để nói về Hoàng Sa cả, vì theo Hiệp
định Genève thì Hoàng Sa nằm ở bên kia vĩ tuyến 17, thuộc về Việt Nam
Cộng Hòa. Do hồi ấy tránh nhắc lại điều đó, mà chúng ta gặp khó khăn
trong việc lập luận, đấu tranh vạch mặt Trung Quốc xâm lược để giành lấy
chủ quyền Hoàng Sa. Bây giờ vấn đề ấy rõ rồi thì phải nói lại.
Đài truyền hình Đồng Nai đã đưa tin – người ta chưa dám cho làm trên
Đài Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng thôi thì cứ bắt đầu ở Đồng
Nai cũng được, rồi từ đó tiến dần lên. Thế mà không phải mọi việc đã ổn
đâu. Báo chí đưa lên rồi nhưng sau đó có chỉ thị phải gỡ xuống !
Nhiều thế lực đan xen vào nhau trong những vấn đề về đường lối chính
sách, cũng như trong việc nhìn nhận thông điệp của Thủ tướng, có nhiều
luồng ý kiến đánh giá rất khác nhau. Đó là một thực tế, và là một nỗi
đau của dân tộc!
Một nỗi đau của đất nước, khi không tạo được đồng thuận giữa những
người lãnh đạo. Chừng nào chưa gạt bỏ những mắc mứu cá nhân, gạt bỏ vấn
đề ý thức hệ một cách khiên cưỡng và sai lầm để đặt lợi ích của dân tộc,
Tổ quốc trên hết, thì chừng ấy chưa thể rảnh tay đối phó với kẻ thù
được. Đấy là chưa nói lại còn có khi mượn kẻ thù tiếp tay để mà đấu lẫn
nhau, để mà thanh toán lẫn nhau nhân danh ý thức hệ.
Vì vậy nguyện vọng của người dân lúc này là tạo nên đồng thuận để mọi người cùng chung sức xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh.
RFI : Chúng tôi xin chân thành cảm ơn giáo sư Tương Lai ở Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng dành thì giờ trao đổi với RFI Việt ngữ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.