vendredi 18 octobre 2024

Đặng Đình Mạnh - Giải mã hiện tượng Nguyễn Phương Hằng

Nguyên thủy, trong phiên tòa cấp sơ thẩm, bà Nguyễn Phương Hằng, chủ Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) đã bị tuyên hình phạt 3 năm tù giam về tội danh theo điều 331 Bộ luật Hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm…”.

Đến tháng Tư 2024, dù không kháng cáo, nhưng phiên tòa cấp phúc thẩm đã “linh động” giảm cho bà Phương Hằng 3 tháng tù giam, còn lại 2 năm 9 tháng tù giam. Tuy vậy, đến cuối trung tuần tháng Chín 2024, khi đã thụ án 2 năm 6 tháng tù giam, thì bà được chế độ Cộng Sản trong nước trả tự do sớm khi được giảm hình phạt thêm 3 tháng nữa.

Như bù lại những ngày lao tù kéo dài đến 2 năm 6 tháng, cho nên, chỉ sau 10 ngày được tự do, ngày 29 tháng Chín 2024, bà đã tổ chức lại buổi livestream khá ồn ào tại Khu du lịch Đại Nam, nơi bà và chồng là chủ sở hữu.

Để công chúng hâm mộ có thể chia vui với sự tự do của mình và để bảo đảm buổi livestream có lượng khán giả đông đảo, bà đã mở cửa miễn phí cho khách vào tham quan khu du lịch.

Video quay hình về buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng được chia sẻ tràn ngập các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, TikTok... Khiến công chúng nhớ lại những ngày bà cũng đã làm mưa gió trên các nền tảng mạng xã hội tại thời điểm trước khi bị bắt giữ vào hạ tuần Tháng Ba 2022.

Khi ấy, số lượt theo dõi các kênh riêng của bà, cũng như số lượt xem từng video do các kênh ấy đăng tải lên đến số hàng chục vạn, thậm chí, tiếp tục tăng dần lên đến con số hàng triệu người xem sau đó. Người theo dõi và xem các buổi livestream của bà không chỉ là người Việt trong nước mà cả người Việt đang sinh sống ở nước ngoài.

Vấn đề mang tính xã hội khi bà Phương Hằng, không phải là học giả nổi tiếng, không xuất thân từ giới nghệ thuật biểu diễn, cũng không cần công nghệ “lăng-xê”, mà chỉ với sự hoạt ngôn đã trở nên “ăn khách”, thu hút đông đảo số lượng công chúng quan tâm đến mức như vậy?

Nếu căn cứ về nội dung các buổi livestream của bà, có thể tạm chia ra làm hai giai đoạn.

Trong giai đoạn đầu, bà Phương Hằng “bóc phốt” (vạch mặt) các cá nhân nổi tiếng, đã có các hành vi lừa đảo, bội tín về tài chính đối với công chúng khi điểu trị bệnh tật hoặc tổ chức quyên góp làm từ thiện, cứu trợ … gồm một người thường được gọi là “Thần y” và nhiều nghệ sĩ.

Những buổi livestream trong giai đoạn này đã mang đến những hiệu ứng khá tích cực, được phần lớn công chúng theo dõi đồng tình. Nhiều nghệ sĩ đã vội vàng giải ngân các khoản tiền đã nhận quyên góp để trao gởi đến người dân hoặc xuất trình các khoản thu chi để minh bạch tài chính.

Trong giai đoạn tiếp theo, các buổi livestream của bà trở thành những buổi chửi bới thô tục, đấu tố một chiều về bất kỳ người nào đã từng chỉ trích bà trên mạng xã hội. Kể cả, bà can dự vào các câu chuyện được nhờ phát ngôn. Trong đó, bao gồm cả nghi án “loạn luân” tại Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. Theo đó, bà dự định ban phát công lý khi đến tận nơi tu hành của những tu sĩ tại Đức Hòa, Long An để “hỏi tội”.

Tương tự thế, bà cũng đã làm một chuyến du hành đến tư gia một nữ “đối thủ” cãi vã trên mạng xã hội, cũng để “hỏi tội”. Mỗi chuyến đi như vậy đều được thông báo rộng rãi, thu hút hàng nghìn người dân ủng hộ hoặc hiếu kỳ đến tràn ngập nơi ở của nạn nhân.

Với những người dễ dãi, họ thấy ở bà Phương Hằng có đủ mọi điều nằm trong ước mơ của mình, như sự giàu có, nổi tiếng, dám ăn, dám nói và đầy hào hiệp. Bà vung tay bằng những khoản tiền hậu hỉ để cứu trợ, bà đang sửa trị tệ nạn xã hội, bà ban phát công lý cho người đang phải chịu đựng bất công… Theo đó, bà Phương Hằng đang thay mặt họ thực hiện giấc mơ mà họ biết rằng chẳng bao giờ có được trong cuộc đời này, dưới chế độ này.

Trong đó, bao gồm cả ẩn ức chung của đám đông muốn biểu đạt chính kiến của mình về hàng loạt vấn đề xã hội, về những quan chức bất xứng, về tệ nạn tham nhũng, cửa quyền, về nạn bất công tràn lan đến với họ, với người thân… Nhưng trước sự đàn áp khốc liệt, không cần che dấu của chế độ Cộng Sản đã khiến họ không dám tỏ bày. Nay bà thay mặt họ giải tỏa những ẩn ức đó. Kể cả việc bà gọi đích danh quan chức chính quyền để chỉ trích, phê phán.

Cho nên, đối với họ, bà Phương Hằng chẳng khác gì là người hùng. Và điều đáng nói là chính bà cũng tin như vậy. Nếu không, thì đã chẳng có những ca từ mà bà sáng tác trên nền nhạc của người khác: “Vì sao tôi thương dân, vì sao dân thương tôi”.

Cho đến trước thời điểm bị bắt giữ vài ngày, trong một buổi livestream, bà Phương Hằng phê phán, chỉ trích đích danh ông Phan Văn Mãi, khi ấy đang là người đứng đầu chính quyền Sài Gòn, thành phố lớn nhất quốc gia. Sự kiện này như giọt nước tràn ly khiến bà bị khởi tố hình sự trong ít ngày ngay sau đó. Vì lẽ, sự thu hút công chúng quá lớn, cả kẻ yêu, người ghét đã đủ để bà đã trở thành mối thách thức, nguy hại tiềm ẩn về an ninh đối với chế độ.

Sau 2 năm 6 tháng thụ án tù giam, bà trở về với tự do. Thế nhưng, sự ảo tưởng của đám đông dễ dãi đối với bà và của bà đối với đám đông hầu như vẫn còn nguyên vẹn, chưa kể rằng, những ngày lao tù giúp cho bà gia tăng “số má” như một nạn nhân của chính quyền. Do đó, bà vẫn tiếp tục lộng ngôn với những lời lẽ đao to, búa lớn. Thậm chí, bà còn hứa hẹn sẽ “bóc phốt” cả hành giả Thích Minh Tuệ, một tu sĩ rất được công chúng mến mộ.

Nhìn chung, dưới khía cạnh xã hội. Nếu quyền tự do ngôn luận được chế độ tôn trọng, tham nhũng bị tiệt trừ, bất công không còn, thì những buổi livestream của bà Phương Hằng sẽ không còn mấy đất sống và cũng không còn được đám đông chờ đợi đón xem để tung hô như đã từng. Vì họ có thể tự lên tiếng chứ không cần mượn nhờ đến ai.

Cũng vậy, nếu có một nền tư pháp hữu hiệu, thì đám đông đã có thể tìm kiếm công lý chứ không cần phải qua sự hào hiệp của bà Phương Hằng… Tương tự như thế với mọi vấn đề khác của xã hội.

Cho nên, nói không quá, hiện tượng Phương Hằng chính là sản phẩm quái thai được sinh ra và dung dưỡng bởi chính chế độ Cộng Sản. Không tin, cứ nhìn ra thế giới bên ngoài sẽ thấy: Trong các xã hội văn minh, tôn trọng tự do, dân chủ và nhân quyền, thì không ở đâu và cũng không khi nào có một hiện tượng tương tự Phương Hằng xuất hiện.

ĐẶNG ĐÌNH MẠNH 15.10.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.