(Nhân cái đề thi ví nhà văn như thằng đóng gạch!)
Hồi khoảng độ tháng 6/1985, bọn tôi sắp được ra quân. Cả lũ lính này được trung đoàn tập trung hết vào một chỗ, sai đi đóng gạch "xây kỷ niệm trung đoàn cái hội trường". Định suất là 250 viên gạch phơ lên cáng một ngày.
Thằng nào cũng hiểu, cuối đợt họ kiểm mà thiếu, chắc chắn sẽ bị giữ quyết định ra quân lại. Mà...
"Cầm vàng còn sợ vàng rơi
Cầm tờ quyết định đời đời ấm no"!
Tay nào đã qua lính biên đều thuộc lòng câu ca dao này. Bởi thế, sau khi lĩnh một cái cuốc, một cái xẻng, một thau tát nước, một kéo cắt đất, một cái khuôn...là thằng nào thằng ấy cắm đầu vào vỡ đất, băm đất, giẫm đất, lên hòn, và bắt đầu đóng gạch cho kịp phơi nắng, chiều lên cáng.
Nhưng với bọn chuyên lao động chân tay, và nhất là bọn đã từng đóng gạch chuyên nghiệp ở nhà thì còn đỡ. Với mình và lão Huyến (sau là bác sĩ ở bệnh viện Việt - Đức), dân học trò vào lính, là một cực hình! Dù có làm lăn lóc như trâu cả ngày dưới nắng chang chang, hai thằng cũng chỉ đóng được cỡ 80- 100 viên một người! Quá mệt rồi, không kham nổi.
Hai thằng nói vụng với nhau: "Kệ mẹ chúng nó, sức người có hạn, cố hết sức chỉ làm được vậy, cho ra thì ra, không thì thôi!"
Cùn rồi...
Thế nhưng bọn tôi có số giời phò: Đúng sáng mai ban doanh trại trung đoàn xuống nghiệm thu thì, đêm ấy trời đổ một trận mưa khủng khiếp, như trút nước xuống, khiến cho không một cái phên nứa nào che nổi: Toàn bộ gạch phơ hóa bùn ráo! Thế là hòa cả làng. Tôi và lão Huyến đều ra quân sau đó. Sau này thỉnh thoảng rủ nhau đi ngồi bia hơi Hà Nội, vẫn nhắc lại: "Hồi ấy tụi mình may thật!"
Đấy là chuyện đóng gạch hồi ở lính. Nay làm nhà văn, được người ta ví như thằng đóng gạch, nghĩ cũng phải: Xưa chẳng đi đóng gạch mãi còn gì!
TRẦN THANH CẢNH 04.06.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.