mardi 7 janvier 2014

Ba bóng hồng của Kim Jong Il (1)


Chương 1: Đức Mẹ đỏ của đứa trẻ

LND: Những câu chuyện về Bắc Triều Tiên và triều đại nhà họ Kim liên tục gây sốt trên mạng, thường xuyên chiếm những cột tin thời sự trên báo. Để giúp bạn đọc có cái nhìn xuyên suốt hơn, Thụy My xin giới thiệu “Ba bóng hồng của Kim Jong Il” trích trong tác phẩm “Những người phụ nữ của các nhà độc tài” tập II của tác giả Diane Ducret (NXB Perrin, 2012). Đây có thể nói là tài liệu đầy đủ, chân thực nhất về đời thường của nhân vật đứng đầu đất nước khép kín nhất thế giới với những tin tức thường làm “lạnh gáy” người đọc.

Trong tập I xuất bản năm 2011, nhà sử học Diane Ducret thuật lại câu chuyện về những người vợ và người tình của Benito Mussolini, Lênin, Stalin, Antonio Salazar, Bokassa, Mao Trạch Đông, Nicolae Ceausescu, Adolf Hitler. Với lối kể chuyện hấp dẫn, từ các tài liệu tham khảo công phu, tác phẩm này thường xuyên nằm trong danh sách best-seller tại Pháp và đã được dịch ra 18 thứ tiếng. Tập II dành cho số phận những người phụ nữ gắn bó với Fidel Castro, Saddam Hussein, Khomeiny, Slobodan Milosevic, Kim Jong Il và Oussama Ben Laden.


Xin phép được lược bỏ chương nhỏ “Một ngôi sao ra đời”, và nửa đầu của chương “Nàng không nói nữa, mà cầm súng”, nhưng thứ tự các chú thích về sách đã dẫn của tác giả vẫn được giữ nguyên.

Trích lời bạt của nhà sử học Diane Ducret ở cuối sách, đoạn nói về Kim Jong Il:

“…Tôi đang làm việc về chương tiếp theo dành cho nhà độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong Il vào lúc chỉ còn vài ngày nữa là Noël, thì được tin ông ta qua đời. Thật là điên rồ, tôi nghĩ! Một lần nữa, từ biệt các chú bê, các chị bò cái (cho những ngày nghỉ ở vùng quê), các nhân chứng. Tôi tìm kiếm người con gái nuôi của ông ta là Li Nam Ok, đã bỏ trốn khỏi Bắc Triều Tiên trong thập niên 90 để đến Paris, và nghe nói là đang viết hồi ký. Không thể nào tìm được người phụ nữ trẻ này ở thủ đô nước Pháp hay nơi nào khác. Người ta đồn là cô đã bị truy lùng được và bị ám sát trước khi có thể tung ra cuốn sách sát thủ ấy.

Sau khi điều tra, tôi phát hiện cô vẫn sống sót nhờ tình báo Pháp đã làm cho danh tính mới, và sau đó rời nước Pháp để đến một nơi nào đó bí mật hơn. Hồi ký của cô là có thật, nhưng bị cấm xuất bản vì lý do an ninh. Tôi mất nhiều tuần lễ nữa mới phát hiện ra đồng tác giả cuốn hồi ký – một người Mỹ thông thạo tiếng Pháp và hết sức dễ mến, rất xúc động vì câu chuyện đầy biến động của Li Nam Ok mà bà biết rất rõ. Bà đã trao cho tôi tài liệu quý giá mà nhiều người từ lâu tìm kiếm, và chưa bao giờ được xuất bản”.

…Kim Jong Suk đã thành công trong việc trở thành cái bóng của Kim Il Sung, nối dài cho sự hiện hữu của ông. Ông nhìn nhận: “Cô ấy biểu đạt tất cả những gì tôi nghĩ và muốn nói ra (…). Cô trộn lẫn vào nhân dân và nỗ lực lớn lao để giải quyết những vấn đề mà tôi muốn giải quyết”.

Cố gắng miệt mài của Jong Suk để người chồng thực sự là “ánh mặt trời hé rạng” - tức Nhật Thành, tên của Il Sung theo âm Hán - chẳng bao lâu đã được đền bù. Ngày 15/08/1945, sự đầu hàng bất ngờ, đáng ghi nhớ của nước Nhật đã kết thúc những tháng năm gian khổ. Liên Xô, tham chiến một tuần trước đó, tiến vào và sẵn sàng chiến đấu trong một nước Triều Tiên vừa giành được (ND: Dù Nhật hoàng Hirohito đã tuyên bố đầu hàng nhưng Hồng quân vẫn tiếp tục đổ vào). Không hề gặp kháng cự, Hồng quân tiến vào Bình Nhưỡng và các vị trí quan trọng khác ở phía bắc vĩ tuyến 38.

Stalin cần phải tìm khẩn cấp một người tin cẩn để có thể trao cho chiếc chìa khóa của đất nước này. Kẻ “săn đầu người” đã được chỉ định: đó là nhân vật đáng gờm Laventi Beria. Kim Il Sung bị loại trước tiên. Người Nga vốn chờ đợi gặp gỡ một quân nhân thiện chiến, nhìn người thanh niên 33 tuổi này với cặp mắt nghi ngại vì nhiều lý do. Theo một nhà ngoại giao, chủ yếu là vì Kim Il Sung để kiểu tóc “giống y như bồi bàn trong một tiệm ăn Tàu” (12).

Sau khi đã tiếp xúc nhiều ứng viên, cuối cùng vị Bộ trưởng Nội vụ của Stalin chấp nhận Kim Il Sung (13). Jong Suk trở thành đệ nhất phu nhân, nhưng có vẻ không vì vậy mà trở nên hiếu hòa hơn. Những tháng sau đó, quân Mỹ tiến vào bán đảo Triều Tiên, lập căn cứ ở vùng duyên hải phía nam. Cô nổi giận: “Có lẽ chúng ta còn phải chiến đấu đến cùng với  người Mỹ”. Những năm tháng du kích đã khiến cô trở thành một con người cực đoan.

Còn với Kim Il Sung thì những giấc mơ đã trở thành hiện thực: Stalin trang bị cho lực lượng “Quân đội Nhân dân Triều Tiên” mới mẻ mà ông vừa thành lập nào xe tăng tấn công, xe vận tải và pháo đủ loại. Tại Bình Nhưỡng, người ta tặng cho các tân lãnh đạo những cơ ngơi xứng đáng với địa vị của mình Ông anh đỡ đầu xô-viết tịch thu nhà cửa của những người chiếm đóng Nhật Bản để cấp lại cho họ. Rộng mênh mông và sang trọng, ngôi nhà của vợ chồng Kim Il Sung còn có cả hồ bơi.

Đây là lúc thuận lợi để mở rộng cái gia đình nho nhỏ. Chẳng bao lâu, một bé trai được đặt cho cái tên Nga là Shura, chập chững bước những bước đầu tiên trong ngôi nhà mới ấm áp. Năm sau đó, bé gái Kim Kyong Hui ra đời, lấp đầy thêm bức tranh gia đình hạnh phúc.

Nhưng năm 1948 đã làm đảo lộn tất cả. Cậu bé Shura chơi tha thẩn quanh nhà, chỉ trong phút chốc thoát khỏi tầm mắt, người mẹ đã tìm thấy đứa bé nằm bất động trong hồ bơi. Một đòn quá đau cho Jong Suk, sức khỏe cô cũng đi theo đứa con trai yêu quý.

Chồng cô viết: “Một số người nói rằng Jong Suk dành toàn bộ cuộc đời cho tôi. Ngay cả sau khi cưới nhau, cô vẫn luôn xem tôi là người chỉ huy, người hướng đạo, thủ lãnh tối thượng. Quan hệ của chúng tôi là giữa người thống trị với kẻ bị trị, và giữa hai đồng chí với nhau” (14).

Trích nguồn:
(12) O Yong Jin, An Eyewitness Report, Pusan, 1952.
(13) Jasper Becker, Rogue Regime: Kim Jong Il and the Looming Threat of North Korea, Oxford University Press, 2005.
(14) Il Song Kim, Kim Il Sung: With the Century, tập 8, Foreign Languages Publishing House, Bình Nhưỡng, 1992/1996.


2 commentaires:

  1. http://vi.wikipedia.org/wiki/Kim_Nh%E1%BA%ADt_Th%C3%A0nh
    Nhầm Kim Il Sung là Kim Nhật Thành, không phải Kim Chính Nhật.

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.