dimanche 14 octobre 2012

Trung Quốc : Bầu cử nguyên thủ quốc gia bí mật nhất thế giới

Tập Cận Bình (giữa), nhân vật số 1 tương lai của Trung Quốc.

(Marianne 6-12/10/2012) Tháng 11 tới, Trung Quốc sẽ có một tân Chủ tịch nước. Nhưng một trong những nguyên thủ quốc gia quyền lực nhất thế giới được chọn lựa như thế nào ? Bí ẩn nhiều hơn xác thực. Hãy làm một cuộc du hành vào trung tâm quyền lực chế độ cộng sản Bắc Kinh.

François Godement là một trong những chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc của Pháp. Ông lãnh đạo Viện nghiên cứu độc lập Asia Centre tại Paris, và hôm 11/10 đã xuất bản cuốn « Trung Quốc muốn gì ? Từ Mao Trạch Đông đến chủ nghĩa tư bản » (NXB Odile Jacob).

Marianne : Tháng tới, Trung Quốc sẽ có Chủ tịch mới là Tập Cận Bình, thay chân Hồ Cẩm Đào. Việc chỉ định một trong những nhân vật quyền lực nhất hành tinh diễn ra như thế nào ?

François Godement : Tại Trung Quốc, giới chóp bu tự chỉ định ! Và còn về phương cách diễn ra như thế nào, thì đó là một chiếc hộp đen…Không có hệ thống nào giống với triều đình La Mã hơn là ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Về mặt chính thức, thì ĐCSTQ sẽ tổ chức đại hội lần thứ 18 kể từ ngày 8/11. Thời điểm họp phải mất khá lâu mới xác định được, có thể nghĩ rằng đó là do các vụ thương lượng trong nội bộ. Các nhân vật cao cấp nhất còn phải bàn bạc về số phận của nhà lãnh đạo « bị trừng phạt » là Bạc Hy Lai. Số 2.250 đại biểu dự đại hội sẽ bầu ra Ủy ban trung ương, Bộ Chính trị và Tổng bí thư Đảng. Trên nguyên tắc, thì người đó sẽ là Tập Cận Bình.

Tôi nói trên nguyên tắc, vì sự mất tích của ông Tập về mặt truyền thông mà không được giải thích trong hai tuần lễ của tháng Chín, khiến chúng ta phải thận trọng. Một khi Tổng bí thư đã được chỉ định, thì ông ta sẽ trở thành Chủ tịch nước, được Quốc vụ viện bầu ra vào kỳ họp duy nhất hàng năm vào tháng 3/2013. Vào một thời điểm chưa được biết rõ, ông ta cũng sẽ trở thành Chủ tịch Quân ủy Trung ương, có nghĩa là thủ lãnh thực sự của quân đội. Nhân vật số một Trung Quốc nắm cùng lúc ba chức vụ này.

Như vậy đó là nhân vật quyền lực nhất ?

Người đứng đầu đất nước sử dụng quyền lực trong một tập thể lãnh đạo. Những nhà lãnh đạo thực sự là các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị. Hiện nay có 9 vị, nhưng con số này có thể thay đổi, từ 5 tới 11 người. Luôn luôn là một số lẻ, để có thể có được đa số khi bầu…Đó là những nhân vật lãnh đạo Trung Quốc. Trong một số trường hợp, chẳng hạn chỉ định những chức vụ quan trọng, các thành viên cũ của ủy ban này cũng tham gia. Đó là nguyên tắc các cuộc họp mở rộng cho các lãnh đạo về hưu, nhưng vẫn tiếp tục có ảnh hưởng.

Đảng lãnh đạo đất nước, nhưng làm thế nào chọn lựa các đại biểu đi dự đại hội ?

ĐCSTQ có 85 triệu đảng viên, và tiến trình chọn lựa rất lâu lắc. Đảng khoe rằng số ứng viên nhiều hơn 15% so với số ghế đại biểu, và như vậy cũng có sự tham khảo trong nội bộ.

Vì mọi việc chỉ được quyểt định ở chóp bu ĐCS, nên đó là kết quả các cuộc đấu tranh giành quyền lực trong việc chỉ định nhân vật số một và các lãnh đạo chủ chốt ?

Các chuyên gia rành rẽ nhất không đồng thuận với nhau, và không có một giải thích nào về đấu tranh giữa các phe phái tỏ ra hoàn toàn thuyết phục. Thậm chí còn mù mờ hơn cả mười năm trước !

Nói một cách đơn giản, thì có ba phe nhóm lớn. Trước hết là « thái tử đảng », tức là con cái của các lãnh tụ cựu trào, một loại quý tộc chính trị tự coi mình là những người chủ của chế độ. Hệ thống này còn được cha của Bạc Hy Lai trong thập niên 90 nâng lên thành lý thuyết : mỗi gia đình quý tộc đỏ chỉ có thể chỉ định ra một người thừa kế chính trị mà thôi ! Thân thế là một tiêu chí quan trọng, nhưng giữa các « thái tử » này có tương trợ lẫn nhau không ? Chẳng có gì cho thấy điều đó.

Phe thứ hai là phe Thượng Hải, gồm những nhà lãnh đạo sinh ra tại Thượng Hải hay nhiều năm nắm giữ các chức vụ ở thành phố lớn nhất nước này, nơi mà các công ty quốc doanh rất mạnh.

Phe thứ ba gồm các lãnh đạo xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản, như đương kim Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Từ thập niên 50, đây là một nhánh tự do nhất, cải cách nhất. So với « thái tử đảng », thì là những người bình thường, đi lên từ hoạt động đảng. Họ được giới thiệu như các lãnh đạo gắn bó với các mục tiêu xã hội hơn, chủ trương phân bố thành quả tăng trưởng một cách hiệu quả hơn.

Nhưng tôi xin nhắc lại là cách phân chia đơn giản này của các nhà Trung Quốc học ngày càng khó giải thích về chính trị Trung Quốc, hiện là một chiếc hộp đen bí mật hơn bao giờ hết.
Nhân vật số một tương lai là ông Tập Cận Bình từ đâu mà ra ?

Đó là một « thái tử đỏ », xuất thân từ một gia đình vốn là nạn nhân của Cách mạng văn hóa. Cha ông ta là Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun), cựu Phó thủ tướng, từng bị tù rồi được phục hồi sau khi Mao Trạch Đông chết. Tập Cận Bình trong quá trình hoạt động có những quan hệ chặt chẽ với quân đội. Ông là một người đàn ông 59 tuổi lịch sự, tính cách cởi mở, có người vợ sau là một ca sĩ rất nổi tiếng – bà Bành Lệ Viên (Peng Liyuan), một ngôi sao thật sự, mang cấp tướng trong quân đội. Người vợ đầu đang sống tại Anh, còn con gái học ở đại học Havard, Hoa Kỳ.

Còn những ý tưởng, chương trình hành động của ông ta ? Chúng ta hoàn toàn không biết gì cả ! Tập Cận Bình rất ít phát biểu, và các tuyên bố của ông ta nhiều khi mâu thuẫn lẫn nhau…

Hồi tháng Ba, Bạc Hy Lai, ngôi sao đang lên trong đảng, đã bị đột ngột ngưng mọi chức vụ và người vợ bị bắt sau cái chết của một doanh nhân Anh. Vụ này đóng vai trò gì trong quá trình chuyển giao quyền lực đang diễn ra ?

Đây vừa là một bước ngoặt, vừa là một tiết lộ thú vị. Về thực chất của sự việc, chúng ta gần như không biết gì cả : điều chắc chắn duy nhất là nhà tư vấn Anh Neil Heywood đã chết…Bạc Hy Lai là một « thái tử », mà người cha là một trong những người bị các đồng chí mình ghét nhất. Bản thân ông Bạc là một người học đòi theo Bonaparte, một ứng viên đầy tham vọng vào vị trí quyền lực. Ông hành động không đắn đo, không vì lý tưởng, dù ở địa phương ông ta đã áp dụng những kiểu cách mao-ít.

Có lẽ Bạc Hy Lai là nạn nhân của một sự trả thù trong nội bộ đảng, vì người ta sợ lại xuất hiện một nhân vật có tính cách mạnh mẽ. Sự kiện này hiện nay khá hiếm hoi, vì sau khi thời kỳ Mao chấm dứt, người ta không còn phải đổ máu để giải quyết những vấn đề trên thượng đỉnh quyền lực. Với khuynh hướng sử dụng bạo lực và săng-ta, Bạc Hy Lai gây lo ngại, vì dường như ông ta muốn trở lại với bạo lực ở thượng tầng.

Những người cộng sản Trung Quốc có còn là cộng sản ?

ĐCSTQ là một đảng theo kiểu Lênin. Những gì còn tồn tại là phương cách nắm quyền, nhưng trên thực tiễn, họ không thực sự tự cho là mác-xít, họ vẫn luôn giữ truyền thống vật chất thực dụng. Một số người cộng sản vẫn rao giảng về bình đẳng xã hội, nhưng không phải tất cả. Nhiều khuynh hướng cùng sống chung trong đảng. Chủ thuyết Khổng Tử đã quay lại mạnh mẽ với những người bảo thủ nhất, và cũng có một nhánh lớn chủ trương tự do từ khi mở cửa kinh tế vào thập niên 80. Nhưng những người cộng sản Trung Quốc cũng chú ý nhiều đến kiểu Nhà nước phúc lợi của châu Âu. Năm 2009, họ đã áp dụng loại hợp đồng vô thời hạn sao chép theo mô hình của Pháp, và thế là những người tự do nhất đã chỉ trích « luật lệ kiểu Pháp »…

Đương nhiên Trung Quốc không còn là một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhưng sẽ quá giản đơn nếu nói đó là một chế độ tư bản mang bộ mặt cộng sản. Cũng có những nhân tố thăng tiến xã hội, chẳng hạn các trường đại học ở các thành phố lớn tuyển lựa một cách dân chủ hơn các trường nổi tiếng của Pháp.

Nghe nói rằng với tỉ lệ tăng trưởng dưới 7-8%, Trung Quốc sẽ gặp phải những bất ổn xã hội và chính trị, ông nghĩ thế nào ?

Có những nguy cơ cao độ. Các chính quyền địa phương nợ nần rất nhiều, và nguồn thu thuế lệ thuộc vào địa ốc, như vậy tình hình khá nhạy cảm. Thêm vào đó là các khó khăn về xuất khẩu, trong một quốc gia mà tăng trưởng là nhờ các thị trường nước ngoài, và căng thẳng xã hội thì rất cao. Vật giá gia tăng đã đánh mạnh vào những người làm công ăn lương ở đô thị, những người giàu càng giàu thêm, gây ra chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân. Tình trạng bất bình đẳng tại Trung Quốc cao gấp đôi so với Pháp, và điều này rất mới mẻ vì chỉ mới phát triển trong hai mươi năm gần đây. Đó là một hiện tượng hết sức thô bạo.

Đứng trước khủng hoảng nội bộ, việc quay sang chủ nghĩa dân tộc có thể xảy ra ? Căng thẳng trên biển với Nhật Bản không phải là dấu hiệu tốt…

Khi nói về dân tộc chủ nghĩa, cần phải phân biệt hai mặt nội bộ và bên ngoài. Về đối ngoại thì tôi không lo, vì hệ thống Trung Quốc kiểm soát quá chặt để có thể xảy ra manh động, và các nhà lãnh đạo Bắc Kinh là những người thực tế. Đã hẳn là Trung Quốc muốn khẳng định mình bất chấp tất cả các nước láng giềng, và mở rộng thống trị trên biển, nhưng họ không đi quá xa.

Ngược lại trong nội bộ, chủ nghĩa dân tộc được sử dụng vào cuộc chiến chính trị bên trong đảng. Từ thập niên 90, quan điểm dân tộc chủ nghĩa được tăng cường rất đáng kể, nhất là trong giáo dục ở nhà trường. Một bộ phận quan trọng các thanh niên có học, mà chúng ta thấy được trên internet, là những người dân tộc cực đoan. Họ biểu tình trên đường phố và đôi khi với bạo lực, đương nhiên là có sự đồng tình của đảng, thậm chí được khuyến khích. Nếu họ xuống đường đòi dân chủ, thì sẽ không được như thế. 

Trung Nam Hải: Điện Kremlin của Bắc Kinh












jeudi 11 octobre 2012

Một blogger Trung Quốc kiện chính quyền ra tòa vì bị bắt đi cải tạo

Bài đăng : Thứ năm 11 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 11 Tháng Mười 2012 
Hôm qua 10/10/2012 tại Trùng Khánh đã diễn ra một phiên tòa đặc biệt : một người tù đã kiện việc ông ta bị bắt đi cải tạo lao động. Bị bắt hồi tháng Tám năm ngoái, người này bị kết tội là đã gởi đi các tin nhắn twitter « ca ngợi mô hình phương Tây » và « xúc giục cư dân mạng nổi loạn ».

Việc các blogger bị bắt đi cải tạo lao động không phải là trường hợp hiếm hoi tại Trung Quốc, nhưng việc được kiện ra tòa mới là chuyện hiếm thấy. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :

« Những lá phiếu xanh đỏ được một rừng cánh tay giơ cao cùng với khẩu hiệu « Một lá phiếu cho mọi người để thay đổi Trung Quốc ». Đó là nội dung mẩu twitter đã đưa ông Nhậm Kiến Vũ (Ren Jianyu) vào trại cải tạo lao động khu Phù Lăng (Fuling) ở Trùng Khánh. Bạn gái của ông cho chúng tôi biết qua điện thoại : « Ngày 17 tháng Tám năm 2011, công an đã đến văn phòng nơi anh ấy làm việc, tịch thu các tài liệu và máy tính, rồi bắt giữ anh, buộc đi cải tạo ngay trong ngày ».

Nhậm Kiến Vũ năm nay 25 tuổi, trước đây là nhân viên cơ quan kế hoạch hóa gia đình ở trấn Úc San (Yushan), huyện Bành Thủy (Pengshui) thuộc thành phố Trùng Khánh. Anh đã trải qua một năm trong trại lao cải, bên cạnh bọn cướp giật, đánh lộn, dân oan đi khiếu nại, người nghiện ma túy và người dùng internet. Nhậm Kiến Vũ không phải là một trường hợp ngoại lệ. 

Luật sư của anh nói : « Đáng buồn là các vụ như thế này hiện diện khắp nơi tại Trung Quốc, cái mới là người ta nói về nó. Công an đã tìm được cách làm ra tiền từ những người tù. Họ phải sản xuất mọi thứ, từ các dây trang trí mùa Noel, tay nắm cho các thùng sữa và các trái banh bóng rổ mà không hề được trả lương ».

Các thẩm phán của tòa án số 3 Trùng Khánh cho rằng Nhậm Kiến Vũ không tôn trọng thời hạn ba tháng để phản đối lệnh đi cải tạo, và tòa đã tiến hành nghị án. Cần phải biết rằng trong loại vụ kiện này hiếm khi được chấp nhận, chính quyền thường muốn bồi thường cho người đi kiện để họ im tiếng. 

Một luật sư tham gia vụ này cho biết : « Trong nhiều năm, Trùng Khánh sống dưới một chế độ đặc biệt. Ông Bạc Hy Lai muốn tiến hành một loại cách mạng văn hóa mới trong thành phố. Nhậm Kiến Vũ chính là ví dụ của chính sách tùy tiện này, vì anh đã bị bắt và lãnh án cải tạo lao động trong cùng một ngày ».

Từ ngày 29/6 đến nay, đã có hai người tù cải tạo ở Trùng Khánh được trả tự do, và đòi phải được bồi thường ; khiến nhiều người khác cũng muốn kiện tụng theo. Theo tờ Tài Kinh, năm 2010 có 310.000 người tù trong các trại cải tạo ở Trung Quốc ».

tags: Châu Á - Trung Quốc - Tư pháp - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121011-mot-blogger-trung-quoc-kien-chinh-quyen-ra-toa-vi-bi-bat-di-cai-tao 

Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn đoạt giải Nobel văn học

Bài đăng : Thứ năm 11 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 11 Tháng Mười 2012 

Giải Nobel văn học 2012 được dành cho nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn. Khi công bố tên người đoạt giải vào hôm nay 11/10/2012, Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển nhấn mạnh « sự kết hợp kỳ ảo giữa chủ nghĩa hiện thực với hư cấu, lịch sử và đương đại ». Nhà văn cho biết « sững sờ » nhưng « hạnh phúc » vì tin này, và hứa hẹn sẽ đầu tư sáng tác nhiều hơn.

Từ quê nhà là huyện Cao Mật (Gaomi) tỉnh Sơn Đông, nhà văn Mạc Ngôn (Mo Yan) tên thật là Quản Mô Nghiệp (Guan Moye) khi trả lời Tân Hoa Xã đã cho biết, ông rất vui mừng khi được giải, và sẽ tập trung sáng tác thêm các tác phẩm mới.

Bút hiệu Mạc Ngôn (có nghĩa là « không nói ») được chọn lựa khi ông xuất bản tác phẩm đầu tiên « Củ cải đỏ trong suốt » năm 1986, trong đó một cậu bé từ chối nói chuyện, qua ngòi bút đã thuật lại cuộc sống nông thôn, như tác giả đã sống qua thời trẻ.

Được xem là thân cận với chế độ, Mạc Ngôn bị một số nhà văn khác chỉ trích vì không hỗ trợ cho các tác giả ly khai. Nhà ly khai nổi tiếng Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng), được xem là biểu tượng của phong trào dân chủ ở Trung Quốc, hôm nay đã phê phán việc trao giải cho Mạc Ngôn, cho rằng đây là một quyết định nhằm làm đẹp lòng Bắc Kinh.

Hôm nay truyền hình nhà nước Trung Quốc đã tạm ngưng chương trình thời sự hàng đêm để loan tin nhà văn Mạc Ngôn được giải Nobel văn học 2012. Sau đó là phát biểu của Phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, cho đây là một sự kiện đáng mừng đối với văn chương Trung Quốc. Còn Nhân dân Nhật báo đã chúc mừng nhà văn mang quốc tịch Trung Quốc đầu tiên đoạt được giải thưởng cao quý này. Thông tin cũng đã nhanh chóng được cư dân mạng Trung Quốc vui mừng đón nhận.

Trước đây vào năm 2000, nhà văn Cao Hành Kiện (Gao Xingjian) cũng đã được trao giải Nobel văn học, nhưng nhà văn này năm 1998 đã rời Trung Quốc và chọn lựa quốc tịch Pháp, nên tin ông được giải xem như một « cái tát » đối với Bắc Kinh. Còn năm 2010, khi nhà ly khai Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) được tặng giải Nobel hòa bình, Trung Quốc đã kiểm duyệt tin trên và gọi các thành viên Ủy ban Nobel là « những tên hề ».

Một số tác phẩm của Mạc Ngôn, đã được dịch sang tiếng Việt, chẳng hạn cuốn « Báu vật của đời » được bán rất chạy ở Việt Nam. Tuy nhiên cuốn « Ma chiến hữu » đã gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau tại Việt Nam vì viết về cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979.

Từ Hà Nội, dịch giả Trần Đình Hiến, người đã dịch sáu tác phẩm của Mạc Ngôn ra tiếng Việt cho biết:

Dịch giả Trần Đình Hiến - Hà Nội
11/10/2012
by Thụy My
tags: Châu Á - Nobel - Quốc tế - Trung Quốc - Văn hóa - Văn học
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20121011-nha-van-trung-quoc-mac-ngon-doat-giai-nobel-van-hoc-2012

Quốc hội Mỹ : Lãnh đạo Trung Quốc coi thường nguyện vọng dân chúng

Bài đăng : Thứ năm 11 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 11 Tháng Mười 2012 

Báo cáo của một ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc gồm các thành viên chính phủ và các dân biểu, được công bố hôm qua 10/10/2012 tố cáo « sự cách biệt ngày càng tăng » giữa đòi hỏi của người dân về nhân quyền và sự đáp ứng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trong bản báo cáo thường niên, ủy ban này xác định là trong năm qua đã ghi nhận được nhiều cuộc biểu tình « chưa từng thấy » chống lại tình trạng « thiếu các quyền tự do căn bản và nạn lạm dụng quyền lực ». Ủy ban còn chỉ trích « một khoảng cách đang tăng lên giữa nhu cầu ngày càng nhiều của nhân dân Trung Quốc và khả năng cũng như ý hướng của chính quyền nhằm đáp ứng các nhu cầu này ».

Báo cáo viết : « Trong một năm được đánh dấu bởi các xì-căng-đan chính trị lớn và việc chuyển giao quyền lực, các lãnh đạo Trung Quốc dường như lo lắng đến việc duy trì ổn định và giữ nguyên trạng, hơn là đáp ứng nhu cầu cải cách của nhân dân ».

Theo dân biểu Chris Smith, đồng chủ tịch ủy ban, thì việc giam giữ các nhà hoạt động nhân quyền « là bằng chứng cho thấy con đường để Trung Quốc trở thành một đất nước tôn trọng luật pháp và các quyền con người hãy còn xa ».

Nổi bật nhất trong năm qua tại Trung Quốc là vụ nhà ly khai Trần Quang Thành đào thoát được khỏi ngôi làng nơi ông bị quản thúc suốt một năm rưỡi hồi tháng Tư, sau khi ở tù bốn năm vì tố cáo các vụ cưỡng bức phá thai theo chính sách mỗi gia đình chỉ có một con. Giải Nobel hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba thì cũng vẫn đang bị cầm tù.

Ủy ban trên cũng nhận định số phận các dân tộc thiểu số là « đặc biệt đáng lo ngại », nêu lên làn sóng tự thiêu của người Tây Tạng, hay việc trấn áp người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi.

Tuy nhiên báo cáo cũng ghi nhận có lóe lên một vài tia hy vọng, như số công nhân thiệt mạng vì tai nạn hầm mỏ giảm xuống, hay việc cải cách thủ tục trong các vụ án hình sự, giúp các luật sư dễ dàng tiếp cận hồ sơ hơn.

tags: Châu Á - Hoa Kỳ - Nhân quyền - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121011-quoc-hoi-my-chinh-quyen-trung-quoc-khong-dap-ung-duoc-doi-hoi-nguoi-dan-ve-nhan-quye 

mercredi 10 octobre 2012

Tham vọng của các tập đoàn viễn thông Trung Quốc bị đe dọa

Bài đăng : Thứ tư 10 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 10 Tháng Mười 2012 
Hai tập đoàn viễn thông Trung Quốc là Hoa Vi (Huawei) Trung Hưng Thông Tấn (ZTE) bị Quốc hội Mỹ nghi ngờ có thể làm gián điệp, lại tiếp tục gặp thêm các rắc rối mới. Hôm nay 10/10/2012 Trung Hưng Thông Tấn cho biết tập đoàn Mỹ Cisco Systems đã chấm dứt hợp tác với họ. Còn Canada hôm qua cấm một số nhà cung cấp thiết bị viễn thông nước ngoài tham gia xây dựng một mạng lưới quan trọng cho chính phủ, tuy không nêu đích danh Hoa Vi.

Theo báo chí, thì việc Cisco Systems chấm dứt hợp đồng hợp tác chiến lược với Trung Hưng Thông Tấn - chủ yếu là mua các bộ định tuyến và các thiết bị khác - do Cisco phát hiện ra đối tác Trung Quốc bán thiết bị cho Iran, vi phạm các quy định cấm vận của Hoa Kỳ.

Về phần chính phủ Canada, đã nêu ra ngoại lệ về an ninh quốc gia trong các hiệp định thương mại quốc tế, để cấm một số nhà cung cấp thiết bị viễn thông nước ngoài tham gia tái thiết mạng lưới thông tin bị hư hại sau các vụ tấn công tin học năm 2010. Các ngoại lệ này liên quan đến việc gọi thầu cung ứng cơ sở hạ tầng, các hệ thống và dịch vụ có liên hệ đến thư điện tử, viễn thông và trung tâm xử lý dữ liệu.

Phản ứng này của Canada diễn ra sau khi Ủy ban Tình báo của Quốc hội Mỹ đưa ra báo cáo nghi ngờ các thiết bị của hai tập đoàn Trung Quốc trên có thể được Bắc Kinh sử dụng vào mục đích gián điệp.

Riêng đối với Hoa Vi, báo cáo của Quốc hội Mỹ đã làm ảnh hưởng đến tham vọng trở thành một nhãn hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới như Apple và Samsung. Hiện nay Hoa Vi đang là nhà cung cấp thiết bị viễn thông thứ nhì thế giới, chỉ sau Ericson. Hiện diện tại 140 nước, thu dụng trên 110.000 nhân công vào cuối 2010, Hoa Vi có doanh số 32 tỉ đô la trong năm ngoái. Bên cạnh việc cung ứng thiết bị cho 45 đến 50 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại lớn nhất thế giới, Hoa Vi đang muốn phát triển các loại điện thoại thông minh để cạnh tranh với Apple và Samsung.

Nay thì Hoa Vi có nguy cơ không thể ký được hợp đồng hay mua các công ty ở Hoa Kỳ, và các hệ thống của chính phủ Mỹ, đặc biệt trong các lãnh vực nhạy cảm, không thể có các thiết bị, phụ tùng của Hoa Vi và Trung Hưng Thông Tấn. Hạn chế này sẽ tác động lớn đến Hoa Vi, năm ngoái đã bán được 1,3 tỉ đô la vào thị trường Mỹ.

Trong quá khứ, Hoa Vi đã từng bị ngăn trở khi đầu tư vào Mỹ, và năm nay bị Úc ngăn không cho tham gia dự thầu một mạng lưới đường truyền tốc độ cao. Tại Anh, nơi Hoa Vi thiết lập một trung tâm bảo vệ dữ liệu tin học, các viên chức an ninh cũng tiến hành kiểm tra các thiết bị Trung Quốc để tránh mọi rò rỉ thông tin.

tags: Châu Á - Kinh tế - Trung Quốc - Viễn thông
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121010-tham-vong-cua-cac-tap-doan-vien-thong-trung-quoc-bi-de-doa 

Những bữa cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo ở Việt Nam

Thứ tư 10 Tháng Mười 2012 

Tại Việt Nam hiện nay, không ít trường hợp chỉ cần mắc phải một cơn bệnh ngặt nghèo là gần như tán gia bại sản để chạy chữa. Chi phí thuốc men, xét nghiệm, viện phí…vô số phí đè nặng lên người bệnh và gia đình. Riêng đối với những chứng bệnh nan y phải chữa trị lâu ngày thì có những người đã cạn tiền thậm chí phải nhịn luôn bữa ăn.
Trước thực tế này, một số nhóm từ thiện đã ra đời, cung cấp những bữa ăn miễn phí hay bán cơm với giá rẻ cho người bệnh và thân nhân.

Một trường hợp được báo chí trong nước nói đến gần đây, là nhóm của Nguyễn Thành Trung ở Hà Nội. Là một thanh niên 24 tuổi con nhà giàu, nhưng một lần tình cờ thấy bức ảnh một ông cụ nằm đói lả được cư dân mạng chia sẻ, Trung xúc động và nảy ra ý tưởng làm những bữa cơm miễn phí phát cho bệnh nhân. Nhưng sau đó, thay vì miễn phí, nhóm của Trung đã bán với giá tượng trưng là năm ngàn đồng Việt Nam để người nhận khỏi ngại ngùng.

Trong tạp chí cộng đồng hôm nay, chúng tôi mời thính giả chia sẻ những lời tâm sự của các bạn Nguyễn Thành Trung và Trịnh Quốc Huy ở Hà Nội. Bên cạnh đó là bạn Phạm Ngọc Thịnh, nhóm từ thiện Bửu Sơn và bà Huỳnh Thị Ánh Huệ, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 17 quận Bình Thạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh.

TỪ KHÓA : Tạp chí - Việt Nam - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20121010-nhung-bua-com-tu-thien-cho-benh-nhan-ngheo-o-viet-nam 

Giải Nobel hóa học 2012 được trao cho hai nhà khoa học Mỹ

Bài đăng : Thứ tư 10 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 10 Tháng Mười 2012 
Ủy ban giải Nobel hôm nay 10/10/2012 loan báo, giải thưởng Nobel về hóa học 2012 được dành cho hai nhà khoa học Mỹ là Robert Lefkowitz và Brian Kobilka, vì các nghiên cứu về thụ thể bắt cặp với protein G, những tế bào cho phép con người thích ứng được với môi trường.

Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển giải thích : « Cơ thể chúng ta là một hệ thống mà các tương tác giữa hàng tỉ tế bào được điều tiết rất tinh tế. Mỗi tế bào có những thụ thể, là những protein giúp cảm nhận được môi trường xung quanh và thích ứng với hoàn cảnh mới ».

Ban giám khảo trao giải Nobel hóa học cho hai nhà khoa học trên nhờ những khám phá của họ về « hoạt động bên trong của một hệ chất cảm thụ quan trọng », đó là các thụ thể bắt cặp với protein G (RCPG), cho phép các tế bào « thích ứng được với hoàn cảnh mới », mà lâu nay vẫn là một bí mật.

Sven Lidin, thành viên Ủy ban Nobel cho biết : « Nhờ nghiên cứu của Robert và Brian mà chúng ta biết được các protein cảm thụ này như thế nào. Các RCPG đóng vai trò chủ yếu trong việc thông tin liên lạc giữa các tế bào với nhau »,« một sự mất cân bằng trong việc thông tin này dẫn đến rối loạn về sức khỏe ».

Theo ông Lidin, thì hiện nay người ta cho rằng có đến 50% dược phẩm dựa trên tác động nhắm vào các RCPG. Biết được tính chất và cách hoạt động của RCPG sẽ giúp chúng ta có được các công cụ để chế tạo các dược phẩm tốt hơn, gây ra ít tác dụng phụ hơn.

Ông Lefkowitz, 69 tuổi là giáo sư y học và sinh hóa, làm việc tại Viện Y khoa Howard Hughes ở Chevy Chase, ngoại ô Washington. Còn ông Kobilka, 57 tuổi, là giáo sư y học và vật lý sinh học phân tử, tế bào của trường đại học Stanford, California. Cả hai đều cho biết hết sức kinh ngạc khi biết mình được trao giải thưởng cao quý này.

Lefkowitz đã bắt đầu sử dụng chất phóng xạ vào năm 1968 để định vị các thụ thể của tế bào. Ê-kíp của ông đã trích xuất được thụ thể này từ vách tế bào, và bắt đầu hiểu được cách hoạt động của chúng. Trong thập niên 80, ê-kíp nghiên cứu có được một bước tiến đáng kể, khi người mới gia nhập là Kobilka thành công trong việc cô lập gien béta-adrénergique từ khối lượng gien khổng lồ của con người.

Đến năm 2011, Kobilka và nhóm nghiên cứu chụp ảnh được thụ thể béta-adrénergique đúng lúc thụ thể này được kích hoạt bằng một hooc-môn, và gởi tín hiệu đến tế bào. Theo Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển, thì bức ảnh này « là một tác phẩm nghệ thuật về phân tử, kết quả của nhiều thập kỷ tìm tòi ».

Hai nhà nghiên cứu sẽ chia nhau số tiền 8 triệu cua-ron Thụy Điển, tương đương 929.000 euro, được trao trong buổi lễ chính thức tại Stockholm ngày 10/10 tới. Được biết Quỹ Nobel năm nay đã giảm giá trị các giải thưởng 20%, vì trước đây là 1 triệu cua-ron.

tags: Khoa học - Nobel - Sinh hóa học
http://www.viet.rfi.fr/khoa-hoc/20121010-giai-nobel-hoa-hoc-duoc-trao-cho-hai-nha-khoa-hoc-my 

Tập đoàn Toyota thu hồi gần 7,5 triệu xe trên thế giới

Bài đăng : Thứ tư 10 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 10 Tháng Mười 2012 

Hãng Toyota, nhà sản xuất xe hơi hàng đầu của Nhật hôm nay 10/10/2012 loan báo việc thu hồi 7,43 triệu chiếc xe hơi trên toàn cầu, do nguy cơ bị phát cháy liên quan đến hệ thống điều khiển mở cửa kính xe của nhiều mẫu xe, trong đó có Corolla, Camry và Yaris.

Khoảng 2,47 triệu chiếc xe lưu hành ở Hoa Kỳ sẽ được thu hồi, tại thị trường này đã xảy ra một trường hợp khói bốc lên từ cửa kính xe vào năm 2008. Có 2,8 triệu xe liên quan đến thị trường châu Âu và Trung Quốc, số còn lại rải rác tại nhiều nước, chủ yếu ở Nhật Bản, Canada, Úc và vùng Cận Đông.

Một phát ngôn viên của Toyota tại Tokyo giải thích : « Có một khuyết tật ở nút bật kính cửa phía người lái, có thể làm cho nút này bị hao mòn nhanh, dẫn đến việc không hoạt động. Một mối lo khác là dầu bôi trơn ngoài thị trường để giúp mở cửa kính dễ dàng, có thể ăn mòn thiết bị nhanh hơn ».

Việc thu hồi hàng loạt này, với số lượng tương đương số xe bán ra trên toàn thế giới của Toyota trong năm vừa qua là một đòn nặng nề đối với tập đoàn Nhật, vốn đã bị ảnh hưởng nhiều trong các vụ thu hồi sản phẩm trước đây. Cách đây hai tháng, Toyota đã phải thêm hai mẫu xe vào danh sách các xe cần thu hồi trên thế giới, do thảm trải sàn có thể bị vướng vào chân ga xe.

Khoảng 8,7 triệu chiếc xe đã được trả về từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2010, trong đó có một số xe do lo ngại hệ thống thắng phản ứng chậm. Quốc hội Mỹ đã cho mở điều tra, và ngoài việc bị phạt 50 triệu đô la, chủ tịch tập đoàn đã phải công khai xin lỗi.

Từ đó đến nay, Toyota cố gắng lấy lại uy tín về mặt an toàn, trong khi vẫn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nhật Bản. Giá đồng yen tăng làm giảm tính cạnh tranh của Toyota ở nước ngoài, bên cạnh đó sản lượng còn bị tác động bởi thảm họa động đất và sóng thần tháng 3/2011.

Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản trong quý I/2012 đã giành lại được vị trí hàng đầu thế giới từ tập đoàn Mỹ General Motors. Tuy nhiên cuộc tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Tokyo với Bắc Kinh đã làm cho doanh số bán hàng tháng của Toyota tại Trung Quốc giảm đi phân nửa so với năm ngoái.

tags: Châu Á - Doanh nghiệp - Kinh tế - Nhật Bản - Theo dòng thời sự
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121010-tap-doan-toyota-thu-hoi-gan-75-trieu-chiec-xe-tren-the-gioi 

Hoa Kỳ đòi Miến Điện và Bangladesh bảo vệ người Rohingya

Bài đăng : Thứ tư 10 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 10 Tháng Mười 2012 
Hoa Kỳ hôm qua 09/10/2012 đã gây áp lực lên Miến Điện và Bangladesh, yêu cầu phải bảo vệ các quyền của người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, vốn được Liên Hiệp Quốc xem là một trong những dân tộc thiểu số bị trấn áp nhất trên thế giới.

Bà Kelly Clements, viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề người tị nạn và nhập cư, trong một cuộc hội thảo tại Washington khẳng định : « Chúng tôi đã khẩn thiết yêu cầu Bangladesh kê khai người Rohingya và cải thiện điều kiện sống của họ ». Bà cũng cho biết, đã gợi ý với chính quyền Miến Điện về việc cho người Rohingya được nhập quốc tịch Miến Điện.

Viên chức này nhấn mạnh : « Hòa bình chỉ có được tại bang Rakhine cùng với sự phát triển kinh tế, giảm bớt nghèo khó và trao những quyền cơ bản cho người dân. Đáng buồn là các giải pháp ngày càng có vẻ xa vời ».

Trở về sau chuyến công tác ở Miến Điện, bà Kelly Clements, phụ trách vấn đề người Rohingya từ hai chục năm qua, nhận xét rằng tình trạng thiếu dinh dưỡng và trẻ em không được đến trường ngày càng tăng.

Hiện có khoảng 800.000 người Rohingya sống tại Miến Điện – quốc gia vẫn xem họ là những người nhập cư bất hợp pháp, và 300.000 người khác sống ở Bangladesh. Vùng đất mà sắc dân thiểu số này sinh sống là biên giới giữa hai nước, gần đây đã xảy ra nhiều vụ xung đột giữa người Rakhine theo đạo Phật và người Rohingya, khiến cho khoảng 90 người chết từ tháng Sáu đến nay.

tags: Bangladesh - Châu Á - Hoa Kỳ - Miến Điện - Quốc tế - Tôn giáo
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121010-hoa-ky-gay-suc-ep-doi-mien-dien-va-bangladesh-bao-ve-nguoi-thieu-so-rohingya 

IMF hạ thấp dự báo triển vọng tăng trưởng của châu Á

Bài đăng : Thứ ba 09 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 09 Tháng Mười 2012 
Trong báo cáo công bố hôm nay, 09/10/2012, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo về tỉ lệ tăng trưởng của châu Á, bị cho là phải chịu ảnh hưởng từ tình trạng suy thoái ở châu Âu và Hoa Kỳ. Định chế quốc tế này đồng thời cảnh báo là nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế của Trung Quốc chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới của IMF dự trù tỉ lệ tăng trưởng châu Á trong năm nay là 6,7%, qua năm 2013 là 7,2%, thấp hơn dự báo công bố tháng Bảy vừa qua là 7,1% (2012) và 7,5% (2013). Đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, triển vọng ngắn và trung hạn của châu Á ít sáng sủa hơn so với những năm trước đây.

Đây là hệ quả của việc mức cầu từ những nước đã phát triển bị sụt giảm, khiến triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ cũng bị giảm theo. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo, nguy cơ khủng hoảng nợ châu Âu trầm trọng hơn, cũng như những vấn đề của kinh tế Mỹ, sẽ làm tái hiện những khó khăn.

Trung Quốc, đầu tàu của khu vực, sẽ chỉ tăng trưởng 7,8% trong năm nay, và 8,2% năm 2013. Dự báo lần này bớt lạc quan hơn so với hồi tháng Bảy, lần lượt ở mức 8% và 8,5%. Với tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc năm ngoái là 7.500 tỉ đô la, nay giảm đi 0,2 điểm có nghĩa là mất đi 15 tỉ đô la. Sản xuất giảm sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đặc biệt là đối với 200 triệu người lao động nhập cư.

Xuất khẩu chậm lại, cũng sẽ làm giảm tăng trưởng của ba trong số năm quốc gia đang phát triển của Đông Nam Á là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Theo IMF, chỉ có Philippines và Thái Lan có tỉ lệ tăng trưởng tương đương với năm 2011, riêng với Thái Lan là nhờ việc tái thiết và đầu tư sau trận lụt đã tàn phá miền bắc nước này. Tuy nhiên nhìn chung, cả năm quốc gia trên đều có tỉ lệ tăng trưởng khoảng 5,4% trong năm nay và 5,8% trong năm tới.

Còn đối với Việt Nam, tăng trưởng năm nay là 5,1%, năm 2013 sẽ tăng lên 5,9%, và đến năm 2017, kinh tế Việt Nam sẽ tìm lại được đà tăng tiến trước đây với tỉ lệ 7,5%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính lạm phát của Việt Nam năm 2012 là 8,1%, đến năm 2013 giảm xuống còn 6,2%, còn tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 4,5% trong hai năm liền.

IMF đặc biệt cảnh báo, việc giải quyết nợ công bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ cần phải là ưu tiên hàng đầu đối với những nước như Nhật Bản, Việt Nam và Ấn Độ.

tags: Châu Á - IMF Quỹ Tiền tệ Quốc tế - Suy thoái - Theo dòng thời sự
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121009-den-luot-imf-ha-thap-du-bao-trien-vong-tang-truong-chau-a 

Dệt may xuất khẩu theo FOB : Lợi nhuận cao, khó khăn nhiều


Bài đăng : Thứ hai 08 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 08 Tháng Mười 2012 
Hiện nay trong số 10 quốc gia xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới, Việt Nam đứng hàng thứ 9. Nhưng lâu nay đa số hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam là theo phương thức gia công, nên tỉ suất lợi nhuận thu về rất thấp. Gần đây đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển sang làm hàng FOB (Free On Board), tức theo phương thức mua đứt bán đoạn : doanh nghiệp trực tiếp nhập nguyên liệu, thiết kế mẫu và sản xuất ra thành phẩm.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, thì phương thức này có rất nhiều triển vọng nhưng bên cạnh đó khó khăn cũng rất nhiều.
Ông Diệp Thành Kiệt - TP Hồ Chí Minh
08/10/2012
by Thụy My
More 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20121008-det-may-xuat-khau-theo-fob-loi-nhuan-cao-kho-khan-nhieu
tagsCông nghệ - Kinh tế - Phỏng vấn - Việt Nam

dimanche 7 octobre 2012

Một sinh nhật kiểu Bắc Triều Tiên cho Putin

"Sa hoàng" Putin 60 tuổi

(Le Monde 07/10/2012) Vào thời Liên Xô cũ, ngày 7 tháng 10 được kỷ niệm như là « Ngày Hiến pháp ». Hai mươi mốt năm sau cái chết của Liên bang Xô viết, ngày này còn đáng giá hơn : đây là ngày sinh nhật của Vladimir Putin, từ nay được kỷ niệm tưng bừng theo đúng cung cách Bắc Triều Tiên.

Chủ nhật này, Tổng thống Nga mừng sinh nhật 60 tuổi tại Saint-Pétersbourg, thành phố quê hương của ông cùng với một số người thân và bạn bè trong vòng thân mật – theo như bộ phận báo chí của ông Putin. Nhưng những người hâm mộ có thể ăn mừng theo nhiều cách khác.

samedi 6 octobre 2012

Mỹ-Hàn sắp ký hiệp định nâng tầm bắn hỏa tiễn nhắm vào Bắc Triều Tiên

Bài đăng : Thứ bảy 06 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 06 Tháng Mười 2012 
 
Hàn Quốc sắp sửa loan báo việc ký kết một hiệp định với Hoa Kỳ nhằm tăng tầm bắn hỏa tiễn đất đối đất, để có thể với tới toàn bộ lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap hôm nay 06/10/2012 cho biết như trên, được AFP đưa lại.

Yonhap dẫn lời một viên chức cao cấp Hàn Quốc không muốn nói tên cho biết, hiệp định này có thể được thông báo vào ngày mai hoặc vào đầu tuần tới.

Một nguồn tin ngoại giao khác nói thêm, tầm bắn của hỏa tiễn đạn đạo đất đối đất Hàn Quốc có thể tăng từ 300 km lên đến 800 km. Như vậy toàn bộ lãnh thổ Bắc Triều Tiên sẽ nằm gọn trong tầm hoạt động của hỏa tiễn, tuy lượng chất nổ tối đa của mỗi tên lửa vẫn khoảng 500 kg.

Reuters trích một thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gởi đến các dân biểu Mỹ hôm qua mà hãng tin này có được bản sao, thì trong khuôn khổ hiệp định này, Seoul có thể triển khai được các loại hỏa tiễn, dù bắn đi từ bất cứ nơi nào ở Hàn Quốc đều có thể bay đến mọi khu vực của Bắc Triều Tiên.

Hiệp định song phương hiện nay - cho phép Hàn Quốc có được một số kỹ thuật tên lửa Hoa Kỳ, và đổi lại, 28.500 quân Mỹ được đóng trên đất Hàn Quốc - sẽ được gia hạn từ nay cho đến cuối năm.

Toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc hiện trong tầm hoạt động của tên lửa Bắc Triều Tiên, và Tổng thống Lee Myung Bak hồi tháng Ba đã bày tỏ mong muốn là Seoul sẽ có được một « điều chỉnh thực tế » về năng lực hỏa tiễn. Theo các viên chức quốc phòng Hàn Quốc, thì kho vũ khí của Bình Nhưỡng có những loại hỏa tiễn tầm bắn đến 3.000 km, có thể tấn công được Nhật Bản và các căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực.

Greg Thielmann, từng là chuyên gia của Bộ Ngoại giao Mỹ và nay là thành viên Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, một tổ chức tư nhân, cho rằng việc nâng tầm bắn tên lửa Hàn Quốc sẽ gây bực tức cho Bắc Triều Tiên. Bên cạnh đó, Trung Quốc và Nhật Bản cũng có thể lo ngại vì một số vùng của hai nước này nằm cách Hàn Quốc dưới 800 km.

Chế độ Bình Nhưỡng đã từng thất bại trong vụ phóng vệ tinh vào vũ trụ hồi tháng Tư. Việc phóng vệ tinh này bị nhiều nước lên án vì cho đó chỉ là ngụy tạo cho một vụ thử tên lửa tầm xa mới.

Trên nguyên tắc thì hai nước Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, vì cuộc chiến Triều Tiên 1950 – 1953 chấm dứt với việc ngưng bắn, nhưng hai bên chưa hề ký hiệp ước hòa bình.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Hàn Quốc - Hoa Kỳ - Quân sự
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121006-my-han-sap-ky-hiep-dinh-nang-tam-ban-hoa-tien-nham-vao-bac-trieu-tien 
 

vendredi 5 octobre 2012

Một phái đoàn Bắc Triều Tiên đến Thụy Điển học hỏi kinh tế

Bài đăng : Thứ sáu 05 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 05 Tháng Mười 2012 
Đài phát thanh nhà nước Thụy Điển (SR) hôm nay 05/10/2012 cho biết, một đoàn đại biểu Bắc Triều Tiên đang thăm nước này để nghiên cứu hoạt động của nền kinh tế và các công ty. Chuyến tham quan có thể kéo dài hai tuần này được giữ kín, danh tính các thành viên được phía Bắc Triều Tiên yêu cầu không tiết lộ.

Cũng theo đài phát thanh SR, thì các đại biểu Bắc Triều Tiên làm việc trong các trường đại học, các công ty quốc doanh chuyên xuất khẩu và Bộ Ngoại thương Bắc Triều Tiên ; được Ủy ban quốc tế của nghiệp đoàn giới chủ Thụy Điển mời sang.

Một thành viên của Ủy ban này đồng thời là người tổ chức chuyến đi, ông Johan Alvin cho biết : « Nói chung, chúng tôi ủng hộ ý muốn học hỏi thêm về mô hình kinh tế của chúng tôi », tuy không cho biết thêm chi tiết.

Benny Olsson, một doanh nhân Thụy Điển đã tiếp xúc với phái đoàn Bắc Triều Tiên thổ lộ : « Họ có hàng triệu câu hỏi. Họ hỏi chúng tôi thu nhập được bao nhiêu, lương trung bình thế nào, và rất nhiều câu hỏi về sự can thiệp của chính phủ vào việc làm ăn. Họ đến từ một thế giới khác, không hiểu được thế giới của chúng tôi, và tôi cũng không hiểu họ ». 

Bắc Triều Tiên là nước có nền kinh tế chỉ huy cao độ, và dân chúng sống ngoài thủ đô Bình Nhưỡng thường xuyên bị thiếu thực phẩm, hậu quả của nhiều thập kỷ quản lý tồi và bị cô lập, cộng thêm cấm vận của quốc tế do chương trình hạt nhân. Các nhà quan sát cho rằng tân lãnh tụ Kim Jong Un có ý hướng tiến hành cải cách kinh tế.

Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên đặt quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên, và đã mở đại sứ quán tại Bình Nhưỡng năm 1975.

Hiện có 300 người Bắc Triều Tiên tị nạn tại các đại sứ quán Hàn Quốc

Báo cáo trước Quốc hội hôm qua 04/10/2012, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết hiện nay có 295 người tị nạn Bắc Triều Tiên đang trú ngụ tại các đại sứ quán và lãnh sự quán Hàn Quốc trên thế giới, chủ yếu là tại các nước Đông Nam Á.

Kể từ khi chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) chấm dứt cho đến nay, đã có hơn 23.500 người Bắc Triều Tiên đào thoát được sang Hàn Quốc, đại đa số là thông qua ngả Trung Quốc. Thường thì sau đó họ nhanh chóng di chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á khác, do chính sách của Bắc Kinh gởi trả người tị nạn cho Bình Nhưỡng.

Đa số người tị nạn từ miền Bắc phải ở lại các cơ quan ngoại giao Hàn Quốc lâu ngày, do thủ tục sàng lọc khó khăn trước khi được phép sang định cư. Kể từ năm 2007 đến nay, hàng năm có khoảng 2.000 người tị nạn Bắc Triều Tiên được chấp nhận cho định cư tại Hàn Quốc.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Châu Âu - Theo dòng thời sự
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121005-mot-phai-doan-bac-trieu-tien-den-thuy-dien-hoc-hoi-mo-hinh-kinh-te 

Cánh tả Canada phản đối việc Trung Quốc mua lại tập đoàn dầu khí Nexen

Bài đăng : Thứ sáu 05 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 05 Tháng Mười 2012 

Đảng đối lập chủ yếu ở Canada, đảng Tân Dân chủ (NPD, cánh tả) hôm nay 05/10/2012 đã lên tiếng phản đối việc bán tập đoàn dầu khí Nexen cho tập đoàn Trung Quốc CNOOC. Đây là vụ đầu tư ra nước ngoài quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc, có giá trị lên đến trên 15 tỉ đô la Mỹ.

Cho dù đã dự kiến trước, lập trường của đảng Tân Dân chủ vẫn làm tăng áp lực lên chính phủ bảo thủ của ông Stephen Harper. Ngay trong nội bộ đảng cầm quyền cũng chia rẽ trước vụ mua bán mang tính kỷ lục này, được loan báo từ hồi tháng Bảy.

Trước khi duyệt thông qua hay bác bỏ dự án, chính quyền cần nghiên cứu hồ sơ trong vòng 45 ngày theo luật định, để xác định xem có mang lại lợi tức rõ rệt cho Canada hay không. Việc nghiên cứu sẽ kết thúc vào ngày 12/10 tới, nhưng chính phủ có thể gia hạn thêm 30 ngày.

Hôm qua chính quyền đã bác bỏ kiến nghị của đảng Tân Dân chủ đòi hỏi phải tham khảo ý kiến của dân chúng về việc bán lại Nexen, công ty dầu khí đứng thứ 10 tại Canada tính theo doanh số.

Một phát ngôn viên của NPD, bà Hélène Le Blanc tuyên bố : « Khi xem xét vụ mua bán này trong nội bộ, không cụ thể hóa các tiêu chuẩn dựa vào để xác định xem có lợi cho đất nước hay không, thì phe bảo thủ đã không cho phép chúng ta chọn lựa. Một khi còn nghi vấn thì tốt nhất không nên thông qua ». Bộ trưởng Công nghiệp Christian Paradis bác bỏ lời cáo buộc này, và trách cứ NPD muốn « gây sợ hãi cho các nhà đầu tư và ngăn trở thương mại quốc tế ». 

Thủ tướng Stephen Harper mới đây cho biết, về mặt an ninh quốc gia, thì « những tiêu chuẩn đặc biệt sẽ được áp dụng đối với các công ty nhà nước », có nghĩa là liên quan đến tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC. Phe đối lập khẳng định vụ mua bán này đặt ra nhiều vấn đề, « nhất là việc liệu CNOOC có giữ lại các việc làm và trụ sở chính tại Canada hay không ».

Theo các cuộc thăm dò dư luận, thì đại đa số người Canada chống lại việc bán Nexen cho Trung Quốc. Từ năm 1985 đến nay, Ottawa đã hai lần ngăn chận việc bán doanh nghiệp cho tập đoàn nước ngoài.

tags: Canada - Châu Á - Dầu khí - Theo dòng thời sự - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121005-canh-ta-canada-phan-doi-viec-trung-quoc-mua-lai-tap-doan-dau-khi-nexen 

Trung Quốc: Đất lở vùi lấp 18 trẻ em một trong trường học


Bài đăng : Thứ sáu 05 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 05 Tháng Mười 2012 
Mười tám học sinh một trường tiểu học ở Vân Nam, đến trường trong thời gian nghỉ lễ để học bù các bài bị dang dở lúc bị động đất trước đây, đã thiệt mạng trong một vụ đất lở hôm qua 04/10/2012. Hãng tin Pháp AFP dẫn nguồn tin từ báo đài chính thức của Trung Quốc cho biết như trên.

Thiên tai này xảy ra vào lúc 8 giờ sáng địa phương (0 giờ GMT) tại làng Long Hải, huyện Di Lương của tỉnh miền núi Vân Nam, lúc các em vừa đến trường. Theo đài phát thanh Trung Quốc, thì những người cứu hộ đã tìm được xác của học sinh cuối cùng vào sáng nay, nhưng một dân làng vẫn còn mất tích. Vụ đất lở đã dựng lên một đập chắn tại dòng sông bên cạnh, tạo thành một hồ nước, khiến cho 800 người dân sống ở hạ lưu phải đi sơ tán.

Kênh truyền hình nhà nước CCTV chiếu cảnh một mảng đồi lớn nhiều cây cối bị lở ra, trượt xuống ngôi trường nhỏ và các căn nhà của nông dân. Các đội cứu hộ phải dùng xẻng xúc đất để tìm kiếm các nạn nhân trong đống bùn. Tân Hoa Xã cho biết khoảng hai ngàn người được huy động để khơi lại dòng chảy cho con sông.

Khu vực này ngày 7/9 đã phải chịu đựng một trận động đất ở 5,6 độ Richter làm cho 81 người chết. Những trận mưa lớn trong những ngày gần đây có thể đã góp phần làm cho đất bị lở.

Thường thì hầu hết trẻ em được nghỉ học một tuần nhân dịp quốc khánh (1/10), nhưng các em học sinh trường tiểu học Điền Đầu ở xã Long Hải đi học bù các bài bị bỏ lỡ vì vụ động đất. Lẽ ra có tất cả 30 em, nhưng có 18 em đến sớm và tất cả đã bị thiệt mạng.

Các vụ đất chuồi và lở bùn xảy ra thường xuyên tại miền núi Trung Quốc, nhất là trong mùa mưa. Tỉnh Tứ Xuyên cũng thuộc miền tây nam đã từng bị một trận động đất lớn vào tháng 5/2008 làm cho gần 70 ngàn người chết và 18 ngàn người bị mất tích.

Dư luận đã chỉ trích dữ dội chất lượng xây dựng tồi tệ của các trường học ở Tứ Xuyên, vì hàng trăm ngôi trường đã bị sụp đổ trong động đất trên đây. Vấn đề này hiện vẫn còn nóng bỏng, và nhiều cư dân mạng từ hôm qua đã đặt câu hỏi, vì sao trẻ em tiếp tục là nạn nhân của các thiên tai tại Trung Quốc ?

tags: Châu Á - Theo dòng thời sự - Thiên tai - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121005-tai-trung-quoc-18-tre-em-bi-vui-lap-trong-truong-hoc-vi-nan-dat-lo 

Cựu Tổng thống Philippines bị bắt giam vì tội danh mới

Bài đăng : Thứ sáu 05 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 05 Tháng Mười 2012 
Bà Gloria Arroyo, cựu Tổng thống Philippines (2001-2010) bị liên can trong nhiều vụ tham nhũng và gian lận, hôm qua 04/10/2012 lại bị cáo buộc thêm tội tham ô, một tội danh có khung hình phạt tù chung thân.

Năm nay 65 tuổi, bà Arroyo đã bị buộc tội và đặt trong tình trạng bị giam giữ kể từ hôm qua, tại một quân y viện ở Manila, nơi bà nhập viện vào buổi sáng để chữa một chứng bệnh hiếm gặp về tủy sống.

Một tòa án đặc biệt chuyên xử các vụ tham nhũng kết tội bà đã tham ô 366 triệu peso (6,8 triệu euro) từ quỹ xổ số quốc gia dành cho công tác từ thiện, để chi phí cho chiến dịch tranh cử. Đã có 9 viên chức và người chịu trách nhiệm của công ty xổ số bị truy tố trong cùng hồ sơ này.

Anacleto Diaz, một trong những luật sư của bà Gloria Arroyo cho AFP biết, cựu Tổng thống tuyên bố « thất vọng » và « kinh hoàng ». Luật sư này khẳng định những bằng cớ buộc tội bà rất ít ỏi.

Sau 9 năm cầm quyền, bị dính nhiều tai tiếng qua các tin đồn tham nhũng và gian lận phiếu bầu, bà Gloria Arroyo đã bị đánh bại trong cuộc bầu cử tháng 5/2010 bởi ông Benigno Aquino, con của cựu nữ Tổng thống Corazon Aquino. Tổng thống Benigno Aquino xem cuộc chiến chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ, trong một đất nước 90 triệu dân mà đa số còn rất nghèo khổ, và đặc biệt nhắm vào phe nhóm của bà Arroyo.

Bà Gloria Arroyo bị cáo buộc đã ra lệnh gian lận một cách quy mô trong kỳ bầu cử Thượng viện năm 2007, tước mất chiến thắng của một ứng cử viên đối lập của tỉnh Maguindanao. Bà còn phải trả lời về tội tham nhũng, trong khuôn khổ một hợp đồng với tập đoàn Trung Quốc ZTE Corp. nhằm triển khai một hệ thống internet băng thông rộng, trị giá nhiều trăm triệu đô la.

Bị đặt trong tình trạng giam giữ tại cùng bệnh viện quân đội trên đây, bà Arroyo đã được trả tự do hồi tháng Bảy sau khi đóng tiền bảo đảm tại ngoại. Hai vụ án gian lận phiếu bầu và tham nhũng trên đây đã bắt đầu được đem ra xét xử, nhưng phiên tòa có thể kéo dài nhiều năm trời.

tags: Châu Á - Pháp luật - Philippines - Tham nhũng
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121005-cuu-tong-thong-philippines-bi-bat-giam-vi-cao-buoc-toi-danh-moi 

Các nước Đông Nam Á họp bàn về an ninh hàng hải

Bài đăng : Thứ tư 03 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 03 Tháng Mười 2012 
Hôm nay 03/10/2012 các viên chức ngoại giao cao cấp thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) họp tại Philippines để bàn bạc về việc tăng cường hợp tác trong lãnh vực hàng hải. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên biển gay gắt, đe dọa sự ổn định của khu vực.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, Diễn đàn Hàng hải ASEAN kéo dài trong ba ngày, tập trung vào vấn đề an ninh hàng hải, chống hải tặc và đảm bảo « tự do lưu thông » trên biển. Các đại biểu tham dự hầu hết là Thứ trưởng Ngoại giao và các viên chức ngoại giao cao cấp của các nước ASEAN. Tuyên cáo về thỏa thuận hợp tác sẽ được công bố ngày mai, sau các phiên họp kín.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tập hợp các nước Brunei, Cam Bốt, Indonesia, Lào, Malaysia, Miến Điện, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Diễn đàn sẽ được mở rộng đến thứ Sáu 5/10 cho các đối tác của ASEAN là Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ.

Phái đoàn Nhật Bản do Thứ trưởng Ngoại giao Koji Tsuruoka dẫn đầu, có thể sẽ phát biểu vào thứ Sáu. Theo một nhà ngoại giao tham dự diễn đàn, thì bài diễn văn của Nhật có thể nói về vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc. Còn đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không muốn tiết lộ với AFP danh tính viên chức tham dự.

Ngoài Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc còn tranh chấp chủ quyền với nhiều nước ASEAN khác tại Biển Đông như Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia. Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ tại hầu như toàn bộ Biển Đông, vùng biển được xem là giàu tiềm năng dầu khí, hải sản và là tuyến đường hàng hải quan trọng cho thương mại quốc tế. Riêng với Philippines, khủng hoảng ngoại giao đã kéo dài nhiều tháng tại khu vực bãi cạn Scarborough, mà Manila nhấn mạnh là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines và cách đất liền gần nhất của Trung Quốc đến 1.200 km.

tags: ASEAN - Châu Á - Hàng hải - Philippines
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121003-cac-nuoc-dong-nam-a-hop-ban-ve-an-ninh-hang-hai 

Tai nạn chìm tàu trong vịnh Hạ Long: Năm du khách Đài Loan thiệt mạng

Bài đăng : Thứ tư 03 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 03 Tháng Mười 2012 
Năm du khách người Đài Loan, trong đó có một trẻ em, đã bị tử nạn hôm nay 03/10/2012 trong vụ hai chiếc tàu đâm vào nhau tại vịnh Hạ Long, địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Hãng tin AFP của Pháp dẫn nguồn tin từ truyền hình Việt Nam cho biết như trên.

Chiếc xuồng mang bảng số QN-6116 chở 18 du khách Đài Loan trở về sau chuyến tham quan hang động Sửng Sốt, đã bị đụng phải tàu du lịch Đông Phong 2 khiến xuồng bị lật. Cảnh sát đang điều tra nguyên nhân gây tai nạn.

Vịnh Hạ Long là thắng cảnh nổi tiếng, có trên 1.600 hòn đảo lớn nhỏ với nhiều hình dạng ngoạn mục, là một trong những địa điểm du lịch quan trọng tại miền bắc Việt Nam. Danh thắng này được giới thiệu trong tất cả tài liệu du lịch và các tour, nhiều nơi còn đề nghị ngủ đêm trên vịnh.

Nằm cách thủ đô Hà Nội 160 km về phía đông, vịnh Hạ Long được Unesco xếp hạng di sản thế giới từ năm 1994.

Các tai nạn hàng hải vẫn thường xuyên xảy ra tại Việt Nam vì các nguyên tắc an toàn thường ít được tôn trọng, và vịnh Hạ Long là nơi từng xảy ra một số tai nạn chết người trong những năm gần đây. Có thể kể vụ cháy tàu Thành Hưng, rồi vụ chìm tàu Trường Hải tháng 2/2011 làm 11 du khách cùng với hướng dẫn người Việt thiệt mạng. Sau đó chính quyền đã hứa hẹn sẽ siết chặt các quy định và phạt nặng những ai vi phạm.

tags: Tai nạn - Theo dòng thời sự - Việt Nam - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20121003-nam-du-khach-dai-loan-thiet-mang-trong-tai-nan-chim-tau-o-vinh-ha-long

Một công ty Trung Quốc kiện Tổng thống Mỹ vì bị cấm mua cơ sở điện gió

Bài đăng : Thứ tư 03 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 03 Tháng Mười 2012 
Theo nguồn tin tư pháp Mỹ hôm qua 02/10/2012, một công ty Trung Quốc đã kiện Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ra tòa vì ông đã ngăn trở công ty này mua lại bốn trung tâm sản xuất điện gió nằm gần một căn cứ quân sự Mỹ, với lý do an ninh quốc gia.

Dự án mua lại bốn trung tâm điện gió ở Oregon (tây bắc nước Mỹ) của công ty Ralls Corp đặt tại Mỹ nhưng do người Trung Quốc làm chủ, cùng với chi nhánh Trung Quốc là Sany Group, đã bị ngăn chặn bằng một nghị định của Tổng thống ban hành vào thứ Sáu tuần trước. Trong đó Tổng thống Obama khẳng định rằng các công ty có liên quan đến công dân Trung Quốc « có thể sử dụng những biện pháp có nguy cơ xâm phạm đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ».

Đơn kiện của Ralls Corp nộp cho tòa án thủ đô Washington hôm thứ Hai cho rằng « Tổng thống đã vượt quá thẩm quyền của mình qua việc cho ngưng hoặc cấm đoán » giao dịch trên đây, và yêu cầu nhận định « nguy cơ xâm phạm đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ » phải được xem là « tùy tiện và không đúng nguyên tắc ».

Natalie Wyeth, phát ngôn viên Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuyên bố : « Chúng tôi cho rằng đơn kiện này là vô căn cứ, là chúng tôi sẽ bảo vệ quyết liệt hồ sơ ».

Tổng thống Barack Obama đã quyết định như trên sau khi nhận được khuyến cáo của một ủy ban đặc biệt chuyên giám sát những trường hợp nước ngoài mua lại các công ty Mỹ. Vụ kiện này diễn ra vào lúc chỉ còn vài tuần lễ nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.

tags: Châu Á - Hoa Kỳ - Quốc tế - Theo dòng thời sự - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121003-mot-cong-ty-trung-quoc-kien-tong-thong-my-vi-bi-cam-mua-co-so-dien-gio