Tập Cận Bình (giữa), nhân vật số 1 tương lai của Trung Quốc. |
(Marianne
6-12/10/2012) Tháng 11 tới, Trung Quốc sẽ có một tân Chủ tịch nước. Nhưng một
trong những nguyên thủ quốc gia quyền lực nhất thế giới được chọn lựa như thế
nào ? Bí ẩn nhiều hơn xác thực. Hãy làm một cuộc du hành vào trung tâm
quyền lực chế độ cộng sản Bắc Kinh.
François Godement là một trong những chuyên gia hàng đầu về
Trung Quốc của Pháp. Ông lãnh đạo Viện nghiên cứu độc lập Asia Centre tại
Paris, và hôm 11/10 đã xuất bản cuốn « Trung
Quốc muốn gì ? Từ Mao Trạch Đông đến chủ nghĩa tư bản » (NXB
Odile Jacob).
Marianne : Tháng tới,
Trung Quốc sẽ có Chủ tịch mới là Tập Cận Bình, thay chân Hồ Cẩm Đào. Việc chỉ
định một trong những nhân vật quyền lực nhất hành tinh diễn ra như thế
nào ?
François Godement : Tại Trung Quốc, giới chóp bu tự chỉ
định ! Và còn về phương cách diễn ra như thế nào, thì đó là một chiếc hộp
đen…Không có hệ thống nào giống với triều đình La Mã hơn là ban lãnh đạo Đảng
Cộng sản Trung Quốc.
Về mặt chính thức, thì ĐCSTQ sẽ tổ chức đại hội lần thứ 18
kể từ ngày 8/11. Thời điểm họp phải mất khá lâu mới xác định được, có thể nghĩ
rằng đó là do các vụ thương lượng trong nội bộ. Các nhân vật cao cấp nhất còn
phải bàn bạc về số phận của nhà lãnh đạo « bị trừng phạt » là Bạc Hy
Lai. Số 2.250 đại biểu dự đại hội sẽ bầu ra Ủy ban trung ương, Bộ Chính trị và
Tổng bí thư Đảng. Trên nguyên tắc, thì người đó sẽ là Tập Cận Bình.
Tôi nói trên nguyên tắc, vì sự mất tích của ông Tập về mặt
truyền thông mà không được giải thích trong hai tuần lễ của tháng Chín, khiến
chúng ta phải thận trọng. Một khi Tổng bí thư đã được chỉ định, thì ông ta sẽ
trở thành Chủ tịch nước, được Quốc vụ viện bầu ra vào kỳ họp duy nhất hàng năm
vào tháng 3/2013. Vào một thời điểm chưa được biết rõ, ông ta cũng sẽ trở thành
Chủ tịch Quân ủy Trung ương, có nghĩa là thủ lãnh thực sự của quân đội. Nhân
vật số một Trung Quốc nắm cùng lúc ba chức vụ này.
Như vậy đó là nhân vật
quyền lực nhất ?
Người đứng đầu đất nước sử dụng quyền lực trong một tập thể
lãnh đạo. Những nhà lãnh đạo thực sự là các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị.
Hiện nay có 9 vị, nhưng con số này có thể thay đổi, từ 5 tới 11 người. Luôn
luôn là một số lẻ, để có thể có được đa số khi bầu…Đó là những nhân vật lãnh
đạo Trung Quốc. Trong một số trường hợp, chẳng hạn chỉ định những chức vụ quan
trọng, các thành viên cũ của ủy ban này cũng tham gia. Đó là nguyên tắc các
cuộc họp mở rộng cho các lãnh đạo về hưu, nhưng vẫn tiếp tục có ảnh hưởng.
Đảng lãnh đạo đất
nước, nhưng làm thế nào chọn lựa các đại biểu đi dự đại hội ?
ĐCSTQ có 85 triệu đảng viên, và tiến trình chọn lựa rất lâu
lắc. Đảng khoe rằng số ứng viên nhiều hơn 15% so với số ghế đại biểu, và như
vậy cũng có sự tham khảo trong nội bộ.
Vì mọi việc chỉ được
quyểt định ở chóp bu ĐCS, nên đó là kết quả các cuộc đấu tranh giành quyền lực
trong việc chỉ định nhân vật số một và các lãnh đạo chủ chốt ?
Các chuyên gia rành rẽ nhất không đồng thuận với nhau, và
không có một giải thích nào về đấu tranh giữa các phe phái tỏ ra hoàn toàn
thuyết phục. Thậm chí còn mù mờ hơn cả mười năm trước !
Nói một cách đơn giản, thì có ba phe nhóm lớn. Trước hết là
« thái tử đảng », tức là con cái của các lãnh tụ cựu trào, một loại
quý tộc chính trị tự coi mình là những người chủ của chế độ. Hệ thống này còn
được cha của Bạc Hy Lai trong thập niên 90 nâng lên thành lý thuyết : mỗi
gia đình quý tộc đỏ chỉ có thể chỉ định ra một người thừa kế chính trị mà
thôi ! Thân thế là một tiêu chí quan trọng, nhưng giữa các « thái
tử » này có tương trợ lẫn nhau không ? Chẳng có gì cho thấy điều đó.
Phe thứ hai là phe Thượng Hải, gồm những nhà lãnh đạo sinh
ra tại Thượng Hải hay nhiều năm nắm giữ các chức vụ ở thành phố lớn nhất nước
này, nơi mà các công ty quốc doanh rất mạnh.
Phe thứ ba gồm các lãnh đạo xuất
thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản, như đương kim Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Từ thập
niên 50, đây là một nhánh tự do nhất, cải cách nhất. So với « thái tử
đảng », thì là những người bình thường, đi lên từ hoạt động đảng. Họ được
giới thiệu như các lãnh đạo gắn bó với các mục tiêu xã hội hơn, chủ trương phân
bố thành quả tăng trưởng một cách hiệu quả hơn.
Nhưng tôi xin nhắc lại là cách phân
chia đơn giản này của các nhà Trung Quốc học ngày càng khó giải thích về chính
trị Trung Quốc, hiện là một chiếc hộp đen bí mật hơn bao giờ hết.
Nhân vật số một tương lai là ông Tập Cận Bình từ đâu mà ra ?
Đó là một « thái tử đỏ »,
xuất thân từ một gia đình vốn là nạn nhân của Cách mạng văn hóa. Cha ông ta là
Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun), cựu Phó thủ tướng, từng bị tù rồi được phục hồi
sau khi Mao Trạch Đông chết. Tập Cận Bình trong quá trình hoạt động có những
quan hệ chặt chẽ với quân đội. Ông là một người đàn ông 59 tuổi lịch sự, tính
cách cởi mở, có người vợ sau là một ca sĩ rất nổi tiếng – bà Bành Lệ Viên (Peng
Liyuan), một ngôi sao thật sự, mang cấp tướng trong quân đội. Người vợ đầu đang
sống tại Anh, còn con gái học ở đại học Havard, Hoa Kỳ.
Còn những ý tưởng, chương trình hành
động của ông ta ? Chúng ta hoàn toàn không biết gì cả ! Tập Cận Bình
rất ít phát biểu, và các tuyên bố của ông ta nhiều khi mâu thuẫn lẫn nhau…
Hồi tháng Ba, Bạc Hy Lai, ngôi sao đang lên trong đảng, đã bị đột ngột
ngưng mọi chức vụ và người vợ bị bắt sau cái chết của một doanh nhân Anh. Vụ
này đóng vai trò gì trong quá trình chuyển giao quyền lực đang diễn ra ?
Đây vừa là một bước ngoặt, vừa là
một tiết lộ thú vị. Về thực chất của sự việc, chúng ta gần như không biết gì
cả : điều chắc chắn duy nhất là nhà tư vấn Anh Neil Heywood đã chết…Bạc Hy
Lai là một « thái tử », mà người cha là một trong những người bị các
đồng chí mình ghét nhất. Bản thân ông Bạc là một người học đòi theo Bonaparte,
một ứng viên đầy tham vọng vào vị trí quyền lực. Ông hành động không đắn đo,
không vì lý tưởng, dù ở địa phương ông ta đã áp dụng những kiểu cách mao-ít.
Có lẽ Bạc Hy Lai là nạn nhân của một
sự trả thù trong nội bộ đảng, vì người ta sợ lại xuất hiện một nhân vật có tính
cách mạnh mẽ. Sự kiện này hiện nay khá hiếm hoi, vì sau khi thời kỳ Mao chấm
dứt, người ta không còn phải đổ máu để giải quyết những vấn đề trên thượng đỉnh
quyền lực. Với khuynh hướng sử dụng bạo lực và săng-ta, Bạc Hy Lai gây lo ngại,
vì dường như ông ta muốn trở lại với bạo lực ở thượng tầng.
Những người cộng sản Trung Quốc có còn là cộng sản ?
ĐCSTQ là một đảng theo kiểu Lênin.
Những gì còn tồn tại là phương cách nắm quyền, nhưng trên thực tiễn, họ không
thực sự tự cho là mác-xít, họ vẫn luôn giữ truyền thống vật chất thực dụng. Một
số người cộng sản vẫn rao giảng về bình đẳng xã hội, nhưng không phải tất cả.
Nhiều khuynh hướng cùng sống chung trong đảng. Chủ thuyết Khổng Tử đã quay lại
mạnh mẽ với những người bảo thủ nhất, và cũng có một nhánh lớn chủ trương tự do
từ khi mở cửa kinh tế vào thập niên 80. Nhưng những người cộng sản Trung Quốc
cũng chú ý nhiều đến kiểu Nhà nước phúc lợi của châu Âu. Năm 2009, họ đã áp
dụng loại hợp đồng vô thời hạn sao chép theo mô hình của Pháp, và thế là những
người tự do nhất đã chỉ trích « luật lệ kiểu Pháp »…
Đương nhiên Trung Quốc không còn là
một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhưng sẽ quá giản đơn nếu nói đó là một chế
độ tư bản mang bộ mặt cộng sản. Cũng có những nhân tố thăng tiến xã hội, chẳng
hạn các trường đại học ở các thành phố lớn tuyển lựa một cách dân chủ hơn các
trường nổi tiếng của Pháp.
Nghe nói rằng với tỉ lệ tăng trưởng dưới 7-8%, Trung Quốc sẽ gặp phải
những bất ổn xã hội và chính trị, ông nghĩ thế nào ?
Có những nguy cơ cao độ. Các chính
quyền địa phương nợ nần rất nhiều, và nguồn thu thuế lệ thuộc vào địa ốc, như
vậy tình hình khá nhạy cảm. Thêm vào đó là các khó khăn về xuất khẩu, trong một
quốc gia mà tăng trưởng là nhờ các thị trường nước ngoài, và căng thẳng xã hội
thì rất cao. Vật giá gia tăng đã đánh mạnh vào những người làm công ăn lương ở
đô thị, những người giàu càng giàu thêm, gây ra chia rẽ giữa các tầng lớp nhân
dân. Tình trạng bất bình đẳng tại Trung Quốc cao gấp đôi so với Pháp, và điều
này rất mới mẻ vì chỉ mới phát triển trong hai mươi năm gần đây. Đó là một hiện
tượng hết sức thô bạo.
Đứng trước khủng hoảng nội bộ, việc quay sang chủ nghĩa dân tộc có thể
xảy ra ? Căng thẳng trên biển với Nhật Bản không phải là dấu hiệu tốt…
Khi nói về dân tộc chủ nghĩa, cần
phải phân biệt hai mặt nội bộ và bên ngoài. Về đối ngoại thì tôi không lo, vì
hệ thống Trung Quốc kiểm soát quá chặt để có thể xảy ra manh động, và các nhà
lãnh đạo Bắc Kinh là những người thực tế. Đã hẳn là Trung Quốc muốn khẳng định
mình bất chấp tất cả các nước láng giềng, và mở rộng thống trị trên biển, nhưng
họ không đi quá xa.
Ngược lại trong nội bộ, chủ nghĩa
dân tộc được sử dụng vào cuộc chiến chính trị bên trong đảng. Từ thập niên 90,
quan điểm dân tộc chủ nghĩa được tăng cường rất đáng kể, nhất là trong giáo dục
ở nhà trường. Một bộ phận quan trọng các thanh niên có học, mà chúng ta thấy
được trên internet, là những người dân tộc cực đoan. Họ biểu tình trên đường
phố và đôi khi với bạo lực, đương nhiên là có sự đồng tình của đảng, thậm chí
được khuyến khích. Nếu họ xuống đường đòi dân chủ, thì sẽ không được như thế.
Trung Nam Hải: Điện Kremlin của Bắc Kinh
Trung Nam Hải: Điện Kremlin của Bắc Kinh
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.