samedi 15 juin 2024

Nguyễn Thanh Huy - Có nên chăng khi ta tự tưởng tượng quá xa ?


Sau khi sư Minh Tuệ trải qua một đêm dài ở Huế, vừa trở về đất mẹ Gia Lai, chưa ấm chỗ thì bỗng dưng người ta bàn chuyện đưa thầy đi xuất ngoại.

Có thể nói, đây là một việc không nên có, không nên đưa lên bàn luận mổ xẻ. Vì lẽ, nó được xây dựng trên một ý nghĩ không có thật, một giả tưởng do chúng ta quá lo lắng mà tự vẽ ra.

Câu chuyện có lẽ bắt đầu từ một video do Công an Gia Lai đăng tải về hình ảnh sư Minh Tuệ đi nhận căn cước công dân. Trong video này có người hỏi rằng: “Có căn cước công dân rồi biết đâu một cơ duyên nào đó được về thăm Đức Phật ở Ấn Độ chẳng hạn, ông nghĩ sao về điều này?”

Rõ ràng, đây là một câu hỏi với dụng ý muốn nhấn mạnh đến giá trị của căn cước công dân và việc chính quyền chủ động cấp căn cước cho sư Minh Tuệ là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa.

Vì sao họ phải hỏi câu này?

Cần nhớ rằng trước đó sư không có ý chấp dính gì với đời sống thế tục, sư xả ly tất cả những quyền lợi vật chất và ngay cả thân mạng của mình. Đó là pháp tu mà ông đang thực hành. Nhưng luật pháp Việt Nam đòi hỏi mọi công dân đều bình đẳng và phải tuân thủ. Vì thế ông cũng hoan hỉ đón nhận. Hiểu cho cùng thì ông vẫn đang thực hành pháp tu ấy. Vì nếu bận tâm vào việc mình bị / được cấp thì lại rơi vào chấp dính chính việc này.

Khi được hỏi, ông đã trả lời rất vô tư, bình thường về việc “Được về thăm Đức Phật và đảnh lễ nơi bốn thánh địa của Đức Thế Tôn thì cũng đều tốt đẹp”, và ông cũng nói ước mong ngày xưa có cái duyên nào đó mình “bộ hành về Ấn Độ đảnh lễ”…

Là Phật tử chân chính, nhất là những bậc chân tu thì ai chẳng muốn có cơ hội về thánh tích Phật giáo một lần để mà tận mục sở thị và đảnh lễ Đức Thế Tôn. Thực hiện được điều đó không chỉ có ý nghĩa thuần túy như một chuyến thăm viếng mà còn sẽ củng cố niềm tin kiên định, mạnh mẽ hơn về chánh pháp Như Lai.

Ngay ở Việt Nam, thánh địa Yên Tử, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập và nhập diệt, mà ca dao ta còn có câu:

“Trăm năm tích đức tu hành,

Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu.”

Đấy là sự kính ngưỡng, niềm tin vào những bậc giác ngộ và khí thiêng vẫn tụ hội ở đó, cho dù họ có vắng bóng từ lâu khỏi chốn Tà Bà.

Cũng cần lưu ý kỹ hơn rằng khi sư Minh Tuệ trả lời còn dùng chữ “ước mong ngày xưa”.

Ngoài ra, xin nói thêm, căn cước công dân là nghĩa vụ bắt buộc đối với mỗi người công dân Việt Nam, nhưng hộ chiếu lại là thứ khác, nó chỉ bắt buộc khi người ta muốn có quyền lợi và nhu cầu đi nước ngoài. Do đó không ai có quyền áp đặt hay ép uổng.

Vậy mà, từ câu chuyện này người ta đã tưởng tượng ra quá xa, cứ như thể nói thay cho ý nguyện sư Minh Tuệ, cứ như thể đó là bước đi tiếp theo mà ông nên làm, phải làm.

Khi chưa tìm ra những giải pháp khả dĩ để tháo gỡ tình trạng dân tụ tập quá đông, quấy nhiều đến việc tu tập và những sinh hoạt cá nhân của ông, thì không chừng người ta lại đẩy ông vào một trở ngại lớn hơn.

Tựu trung, một lần nữa khẳng định rằng việc xuất ngoại là không nên bàn, không nên có và không đáng để mổ xẻ, vì nó được hình thành trên một giả định, một lát cắt từ một câu hỏi. Trong khi tâm tư, ý nguyện của ông và quyết định trong từng hoàn cảnh nảy sinh đối với ông, tất thảy đều không ai hay biết. Thôi thì, vạn sự tùy duyên. Điều mà mọi người có thể làm được chỉ diễn ra ngay chính thời khắc hiện tại. Cũng như nhà Phật dạy, quá khứ nên bỏ qua, tương lai không ai biết, chỉ có chánh niệm tỉnh thức ngay trong từng sát na sắp trôi qua.

NGUYỄN THANH HUY 14.06.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.