jeudi 20 juin 2024

Lê Học Lãnh Vân - Vĩnh biệt chàng trai Hà Nội


Ôi chao, anh Tiến, nhà văn Vũ Ngọc Tiến, đã mất rồi!

Trong vòng một tháng, mới ngồi dùng buổi sáng với anh tại buổi họp bạn Văn Việt nhân dịp anh Trương Vũ, anh chị Ngu Yên về Việt Nam, rồi lại ngồi với anh tại nhà chị Ý Nhi, dùng cháo lòng do anh đặt mang tới cùng với chai vang đãi bằng hữu.

Thật ra, tôi cũng chỉ mới thường ngồi với anh vài năm lại đây thôi, cũng khoảng hai chục lần gặp mặt hay cùng đi thăm bạn văn đau yếu. Vài năm nhưng tình anh em đủ sâu đậm! Khi còn bôn ba sinh kế, khoảng năm 1995, trong một lần ghé thăm quán cơm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bên kia cầu Paul Doumer, tôi được loáng tháng nghe nhà văn nhắc tên Vũ Ngọc Tiến. Nghe tên, chưa gặp người.

Gần hai mươi lăm năm sau mới có dịp gặp chàng trai Vũ Ngọc Tiến một thủa hào hoa. Làng Yên Thái qua lời kể của anh thật bàng bạc tiếng chày quyện sương. Các làng xung quanh đấy đều nhờ ông nội anh viết bài văn, câu đối. Anh chỉ kể vậy thôi, nhưng tôi biết người xưa không chỉ trọng văn hay chữ tốt, mà quý nhất là nếp nhà đạo đức, đạo đức không chỉ của một người mà cả một tộc họ. Và nhà đó phải là đại gia, đại gia theo nghĩa xưa, nghĩa là có nhiều con cháu thành đạt, giữ nếp nhà thanh quý nhiều đời, được người trong vùng trọng vọng. Đó là tiêu chuẩn của người được mời viết chữ!

Anh nhận xét tôi có hình thức Sài Gòn mà nội dung Hà Nội. Nhận xét này cũng tương tợ nhận xét của một bạn học và bạn văn Vũ Thế Thành. Lãnh Vân có cốt cách người Hà Nội trước năm 1956, anh Tiến nói.

Nghe tôi kể những mối liên hệ văn hóa, học thuật của gia đình và của riêng tôi với Hà Nội, anh gật gù. Văn hóa thấm sâu lắm, Lãnh Vân! Mà, càng thấm sâu càng không phân biệt vùng miền. Lạ thế đấy Lãnh Vân, mình vừa tự hào vùng đất mình sinh ra, vừa yêu quý vùng đất khác. Quả như anh Tiến nói, nhớ lần đầu tiên thăm Hà Nội năm 1995, tôi có cảm giác thăm quê hương vì đâu đâu trên đất Bắc cũng bàng bạc hình ảnh và nếp sống thân quen!

Em nghe nhiều người nói Hà Nội giờ không còn Hà Nội gốc, sao em thấy dưới lớp bụi dày văn hiến vẫn còn đó. Anh có thấy vậy không?

Anh Tiến trả lời rằng anh không biết. Thay đổi quá nhiều và quá nhanh khiến mình không dám chắc gì điều gì hết. Mình thấy Lãnh Vân thật sung sướng, yêu quê hương một cách hồn nhiên. Mình không được thế. Nhiều chuyện xảy ra khiến mình không được thế! Có chuyện muốn nhớ, không nhớ nổi. Có chuyện muốn quên, không quên được! Tại tuổi tác hay tại thời cuộc quá nhiều chuyện làm mệt mỏi đầu óc?

Câu nói sau đây của anh Tiến khiến nghe xong tôi nhìn khá lâu vào khuôn mặt anh.

Quê hương bình yên là quê hương biết yêu mình. Quê hương mình không bình yên! Không bình yên từ thủa Mẹ mình còn trẻ, từ thủa quê mình còn rất đẹp…

Quê hương không yêu con người của nó nên mới biến con người thanh lịch hào hoa thành tham lam, thô bỉ. Thời Pháp thuộc, bị ngoại nhân đô hộ mà con người sống khí khái, kiêu hãnh, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, thà mất tất cả chứ không chịu làm nô lệ. Bây giờ nước độc lập thì sống ngậm miệng, cúi đầu trước bất công và làm nô lệ cho tham muốn thấp hèn của mình. Có phải anh em chúng ta đang chứng kiến sự băng hoại ngự trị trên vùng đất thiêng văn hiến?

Anh Tiến ơi, làm sao quên được buổi sáng cuối năm ngoái ấy, tình cờ gặp anh góc đường Bến Vân Đồn và Nguyễn Trường Tộ. Lãnh Vân rủ anh mua cà-phê mang lên sân thượng tầng 34 tòa nhà Saigon Royal nhìn xuống ngã ba sông Sài Gòn và sông Bến Nghé. Nhớ anh, Lãnh Vân nhớ nắng ngày ấy, nhớ những lời anh em tâm sự nhau khi nhìn ra ngã ba sông lăn tăn triệu hạt sóng nắng Bến Nhà Rồng…

Hôm ấy, Lãnh Vân đọc cho anh nghe hai câu của cụ Đồ Chiểu viết về quân Pháp đánh vô Sài Gòn,

Bến Nghé của tiền tan bọt nước

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.

Vĩnh biệt anh, anh Vũ Ngọc Tiến nhé! Sóng sông Sài Gòn sẽ mãi lấp loáng trong lòng Lãnh Vân hình ảnh chàng trai Hà Nội ấy…

LÊ HỌC LÃNH VÂN 19.06.2024

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.