Ngôn ngữ tiếng Việt, tức từ ăn nói (ngôn) đến chữ viết (ngữ), phân biệt rất rõ: sông, suối, khe, ngòi, lũng, rạch… là dòng chảy tự nhiên; kinh/kênh, mương, cống, rãnh… là dòng chảy nhân tạo.
Từ xưa tới ít nhất đầu thập niên 1990, tức sau 1975 gần hai chục năm, ăn nói lẫn văn bản, bản đồ đều ghi rõ Nhiêu Lộc, Thị Nghè, Văn Thánh… này kia là rạch; Tẻ, Đôi, Hàng Bàng… này nọ là kinh. (Hai con rạch Nhiêu Lộc, Thị Nghè qua nơi nào có khi còn mang tên - không chính thức - nơi đó như rạch cầu Kiệu, rạch Trương Minh Giảng, rạch Ông Tạ…).
Ngay khi mới tới miền Nam, người Pháp đã nhận ra ngay việc phân định này của người Việt, đều gọi và ghi rõ trên các bản đồ: rạch là arroyo, kinh là canal.
Thậm chí trên hầu hết bản đồ, họ ghi luôn tiếng Việt: rạch, kinh. Như trên Plan de Saigon - Cholon (bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn) năm 1923, họ ghi rạch Nhiêu Lộc, arroyo d’Avalanche (tức rạch Thị Nghè, Avalanche là tên con tàu thám thính đầu tiên của Pháp tiến vô rạch Thị Nghè khi đánh thành Gia Định), arroyo Chinois (rạch Tàu Hủ, người Việt trước đó gọi là rạch Bến Nghé) … Còn con kinh đào bao bọc Sài Gòn - Chợ Lớn gọi là canal de Ceinture (kinh Vòng Thành/Bao Ngạn/Thắt Lưng)… 100 % bản đồ xưa, sách báo cũ đều ghi như vậy.
Trong bài nói chuyện ở trường Thông ngôn “Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs” (Ký ức lịch sử Sài Gòn và các vùng phụ cận/ngoại ô - ấn hành năm 1885), nhà bác học Trương Vĩnh Ký ghi và phân biệt rành mạch cách gọi kinh (canal) hay rạch (arroyo) này.
Gần đây, trên các văn bản, thông tin truyền thông lẫn bản đồ, trong khi đa số các con rạch ở TP.HCM vẫn là rạch (rạch Lăng, rạch Bà Đô, rạch Cầu Bông, rạch Văn Thánh…) thì rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bỗng thành kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Rạch Tàu Hủ bỗng thành kênh Tàu Hủ; kinh Đôi, kinh Tẻ… này nọ cũng thành kênh (may mà cây cầu bắc qua kinh Thanh Đa đào từ thời Pháp vẫn còn tên cầu Kinh dù kinh Thanh Đa đã thành kênh Thanh Đa).
Gần đây, sau khi làm xong đại lộ Mai Chí Thọ, có hai cây cầu trên đường này tên cầu Kênh 1, cầu Kênh 2 dù nó bắc qua mấy con rạch bao nhiêu đời nay nơi đây.
Đây không phải là chuyện bắt bẻ câu chữ kiểu “bới bèo ra bọ” mà những từ này nói lên địa hình khu vực dòng chảy. Dòng chảy tự nhiên luôn là dòng nước ở nơi có địa hình thấp trũng, theo nguyên lý “nước chảy chỗ thấp”. Dòng chảy nhân tạo thường ở nơi có địa hình cao, nước khó chảy tới, phải đào đất hạ thấp cao độ để tạo điều kiện cho nước chảy qua.
Sự phân biệt này cũng là hình dung của việc sống chung, cách chống ngập theo từng khu vực này ra sao.
Trong hầu hết các bài viết của mình trên sách báo, Facebook… cho tới giờ tôi vẫn gọi là rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Vì tôi nghĩ gọi kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là sai từ ngôn ngữ, văn hóa đến khoa học, lịch sử. Cái sai ấy hiện vẫn sờ sờ trước mắt thiên hạ.
Cải tạo, chỉnh trang, chống ngập… gì thì cứ làm. Nhưng cần trả lại rạch cho Nhiêu Lộc - Thị Nghè, như nó vốn như vậy mấy trăm năm trước. Không nên mặc nhiên chấp nhận nói sai riết thành đúng. Như tên riêng (làng) Tân Sơn Nhứt bị đổi thành Tân Sơn Nhất.
CÙ MAI CÔNG 05.06.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.