mercredi 9 octobre 2024

Nguyễn Thành Phong - Càng lắm người nhiều ma hơn

Hôm rồi, tại Hà Nội, người ta làm đám tang đưa tiễn nhà văn Nguyễn Khắc Trường về cõi. Mình ở xa, đành vái vọng và lẩn thẩn hồi nhớ về ông.

Nguyễn Khắc Trường nổi danh chỉ với một cuốn tiểu thuyết. Tên cuốn ấy, "Mảnh đất lắm người nhiều ma", và cụm từ về "người" và "ma" ấy, đã lột tả thần kỳ hiện thực cách đây hơn 30 năm.

Bây giờ hiện thực ấy vẫn đang tiếp diễn, còn khốc liệt hơn, càng lắm người nhiều ma hơn. Hiện thực đang tiếp diễn, nhưng nhà văn, bằng văn chương, đã cắt nghĩa đủ đầy căn nguyên từ lâu rồi. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Khắc Trường chả cần in thêm một cuốn nào khác nữa. Đám tang chỉ là đưa tiễn thể phách ông thôi, vì với tác phẩm "Mảnh đất lắm người nhiều ma", ông đã vọt lên tới đỉnh cao, đã đến cõi một đời văn từ lâu rồi, người đời sẽ vẫn còn nhiều nhắc nhớ.

Mình gặp và biết Nguyễn Khắc Trường khi tham gia làm Văn nghệ trẻ (1995), thấy ông luôn nói năng, cư xử hết sức thoải mái, tự nhiên, hồn nhiên. Đôi khi ông ngồi chuyện trò với đám Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Thiều và mình, không bao giờ cao đàm khoát luận, khoái chí thì cứ vỗ và xoa xoa tay vào đùi, rồi cười khờ khờ...

Bọn mình cuối giờ ngồi bàn kịch bản "Cảnh sát hình sự" dài tập, vài lần ông vào định ngồi chuyện vãn nhưng bọn mình không mặn vì đang dở việc. Ông chả soi mói xem bọn này làm gì, thấy thế, thì nói vài câu têu tếu, rồi cười khờ khờ, ngoảy đít quay đi. Ông Lập nhận xét, lão Trường này làm sếp dễ chịu thật, hay ta lấy luôn tên Khắc Trường đặt cho nhân vật sếp cảnh sát hình sự đi, cả bọn ok ngay và luôn.

Đến năm 1998, mình về hẳn báo Văn nghệ, làm trưởng ban Văn nghệ trẻ, có quyết định bổ nhiệm, dấu đỏ Ban chấp hành đàng hoàng, chứ không phải là trưởng ban "bảo", trưởng ban "giao". Ông Trường lúc đó là phó tổng biên tập, bí thư chi bộ báo. Chức ấy quan trọng chỉ sau Hữu Thỉnh. Vậy mà ông vẫn thoải mái, hồn nhiên, khờ khờ như thế. Việc đến tay thì ông làm, không thì thôi, chả có vẻ coi trọng cũng không ra coi nhẹ, cứ xong là xong. Có khi ngay trong cuộc họp chi bộ, ông cũng bô bô, có cái đếch gì đâu, nhưng phải họp, để cho chúng nó khỏi nói.

Tổng biên tập Hữu Thỉnh, sau một trận ốm nằm viện khá lâu, ra viện, một buổi trưa đi ăn ngoài quán, mời hai phó tổng Nguyễn Khắc Trường, Võ Văn Trực và mình đi cùng. Cuối bữa, Hữu Thỉnh bỗng trịnh trọng và tha thiết nói, tôi trải qua thập tử nhất sinh rồi mới thấy sức khỏe là quan trọng nhất. Tôi đã có ba cộng sự tuyệt vời và đáng tin cậy, vậy từ bây giờ chúng ta phải cùng triệt để chia sẻ cộng đồng trách nhiệm, nhé, nhé.

Cả ba cùng chăm chú. Hữu Thỉnh càng tha thiết. Báo Văn nghệ có ba ấn phẩm in, từ nay tôi giao phó tuyệt đối cho ba người đọc duyệt và chịu trách nhiệm đến cùng. Anh Võ Văn Trực duyệt tờ Văn nghệ già, anh Nguyễn Thành Phong tờ Văn nghệ trẻ, anh Nguyễn Khắc Trường tờ Văn nghệ dân tộc và miền núi. Tất cả các vấn đề về trị sự, phát hành, nhân sự, tiền bạc tôi giao cho phó tổng biên tập Trương Vĩnh Tuấn. Tôi cần nghỉ ngơi, bớt việc ở báo đi, còn phải lo công việc ở Hội nữa. Các anh nhất trí không?

Cả ba đều hồ hởi, không phải vì được thêm tí quyền chức hay tiền bạc gì, mà sẽ bớt thời gian dài cổ chờ đợi Hữu Thỉnh duyệt bài. Hữu Thỉnh đọc duyệt vừa lâu, lại rất hay thay đổi. Có khi buổi chiều tối hôm trước vừa khen rối rít hay hay, mới mới, sáng hôm sau lại bảo cần xem lại rồi nói không được, phải kỹ càng hơn và xáo trộn hết cả, lại thay bài sửa bài, mệt bã ra... Nghe Hữu Thỉnh hồi dài xong, Võ Văn Trực tâm đắc, nhất trí, nhất trí, anh giao cho bọn tôi, cứ yên tâm. Khắc Trường thì thủng thỉnh bảo, ông Thỉnh cứ kê cao gối mà nghỉ ngơi chút đi. Còn mình thì không nói gì, im im...

Nhưng chỉ sau vài số Văn nghệ già Võ Văn Trực duyệt xong là xong, thì Hữu Thỉnh lại gọi ban thư ký, nói anh Trực duyệt rồi đưa tôi xem qua chút nhé. Chút nhé ấy là cả đêm, sáng ra lại thay đổi, gạch xóa. Võ Văn Trực lẩm bẩm, đúng là người chả biết tin vào ai, tiền hậu bất nhất.

Với Văn nghệ trẻ, mình ma lanh hơn. Chiều ấy mình vào phòng Hữu Thỉnh, nói anh ơi, bài chỉ em ký nháy, bọn vi tính không làm, cứ bảo anh đã duyệt đâu, anh viết cho em vài chữ để bọn nó làm với. Hữu Thỉnh rút xoạch tờ giấy trắng A4, viết: "Kính gửi: Các phòng ban báo Văn nghệ. Kể từ hôm nay, tờ Văn nghệ trẻ cứ có chữ ký duyệt của đồng chí Nguyễn Thành Phong là thực hiện theo ủy quyền của Tổng biên tập". Viết xong thì ký chữ ký rõ to, ghi tên họ, rồi đưa hai tay, nhìn vào mắt mình, nói chậm rãi: "Hãy xứng đáng với niềm tin của anh".

Có tờ giấy ấy rồi, việc chạy băng băng. Cũng có khi báo in ra rồi, Hữu Thỉnh gọi mình lên bảo số này hay, bài kia tốt, lại dặn, có bất cứ băn khoăn gì thì phải hỏi anh. Có khi còn vỗ vai, em có cái hạnh phúc lớn là có thủ trưởng để xin ý kiến, nên tận hưởng nó.

Riêng tờ Văn nghệ dân tộc và miền núi thì Hữu Thỉnh đúng là giao hẳn cho Nguyễn Khắc Trường, chả hỏi han nữa. Khi ông Trực uống trà, phàn nàn với ông Trường, thì ông Trường nói, lão ấy cẩn thận thế cũng phải, có nhiều thằng hay rình mò, xuyên tạc rồi ton hót, là nhằm vào Thỉnh cả đấy, chả sung sướng gì đâu. Mình hỏi, thế tờ anh duyệt thì sao, ông Trường khờ khờ, có cái đếch gì đâu, tháng một số, lại toàn chính sách với động viên.

Nói vậy chứ Nguyễn Khắc Trường là người đọc văn và hiểu đời đến mức tinh tế lắm. Có truyện nhiều người khen hay loạn lên, ông thủng thẳng chả có đếch gì đâu, rồi phán vài câu là đầy thuyết phục. Truyện nào ông khen hay thì đúng là hay. Có chỗ ông bảo phải sửa không là dễ "rách việc" lắm, thử để nguyên trình Hữu Thỉnh, thì y như rằng là gạch xóa và sửa thế.

Hồi Tiger Cup ở Hà Nội, mình thảo cái công văn giới thiệu mình là trưởng ban của báo tới Liên đoàn bóng đá để xin làm thẻ vào sân xem trực tiếp, rồi mang xuống xin ông Trường chữ ký. Ông Trường liếc qua rồi ký cái xoẹt. Lúc đóng dấu, cô văn thư phát hiện ra sai sót, ở dưới chức danh phó tổng biên tập không đánh tên ông Trường mà đánh tên mình. Thì tay thảo công văn, đầu nghĩ nên đánh ra chữ thế. Vội chạy đi sửa rồi xuống nói lại thế và xin ông Trường chữ ký khác, ông lại ký cái xoẹt, cười khờ khờ bảo, chuyện ấy thường tình, nhưng khéo có đứa thối mồm, lại xuyên tạc.

Nhân bảo như thần bảo, sau này, khi mình gặp chuyện, có người đã vu cho mình cái tội làm công văn mạo nhận phó tổng biên tập. Liền nhớ câu ông Trường đã cảnh báo trước như thế từ lâu. Hihi.

Khi xảy ra vụ in truyện ngắn "Đi" của Nguyễn Bình Phương trên Văn nghệ trẻ, ầm ào hết cả lên. Chi bộ phải bàn cách đối phó, xử lý kỷ luật cho yên. Buổi chiều mưa dầm gió bấc, Trương Vĩnh Tuấn, phó bí thư chi bộ gọi điện cho mình, rồi xe ô tô chở thêm bí thư Nguyễn Khắc Trường đánh qua nhà đón mình phóng vào chỗ Nguyễn Quang Thiều, chi ủy viên, nhà đang ở Hà Đông, để họp bàn. Trên đường đi thì nghe xôn xao hung tin quân đội sẽ xử lý nặng, có thể cho thượng úy tác giả Nguyễn Bình Phương thoái ngũ.

Vào họp bàn, Trương Vĩnh Tuấn nói, trước sức ép dư luận như thế này thì phải có người chịu kỷ luật thật nặng mới yên được. Ông Tuấn đưa ra đề nghị là buộc thôi việc Lương Ngọc An, người đang làm hợp đồng, giúp việc tòa soạn của Văn nghệ trẻ, cảnh cáo Nguyễn Thành Phong, trưởng ban và Bảo Ninh, biên tập viên đã mang truyện "Đi" về tòa soạn. Nếu cần thì cảnh cáo thêm cả tôi nữa, ông Tuấn dè dặt nói thêm.

Mình ngẫm nghĩ rồi đề nghị rằng, anh Lương Ngọc An thì chả có chức gì để cách cả, mà cho thôi việc thì khổ vợ con nữa, vậy thì nên áp kỷ luật là cách chức trưởng ban của tôi, cảnh cáo Lương Ngọc An và Bảo Ninh, còn anh Tuấn, thì chỉ nên khiển trách. Ông Trường lại cười khờ khờ, nói, nếu ổn được thì cứ thế mà làm. Nguyễn Quang Thiều đứng lên, hạ chai rượu từ bàn thờ xuống bảo, xin mở chai này gọi là rượu chém tướng. Làm như thế thì coi như là Thiều bỏ phiếu thuận với đề nghị của mình. Cuộc họp kết thúc, thành cuộc rượu giữa cái lạnh đang kéo về thêm.

Sau rồi các mức kỷ luật được ban ra đúng như mình đề nghị, chỉ riêng Trương Vĩnh Tuấn là chỉ bị "phê bình nghiêm khắc trước toàn cơ quan". Lại nghe Nguyễn Bình Phương cũng an toàn, chỉ bị chậm lên quân hàm một năm. Vụ truyện ngắn "Đi" này cũng lắm hài nhiều bi, để khi nào đó, mình sẽ viết lại cho đầy đủ.

Mình lại nhớ ông Trường hỏi mình sau khi đã xử lý vụ việc xong, này năm nay ông bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Mình đáp, em sắp sang tuổi bốn mươi. Ông Trường lại cười khờ khờ, nói thích nhỉ, đời còn dài thế, sẽ còn lắm sướng, nhiều khổ đấy, thì cứ vui sống đi, chứ như tôi, đã sắp hết đời đến nơi rồi.

Đúng là sau đấy mình cứ vui sống, rồi cũng thấy thật đúng là lắm sướng, nhiều khổ. Ông Trường sau đó sang tham gia lãnh đạo Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Người ta đã nói dưới thời ông Trung Trung Đỉnh và ông Trường lãnh đạo, Nhà xuất bản này đã ra được nhiều cuốn sách rất trứ danh. Công ấy mình cho rằng không phải là do chính ông Trường thường chả coi trọng cũng chả coi nhẹ việc gì, mà là do có những biên tập viên dám làm dám chơi. Mà cộng sự đã dám làm dám chơi, thì ông Trường, ông Đỉnh cũng không ngán, nên mới thành ra được như thế.

Nguyễn Khắc Trường, sau cuốn tiểu thuyết "ghê gớm" về người và ma ấy, chắc cũng thấy đã đủ rồi, có cố cũng chả hơn được nữa. Lại biết văn chương thì rất đáng trọng, nhưng chả đủ để cải biến hiện thực, nên ông cũng không thèm thiết tha việc gì thêm nữa. Chả sao, với một nhà văn, chỉ cần để lại cho hậu thế một tác phẩm thế, thì tên tuổi sẽ không bị lãng quên.

NGUYỄN THÀNH PHONG 09.10.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.